Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 1: Kẻ bịp bợm và làm điều ác

print

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 1: Kẻ bịp bợm và làm điều ác

Các khảo luận về Kitô học nhấn mạnh đến các tước hiệu mang tính vinh quang khi diễn tả Ngôi Vị thần linh của Chúa Giêsu như: Con Thiên Chúa, Đấng Kitô, Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, những thuật ngữ mang tính xúc phạm mà các phe đối nghịch đã sử dụng để hạ thấp Ngài lại rất ít được đề cập tới. Thật vậy, khi thu thập tất cả những điều đó, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu bị buộc tội là kẻ bịp bợm, kẻ làm điều ác, tay ăn nhậu, tên bị quỷ ám, một người điên, một kẻ lộng ngôn, một kẻ gây rối, con của một người cha vô danh, thậm chí là một người Samaritanô. Đây cũng là một phần của việc “tự hạ mình” mà Chúa Kitô đã tự nguyện “vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập giá” (Pl 2:8).

           
                Tranh “Chúa Giêsu bị quân lính chế nhạo” của Carl Heinrich Bloch, 1872.

Chúng ta sẽ không dừng lại ở mức độ “lạm dụng” này cách chung chung, nhưng cùng nhau xem xét chi tiết những lời xúc phạm mà Chúa Giêsu đã hứng chịu, cũng như cách thức mà các môn đệ đầu tiên của Ngài đã noi gương Ngài trong việc hạ mình này.

 

Kẻ bịp bợm!

Trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu hầu như luôn giới thiệu lời dạy của Ngài bằng câu “Quả thật, Ta nói cho các ngươi hay” để nhấn mạnh tầm quan trọng và tính trung thực của lời giáo huấn. Cách diễn đạt này xuất hiện khoảng 30 lần trong Mt, 9 lần trong Mc, 10 lần trong Lc. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, từ này xuất hiện tới 25 lần: “Quả thật, quả thật, ta nói cho các ngươi hay”. Chính khái niệm về chân lý/ sự thật (alētheia) là trọng tâm của Phúc âm thứ tư [1]. Chúa Giêsu được trình bày là “đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1:14), vì “ân sủng và sự thật được ban cho nhân loại ngang qua Đức Giêsu Kitô” (Ga 1:17). Chúa Giêsu kêu gọi “sống theo sự thật” (Ga 3:21), bởi vì Thiên Chúa, Chúa Cha đáng được tôn thờ trong “thần khí và sự thật” (Ga 4:23-24). Sự thật sẽ giải phóng con người (Ga 8,32). Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là “người đã nói sự thật” và vì điều này mà họ tìm cách giết Ngài (Ga 8:40). Ngài long trọng tuyên bố: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6), đồng thời Ngài cũng hứa sai “Thần Chân Lý” tới để giải phóng con người (Ga 14:17; 15:26; 16:13).

Khi cầu nguyện cho các môn đệ của mình, Ngài xin Chúa Cha “thánh hiến họ trong sự thật. Lời Cha là sự thật” (Ga 17,17). Rõ ràng Ngài muốn họ “được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17:19). Với Philatô, Đức Giêsu nói: “Tôi sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tôi” (Ga 18:37), và Philatô đáp lại Người một câu hỏi ngây ngô: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38).

Ngay cả một số kẻ thù địch của Chúa Giêsu cũng công khai thừa nhận tính chân thật nơi lời giáo huấn của Ngài: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa.” (Mc 12:14; Lc 20:21). Ngay cả một kinh sư cũng nhận ra đức tính này nơi Đức Giêsu, “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng” (Mc 12:32).

