Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu Kitô Theo Thánh Marcô

print

Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu Kitô Theo Thánh Marcô

Marcô 14,1 – 15,47 

CÁI NHÌN CHUNG

Trong thế kỷ XX, ít có tác phẩm nào trong Tân Ước được chú ý nhiều hơn Tin Mừng Marcô. Với sự phát triển của phương pháp phê bình lịch sử vào thế kỷ XIX, các học giả tin rằng Marcô là sách Tin Mừng đầu tiên được viết ra. Vào thế kỷ đó, người ta rất quan tâm đến việc tìm hiểu cuộc đời thực của Chúa Giêsu, nên đã nghiên cứu Tin Mừng này với sự quan tâm lớn hơn bất kỳ sách nào khác vì cho rằng đây là sách đáng tin cậy nhất về mặt lịch sử trong bốn sách Tin Mừng. Sang thế kỷ XX, mối quan tâm của các học giả đã thay đổi, và các phương pháp mới về tìm hiểu Tin Mừng cũng đã nảy sinh. Nhưng các học giả vẫn say mê cuốn Tin Mừng đầu tiên, và họ đã áp dụng các phương pháp mới để  khảo cứu hình thức văn chương, nghiên cứu văn bản, và phê bình văn học để tìm hiểu rõ hơn. Thực tế đòi hỏi, những phương pháp này thường xuất hiện đầu tiên trong nghiên cứu Tin Mừng Marcô. Kết quả là, nghiên cứu về Marcô đã phổ biến được một lượng lớn các ấn phẩm học thuật ổn định.

 

Một cách chung, những gì là chính thực trong Tin Mừng thì cũng được áp dụng cho trình thuật cuộc khổ nạn, nhưng một cách đặc biệt hơn. Hầu hết các học giả coi đây là bản tường thuật cuộc khổ nạn sớm nhất của các Tin Mừng và là nguồn, hay đầu nguồn, cho những bản tường thuật trong Mátthêu và Luca, và có lẽ cả Gioan nữa. Kết quả là, các nghiên cứu về trình thuật cuộc khổ nạn thường bắt đầu với Tin Mừng Marcô. Vậy trình thuật này đã phát triển và được khai triển như thế nào? Những thông tin  liên quan đáng tin cậy ra sao? Đâu là những điểm thần học nổi bật? Các học giả đã đặt những câu hỏi như vậy trong hơn nửa thế kỷ. Tuy chưa có sự thống nhất chung nhưng vẫn có những lập trường và xu hướng rõ ràng nhất định.

Một Số Chủ Đề Thần Học

Martin Dibelius, người đi tiên phong trong việc nghiên cứu các bản tường thuật về cuộc khổ nạn, đã khẳng định Kitô học là mối quan tâm chính mà Marcô đặt trong câu chuyện về cuộc khổ nạn của mình. Ông nói rằng có hai chủ điểm trong tường thuật của Marcô: lời công bố của Chúa Giêsu trước Thượng Hội đồng (14,62) và và lời tuyên xưng đức tin của viên đại đội trưởng rằng Chúa Giêsu đích thực là Con Thiên Chúa (15,39). Kể từ thời điểm đó, hầu hết các nhà nghiên cứu cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã nhận ra tầm quan trọng của Kitô học trong trình thuật của Marcô, ngay cả khi họ không đồng ý về nền tảng chính xác trong Kitô học của Marcô.

Việc Đức Giêsu thành Nazarét bị nhà nước La Mã đóng đinh như một kẻ nhận mình là đấng cứu thế, được gán cho là tên nổi dậy chính trị, rõ ràng là từ lời buộc tội được đặt trên thập giá: “Vua dân Do Thái” (15,26) . Mặc dù các tác giả tranh luận về giá trị lịch sử của tường thuật cuộc khổ nạn của Marcô, hầu như tất cả đều thừa nhận sự chính xác của sự kiện này: Chúa Giêsu bị kết án vì xưng mình là Vua dân Do Thái, là một kẻ mạo danh thiên sai. Nhưng chính lời buộc tội Chúa Giêsu là Vua người Do Thái đó đã trở thành trọng tâm Kitô học về cuộc khổ nạn của Marcô. Trình thuật của ngài là một nỗ lực để giải thích nghịch lý về Đấng Messia chịu đóng đinh. Nói cách khác, cuộc khổ nạn mà Marcô trình bày cũng đề cập đến một vấn đề đã làm các độc giả của Phaolô tại Côrintô bị xúc phạm: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22-23).

