Có ‘liên lạc’, mất ‘kết nối’ – Thực trạng buồn trong gia đình hiện nay

Có ‘liên lạc’, mất ‘kết nối’ – Thực trạng buồn trong gia đình hiện nay

Một sinh viên xuất sắc ngành khoa học xã hội được tham dự một buổi thuyết trình của một học giả nổi tiếng về gia đình trong xã hội hiện đại. Sau buổi thuyết trình, chàng sinh viên tìm gặp vị học giả để tìm câu trả lời cho những điều mà cậu còn chưa thực sự hiểu rõ.

 

Chàng trai trẻ: – Thưa thầy, trong bài giảng vừa rồi thầy đã nói với chúng em về LIÊN HỆ và KẾT NỐI trong gia đình hiện đại và những nguy cơ mất gia đình. Nó thực sự rất khó hiểu với em. Thầy có thể giải thích giùm em thêm về 2 thuật ngữ đó không?

Học giả mỉm cười và hỏi: “Bạn đến từ thành phố này à?”

Chàng trai trả lời: “Vâng”. Chàng trai trẻ trả lời mà không ngẩng mặt lên vì còn bận ghi chép.

Học giả hỏi: “Gia đình bạn có những ai?”

Chàng trai trẻ cảm thấy học giả đó đang cố lảng tránh câu hỏi của mình bằng cách hỏi những câu hỏi riêng tư như vậy. Tuy nhiên, anh ấy vẫn miễn cưỡng trả lời câu hỏi một cách lạnh lùng: “Có cha, hai anh trai và một em gái. Anh chị em đều đã kết hôn rồi.”

Học giả lại mỉm cười hỏi: “Bạn có hay nói chuyện với bố bạn không?”

Lúc này chàng trai trẻ bắt đầu cảm thấy khó chịu. Anh ta buông bút, thôi nhìn vào cuốn sổ trong tay vì thực ra anh chưa ghi được gì vì chưa có thông tin nào học giả đưa ra cho anh cả. Anh ta ngước mắt khó chịu lên nhìn vị học giả, định bụng sẽ kết thúc buổi phỏng vấn đáng thất vọng này. Nhưng vị học giả vẻ mặt vẫn tươi cười và dễ chịu hỏi tiếp:

– Lần cuối cùng bạn nói chuyện với bố là khi nào?

Chàng trai trẻ bắt đầu hoang mang. Lần cuối anh thực sự nói chuyện với bố là từ khi nào? Anh cũng không thực sự nhớ rõ. Thi thoảng anh cũng nhắn tin cho bố một vài từ khi anh xin tiền ông cho những chi phí học tập của mình. Khi anh kiếm được nhiều tiền hơn, ít phụ thuộc vào tài chính của bố hơn thì tin nhắn cũng vơi đi. Anh không thấy thú vị khi nói chuyện với bố, thậm chí là thấy phiền phức bởi những câu hỏi khi nói chuyện với bố. Anh có thể nói chuyện với cả thế giới- trừ bố.

Chàng trai ấp úng trả lời với vẻ mặt khá xấu hổ: “Có lẽ cách đây khoảng 6 tháng”.

Học giả không tỏ vẻ ngạc nhiên vẫn mỉm cười hỏi: “Bạn có thường xuyên gặp anh chị em của mình không? Lần cuối cùng bạn họp mặt gia đình là khi nào?

Lúc này, chàng trai trẻ cảm thấy như thể một học giả già đang thẩm vấn mình, câu chuyện có vẻ đi chệch hướng, và vai trò người hỏi, người trả lời đã bị đảo ngược. Nếu không vì tên tuổi khá nổi tiếng của học giả và vai trò là học trò của mình, anh có thể đã nổi xung. Tuy cảm thấy không thoải mái khi bị học giả hỏi những câu hỏi riêng tư như vậy, anh vẫn miễn cưỡng trả lời: “Chúng em gặp nhau lần cuối tại ngày giỗ mẹ hai năm trước”.

Học giả hỏi: “Mọi người ở cùng nhau bao lâu?”

Chàng trai trả lời: Mỗi người một việc và có gia đình riêng, thêm nữa nhà bố em cũng không rộng rãi, chúng em ở cùng nhau 2 ngày, nhưng không hẳn là hai ngày, có lẽ là 2 bữa ăn…

Học giả hỏi: “Bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho bố, ngồi cạnh ông ấy trong 2 ngày đó?”

Chàng trai trẻ bắt đầu nghĩ lại, 2 ngày đó ư? Cậu đã đi thăm mộ mẹ, nói chuyện và đi chơi với mấy người bạn ở quê lâu ngày không gặp, uống rượu với họ và thời gian còn lại là ngồi trước màn laptop cho công việc. Chàng bắt đầu bối rối, khó chịu và xấu hổ không biết trả lời thế nào. Chàng cúi mặt vào cuốn sổ ghi chép và bắt đầu viết linh tinh điều gì đó.

Học giả tiếp tục: “Bạn và bố bạn đã ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối cùng nhau chưa? Bạn và bố có uống trà cùng nhau lúc nào không? Bạn có hỏi bố cảm thấy thế nào trong thời gian vừa qua không? Bạn có hỏi mong muốn của bố bây giờ là gì không?”

Nước mắt chàng trai trẻ bắt đầu ứa ra trên khóe mắt.

Học giả nắm tay chàng trai và nói: “Đừng xấu hổ, tội lỗi hay buồn bã. Tôi xin lỗi nếu tôi vô tình làm tổn thương bạn nhưng tôi hỏi bạn vì đây là câu trả lời cho câu hỏi của bạn.

Bạn đang ‘Liên hệ’ với cha mình, bạn có ‘liên lạc’ với anh chị em mình nhưng bạn không có ‘Kết nối’.

Kết nối là từ trái tim đến trái tim… Ngồi cùng nhau, ăn uống, chăm sóc lẫn nhau, giao tiếp bằng mắt, dành khoảng thời gian vui vẻ bên nhau.”

Chàng trai lau nước mắt và nói: “Cảm ơn thầy đã dạy cho em một bài học khó quên”.

Đôi dòng suy nghĩ:

Đây là thực tế của ngày hôm nay, dù ở nhà hay ngoài xã hội, mọi người đều có nhiều liên hệ nhưng không có kết nối. Mọi người đều bận rộn trong thế giới riêng của họ.

Chúng ta đừng chỉ ‘Liên hệ’ mà hãy luôn ‘Kết nối’… Quan tâm, chia sẻ và dành thời gian cho tất cả những người thân yêu của chúng ta.

Nguồn: FB Những Câu Chuyện Nhân Văn 

http://www.cuucshuehn.net/

print