 

 

Tuy nhiên, sau khi bị đóng đinh và táng xác, những người lãnh đạo dân đã không ngần ngại tố cáo Đức Giêsu là kẻ bịp bợm: “Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: “Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy” (Mt 27:63). Kẻ mạo danh là “kẻ nói dối” (Châm Ngôn 14:25), “chứng nhân xảo trá toàn nói chuyện dối gian” (Châm Ngôn 14:5), bởi vì hắn lừa dối. Đây là lý do tại sao người Pharisêu không chấp nhận lời chứng của Đức Giêsu, họ tin rằng đó là lời chứng dối: “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật! ” (Ga 8,13). Thực ra, chính ma quỷ “khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8:44). Nơi ma quỷ “không có sự thật” (Ga 8:44), trong khi Chúa Giêsu nói sự thật, nhưng họ không tin Ngài (Ga 8:45,46) [2]. Ngay trong thời gian thi hành sứ mạng, Chúa Giêsu đã bị thách thức về tính chân thật của Ngài: “Dân chúng bàn tán nhiều về Người. Kẻ thì bảo: “Đó là một người tốt.” Kẻ thì nói: “Không, ông ta mê hoặc dân chúng” (Ga 7:12). Chắc chắn đó là một trong những sự sỉ nhục lớn nhất về mặt đạo đức của Chúa Giêsu khi bị coi là kẻ mạo danh, kẻ nói dối. Đấng là Sự Thật và là Đấng luôn nói sự thật bởi vì “Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối (pseustēs) như các ông(Ga 8:55).

Các tông đồ cũng được sai đi loan báo Tin Mừng Nước Trời (Lc 9:2), và việc loan báo này không thể tách rời khỏi sự thật. Tông Đồ Phaolô được sai đến để công bố “chân lý của Tin Mừng” (Gal 2:5; 2:14; Col 1:5) và truyền bá Tin Mừng “bằng lời lẽ ngay thật” (2Cr 6:7). Ý thức được sự yếu đuối của phận người, vị Tông Đồ này nói rằng khi thi hành thừa tác vụ của mình: “Chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa” (2Cr 4:2). Thật vậy, vị Tông Đồ dân ngoại tuyên bố: “Vì chúng tôi không thể làm gì chống lại sự thật, nhưng chúng tôi chỉ có thể làm việc cho sự thật” (2 Cr13:8). Tuy nhiên, ông cũng bị cáo buộc là “kẻ bịp bợm”, giống như các tiên tri giả và tông đồ giả [3]. Chúng tôi “bị coi là bịp bợm (planoi), nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành” (2 Cr 6:8). Lời cáo buộc chống lại Thánh Phaolô này có lẽ là một trong những “cái gai đâm vào thịt” (2 Cor 12:7) khiến ngài đau đớn nhất.

 

Nếu hắn không phải là kẻ làm điều ác…

Các Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời, chữa lành bệnh tật, trừ quỷ. Tóm lại là làm điều tốt. Quá ngưỡng mộ lòng tốt của Ngài, đám đông nói: “Ông ấy đã làm mọi việc tốt; Ngài làm cho kẻ điếc được nghe và kẻ câm nói được!” (Mc 7:37). Vì Chúa Giêsu làm điều tốt ngay cả trong ngày Sabát nên Ngài bị buộc tội vi phạm tính thiêng liêng của ngày đó. Tuy nhiên, Ngài nhắc lại rằng “làm điều lành trong ngày Sabát là chính đáng” (Mt12:12), lưu ý rằng sự phẫn nộ đối với hành vi của Ngài là không đúng chỗ: “Sao các ông lại nổi giận với tôi, vì tôi đã chữa lành toàn thân một người trong ngày Sabát?” (Ga 7:23). Quả thật, việc lành là việc của Chúa. Như Phaolô đã nói với những người dân ngoại ở Líttra: “Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui” (Cv 14:17).

Tác giả Thánh Vịnh đã mời gọi chúng ta nhớ đến Chúa như Đấng ban ân huệ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103:2); và tự hỏi: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho? ” (Tv 116:12). Chúa Giêsu đã thể hiện “nhiều việc lành (kala erga) của Chúa Cha” (Ga 10:32) và gắn liền việc làm của Ngài với việc làm của Chúa Cha: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” ( Ga 5:17). Khi tóm tắt hoạt động của Chúa Giêsu, Phêrô nói rằng “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10:38). Tin Mừng Mátthêu cũng tóm tắt sứ vụ của Chúa Giêsu bằng cách trích lời tiên tri Issaia: “Ngài mang lấy tật nguyền của chúng ta và gánh lấy bệnh tật của chúng ta” (Mt 8:17).

