Christus Vivit: Chương 3 Số 81-94

Christus Vivit: Chương 3 Số 81-94

Bản dịch của Lm Lê Công Đức

 

Những khao khát, những tổn thương, và những tìm kiếm

  1. Người trẻ ý thức rằng thân xác và tính dục có một tầm quan trọng thiết yếu cho đời sống và cho tiến trình trưởng thành trong căn tính của họ. Nhưng trong một thế giới thường xuyên tôn thờ tính dục, việc giữ gìn một mối tương quan lành mạnh với thân xác mình và giữ một đời sống tình cảm yên ả thì không hề dễ dàng. Vì lý do này và nhiều lý do khác, luân lý tính dục thường được thấy như một nguồn gây “khó hiểu và dị ứng đối với Giáo hội, trong mức độ mà Giáo hội được coi như một nơi phán xét và lên án”. Tuy nhiên, người trẻ cũng biểu lộ “một khát vọng rõ ràng muốn thảo luận những vấn đề về sự khác biệt giữa căn tính nam và nữ, về tính hỗ tương giữa hai giới, và về tình dục đồng giới”. [34]
  2. Trong thời đại chúng ta, “những tiến bộ trong khoa học và trong các công nghệ y khoa-sinh học tác động mạnh mẽ trên những nhận thức về thân xác, dẫn tới ý tưởng rằng thân xác có thể mở ra cho sự biến đổi không giới hạn. Khả năng can thiệp vào ADN, khả năng đưa những yếu tố nhân tạo vào trong sinh vật (cyborgs) và sự phát triển của các khoa thần kinh cho thấy một nguồn lực lớn lao, nhưng đồng thời chúng cũng làm bật lên những vấn đề nghiêm trọng về nhân học và đạo đức”. [35] Chúng có thể làm ta quên rằng sự sống là một quà tặng, và quên rằng chúng ta là thụ tạo với những giới hạn cố hữu, rất dễ bị khai thác bởi những kẻ nắm giữ sức mạnh công nghệ. [36] “Hơn nữa, nơi một số nhóm trẻ, có một xu thế ngày càng tăng việc hành xử liều lĩnh, coi đó như một cách thăm dò chính mình, tìm kiếm cảm giác mạnh và lôi cuốn sự chú ý… Những thực tế này – vốn đang hoành hành nơi các thế hệ trẻ – là một chướng ngại trong tiến trình trưởng thành tự nhiên của họ”. [37]
  3. Người trẻ cũng kinh nghiệm những bế tắc, những thất vọng và những ký ức đau đớn sâu xa. Họ thường cảm thấy “nỗi đau của những thất bại trong quá khứ, những vỡ mộng, những kinh nghiệm về sự phân biệt đối xử và bất công, về cảm giác mình không được yêu thương và đón nhận”. Rồi, cũng “có những tổn thương luân lý, sự đè nặng của những lỗi lầm trong quá khứ, và một mặc cảm tội lỗi vì mình đã phạm các sai lầm”. [38] Giữa những thập giá này mà người trẻ phải mang vác, Đức Giêsu cho thấy sự hiện diện của Người; Người trao cho họ tình bạn của Người, sự đồng hành đầy sức an ủi và chữa lành của Người. Giáo hội muốn trở thành khí cụ của Đức Giêsu trên con đường này, con đường dẫn đến sự chữa lành và sự bình an nội tâm.
  4. Nơi một số người trẻ, chúng ta có thể nhận thấy một khát vọng Thiên Chúa, dù vẫn còn mơ hồ và còn rất xa lạ với sự hiểu biết về vị Thiên Chúa của mặc khải. Nơi những người trẻ khác, chúng ta có thể thoáng thấy một lý tưởng về tình huynh đệ giữa con người, điều này không hề nhỏ nhoi chút nào. Nhiều bạn trẻ có một khát vọng chân thành muốn phát triển các tài năng của mình để cống hiến một cái gì đó cho đời. Nơi một số bạn trẻ, chúng ta thấy một sự nhạy cảm đặc biệt với nghệ thuật, hay một khao khát hòa điệu với thiên nhiên. Có lẽ nơi một số khác, ta thấy một mối quan tâm lớn đối với truyền thông. Nơi nhiều người trong họ, chúng ta gặp một khát vọng sâu xa muốn sống đời mình một cách mới mẻ. Trong tất cả những điều này, chúng ta có thể nhận ra những khởi điểm thật sự, những nguồn lực nội tại đang chờ nhận được một lời kích hoạt, soi sáng và khích lệ.
  5. Thượng hội đồng quan tâm cách riêng tới ba lãnh vực có tầm quan trọng nhất. Ở đây tôi muốn dẫn lại các đúc kết của Thượng hội đồng, với ý thức rằng các đúc kết này mời gọi ta phân tích kỹ hơn và phát triển một khả năng đáp ứng thích hợp và hữu hiệu hơn.