Cuộc khổ nạn mà Marcô tường thuật là lời kể tha thiết, thôi thúc về việc Đấng Messia bị đóng đinh đã bị những môn đệ bỏ rơi và dường như cũng bị chính Chúa Cha ruồng bỏ. Nó đặt ra một nghịch lý rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh lại chính là Đấng Messia hoàng vương của Thiên Chúa. Vì vậy, hai đỉnh cao của cuộc khổ nạn được Dibelius xác định, đó là lời công bố của Chúa Giêsu trước Thượng Hội Đồng và lời tuyên xưng đức tin của viên đại đội trưởng, nó bao quát mọi chi tiết khác trong bản trình thuật: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

 

PHẦN DẪN GIẢI

Giống như toàn bộ Tin Mừng của ngài, trình thuật về cuộc khổ nạn của Marcô khá vắn gọn nhưng lại tạo ra những giây phút căng thẳng; mạch văn di chuyển nhanh dễ lôi cuốn người đọc đi vào các sự kiện từ bữa ăn tối cuối cùng cho đến cái chết và cuộc mai táng Chúa Giêsu.

TRUNG TÍN VÀ BỘI PHẢN

Marcô 14,1-11

Marcô bắt đầu trình thuật cuộc khổ nạn với ba câu chuyện kể về sự phản bội mang nhiều day dứt đáng xấu hổ và lòng trung tín thật đáng mến, với những nhân vật liên quan: những người Pharisêu và kinh sư, người phụ nữ vô danh, và Giuđa Iscariốt.

Những kẻ thù của Chúa Giêsu vốn thường là những người Pharisêu nhưng bây giờ lại thêm các tư tế và kinh sư ở Giêrusalem, họ không bao giờ bỏ qua tính cách mà thánh sử đã miêu tả họ ngay từ đầu Tin Mừng: họ đã rình rập bám sát Chúa Giêsu bắt đầu ngay từ thời gian Người thi hành sứ vụ ở Galilê và gia tăng phản đối các giáo huấn của Người khi Người đến Giêrusalem. Giờ đây, sự thù địch dai dẳng của họ được đóng ấn bằng âm mưu tước bỏ mạng sống Người.

Tuy nhiên, một yếu tố mới lạnh lùng, bất ngờ được thêm vào: Giuđa, một trong những môn đệ của Chúa Giêsu – được chọn, được yêu thương và được giao phó để tham gia vào sứ mệnh cứu thế của Người – đến gặp những người lãnh đạo và đề nghị nộp Chúa Giêsu cho họ. Họ hài lòng và trả tiền cho anh ta vì công việc anh ta làm đáp ứng mong muốn của họ.

Giữa những câu chuyện này, với một nét chấm phá đã trở thành điển hình trong Tin Mừng của ngài, Marcô đã lồng vào câu chuyện về một lòng trung thành tuyệt vời. Trong khi Chúa Giêsu đến thăm nhà ông Simôn tật phong ở Bêthania, trên sườn phía đông của Núi Ôliu, một người phụ nữ ẩn danh mở lọ dầu thơm đắt tiền và xức lên đầu Chúa Giêsu. Trong Kinh Thánh, các vị vua và tiên tri được xức dầu trên đầu và Marcô muốn khơi lại thực tại lịch sử đó ở đây.

Khi hương thơm của dầu tỏa khắp phòng, những người đi cùng Chúa Giêsu bị sốc trước cử chỉ có thể coi là ngông cuồng của người phụ nữ. Nhưng Chúa Giêsu bảo vệ cô ấy. Người nói với họ rằng cô ấy đã thực hiện một hành động thể hiện lòng trung thành và yêu thương thật sự, “vì cô ấy đã lấy dầu thơm ướp xác tôi để chuẩn bị ngày mai táng” (14,8). Đáp lại nghĩa cử này, Chúa Giêsu hứa rằng cô sẽ được ghi nhớ ở bất cứ nơi nào Tin Mừng được rao giảng, là người duy nhất trong toàn bộ Tân Ước được một vinh dự như thế.

