Cùng Học Yêu Thương Với Thầy
Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm B
vo ha
Trước khi chuyển sang giai đoạn mới, Phụng Vụ Lời Chúa Chủ Nhật Thứ VI Mùa Phục Sinh Năm B, tiếp tục vinh danh Tình Yêu mà Thiên Chúa là mẩu gương nghìn đời cho mọi người.
Tình yêu Chúa dạy, được nối dài trong tuần nầy, cũng nhắc nhớ dụ ngôn cây nho sinh hoa trái nhờ sức sống từ cây mẹ, tức là Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa không chỉ mang lại sự sống cho riêng chúng con, riêng cho dân Do Thái xưa hay những người đã nghe, mà còn mở rộng cho mọi dân tộc nữa.
Do đó, tình yêu Chúa dẩn đến yêu nhau, khiến chúng con mở rộng vòng tay chào mời và nâng đỡ những người hữu duyên gặp được trên bước đường đời. Đỉnh điểm nhất là Tình Yêu, theo gương Chúa đòi hỏi, qua việc làm cụ thể, là dám hi sinh tới chết vì người mình yêu, như Chúa đã là mẩu gương biểu kiến cho chúng con.
Nên các thánh tử đạo, thực hành Lời Người, đã trực tiếp chết vì Chúa. Rồi theo gương đó, những vị khác, như Cố Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp (1897 -1946) đã hi sinh thân mình, vì tình yêu cao cả, để cứu mạng nhiều con chiên.
Ta cùng đọc những bài Lời Chúa sau đây và xin Chúa chỉ dạy thêm những việc phải làm.
BÀI ĐỌC I: Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48 “Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc”.
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cornêliô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: “Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người”. Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!” Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói rằng: “Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã nhận lãnh Thánh Thần như chúng ta?” Và ngài truyền rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ họ xin ngài ở lại với họ ít ngày.
BÀI ĐỌC II: 1 Ga 4, 7-10 “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”.
PHÚC ÂM: Ga 15, 9-17
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.
Đôi dòng ghi chú và tâm tình.
Bài đọc I của Sách Tông Đồ Công Vụ cho thấy tình yêu của Thiên Chúa bao phủ trên muôn dân, đặc biệt thời Tân Ước qua
Người Do Thái thời Cựu Ước luôn tự hào là dân riêng của Thiên Chúa, cao quí thanh sạch, nên không cho ai không qua cắt bì vào nhà họ và ngược lại cũng không vào nhà ai không gốc do Thái. Họ tự đóng khung lại và không muốn nhận ai muốn tôn Thờ thiên Chúa của riêng họ. Nhưng Thánh Thần Thiên Chúa đã đi bước trước mở cửa Hội Thánh cho muôn dân qua câu chuyện của Cornêliô.
Ông là viên đại đội trưởng người Roma, biết kính sợ và luôn cầu nguyện cùng “Thiên Chúa của người Do Thái”. Lòng thành của Ông được Thiên Chúa chập nhận. Nên Chúa sai thiên sứ hiện ra bảo Ông đi mời Simon Phêrô tới nhà. Cornêliô cho hai người nhà và một người lính đi Joppa/Gia-phô tìm Phêrô. Khi ba người của Cornêliô tới, thì Phêrô rước họ vào nhà và mời nghỉ lại (10: 1- 23). Phêrô rước ba người ngoại, không gốc Do thái, vào nhà vì lịch sự và hiếu khách hơn là kỳ thị tôn giáo. Thái độ và cử chỉ nầy mang ý nghĩa báo trước, là sẽ đón nhận lương dân công chính, mọi người thiện tâm vào cộng đồng Dân Chúa.
Chính Thánh Thần đã ngự xuống trên những kẻ “ngoại” đang nghe Phêrô. Đây là thánh ý của Thiên Chúa, muốn Ông và những tín hữu đã chịu cắt bì thay đổi não trạng đóng khung chật hẹp của đạo cũ. Thánh Thần đã làm “thành sự” phép rửa bằng lửa cho những ai có tâm tâm chí thành. Từ đó Phêrô mới truyền rửa tội cho họ, cho có tính hợp pháp hữu hình mà chấp nhận họ vào Hội Thánh cho mọi sự được dễ dàng mà thôi.
Chúa đã yêu thương mọi người, muốn cho mọi người được cứu rỗi, khi công bồ ơn cứu độ trưóc muôn dân, còn thái độ bảo căn chật hẹp của con thì sao?
Qua bài Phúc Âm, nhìn chung bài Tin Mừng từ 15: 3-17, là phần chính của những lời tâm sự sau cùng trong Bữa tiệc ly, trước khi Chúa thực hiện điều Ngài truyền dạy là không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu (15: 13).
Nhìn chung cả đoạn, có ba ý chính nổi bật nhất.
Một là ở lại trong Đức Giêsu thì sẽ sống và sinh hoa quả dồi dào. Đây là lý thuyết hay giáo lý cho đời sống tinh thần.
Hai là ở lại trong Đức Giêsu, các môn đệ mới ở trong tình thương của Ngài (15: 9 -11). Cụ thể hay thực hành là tuân giữ các điều răn của Người. Có như vậy mới được Chúa Cha yêu mến.
Ba là ở lại Trong Chúa Giêsu các môn đệ mới hợp nhất với nhau, như cành nho gắn liền cây mẹ và qua mình mẹ mà liên kết với các cành khác (15:4). Tình yêu thương nhau là biểu tượng cụ thể sự hợp nhất với nhau trong Chúa Giêsu. Rồi từ đó, mới noi gương của Chúa mà hi sinh nhiều thứ kể cả mạng sống vì tình yêu được.
Chốt gọn, trong lịch sử nhân loại có nhiều ý niệm và hình ảnh về Thượng Đế. Với Thiên Chúa của Kitô Giáo thì một trong những biểu tượng cao quý nhất là tình yêu . Ngài đã yêu thương con người khi tạo dựng nên họ theo hình ảnh Ngài (St. 1: 27). Hai là dựng nên trái đất cùng với mọi thứ giúp cho con người sinh tồn. Ba là, về mặt tôn giáo hay tinh thần, cao quí nhất trong tình yêu, khi sai Con của Người đến trần gian, làm lễ tế đền tội, mang lại sự sống cho con người (1 Gioan 4: 9-11a).
Xin giảm nhẹ vì con tưởng, nói, làm ngược lại đức yêu thương.
– Xin bỏ qua vì con yêu thương Chúa chưa đủ như Chúa đã yêu con
– Xin giúp canh tân vì con chưa dám hy sinh đủ cho những người mà con hằng cao rao rằng mình yêu họ.
Xin dâng lời cầu
Chúa Giêsu đã trối lại cho muôn đời sau là hãy yêu thương nhau. Đây là dấu chỉ cụ thể sự liên kết với Chúa. Xin giúp chúng con nên một như cành nho gắn liền thân mẹ và biết bỏ qua nhữc xúc phạm.
Xin cho mọi thành phần dân Chúa trở nên dấu chỉ tình thương cho những người chung quanh.
Xin cho nhà cầm quyền khắp nơi biết chú trọng công ích mà tích cực phục vụ mọi người.
Xin cho những người già cả cô đơn yếu thế được nhiều người quan tâm, an ủi, chăm sóc.
Xin cho chọ mọi người trong Họ đạo chúng con trở nên dấu chỉ tình thương của Chúa, bằng hành động yêu thương cụ thể cho những người chung quanh.
Xin giúp chúng con biết nói lên lời chúc bình an cho mọi người cách thật tâm. Amen. Alleluiah