Cùng Mẹ Maria Bước Vào Năm “Thử”

Cùng Mẹ Maria Bước Vào Năm “Thử”

Joachim

Thân gửi đến những người anh, người bạn, người đồng môn lớp Phaolô Nguyễn Ngân – khóa 19

Thời gian là thứ ma lực lôi kéo cuộc đời trôi đi rất nhanh, mới ngày nào chập chững bước vào mái trường Đại Chủng Viện Thánh Quý trong niềm vui sướng khoác lên mình chiếc áo chùng thâm thì nay các anh đã chuẩn bị kết thúc ba năm triết học trong tiến trình đào tạo để bước vào môi trường mới mà người đời thường gọi là “năm thử”. Đây là thời gian mỗi chủng sinh làm quen với đời sống mục vụ cũng như phân định lại ơn gọi. Vì vậy, việc chuẩn bị cho bản thân có một tâm thế là điều cần thiết để sống trước các phép “thử” của đời. Thiết nghĩ, các anh hãy học nơi Mẹ Maria là mẫu gương sáng ngời trong đời sống tận hiến và mục vụ. Đồng thời, xin Mẹ cùng đồng hành để người môn đệ đi vào “cánh đồng truyền giáo” vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long của ba giáo phận Cần Thơ, Long Xuyên và Vĩnh Long thật an tâm và vững tin.

Trước hết, trong biến cố Đức Mẹ đi thăm viếng bà Elisabét, ta nhận ra được thông điệp của sự vui mừng. Trong niềm phấn khởi cưu mang Con Thiên Chúa, Mẹ đã hăng hái lên đường chia sẻ niềm vui mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mình. Chính vì vậy, khi được chị họ chúc phúc, người phụ nữ thành Nazarét đã thốt lên niềm hạnh phúc trong chính nội tâm: “thần trí tôi hớn hở vui mừng” (Lc1,47).

Ta có thể nhận thấy, niềm vui được thể hiện nơi những người luôn có Chúa trong lòng. Mẹ đã quên cả niềm vui riêng để hướng đến niềm vui của người khác, các anh cũng hãy đem niềm vui vì có Chúa hiện diện trong từng giây phút của đời sống mình để làm cho những nụ cười tươi và những cõi lòng hân hoan. Một niềm vui vì cảm nghiệm được Thiên Chúa làm đầy con tim mình: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”(ĐGH Phanxicô). Không dừng lại ở đó, sống trong niềm vui là động lực cho người môn đệ dễ dàng chấp nhận mọi hoàn cảnh Chúa gửi đến nhằm hoàn thiện con đường nên thánh từng ngày:  “Vui với người thương con; vui với người ghét con; vui lúc hớn hở; vui lúc lòng con đau tê tái; vui lúc mọi người theo con; vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi; vui tươi và làm cho mọi  người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi mặc dù lòng con tan nát” (Đường Hy Vọng số  539). Bên cạnh đó, trong nền văn hóa hưởng thụ và cá nhân, chủng sinh hãy gắn bó đời sống trong niềm vui siêu nhiên như Mẹ với tâm tình biết ơn: “ Những thời điểm khó khăn có thể xảy đến, khi cái bóng của thập giá xuất hiện, nhưng không có gì có thể phá húy niềm vui siêu nhiên vốn thích nghi và thay đổi nhưng luôn luôn bền vững như một tia sáng phát sinh từ sự xác tín trong lòng chúng ta rằng sau tất cả chúng ta được yêu thương vô cùng” (Gaudete Exultate 125). Như thế, niềm vui là điều kiện khỏi đầu để người môn đệ đến với mọi người xung quanh cách dễ dàng.

 Đế đáp lại sự vui mừng, Mẹ đã sống đời mình qua hành động phục vụ. Lòng nhân ái thôi thúc Mẹ dám băng mình qua mọi gian khó, lao nhọc và hiểm trở để ra đi phục vụ người chị họ (Lc1,56). Trong đời sống thường nhật, Mẹ phục vụ, giúp đỡ, ăn uống, trò chuyện nhưng đồng thời âm thầm và kín đáo Mẹ đã thấy được những gì mà trước đó không ai thấy “hết rượu rồi”(Ga2,1-5).

