CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B
CUỘC CHIẾN ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI
Lm. Giuse Nguyễn
Đôi mắt là đề tài sáng tác cho nhiều tác phẩm thơ ca, hội họa: “Đôi mắt người xưa” của nhạc sĩ Ngân Giang: “Ôi đôi mắt người xưa xin đừng buồn vì tôi!” Đôi mắt làm sao biết buồn? chỉ có người buồn thể hiện qua đôi mắt thôi! Hay nhạc sĩ Y Vân có một ca khúc nổi tiếng là: “Tình yêu thủy thủ”: “Mắt em màu trùng dương, tóc em như sóng cồn”. Màu xanh nước biển làm cho nhạc sĩ nhớ đến đôi mắt của người yêu. Sóng biển mênh mông khiến ông như đang ve vuốt mái tóc của người tình… Nói tóm lại, đôi mắt không phải chỉ để nhìn, mà còn có giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần. Vì vậy nghệ thuật thường diễn tả một đôi mắt đẹp, tinh thần thường muốn một cái nhìn sáng suốt.
Còn kinh thánh lại diễn tả một đôi mắt mù. Ngay từ những trang đầu của kinh thánh, ông bà nguyên tổ mặc dù sáng mắt, nhưng cũng bị con rắn dụ bị mù, nó đòi mở mắt cho hai ông bà: “Ngày nào các ngươi ăn trái này, thì mắt các ngươi sẽ được mở ra.” Và kết quả sau khi nghe lời của nó để ăn trái cấm là: “Mắt ông bà mở ra” thật, nhưng mở ra không phải để nhìn thấy một chân trời mới, một khung trời hạnh phúc, mà để nhìn thấy sự trần truồng, đáng kinh tởm của mình. Đó là hậu quả của việc để cho ma quỷ mở mắt. Như vậy, khởi đầu lịch sử của nhân loại là một đôi mắt mù, và sự mù lòa chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trần thế. Đức Kitô đã đến để chữa lành sự mù lòa ấy. Ngài đem đến cho nhân loại ánh sáng của niềm tin, ánh sáng của hy vọng.
Bài đọc I trong sách Giêrêmina đã cho chúng ta thấy điều đó khi Thiên Chúa giải phóng dân tộc Israel, đưa họ từ chốn lưu đày trở về quê hương. Tất cả những người đau khổ, mà đại diện là những người tật nguyền sẽ được Chúa cứu chữa: “Trong chúng có kẻ đui, người què, tất cả cùng nhau trở về… Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng tới dòng nước trong lành”. Chính Thiên Chúa đã đem lại ánh sáng cho họ, không phải là ánh sáng mặt trời hay ánh sáng thể lý, nhưng là ánh sáng của tinh thần. Nhờ ánh sáng đó mà họ được đưa dẫn vào một vùng đất mới.
Khi CG và các môn đệ của mình đang trên đường lên Giêrusalem, đến thành Giêrikhô thì gặp anh mù Bartimê. Lúc này danh tiếng của Chúa đã lan rộng khắp nơi. Đi đến đâu người ta cũng đồn thổi về Người. Cửa thành là cửa ngõ của thành phố, nên người ta tập trung rất đông ở đó để làm ăn buôn bán, để kiếm kế sinh nhai. Một đám đông hỗn tạp. Trong đó có anh mù Bartimê ngồi ăn xin bên vệ đường. Ngồi cạnh anh có những người nói với nhau về một ông Giêsu quyền năng nào đó nên anh mù nghe được, bởi vì Chúa ban cho những người khiếm thị một thính giác rất nhạy. Sau khi nghe ngóng, có lẽ suốt buổi sáng hôm đó anh không xin được gì, vì anh âm thầm lập nên một kế hoạch để giã từ kiếp ăn xin.