Môi trường kỹ thuật số

  1. “Môi trường kỹ thuật số là đặc trưng của thế giới hiện đại. Những lãnh vực rộng lớn của con người được đưa vào trong đó, một cách thông thường và liên tục. Vấn đề không còn duy chỉ là ‘dùng’ các công cụ truyền thông, nhưng vấn đề là sống trong một nền văn hóa kỹ thuật số cao độ vốn có một tác động sâu xa trên các ý niệm về thời gian và không gian, trên việc chúng ta nhận hiểu chính mình, nhận hiểu người khác và thế giới, và trên khả năng liên lạc, học tập, tiếp cận thông tin và đi vào mối tương quan với người khác. Một cách tiếp cận thực tại thiên về hình ảnh hơn là nghe và đọc đã ảnh hưởng đến cách người ta học tập cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển khiếu phê bình của họ”. [39]
  2. Internet và các mạng xã hội đã tạo ra một cách thức mới để truyền thông và thiết lập tương quan. Chúng là “một quảng trường công cộng, nơi mà người trẻ tiêu tốn phần lớn thời gian của mình và gặp gỡ người khác khá dễ dàng, cho dù không phải ai cũng có cơ hội như nhau để tiếp cận nó, cách riêng tại một số vùng trên thế giới. Chúng cung cấp một cơ hội phi thường để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi giữa người này và người khác, cũng như để tiếp cận thông tin và tri thức. Hơn nữa, thế giới kỹ thuật số là một thế giới của việc dấn thân chính trị xã hội và hoạt động dân sự, nó giúp phổ biến các thông tin độc lập, cung ứng sự bảo vệ hữu hiệu cho những người yếu đuối nhất và lên tiếng công khai về những vụ xâm phạm các quyền của họ. Tại nhiều quốc gia, internet và các mạng xã hội đã làm nên một diễn đàn vững chắc để tiếp cận với người trẻ, cách riêng trong các sáng kiến và các hoạt động mục vụ”. [40]
  3. Nhưng để hiểu hiện tượng này cách toàn diện, chúng ta cần nhận ra rằng cũng như mọi thực tại con người, nó cũng có những giới hạn và khiếm khuyết. Thật không lành mạnh nếu nhập nhằng đánh đồng sự truyền thông liên lạc với sự tiếp xúc hoàn toàn ảo. Thật vậy, “môi trường kỹ thuật số cũng là một môi trường của sự cô đơn, dẫn dụ, bóc lột và bạo lực, đến mức quá quắt như trường hợp các ‘web đen’. Truyền thông kỹ thuật số có thể đặt người ta trước nguy cơ nghiện ngập, cô lập và dần dần đánh mất sự tiếp xúc với thực tế cụ thể, làm bế tắc sự phát triển các tương quan liên vị đích thực. Những hình thức bạo lực mới đang tràn lan thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn việc uy hiếp trên mạng. Internet cũng là một kênh truyền bá khiêu dâm và khai thác người ta cho những mục tiêu tình dục hay cho hoạt động cờ bạc”. [41]