Ba cảnh tương phản gắt gao này đưa người đọc vào trung tâm sứ điệp của Marcô. Hai chủ đề chính xuyên suốt toàn bộ câu chuyện về cuộc khổ nạn – một chủ đề tập trung vào Chúa Giêsu, Đấng mà quyết tâm cao độ đã hiến mạng sống mình cho muôn người; chủ đề còn lại, về những người vây quanh Chúa Giêsu, một số lo âu căng thẳng (vấp ngã) trong thử thách của thập giá, nhưng một số khác lại nêu cao gương đức tin và lòng can đảm.

Cuộc khổ nạn phơi bày dã tâm khủng khiếp của Giuđa và những người lãnh đạo, nhưng nó cũng cho chúng ta một thoáng nhìn về tư cách người môn đệ đích thực qua người phụ nữ vô danh ở Bêthania. Cô ấy, vừa hiểu và cảm thông với tất cả con người Chúa Giêsu và những gì số phận sẽ đưa Người đến, đã không do dự hành động theo trực giác của mình. Và do đó, cô đã xức dầu cho Người để an táng và tôn vinh phẩm giá hoàng tộc của Người. Vì lòng yêu mến như vậy, cô ấy sẽ không bao giờ bị lãng quên.

LỄ VƯỢT QUA CUỐI CÙNG

Marcô 14,12-31

Tin Mừng Marcô tạo sự chú ý nhờ cách đóng khung cảnh quan trọng với hai câu chuyện liên quan khác. Điều này cũng diễn ra trong phần tiếp theo của trình thuật về cuộc khổ nạn: Những lời Chúa Giêsu nói về bánh và rượu được lồng vào những lời tiên báo của Người về sự phản bội của Giuđa và sự vấp phạm của Phêrô, và phần còn lại về sự sa ngã của các môn đệ. Một lần nữa, sự tập trung kép của Marcô vào Kitô học và sứ mạng môn đệ – đặc điểm nổi bật của Tin Mừng của ngài – lại thật rõ ràng. Cử hành lễ Vượt Qua là bối cảnh cho tất cả những câu chuyện này. Đại lễ hành hương của Israel hồi tưởng lại cuộc xuất hành khỏi Ai Cập, đó là hành động của tình yêu cứu thoát của Thiên Chúa vốn là nền tảng cho niềm hy vọng của Israel. Vì vậy, Tin Mừng nêu bật sự kiện Chúa Giêsu đối diện cái chết, một cái chết sẽ giải thoát muôn người khác, được nối kết với lễ Vượt Qua mới. Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy, Đây là mình Thầy”, rồi Người cầm lấy một cái chén, tiếp tục dâng lời cảm tạ và trao cho các môn đệ: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, sẽ đổ ra cho nhiều người…” Từng hành động của Chúa Giêsu trong bầu khí này mang một ý nghĩa sâu xa hơn những hành động thi hành sứ vụ mà Marcô đã thuật lại trước đây trong Tin Mừng của ngài: sự chữa lành đầy từ tâm của Chúa Giêsu, sự kết thân với những người bị bỏ rơi bên lề cuộc sống, những giáo huấn mạnh mẽ của Người, các cuộc đối đầu với cái ác, nuôi sống những đám đông đói khát… Tất cả những điều này hội lại là một cuộc đời được trao ban cho tha nhân, tất cả những điều này được biểu trưng bằng “tấm bánh bẻ ra” và “máu…đổ ra cho muôn người”. Đó là đường hướng sứ vụ của Người, sắp kết thúc trong chiến thắng và đó cũng là sứ mệnh mà các môn đệ được kêu gọi thực hiện. Nhưng chắc chắn vẫn còn một con đường dài phía trước và còn nhiều nỗi đau khổ cùng với sự hoán cải tâm hồn trước khi họ có thể hành động. Và vì vậy, những lời nói trang trọng và cử chỉ đầy ắp biểu cảm của Chúa Giêsu trong bữa ăn tối được đóng khung với lời tiên báo của Người rằng Giuđa Iscariốt sẽ sa ngã thảm hại và các môn đệ còn lại sẽ bỏ rơi Người. Ngay cả Simôn Phêrô, người môn đệ đầu tiên được Chúa gọi (1,16-20) và là người lãnh đạo của nhóm, cũng công khai chối bỏ Chúa Giêsu vì sợ hãi và bỏ mặc chủ của mình.