Khi đám đông kéo tới, với kế hoạch đã lập sẵn, anh ta nhào lên la lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đavit, xin thương xót tôi”. Mấy người xung quanh bực bội: “Mù, nín mầy!”. Nhưng anh ta càng la to lên: “Lạy Con Vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi!” Làm sao có thể làm ngơ trước lời van xin thảm thiết như vậy, nên CG đã truyền gọi anh ta đến và chữa lành cho anh ta với lý do rõ ràng: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Vì nếu không có lòng tin thì anh không gọi Chúa là “Con Vua Đavit”, một danh hiệu chỉ về Đấng Cứu Thế.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy hành trình đức tin của một con người. Chúng ta là con cái Sự Sáng, được sinh ra trong Ánh Sáng và sống trong vùng trời bình yên (biểu tượng của Thiên đàng), nhưng đã bị sự dữ đưa vào bóng tối (biểu tượng của con rắn). Sự cám dỗ của ma quỷ cho thấy ánh sáng nơi quyền lực để con người muốn mình sống trong thứ hào nhoáng của quyền lực. Đó là tội kiêu ngạo vì muốn được bằng Thiên Chúa.
Chính Đức Giêsu đã đến thế gian này để tiêu diệt bóng tối, mà đỉnh điểm của bóng tối là cái chết. Nguyên tổ xưa đã sa ngã vào ánh sáng ảo bằng sự kiêu ngạo. Nay Đức Giêsu đã giải thoát con người khỏi hào quang của ma quỷ bằng chính sự khiêm tốn tận cùng của Ngài.
Chính trong bóng tối mà con người sa ngã phạm tội. Bóng tối của những đam mê xác thịt, của những mưu mô tính toán, của những gian dối lọc lừa… Tất cả những điều này phủ lên thân phận con người mong manh của chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy nặng nề và đôi khi phải gục ngã.
Đức Giêsu đã đến. Anh mù Bartimê đã trỗi dậy, nhào đến van xin Đức Giêsu để mong thoát khỏi cảnh đui mù. Con người của chúng ta ngày hôm nay cũng chỉ được giải thoát khỏi những bóng tối của tội lỗi khi biết vươn lên đến Chúa mỗi ngày.
Thái độ của anh mù là bài học đức tin cho chúng ta: phải can đảm trỗi dậy, vứt bỏ những gì an toàn, dính bén (áo choàng) để chỉ mong chạm đến Chúa.
Chúng ta trỗi dậy vứt bỏ tính ươn lười của mình để đến với Chúa trong việc tham gia vào đời sống Phụng vụ của Giáo hội, cụ thể là Thánh lễ và các bí tích. Chính những lúc đó chúng ta chạm đến Chúa một cách cụ thể nhất..
Chúng ta trỗi dậy bằng tất cả sức lực của mình để tham gia vào mọi sinh hoạt của Hội thánh, nhất là bằng việc xây dựng Giáo xứ bằng chính công sức của chúng ta.
Chúng ta trỗi dậy để từ bỏ những dính bén của bản thân để tham gia vào đời sống Giáo hội bằng những việc bác ái cụ thể như đến với những người cùng khổ, những ai bị loại trừ, những người bị bỏ rơi.
Sống trong Ánh Sáng là cùng đích và là lý tưởng của mỗi người chúng ta. Cũng chính vì lý tưởng đó mà hằng ngày con người bị ma quỷ lôi kéo vào bóng tối. Phải luôn luôn ý thức sự cám dỗ của ma quỷ để có những phương thế hữu hiệu chống lại những cám dỗ của nó.
Thiết nghĩ chính đời sống thánh thiện bằng việc cầu nguyện hằng ngày, thường xuyên lãnh nhận các Bí tích (nhất là Bí tích Giải tội và Bí tích Thánh Thể), có kỷ luật bản thân và siêng năng lần chuỗi Mân Côi sẽ giúp mỗi người chúng ta chống lại những lôi kéo của ma quỷ vào một những ánh sáng ảo.
Xin Mẹ Maria cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.