“Chúng Tôi Phải Làm Gì?”
CN 3 VỌNG C
“Chúng tôi phải làm gì?”. Đây là câu hỏi các nhà sản xuất chế tạo thường xuyên đặt ra với sản phẩm của mình: Tôi phải làm gì… để cải tiến công nghệ… để nâng cao chất lượng hàng hoá? Kết quả là họ đã thực hiện được vô vàn cải tiến trong rất nhiều lãnh vực, từ máy bay siêu thanh khổng lồ cho đến những con chíp nhỏ xíu, tất cả đều được cải tiến nhanh chóng phi thường. Không chỉ trong lãnh vực công nghệ lớn lao mà ngay cả trong các mặt hàng tiêu dùng nhỏ mọn hằng ngày như cái chổi lau nhà, cái thùng rác nằm trong xó bếp, cũng luôn được cải tiến. Nói chung, tất cả mọi sản phẩm do con người làm ra, từ những sản phẩm lớn lao đồ sộ cho đến những thứ ti tiểu như cái chổi quét nhà… cũng đều được cải tiến từng giờ từng phút!
Một đất nước phát triển là nhờ kết quả của những việc làm cụ thể.
Tôi vừa đọc trên fb Đỗ Ngọc Thống có bài viết “Thưa Thủ Tướng”.
Hôm qua 8/12, Thủ tướng làm việc với tỉnh Đắk Lắk (vtc.vn/thu-tuong-dak-lak-thieu-qua-dam-thep), tại đây ông phát hiện tỉnh này còn thiếu “quả đấm thép”. Tôi đọc thấy băn khoăn, bạn tôi bảo: Có thể Thủ tướng quen nói kiểu ấy rồi và hình như không ai góp ý với ông về cách phát biểu như thế.
Rồi cậu ấy dẫn ra hàng loạt câu nói tương tự của Thủ tướng khi đến các tỉnh như: “Thanh Hoá là một Việt Nam thu nhỏ”, “Phú Yên là cô gái đẹp đang ngủ quên”, “Khánh Hoà phải là hình mẫu của một chính quyền đối thoại”, “Bắc Ninh phải là thủ phủ sản xuất điện tử sáng tạo của châu Á và thế giới”, “Bình Phước phải là thủ phủ của nông-công nghiệp cao”, “Ninh Bình phải thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế”, “Bình Thuận phải trở thành trung tâm năng lượng sạch”, “Hà Nội phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo”, “Thành phố Hồ Chí Minh phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”, “Đà Nẵng phải là thành phố độc đáo, độc nhất vô nhị trên toàn thế giới”, “Sóc Trăng phải là kho chứa bạc của các nhà đầu tư”, “Ninh Thuận là Tây Á thu nhỏ”,…
Ví von nhiều quá nên dễ lặp, có đến mấy tỉnh: Hải Phòng, Long An, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Cần Thơ, Bình Dương… đều “phải trở thành đầu tàu kinh tế”. Rồi Thủ tướng lại nói: “Nghệ An phải là vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài”, thế chẳng lẽ các tỉnh khác không phải thế?…
Kính thưa Thủ tướng!
Xưa nay các đấng quân vương, các vị đứng đầu quốc gia đều trị vì, lãnh đạo, điều hành đất nước bằng luật pháp và chính sách, bằng những chủ trương và các giải pháp rất cụ thể. Không ai chỉ nói hay, nói giỏi mà đất nước đi lên cả. Cũng có tuyên ngôn, nhưng rất ít và chỉ nói trong những dịp “quốc gia đại sự” để giữ được sự trang trọng, thiêng liêng. Cái chính là phải hành động.
Đức Thánh Trần từng răn: “cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh;…tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai”. Ông Mác cũng đã cảnh báo: “Vũ khí phê phán không thể thay thế được sự phê phán bằng vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất”. Vì thế chính phủ kiến tạo và hành động của Thủ tướng chủ yếu là phải làm, phải thực thi quyết sách một cách quyết liệt; không chỉ tuyên bố; không nên tuyên ngôn nhiều. Bằng việc làm, bằng những minh chứng thật sự về thành quả phát triển của đất nước trên mọi phương diện, làm cho mong ước của Ức Trai xưa: “khắp nơi thôn cùng, xóm vắng không có tiếng oán hận, sầu than” trở thành hiện thực mới là gốc của mọi niềm tin.
Tôi chỉ là một lương dân, xin thành thực góp ý với Thủ tướng. Tôi nếu có nói sai chỉ ảnh hưởng đến mình tôi, còn Thủ tướng nếu nói dở sẽ ảnh hưởng tới cả đất nước, buồn cười cho cả đất nước. Báo chí cũng đừng vì nịnh nọt mà giật những tít bài màu mè, thớ lợ; tưởng đề cao hóa ra lại hạ thấp Thủ tướng.
Cũng biết “trung ngôn nghịch nhĩ”, nhưng vì trân trọng Thủ tướng mà đành phải nói đôi lời. (Hà Nội 9-12, Đỗ Ngọc Thống).
***
Tác giả nói thật đúng: Bằng việc làm, bằng những minh chứng thật sự về thành quả phát triển của đất nước.
Chúa Giêsu đã từng dạy rằng: “Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động” (Mt 11,19). Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng việc làm, để biết ý nào là ý khôn ngoan, cần phải nhìn vào kết quả cụ thể.
Sứ điệp Chúa Nhật II, Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân chúng sám hối dọn con đường tâm hồn. Chúa Nhật III, Tin Mừng kể chuyện, lời của Gioan đạt kết quả cụ thể là có nhiều người phục thiện, sẵn sàng cải đổi nếp sống cũ. Nhiều người đến xin Gioan những lời khuyên thiết thực: “Chúng tôi phải làm gì đây?”. Họ xin ngài chỉ dẫn cách phải sống và việc phải làm.Tùy từng người mà Gioan khuyên bảo cụ thể:
– Đối với dân chúng: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”.