 

TẠI VƯỜN GHẾTSÊMANI

CHÚA CẦU NGUYỆN VÀ BỊ BẮT

Marcô 14,32-52

Bây giờ bối cảnh chuyển từ phòng tiệc ly sang vườn Ghếtsêmani, một sườn núi trồng cây ô liu ở ngoại vi thành phố, và ở đây trong hai cảnh chính, tốc độ của trình thuật khổ nạn diễn biến nhanh chóng hơn.

Bóng ma của cái chết dữ dằn bao trùm lấy Chúa Giêsu và làm cho Người xao xuyến. Như vẫn thực hiện nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu tập trung sức mạnh để cầu nguyện. Đây không phải là một lời cầu nguyện theo thói quen hay thể hiện thái độ anh hùng mà là một lời cầu nguyện thiết thân lặp lại những diễn đạt nguyên sơ của đức tin, được tìm thấy trong các Thánh vịnh: “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén đắng này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” (14,36). Có rất nhiều tâm tình Chúa Giêsu gói ghém ở đây: lòng thuận phục ngoan cường và thân thiết đối với Thiên Chúa, “Cha” của Người, những cuộc đấu tranh khốc liệt với quyền lực của sự dữ và cái chết đã đánh dấu sứ vụ của Người ở Galilê (x. 5,1-20).

Marcô đã sớm thông báo cho độc giả của mình trong Tin Mừng rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng được Thần Khí ngự xuống và là Đấng được Chúa Cha từ trời ngỏ lời tại sông Giorđan (1,9-11) và trên núi Biến hình (9,7). Nhưng Chúa Giêsu cũng là một con người thực sự, xao xuyến trước cái chết và đau khổ bởi ý nghĩ rằng sứ mệnh của mình đang đi đến kết thúc. Vì vậy, Marcô dám cho chúng ta thấy hình ảnh này, một cảnh tượng sẽ được ghi nhớ mãi trong ký ức của người Kitô hữu: một lời cầu nguyện đầy niềm tin nhưng được hòa trộn với nỗi sợ hãi từ chính môi miệng con người Chúa Giêsu.

Marcô tiếp tục cách thức trình bày các môn đệ hoàn toàn tương phản với Chúa Giêsu. Ba lần Người đến để tìm sự hỗ trợ nghĩ rằng sự hiện diện của họ lúc này có thể đem lại chút an ủi, nhưng chỉ thấy họ đang ngủ. Tin Mừng nói rõ rằng “giấc ngủ” này không chỉ là tình trạng mệt mỏi khi kết thúc một cuộc hành lễ kéo dài. Tình trạng giấc ngủ này có dạng thức sự chết, nó là sự uể oải tinh thần của những người không nhận thức được thời điểm khủng hoảng của lịch sử và không chuẩn bị tinh thần đủ để đối mặt với nó. Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ về kiểu “giấc ngủ” này: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!” (13,35-37).

Khoảnh khắc khủng hoảng đó đang đến nhanh chóng. Giuđa và một đám đông có vũ trang xuyên thủng bầu khí vắng lặng của Ghếtsêmani để bắt Chúa Giêsu; tên môn đệ bội phản xác định Chúa Giêsu bằng một cái hôn gian xảo. Cảnh hỗn loạn nổ ra: họ vây bắt Chúa Giêsu và tóm lấy Người, trong khi đó một “người ngoài cuộc” (một người trong đám đông? Hay một trong những môn đệ của Chúa Giêsu?) tuốt gươm tấn công và làm bị thương một tên đầy tớ của thượng tế.

Chúa Giêsu đối mặt với bức tường bạo lực đó và lên án nó: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt? Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm.” (14, 49). Cảnh tượng này đã được lặp lại thường xuyên như thế nào qua nhiều thế kỷ nối tiếp nhau kể từ khi Marcô viết Tin Mừng? Các cuộc bắt đạo ghê sợ; các thế lực gian ác tìm cách tiêu diệt tiếng nói của công lý; bạo lực sinh ra bạo lực dữ dội hơn; những người yếu đức tin đã sa ngã…Nhưng vẫn có người con người giữ lập trường anh hùng đơn độc, sẵn sàng chấp nhận tử đạo, từ chối phản bội Thiên Chúa.