Cũng vậy, đời sống nơi xứ đạo với biết bao con người đang cần đến ta. Nhìn lên Mẹ, các anh  cần tỉnh thức trước “cái tôi” để quan tâm đến tha nhân. Tức là có cái nhìn trong sáng, mau mắn nhận ra tín hiệu và khổ đau của những cảnh đời quanh mình. Để từ đó, người môn đệ biết động lòng trắc ẩn, đem tình thương và hy sinh để xoa dịu những vết thương hằn sâu trên da thịt và trong chính tâm hồn của từng “con chiên”.  Hơn nữa, phục vụ là con đường để giúp chủng sinh vượt ra khỏi giới hạn của bản thân để đến với vùng ngoại biên- nơi có những con người khô khan và nguội lạnh đang cần hơi ấm của tình thương: “Giáo Hội được mời gọi đi ra khỏi chính mình và đến với những vùng ngoại biên, không chỉ theo nghĩa địa lý mà còn theo nghĩa hiện sinh: những vùng liên hệ tới mầu nhiệm tội lỗi, đau khổ, bất công, ngu dốt, của những hành động không có tính tôn giáo, của tư tưởng và của mọi cảnh khốn cực” (ĐGH Phanxicô). Do đó, người môn đệ dần biết mở lòng ra trước những người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những người già lão bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng tâm hồn trống rỗng, những người đang tìm ý nghĩa cuộc đời và khao khát đời sống tâm linh…sẽ cảm nhận được sự phục vụ vô vị lợi của ta; họ dễ dàng được cảm hóa để đến với ta trong sự tin tưởng và sẻ chia. Chính lúc đó, “chúng ta sẽ tìm thấy sự sống khi ban phát sự sống, tìm thấy hy vọng khi ban phát hy vọng, tìm thấy tình thương khi yêu thương”.

Tuy nhiên, có những lúc Mẹ đã bước đi trong đêm tối của mầu nhiệm sự dữ và Mầu nhiệm Nhập Thể. Mẹ không hiểu hết được những gì đang diễn ra cho Mẹ và Con Mẹ, mà điều khó hiểu hơn cả đó là Con Thiên Chúa có thể “chết” bởi tay loài người. Tuy nhiên, Mẹ vượt lên tất cả nhờ Mẹ can đảm ở nơi lưu đầy (x. Mt 2,13-23) và trong lúc khổ đau (x.Lc2,34-35, 49; x.Ga19, 25-27).  Người phụ nữ ấy đã cùng người Con đón nhận biến cố đau thương trong sự tín thác và hy vọng.

Giữa những hạnh phúc và dạt dào niềm hăng say truyền giáo thì cũng có những khoảng lặng các anh sẽ chìm trong “đêm tối” của cuộc đời. Người môn đệ hãy nhờ Mẹ Maria mà đến với Chúa Giêsu qua chuỗi Mân Côi. Vì lời kinh đưa người tôi tớ suy niệm về những đoạn đường Chúa đã đi qua để đến với thập giá. Cùng với Mẹ, các anh được gắn bó, kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu để được ơn an ủi. Bởi vì Mẹ đã cưu mang, dưỡng nuôi, đồng hành với Chúa ra sao, thì Mẹ cũng muốn người dâng hiến gắn bó với Người như vậy. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: “Khi biết suy ngẫm đích thực, Kinh Mân côi dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa trong mầu nhiệm của Người, và vì thế, chúng ta không thể không quan tâm đến diện mạo Chúa Kitô nơi những người khác, nhất là những người đau khổ nhất. (Tông Thư Kinh Mân Côi Kính Đức Trinh Nữ Maria. “ROSARIUM VIRGINIS MARIAE”). Ngoài ra, trước bối cảnh xã hội nhiễu nhương và văn minh sự chết đang lan tràn như vũ bão hiện nay, chúng ta cùng phó thác, nương tựa vào tình yêu nhân hậu để được Mẹ che chở, chống đỡ và chiến đấu với ba thù ma quỉ, thế gian và xác thịt.

Cánh đồng truyền giáo đang cần đến những con người nhiệt thành và hăng say ra đi dấn thân và phục vụ. Dẫu biết rằng bước vào năm “thử” sẽ có những chông gai và muôn ngàn thử thách đang đợi chờ. Người môn đệ hãy chạy đến với Mẹ Maria học hỏi niềm vui để sống trong môi trường xứ đạo thật hạnh phúc- truyền tải thông điệp yêu thương cho đời; Và rồi, người anh em sẽ lấy niềm vui là động lực ra đi phục vụ dấn thân cho mọi nhu cầu và đối tượng như là sứ vụ cho đời mục tử sau này; Điều cần ghi nhớ nhất là khi gặp khó khăn, các anh hãy chạy đến cùng Mẹ để được ủi an và nhờ Mẹ dẫn ta đến với Chúa Giêsu qua vũ khí “tuyệt vời” của kinh Mân Côi. Và rồi trong an vui để cất cao lời hát  “Cùng Mẹ ra khơi con đi muôn nơi loan báo Tin Mừng, Cùng Mẹ ra khơi con đi muôn nơi rắc gieo bình an. Lòng trào tin yêu hy vọng, dạt dào yêu thương vô cùng. Có Mẹ vững tâm tay chèo.(Lm Minh Anh)

 

print