  4. Không được quên rằng “có những lợi nhuận kinh tế khổng lồ vận hành trong thế giới kỹ thuật số, nó có thể có những hình thức kiểm soát vừa rất tinh vi vừa rất lan tràn, tạo ra cơ chế cho việc dẫn dụ lương tâm người ta và sự lừa mị tiến trình dân chủ. Cách thế mà nhiều diễn đàn làm việc thường dẫn đến chỗ ủng hộ sự gặp gỡ giữa những người có suy nghĩ giống nhau, tránh cho họ khỏi bị tranh cãi. Những nhóm đóng kín này dễ tạo điều kiện cho sự lan truyền tin giả và thông tin không đúng, kích động thành kiến và đố kỵ. Việc tuyên truyền tin giả là sự thể hiện của một nền văn hóa đã đánh mất cảm thức sự thật, nó bóp méo các sự thật để phục vụ cho lợi ích riêng. Thanh danh của các cá nhân bị lâm nguy bởi những ‘phiên tòa rút gọn’ được tiến hành trên mạng. Giáo hội và các mục tử của Giáo hội cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của hiện tượng này”. [42]
  5. Một tài liệu chuẩn bị hội trước Thượng hội đồng, được thực hiện bởi ba trăm bạn trẻ trên khắp thế giới, đã chỉ ra rằng “những mối tương quan trên mạng có thể trở thành phi nhân. Không gian kỹ thuật số làm ta mờ mắt, không nhìn thấy tình trạng dễ tổn thương của người khác, và nó ngăn cản ta phản tỉnh. Truyền thông khiêu dâm, chẳng hạn, làm méo mó nhận thức của người trẻ về tính dục con người. Công nghệ được dùng theo cách này tạo ra một thực tế hàm hồ có tính đánh lừa, không quan tâm đến phẩm giá con người”. [43] Đối với nhiều người, việc chìm đắm trong thế giới ảo dẫn tới một kiểu “di cư kỹ thuật số”, nó làm cho người ta rút khỏi gia đình, rút khỏi các giá trị văn hóa và tôn giáo, để đi vào trong một thế giới của cô đơn và tự dò dẫm, kết quả là họ cảm thấy bị bật rễ ngay cả dù trong thực tế mình vẫn còn ở đó. Những lối sống mới và cuồng nhiệt của những người trẻ muốn khẳng định tính cách của mình ngày nay đang đương đầu với một thách đố mới: đó là việc tương tác với một thế giới thực và ảo mà họ bước vào một mình, dường như họ đặt chân đến một lục địa chưa hề được khám phá. Người trẻ hôm nay là những người trước hết phải thực hiện sự tổng hợp này giữa những gì là cá vị, những gì là riêng biệt của mỗi nền văn hóa, và những gì là phổ quát. Điều này có nghĩa họ phải tìm ra những cách thế để đi qua sự tiếp xúc ảo và tiến đến sự liên lạc tốt đẹp và lành mạnh.