Một lần nữa, Marcô làm nổi bật nét tương phản trong phản ứng của các môn đệ với phản ứng của Chúa Giêsu. Khủng hoảng ập đến và họ không thể chịu đựng được nữa. Tất cả đều bỏ chạy, bỏ rơi Chúa Giêsu, một người trong số họ hoảng sợ đến mức thoát khỏi sự ghì chặt của kẻ bắt giữ mình thoát chạy trong cảnh trần truồng. Các môn đệ đã bỏ lại phẩm giá, ơn kêu gọi của mình, và Đấng đã ban cho họ sự sống.

ĐỨC GIÊSU RA TRƯỚC THƯỢNG HỘI ĐỒNG

Marcô 14, 53-72

Bối cảnh lại thay đổi một lần nữa: từ Ghếtsêmani đến dinh thượng tế, nơi Chúa Giêsu sẽ bị các nhà lãnh đạo thẩm vấn. Một lần nữa, phong cách tường thuật tuyệt vời của Marcô thể hiện thật điêu luyện. Ông đóng khung cảnh thẩm vấn với cảnh Phêrô chối Chúa, tương phản sắc nét giữa sự sợ hãi của môn đệ với lòng can đảm của Chúa Giêsu.

Một nhóm các nhân chứng giả được đưa đến để chống lại Chúa Giêsu, nhưng những lời chứng buộc tội của họ trái ngược nhau. Tuy nhiên, một số người đưa ra lời buộc tội khiến người đọc Tin Mừng nhớ lại: “Tôi sẽ phá hủy Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng và nội trong ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác không phải do tay người phàm.”

Trước đây trong Tin Mừng, Marcô đã trình bày Chúa Giêsu như một ngôn sứ nhiệt thành việc nhà Chúa, Người thanh tẩy đền thờ và tiên báo về sự sụp đổ của nó (11,15-19; 13,1-2). Thật vậy, Chúa Kitô Phục Sinh sẽ là Đền Thờ mới của Thiên Chúa, là “hòn đá bị loại bỏ” sẽ trở thành đá tảng của một dân mới thánh thiện mà Thiên Chúa sẽ ngự trong đó (12,10-11). Lời buộc tội này của phiên tòa sẽ được ghi nhớ khi bức màn trong cung thánh bị xé tan vào lúc Chúa Giêsu chết (15,38).

Bực bội vì lời khai bất nhất của các nhân chứng của mình, thầy thượng tế đặt một câu hỏi quan trọng cho Chúa Giêsu: “Ông có phải là Đấng Messia, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” Không một chút do dự nào trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu đáp: “Phải, chính thế.” Và Người đưa ra thêm một thách thức cho các đối thủ của mình: một ngày nào đó họ sẽ thấy tù nhân của họ ngự đến với tư cách là “Con Người”, nhân vật uy quyền, người tuy phải trải qua sự sỉ nhục và bị từ chối, nhưng sau đó được Thiên Chúa tôn vinh và trở lại trong chiến thắng vào ngày tận thế.

Lời tuyên bố táo bạo của Chúa Giêsu về danh tính và địa vị của Người bị các đối thủ bác bỏ, cho là báng bổ; họ kết án Người đến chết và bắt đầu đánh đập Người. Độc giả đã biết Chúa Giêsu thật sự là ai chỉ có thể kinh ngạc trong nỗi buồn sâu sắc, nhưng cũng tự nhắc nhở về sự thể tất cả chúng ta đều có thể trở nên mù lòa về mặt thiêng liêng như thế nào.

Marcô chuyển sự chú ý của chúng ta từ Chúa Giêsu đang đứng trước những kẻ bắt Người trở lại sân bên dưới, nơi Phêrô thận trọng đứng gần một nhóm đầy tớ đang quây quần bên đống lửa ấm. Như thể trong chuyển động chậm, chúng ta mới có thể nhìn xem sức mạnh của sự sợ hãi phá vỡ quyết tâm của một môn đệ như thế nào. Thậm chí ba lần Phêrô phủ nhận mình không biết Chúa Giêsu, cuối cùng vẫn chửi rủa và thề thốt bâng quơ khi cơn hoảng sợ tạm lắng. Một con gà trống cất tiếng gáy làm Phêrô nhớ lại lời cảnh báo của Chúa Giêsu trong bữa ăn tối. Nhận ra sự bất trung đau đớn của mình ông rũ người ra và để cho dòng nước mắt tuôn trào trong lặng lẽ buồn thảm xót xa.