– Đối với người thu thuế: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”.
– Đối với các quân nhân: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Các lời khuyên của Gioan khuyến khích mọi người thực hiện công bằng và bác ái. Công bằng là sống đúng luật pháp: “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”; “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.
Thánh Gioan rất thực tế và có những giải pháp thích ứng với từng hoàn cảnh, từng hạng người. Gioan không bảo mọi người hãy sống như ngài hoặc gia nhập nhóm của ngài. Gioan không yêu cầu ai phải làm gì khác thường, cũng không đòi hỏi họ phải đổi nghề nghiệp hay đổi chỗ ở, nhưng ngài khuyên : dù ở hoàn cảnh nào cũng phải biết thắng dẹp tính vị kỷ, bằng cách làm việc bác ái, chia sớt với anh em mình, đó là cách sám hối tốt nhất. Gioan khuyên họ phải bằng việc làm cụ thể mới trở thành người biết yêu thương và đáng mến.
“Chúng tôi phải làm gì?”. Dân chúng hỏi Gioan Tẩy Giả ở bờ sông Giođan. Sau lễ Hiện Xuống, đám đông cũng đặt câu hỏi ấy với thánh Phêrô: “Chúng tôi phải làm gì?”. Đó cũng là một cách nhắc lại rằng, đức tin phải thực tiễn và sống động. Chúa Giêsu dạy: “Không phải những người nói lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời đâu, nhưng là những người thực hiện ý muốn của Cha Ta” (Mt 7,21). Ngài luôn đòi hỏi bằng việc làm cụ thể: “Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? …Đức Giêsu đáp: Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (x.Mc 10, 17-27). Người nghe mà không làm thì giống như người xây nhà không nền móng (Lc 6,49).Trong cuộc đối thoại với một luật sĩ, Ðức Giêsu đã bảo ông: “Hãy làm như vậy và ông sẽ được sống” (Lc 10,28). Sau dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Ngài còn dặn ông: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37).
“Lạy Chúa, con phải làm gì?”. Đây là câu nói đầu tiên của thánh Phaolô sau cú ngã ngựa trên đường đi Đamát (x.Cv 9,1-19). Phaolô được biến đổi và trở thành vị Tông đồ chuyên lo rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Từ đây cuộc đời của thánh nhân đã viết nên thiên anh hùng ca, sống và chết cho Đức Kitô.
Đối với chúng ta ngày nay, lời khuyên của thánh Gioan rất thiết thực trong những ngày chờ đón Chúa giáng sinh. Mỗi người hãy tự đặt câu hỏi: “Còn tôi, tôi phải làm gì ?”. Cách trả lời của Gioan còn nguyên giá trị: mỗi người hãy sống đúng cương vị của mình, hãy hoàn thành trách nhiệm của mình, hãy thực thi tình bác ái huynh đệ và sống trong tương giao tốt đẹp với mọi người. Gioan không đòi những điều kì diệu, nhưng rất đơn giản và thực tế. Người dấn thân phục vụ thì sống đời tận hiến.Người có gia đình được mời gọi sống yêu thương, trung thành. Người thương gia ngay thẳng, người quản lý tín trung.Người làm công chu toàn bổn phận, người chủ quảng đại khoan dung.Người có hai áo thì chia cho người không có áo mặc.Người có quyền thì yêu thương đùm bọc kẻ dưới. Ai nấy sống đúng chức phận của mình trong công lý và tình yêu.
Có một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người Tân tòng và một người chưa có niềm tin như sau:
– Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao?
– Vâng, nói đúng hơn là tôi theo Đức Kitô.
– Vậy xin hỏi anh, Ông Giêsu sinh ra ở quốc gia nào?- Rất tiếc là tôi quên mất chi tiết này.
– Thế khi chết ông ta được bao nhiêu tuổi?
– Tôi cũng nhớ không rõ nên chẳng dám nói.
– Vậy ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài?-
Tôi không biết.
– Quả thật anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã theo đạo.
Anh nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô. Thế nhưng điều mà tôi biết rất rõ là thế này: Ba năm trước tôi là một người nghiện rượu sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ, gia đình tôi xuống dốc trầm trọng, bao nhiêu của cải tôi đều nướng vào các cuộc men say tuý luý. Mỗi tối, khi trở về nhà, vợ con tôi đều tức giận, buồn tủi và xấu hổ.Thế mà bây giờ tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc. Vợ tôi, các con tôi ngóng trông và vui mừng đón đợi tôi sau khi tôi đi làm về. Những điều này, không ai khác hơn chính là Đức Kitô đã làm cho tôi và đó là tất cả những gì tôi biết về Người.
“Chúng tôi phải làm gì?“. Mùa Vọng này, mong sao những thao thức sẽ biến thành việc làm cụ thể.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hỏi, để được nghe câu trả lời: “Hãy chia cơm sẻ áo,đừng hà hiếp anh em,vui lòng sống hiện tại, tôn trọng lẽ công bằng”.
Lạy Chúa, chúng con đang tiến gần đến niềm vui mừng ngày Con Chúa giáng trần. Như xưa dân chúng đã khiêm tốn và thành tâm đón nhận lời mời gọi sám sối của Gioan Tẩy Giả, xin cho chúng con giờ đây cũng biết tích cực cải thiện đời sống bằng việc làm cụ thể và cùng giúp nhau chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến trong công bình và yêu thương. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An