Di dân, một kiểu thức của thời đại chúng ta

  1. Làm sao chúng ta có thể không nghĩ đến tất cả những người trẻ bị ảnh hưởng bởi những làn sóng di dân? “Di dân, nhìn tổng quát, là một hiện tượng có tính cấu trúc chứ không phải một trào lưu nhất thời. Nó có thể diễn ra trong một nước hay giữa các nước khác nhau. Mối quan tâm của Giáo hội đặc biệt tập chú vào những người chạy tránh chiến tranh, bạo lực, tránh sự bách hại vì lý do tôn giáo hay chính trị, hay chạy tránh các thiên tai, bao gồm cả những tai họa do sự biến đổi khí hậu, và chạy tránh tình trạng nghèo đói cùng cực. Nhiều người trong họ còn rất trẻ. Nói chung, họ đang tìm kiếm các cơ hội cho bản thân và cho gia đình. Họ mơ về một tương lai tốt đẹp hơn, và họ muốn tạo điều kiện để đạt được tương lai ấy”. [44] Những người di dân “nhắc chúng ta về một khía cạnh căn bản của đức tin chúng ta: chúng ta là ‘những khách ngoại kiều và những lưu dân trên mặt đất này’ (Dt 11,13)”. [45]
  2. Có những di dân là những người “bị lôi kéo bởi văn hóa phương Tây, đôi khi với các kỳ vọng thiếu thực tiễn đưa họ tới những thất vọng ê chề. Những con buôn vô lương tâm, thường liên kết với các đường dây ma túy và vũ khí, khai thác sự yếu đuối của người di dân, làm cho họ thường kinh nghiệm tình trạng bạo lực, buôn lậu, lạm dụng tâm lý và thể lý, và vô vàn nỗi khổ không kể xiết trên hành trình của họ. Chúng ta cũng không được bỏ qua tình trạng chênh vênh đặc biệt của những di dân là những trẻ vị thành niên không có người đi theo, hay tình trạng của những người bị buộc phải trải qua nhiều năm trong các trại tị nạn, hay những người bị mắc kẹt lâu dài tại những nước trung chuyển, mà không có điều kiện để theo đuổi việc học vấn hay sử dụng các năng khiếu của mình. Tại một số nước chủ nhà, hiện tượng di dân gây ra nỗi sợ và sự cảnh giác, thường được kích động và khai thác cho những mục đích chính trị. Điều này có thể dẫn tới một não trạng bài ngoại, trong đó người ta đóng kín nơi chính mình, và điều này cần phải được giải quyết dứt khoát”. [46]
  3. “Người di dân trẻ kinh nghiệm sự tách biệt khỏi quê quán mình, và cũng thường kinh nghiệm một tình trạng trốc rễ tôn giáo và văn hóa. Sự phân mảnh cũng được cảm thấy bởi các cộng đoàn mà họ bỏ lại phía sau, vì mất đi những nhân tố năng động và có sức sáng tạo nhất của mình; sự phân mảnh cũng xảy ra cho các gia đình, nhất là khi một hoặc cả hai cha mẹ là người di dân, để con cái lại nơi quê quán. Giáo hội có một vai trò quan trọng trong tư cách là điểm tựa cho các thành viên trẻ của những gia đình bị phân tán này. Tuy nhiên, câu chuyện di dân cũng là câu chuyện gặp gỡ giữa các cá nhân và giữa các nền văn hóa. Đối với các cộng đồng và các xã hội nơi người di dân đặt chân đến, họ đem lại một cơ hội cho sự phong phú hóa và cho sự phát triển nhân văn toàn diện của mọi người. Từ nhãn giới này, các sáng kiến tiếp đón – mà Giáo hội có liên can – sẽ có một vai trò quan trọng; chúng có thể đem lại sức sống mới cho các cộng đoàn biết sử dụng chúng”. [47]
  4. “Vì các Nghị phụ Thượng hội đồng đến từ những bối cảnh khác nhau, cuộc thảo luận về di dân có được lợi điểm nhờ rất nhiều hướng tiếp cận đa dạng, nhất là từ những nước di cư và những nước nhập cư. Mối ưu tư đặc biệt cũng được diễn tả bởi các Giáo hội có những thành viên của mình cảm thấy bị buộc phải chạy tránh chiến tranh và bách hại, và bởi những người khác khi nhìn những làn sóng di dân bắt buộc như một mối đe dọa cho sự sống còn của mình. Chính sự kiện Giáo hội có thể nhận lấy tất cả những nhãn giới đa dạng này cho phép Giáo hội đóng một vai trò ngôn sứ trong xã hội trong liên hệ đến vấn đề di dân”. [48] Một cách đặc biệt, cha khẩn khoản kêu gọi các bạn trẻ, các con đừng để mình bị lôi kéo bởi những kẻ gài các con vào thế chống lại các bạn trẻ khác là những người mới đến xứ sở mình, cũng như những kẻ thúc đẩy các con nhìn các bạn nhập cư như một mối đe dọa và như những người không có cùng phẩm giá bất khả nhượng của mọi con người.
print