Câu chuyện đã quá quen thuộc khiến chúng ta có thể không còn cảm xúc bàng hoàng về nó nữa. Có thể lấy câu chuyện đầy đủ về sự sa ngã của các môn đệ trong câu chuyện bi thảm duy nhất này để làm bài học răn dạy: người lãnh đạo, người dẫn dắt người khác, được Chúa Giêsu chính thức kêu gọi làm môn đệ lại cắt đứt lòng trung thành với Thầy của mình.

TÒA ÁN LA MÃ

Marcô 15,1-15

 

Những người lãnh đạo đưa Chúa Giêsu đến gặp Philatô để buộc ông ta phải đóng đinh. Marcô lôi cuốn sự chú ý của chúng ta về một vấn đề duy nhất – căn tính làm vua của Chúa Giêsu — khi lần đầu tiên quyền lực của La Mã đi vào trình thuật cuộc khổ nạn.

Cảnh tượng đầy trớ trêu. Philatô, đại diện của quyền lực đế quốc, đối mặt với người tù Do Thái bị đánh đập này và chất vấn Người về những giả thuyết được cho là “vua của người Do Thái”. Trong khi dân chúng của Chúa Giêsu từ chối vị vua đích thực của họ và chọn Baraba một kẻ giết người, thì Philatô, một người dân ngoại và thuộc về La Mã, lại tỏ ra tin chắc về sự vô tội của Chúa và tìm cách để Người được thả.

Bên dưới tất cả những điều này là vấn đề vương quyền, biểu hiện mạnh mẽ nhất là quyền lực chính trị của con người mà độc giả của Marcô từng biết. Philatô và những người chống đối Chúa Giêsu đồng ý với nhau về một điều: Chúa Giêsu không phải là vua. Trong tâm trí của Philatô, Người là nạn nhân vô tội, vô hại của sự ghen tị của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Đối với họ, Người là một kẻ mạo nhận thật sai lầm và nguy hiểm đối với thẩm quyền tôn giáo của họ. Vì vậy, cuối cùng Chúa Giêsu bị chế giễu vì từng tuyên bố về vương quyền của mình: một chiếc áo choàng màu tím, một vương miện bằng gai, một vương trượng bằng cây sậy, và một sự chế nhạo qua hành động tôn kính bằng bạo lực hung tợn. Nhưng người đọc câu chuyện cuộc khổ nạn của Marcô biết rằng không phải Chúa Giêsu mà là những biểu tượng của quyền lực đế quốc và lạm dụng đang bị chế giễu.

Chúa Giêsu là vua, nhưng một vị vua mà quyền bính của Người không biểu tỏ cho thấy có dụng ý khai thác hay “thống trị người khác” (10,42) mà là đem lại sự sống cho họ. Trước đó trong Tin Mừng khi cùng với các môn đệ đi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nhắc nhở các ông không được sử dụng quyền lực kiểu đó mà chỉ dùng quyền bính xuất phát từ ý muốn trao ban sự sống cho người khác. Chính quyền năng này đã làm cho Chúa Giêsu sống lại (10,42-45 ). Trình thuật cuộc khổ nạn, do đó, đặt ra sự phán xét đối với tất cả các hình thức lạm dụng quyền lực.

CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ

Marcô 15,16-47

Phần kết thúc diễn tiến nhanh chóng trong trình thuật khổ nạn của Marcô. Câu chuyện được kể bằng vài đoạn ngắn, như thể bị rơi xuống vực thẳm đau đớn ngài không thể nói thêm. Philatô từ bỏ nỗ lực giải cứu Chúa Giêsu và kết án Người bị đóng đinh. Một vài chi tiết hành quyết được thuật lại: đem Chúa Giêsu đến đồi Gôlgôtha, nơi đó Người được đưa cho uống rượu pha mộc dược (nhưng Người từ chối), Người chịu lột quần áo đem bắt thăm và bị đóng đinh vào thập tự giá. Hai kẻ nổi loạn bị đóng đinh với Chúa Giêsu mỗi người một bên, tạo thành như hai tên hộ vệ vô tích sự thật đáng buồn. Bản án xử tội trên thập tự giá giễu nhạo: “Vua người Do Thái.”

