Christus Vivit: Chương 7 Số 216-223

Christus Vivit: Chương 7 Số 216-223

Các môi trường thích hợp

  1. Chúng ta cần làm cho tất cả các cơ chế của chúng ta được trang bị tốt hơn, để trở nên hấp dẫn hơn đối với người trẻ, vì thực sự rất nhiều người có cảm giác bị bỏ côi cút. Ở đây tôi không qui chiếu đến những vấn đề gia đình, nhưng là muốn nói đến một kinh nghiệm nào đó của các chàng trai và các cô gái, của người trẻ và người trưởng thành, của các bậc cha mẹ và các con cái. Đối với tất cả những kinh nghiệm ‘mồ côi’ này – có lẽ bao gồm cả chúng ta – thì các cộng đoàn như giáo xứ hay trường học nên cung ứng các cơ hội để người ta cảm nghiệm tình yêu vị tha và sự triển nở, sự khẳng định chính mình và trưởng thành. Nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy họ đã kế thừa những giấc mơ bất thành của cha mẹ và ông bà, những giấc mơ bị phản bội do bất công, do bạo lực xã hội, do ích kỷ và thiếu quan tâm đến người khác. Nói tắt, họ cảm thấy bị bật rễ. Nếu người trẻ lớn lên trong một thế giới tan hoang, sẽ rất khó để họ giữ sống động được ngọn lửa của những giấc mơ và những kế hoạch lớn. Nếu họ lớn lên trong một sa mạc trống rỗng ý nghĩa, thì làm sao họ nuôi dưỡng được một khát vọng dâng hiến đời mình để gieo các hạt giống? Kinh nghiệm về sự đứt đoạn, sự trốc rễ và sự sụp đổ những điểm tựa nền tảng – được nhấn thêm bởi nền văn hóa truyền thông ngày nay – gây ra một cảm thức mồ côi sâu xa, mà chúng ta phải đáp ứng bằng cách tạo lập một môi trường huynh đệ có sức lôi cuốn, ở đó những người ta có thể sống có định hướng.
  2. Nói tóm, dựng một “mái nhà” là dựng một “gia đình”. “Đó là học cảm nhận mình được nối kết với người khác bằng những mối gắn kết không chỉ thực dụng và vị lợi, nhưng là được kết hợp sao cho mình cảm thức đời sống của mình có tính nhân văn hơn. Dựng một mái nhà là cho phép giấc mơ thành hiện thực, và làm cho đời sống thường ngày của ta bớt lạnh lẽo, bớt thờ ơ và vô danh. Đó là tạo lập các mối gắn kết bằng những việc đơn giản hằng ngày mà ai cũng có thể làm. Như tất cả chúng ta đều biết, một mái nhà giả thiết mọi người cùng làm việc với nhau. Không ai bị thờ ơ hay đứng ngoài, vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây dựng mái nhà ấy. Điều này cũng giả thiết phải cầu xin Chúa ban ơn sủng để ta học biết kiên nhẫn, tha thứ cho nhau, và bắt đầu lại mỗi ngày. Tôi phải tha thứ và bắt đầu lại bao nhiêu lần? Bảy mươi lần bảy, cần bao nhiêu thì cung ứng bấy nhiêu. Việc tạo lập những mối gắn kết đòi phải có sự tin tưởng được nuôi dưỡng hằng ngày qua sự kiên nhẫn và tha thứ. Và đó là cách mà phép lạ xảy ra: Chúng ta cảm thấy rằng ở đây mình được sinh lại, ở đây tất cả chúng ta được sinh lại, bởi vì chúng ta cảm nhận sự nưng niu của Thiên Chúa giúp ta có thể mơ về một thế giới đầy tình người hơn, và do đó cũng là một thế giới thuộc về Thiên Chúa nhiều hơn”. [114]
  3. Trong tinh thần này, các cơ chế của chúng ta cần phải cung cấp cho người trẻ những nơi chốn mà họ xem như của mình, họ có thể thoải mái đến và đi, cảm thấy nồng nhiệt và sẵn sàng gặp gỡ các bạn trẻ khác, khi gặp khó khăn chán nản hay khi vui mừng hân hoan. Một số nơi chốn như vậy đang có sẵn tại các nguyện đường nhỏ và các trung tâm của giới trẻ, thường cung cấp một khung cảnh thoải mái và thân thiện giúp tình huynh đệ triển nở, nơi mà các chàng trai và các cô gái có thể gặp nhau, họ có thể tham gia vào hoạt động âm nhạc, trò chơi, thể thao, cũng như suy niệm và cầu nguyện. Tại những nơi như thế, người ta có thể được cung ứng nhiều thứ mà không phải chi trả quá nhiều. Cũng vậy, có thể có sự tiếp xúc cá nhân, là điều thiết yếu để chuyển trao sứ điệp – nó không thể được thay thế bởi bất cứ qui trình hay sách lược mục vụ nào.
  4. “Sự giao lưu thân hữu, thường diễn ra bên trong những nhóm ít nhiều có tính cơ cấu, cung ứng cơ hội để củng cố các kỹ năng xã hội và tương quan, trong một bối cảnh mà người ta không bị săm soi hay phán xét. Kinh nghiệm nhóm cũng là một cơ hội lớn cho việc chia sẻ đức tin và trợ giúp nhau để trao chứng tá. Người trẻ có thể hướng dẫn các bạn trẻ khác, và thi hành một việc tông đồ đích thực giữa các bạn hữu của mình”. [115]
  5. Điều ấy không có nghĩa rằng họ phải trở thành cô lập và đánh mất mọi tiếp xúc với các cộng đoàn của giáo xứ, các phong trào và các tổ chức khác trong Giáo hội. Nhưng họ sẽ được hội nhập tốt hơn vào các cộng đoàn mở ra cho họ, sống đức tin của mình, thao thức tỏa chiếu Đức Kitô, vui tươi, tự do, đầy tình huynh đệ và tinh thần dấn thân. Những cộng đoàn này có thể là những khung cảnh giúp họ cảm thấy rằng mình có thể vun xới những mối quan hệ đáng quí.

