“Có Rau Ăn Rau, Có Cháo Ăn Cháo”

print

“Có Rau Ăn Rau, Có Cháo Ăn Cháo”

Nghe kể có thời “củi quế, gạo châu”: củi quý như cây quế, gạo mắc như châu ngọc. Do đó khi về làm dâu, nàng dâu được dạy phải nói với mẹ chồng: “Mẹ ơi, hôm nay con về làm dâu, ‘nhà mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo’ mẹ nhé”!

Sáng nay, tôi tiễn đưa một vị linh mục về nhận nhiệm sở lần đầu, tôi thấy nghẹn lòng: cha sở khi chào giáo dân của mình, ngài nói: “con về đây với anh chị em, con là linh mục của Chúa, không phải là linh mục đại gia và anh chị em cũng nghèo. ‘Mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo’, không có thì khỏi ăn cũng được”! Cả nhà thờ bật cười trong nước mắt.

Chiều nay trong một lễ cưới, tôi hỏi mẹ chồng của cô dâu: “khi con dâu về nhà chị, mà chị nghe con dâu nói: mẹ ơi, con về làm dâu nhà mẹ, ‘mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo’; con có gì ăn đó, miễn sao mẹ con mình thương nhau. Nghe được vậy, chị có vui không?”

Mẹ chồng nói: thưa vui lắm cha.

Rồi tôi quay qua cô dâu: vậy, con hãy nói cho mẹ chồng của con nghe đi. Vừa quay qua nhìn mẹ chồng, cô dâu rơi nước mắt trong từng câu nói nấc nghẹn lòng. Và suốt bài giảng là nước mắt. Có biết đâu trong cuộc đời của cô dâu đã có những bữa rau bữa cháo bên gia đình. Cô cảm được hạnh phúc của rau cháo, nên nước mắt là một hạnh phúc.

Nếu cuộc đời là những dấu chân qua, thật may mắn cho những bước chân khởi đầu bằng rau cháo, tiến bước trong rau cháo. Không làm ta no, nhưng làm ta ấm lòng, vững dạ để sống tình nghĩa chung thủy đến cùng trong đời vợ chồng và cả đời tu.

“Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, ông bà dạy có khi tôi quên nhắc nhớ.

Trong lúc này, tôi biết rất nhiều gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế, có những bữa ăn đong đầy muối trong cơm, có cả muối trong nước mắt. Trả mặt bằng, nợ ngân hàng, thất nghiệp, thiếu tiền trọ, bệnh tật… làm nên những bữa cơm rau cháo.

Thế nhưng, Chúa dạy tôi: “Yêu thương đến cùng” (x. Ga 13,1). Lẽ đời thăm trầm, sẽ có lúc nhìn vào mâm cơm để nghĩ: chỉ cần ăn để sống, và sống để yêu thương đến cùng. “Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo” là tiếng nói người Việt Nam, là tiếng nói của người muốn gìn giữ mái ấm gia đình và đời tu, khi ai đó muốn xa rời hạnh phúc để sống vì tiền.

Hiên Vắng