Trong thời gian Chúa chịu treo trên thập giá, nhiều người qua lại đã chế nhạo, nhắc lại những lời buộc tội trong phiên tòa và bới móc thêm để sỉ nhục Đấng bị treo trên thập giá: những lời cảnh báo của Người đối với đền thờ; khả năng cứu được người khác nhưng bây giờ không thể tự cứu mình… Marcô ghi lại lời chế nhạo cuối cùng này với giọng điệu mỉa mai hằn học: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta có thể thấy và tin” (15,32). Nhưng độc giả biết rằng quyền năng của Chúa Giêsu được chứng nhận không phải ở việc loại bỏ thập giá mà là đón lấy nó để hiến mạng sống mình cho muôn người khác: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (8,34-37).

Bóng tối bao trùm Gôlgôtha và vẳng lên trong bóng tối đó là lời than thở cuối cùng của Chúa Giêsu: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Đây là câu đầu tiên của Thánh vịnh 22, một lời cầu nguyện tuyệt vời của người Do Thái khi phải chịu đau khổ vì đức tin. Câu chuyện về cuộc khổ nạn của Marcô đã được mô tả như là một “hành trình tăm tối” – Chúa Giêsu bị các môn đệ bỏ mặc, mất quyền tự do, mất phẩm giá và mạng sống khi Người hiến ban từng thớ thịt của mình vì sự sống thế gian.

Và như vậy qua lời tường thuật của Marcô: Chúa Giêsu chết với một tiếng kêu than không thành lời vang vọng trên ngọn đồi khủng khiếp Gôlgôtha; bức màn của đền thờ bị xé toạc; niềm tin trong lòng viên đại đội trưởng được khơi dậy. Người “nhân chứng hờ” này đã nhìn thấy, qua cái chết của Chúa Giêsu cho người khác, một hành động mặc khải đích thực về Thiên Chúa. Việc nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh đã khơi dậy trong ông lời tuyên xưng đức tin đầu tiên và đầy đủ được thuật lại trong Tin Mừng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (15,39). Một sự mặc khải đáng kinh ngạc – Quyền năng của Thiên Chúa không được biểu tỏ qua những cảnh tượng thần kỳ đáng kinh ngạc mà là trong một cái chết tự hiến được thúc đẩy bởi tình yêu thương tột độ.

Marcô có một con mắt để thấy những điều dường như không thể xảy ra. Những môn đệ được chọn đã cao chạy xa bay. Nhưng đứng từ xa có những môn đệ trung thành khác, đó là những người phụ nữ đã có lòng cảm mến đi theo Chúa Giêsu ngay từ Galilê và đã đến Giêrusalem cùng với Người. Bây giờ họ đã ở lại với Người để chứng kiến cái chết và mai táng Người, không bao giờ bỏ rơi Người. Hai người trong số họ, Maria Magđala và Maria mẹ của Giôses, sẽ canh thức ở nơi chôn cất và sẽ là những người đầu tiên phát hiện ra ngôi mộ trống và biết rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng cái chết (16,1-8). Những “môn đệ đáng ra không là môn đệ” này đã chứng tỏ cho sự thật là chính những người mạnh mẽ hơn, nổi nang hơn đã thất bại, còn những người yếu kém lại là những người mang sứ điệp Chúa Giêsu Phục sinh về niềm vui và sự hòa giải cho những môn đệ đã thất trung.

Và giờ đây chúng ta chuẩn bị tâm hồn để bước vào mầu nhiệm Chúa phục sinh!

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung

Tham khảo:

  • Frank J. MATERA (2001) Passion Narratives and Gospel Theologies. Paulist Press
  • Alban Goodier, SJ (2010) The Passion and Death of Our Lord Jesus Christ. Scepter Publishers
  • Mary Healy (2008) The Gospel of Mark (Catholic Commentary on Sacred Scripture). Baker Acadamic