Mục vụ giới trẻ trong các môi trường giáo dục

  1. Các trường học rõ ràng là môi trường thuận tiện để tiếp cận thiếu nhi và giới trẻ. Chính vì trường học là nơi chốn ưu việt cho sự phát triển con người, nên cộng đoàn Kitô hữu luôn quan tâm việc đào tạo các thầy cô và những người quản lý, cũng như thành lập các trường của mình thuộc nhiều cấp loại khác nhau. Trong lãnh vực giáo dục giới trẻ này, Chúa Thánh Thần đã khơi dậy vô số đặc sủng và mẫu gương thánh thiện. Tuy nhiên, nếu chúng ta lưu ý đến kết quả về mặt ‘mục vụ vươn ra’ của nó, thì các trường cũng cần biết tự kiểm điểm, bởi nhiều khi các trường tập chú vào một kiểu dạy đạo chẳng có mấy khả năng nuôi dưỡng các kinh nghiệm đức tin vững vàng. Một số trường học Công giáo dường như được cấu trúc chỉ nhằm bảo tồn chính mình. Nỗi sợ thay đổi làm cho các trường ấy thiên về phòng thủ trước các nguy cơ (cả nguy cơ thực lẫn tưởng tượng) mà bất cứ sự thay đổi nào đó có thể mang đến. Trường học mà trở thành một “lô-cốt”, che chắn các học sinh của mình khỏi những sai trái “từ bên ngoài”, đó là một biếm họa cho xu hướng này. Tuy nhiên, hình ảnh lô-cốt ấy phản ảnh một cách lạnh lùng điều mà nhiều người trẻ kinh nghiệm khi họ tốt nghiệp từ một số cơ sở giáo dục: Có một khoảng cách ngàn trùng giữa những gì họ được dạy và thế giới họ đang sống. Cách mà họ được hướng dẫn về các giá trị tôn giáo và luân lý đã không giúp họ chống đỡ chúng trong một thế giới chế nhạo chúng, họ cũng không học những cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững được giữa nhịp sống gấp rút của xã hội hôm nay. Thật vậy, một trong những niềm vui lớn nhất của nhà giáo dục là nhìn thấy học sinh của mình trở nên một con người mạnh mẽ, thống nhất, một người tác động và có khả năng trao hiến.
  2. Các trường học Công giáo vẫn là những nơi chốn chính yếu của việc loan báo Tin Mừng cho người trẻ. Cần phải lưu tâm đến một số nguyên tắc hướng dẫn được giới thiệu trong Tông hiến Veritatis Gaudiumvề việc phục hồi và canh tân sứ mạng vươn ra của các trường học. Những nguyên tắc này bao gồm một kinh nghiệm sống động về lời rao giảng tiên khởi (kerygma), về sự đối thoại rộng rãi, về những phương thức có tính liên ngành và giao ngành (cross-disciplinary), về sự cổ súy một nền văn hóa gặp gỡ, về tính khẩn thiết phải kiến tạo các mạng lưới, và về sự chọn lựa phục vụ những người hèn mọn nhất, những người bị xã hội ruồng bỏ. [116] Cũng quan trọng tương tự, đó là khả năng hội nhập tri thức của đầu óc, của trái tim, và của đôi tay.
  3. Đàng khác, chúng ta không thể phân biệt việc đào tạo văn hóa và tâm linh. Giáo hội vẫn luôn cố gắng tìm cách cung cấp cho người trẻ nền giáo dục tốt nhất có thể. Và Giáo hội sẽ tiếp tục làm thế, vì giới trẻ có quyền được như vậy. “Ngày nay, quyền có được giáo dục tốt trước hết có nghĩa là bảo vệ sự khôn ngoan, nghĩa là sự hiểu biết có tính nhân văn và thăng tiến nhân bản. Rất thường chúng ta bị chi phối bởi những lối sống hời hợt và tầm thường lôi kéo chúng ta theo đuổi sự thành công rẻ tiền, ngại hy sinh và tiêm nhiễm cái ý tưởng rằng giáo dục không còn cần thiết trừ phi nó đem lại hiệu quả cụ thể ngay lập tức. Không, giáo dục dạy ta biết chất vấn, ngăn ngừa ta khỏi bị ru ngủ bởi cái tầm thường trống rỗng, và thúc đẩy ta tìm kiếm ý nghĩa trong đời. Chúng ta cần khẳng định cái quyền không bị lung lạc bởi nhiều thứ quyến rũ ngày nay kéo ta ra khỏi cuộc tìm kiếm này. Ulysses, để không bị ám bởi bài ca quyến rũ đã mê hoặc các thủy thủ của mình và làm họ đập đầu vào đá, đã tự trói mình vào cột buồm và bảo các bạn đồng hành bịt kín tai mình. Orpheus, đàng khác, đã đương đầu với bài ca quyến rũ kia bằng một cách khác: anh đã hát lên một giai điệu hay hơn và có sức mê hoặc cả giọng ca kia. Vì thế, thách đố cho chúng ta, đó là đáp lại những điệp khúc què quặt của trào lưu tiêu thụ về văn hóa bằng những quyết định thận trọng và chín chắn, với sự khảo sát, hiểu biết và chia sẻ”. [117]
print