 

 

Trong khi đó, một người đã trở nên mù quáng vì ghen tị khi coi Chúa Giêsu chẳng khác gì ngoài một người làm việc thiện, mới nói với Philatô: “Nếu ông này không làm điều ác (kakon poiōn), thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan” (Ga 18:30). Chúa Giêsu bị xử tử “cùng với hai kẻ làm điều ác khác (kakourgoi)” (Lc 23:32), do đó ứng nghiệm lời tiên tri Isaia, “Người bị liệt vào hàng phạm pháp” (Is 53:12). “Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất” (Lc 22:37). Các Tin Mừng thuật lại rằng có hai tên tội phạm bị đóng đinh, một bên phải, một bên trái, và Chúa Giêsu ở giữa (Mt 27:38). Tính lịch sử của chi tiết này có thể được bảo vệ cách vững chắc bằng cách coi đó không phải là một cử chỉ tôn trọng những người bị kết án, mà là một nỗ lực nhằm chế nhạo. Thực ra, có lẽ hai người bị đóng đinh kia nằm trong số những kẻ bạo loạn phạm tội giết người (Mc 15:7). Barabbas cũng là một trong số họ (Cv 3:14), nhưng hắn đã được trả tự do theo yêu cầu của dân chúng và Chúa Giêsu đã thế chỗ của hắn (Mc 15:15). Đưa ra lý do chính thức cho việc lên án “Chúa Giêsu-người Nazareth, Vua dân Do Thái”, những người lính có thể đã nói: “Vậy thì hãy đặt nhà vua vào giữa!”

Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ rằng họ sẽ phải chịu số phận tương tự, nhưng họ đừng buồn phiền mà hãy vui mừng: “Phúc cho các con khi […] vì Thầy mà họ vu khống đủ mọi điều xấu xa cho các con” (Mt 5:11). Nói xấu một người là coi anh ta là kẻ làm điều ác, ngay cả khi người nói biết anh ta đang nói dối. Các môn đệ của Chúa Giêsu phải để ý đến việc họ có thể bị kết án oan là những kẻ làm điều ác. Đây là số phận đã xảy đến với Thánh Phaolô, người vì Tin Mừng mà “bị xiềng xích như một tên tội phạm (kakourgos)” (2 Tim 2:9).

Tác giả: Enrico Cattaneo, S.J

Người dịch: Phêrô Đào Anh Tuấn, S.J

Nguồn: La Civiltà Cattolica

[1]. Cf. I. de la Potterie, La verità di Gesù. Studi cristologia giovannea, Turin, Marietti, 1973.

 

[2]. Trong sách Khải huyền của thánh Gioan, Ma quỷ hay Satan được miêu tả là “kẻ lừa dối (ho planōn) toàn bộ loài người ở trên trái đất” (Kh 12:9; x 20:10). Nhưng những ai phủ nhận thực tại về Nhập Thể thì sẽ được gọi là “kẻ mạo danh (ho planos) và kẻ Phản Kitô” (2 Ga 7).

 

[3]. Lời kêu gọi hãy tỉnh thức trước sự lừa dối của các tiên tri giả và các đấng cứu thế giả thường xuyên xuất hiện trong các Tin Mừng (x. Mt 24:4-5; Mc 13:5; Lc 21:8). Có nguy cơ là ngay cả những người được chọn cũng sẽ bị lừa (x. Mt 24,24). Thánh Phaolô cũng thường xuyên cảnh báo việc chống lại sự lừa dối, đặc biệt trong lĩnh vực luân lý (x. 1 Cor 6:9; 15:33; Gal 6:7).