Dân Làng Hồ

DÂN LÀNG HỒ

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG I

Những dự phóng đầu tiên nhằm thiết lập cơ sở truyền giáo nơi các dân tộc thiểu số – Cuộc hành trình khảo sát của Thầy Sáu Do

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

Youtube: Chủng Sinh TV

LỜI  TỰA

“Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10, 15)

Trải qua biết bao thăng trầm của dòng lịch sử, Giáo Phận Kontum luôn tự hào là mảnh đất truyền giáo màu mỡ xuyên suốt nhiều thế hệ thừa sai. Truyền thống tốt đẹp ấy vẫn luôn được duy trì và kế thừa nơi các Yao Phu, những người dân tộc Tây Nguyên, đã noi gương và tiếp bước các vị thừa sai Tây Phương, không ngần ngại dấn thân loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa tại khắp các buôn làng xa xôi trong Giáo Phận.

Năm 2008, kỷ niệm 100 Năm Thành Lập Trường Yao Phu Cuénot, cơ sở đào tạo những thừa sai bản xứ cho cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên. Nhân dịp này, được sự chuẩn y của Tòa Thánh, Giáo Phận Kontum đã mở Năm Thánh Yao Phu, cùng với Phép Lành Toà Thánh và Ơn Toàn Xá, nhằm khơi lại những trang sử tuyệt mỹ về truyền thống truyền giáo của Giáo Phận, cùng với mong muốn khích lệ, phát huy tinh thần dấn thân phục vụ vì Nước Chúa nơi các Yao Phu, những cánh tay nối dài của các “Đấng Chủ Chăn” tại các buôn làng xa xôi trong toàn Giáo Phận.

Năm Thánh là Năm Hồng Ân! Tạ ơn Chúa vì những hồng ân cao cả mà Người đã thương ban cho Giáo Phận Kontum nói chung và Hội Yao Phu nói riêng trong suốt thời gian qua.

Năm Thánh không những là cơ hội để mọi tín hữu đào sâu Đức Tin mà còn là dịp thuận tiện để tất cả cùng nhìn lại quá khứ hầu có thể học hỏi, hiểu biết sâu sắc hơn lịch sử truyền giáo của Giáo Phận Kontum thân yêu.

Để góp chút tư liệu cho việc học hỏi lịch sử Giáo Phận, Cha Giuse Đỗ Hiệu – Cha Quản Hạt Kontum, và chúng con – một nhóm Đại Chủng Sinh của Giáo Phận đã đọc lại cuốn “Dân Làng Hồ” dựa trên nguyên tác “Les Sauvages Bahnars” của linh mục Pierre Dourisboure, và dựa trên những bản dịch trước đó để hiệu đính sao cho phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại.

“Dân Làng Hồ”[1] ghi lại một cách chân thật cuộc đời truyền giáo đầy gian khổ của các vị thừa sai Tây Phương trong những ngày đầu đặt chân đến miền đất Tây Nguyên, khởi đầu cho việc thành lập Giáo Phận Kontum sau này.

Đây không những là một tài liệu quý giá cho người viết sử truyền giáo miền Tây Nguyên Kontum, mà còn là một tác phẩm khảo sát lý thú và là thiên hồi ký đặc sắc, đơn sơ, thành thật, tả chân, gây cảm xúc mãnh liệt.

Thật vậy, Cha Adrien Launay, trong bài mở đầu tập Hồi ký, ấn bản năm 1929, đã viết: “Tất cả những ai có dịp đọc tác phẩm này đều hết lời ca ngợi, và tôi được biết đã từng có người quỳ xuống dâng lời khẩn nguyện sau khi đọc lại trang nào đó trong quyển hồi ký này, mắt đẫm lệ …”

Trong lần tái bản này, chúng con vẫn lấy tên bản dịch là “Dân Làng Hồ” –  “Hành trình truyền giáo và khai phá miền đất Tây Nguyên Kontum”. Như thế, hợp với nội dung thiên Hồi ký hơn, vì phần khảo sát phong tục, tập quán, cách sinh sống của người Ba Na chỉ chiếm một vài trang; vả lại, Hồi ký còn đề cập đến các bộ tộc Xê Đăng, Jrai chứ không riêng gì bộ tộc Ba Na.

Hy vọng rằng “Dân Làng Hồ” sẽ giúp mọi người ý thức mạnh mẽ hơn trách nhiệm và bổn phận của mỗi Kitô hữu trong việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho hết thảy những người sống xung quanh mình.

Cuối cùng, với những hạn chế về thời gian và khả năng, chắc chắn rằng tập sách này vẫn còn nhiều thiếu sót, rất mong quý độc giả thông cảm, góp ý và vui lòng đón nhận.

Trước khi đi vào nội dung, xin mời độc giả lướt qua đôi nét tiểu sử của Linh mục Pierre Dourisboure, tác giả của thiên Hồi ký đặc sắc này.

Pierre Dourisboure (1825-1890)

Linh mục Pierre Dourisboure (Cố Ân) sinh ngày 19.09.1825 tại Briscous miền Tây Nam nước Pháp, gần biên giới Tây Ban Nha.

Năm 1844, vừa 21 tuổi, sau những năm theo học Tiểu chủng viện và Đại chủng viện tại quê nhà, ngài gia nhập Hội Thừa Sai Paris. Ba năm sau, vừa thụ phong Linh mục, Cha liền được phái sang Địa phận Đông Đàng Trong (Trung Bộ Việt Nam) để tham gia xây dựng một Miền Truyền Giáo mới, nơi anh em dân tộc cư trú tại vùng rừng núi ở khoảng giữa sông Mê Kông và Biển Đông, do Đức Cha Cuénot Thể, Giám Mục Địa Phận, khởi xướng từ lâu.

Sống giữa nơi rừng thiêng nước độc, chịu đủ mọi thứ hiểm nguy: thú dữ, bệnh tật, cô đơn, thiếu thốn cùng cực, Cha đã đứng vững được trên 35 năm nơi miền Truyền Giáo dân tộc này; trong khi nhiều vị thừa sai khác, đồng nghiệp của ngài, không ai sống nổi quá 10 năm, cá biệt có vị chỉ sau vài ba tuần đặt chân lên đất Tây Nguyên đã phải lìa trần vì không chống cự nổi với các “hung thần”: sốt rét rừng và kiết lị, mặc dù các vị ấy đang còn ở tuổi thanh xuân cường tráng!

Cha có về Pháp nghỉ dưỡng bệnh một năm, rồi trở lại nhiệm sở núi rừng của mình, ở mãi cho đến năm 1885. Sau đó, ngài được gọi về Sài Gòn dưỡng bệnh bằng cách nhận chức danh Bề Trên Chủng Viện. Cách dưỡng bệnh hy hữu này thật bi thảm: nuôi bệnh ngày càng trầm trọng hơn, nên chỉ ít lâu sau, ngài phải sang Hồng Kông tìm thầy chạy thuốc. Bệnh tình không thuyên giảm, Cha phải bỏ Hồng Kông về Pháp. Vừa cập bến cảng Marseille được ít hôm, Cha đã qua đời ở đó, hưởng thọ 65 tuổi.

Vào năm 1929, tức 39 năm sau ngày Vị Truyền Giáo này qua đời, Hội Thừa Sai Paris mới cho ấn hành thiên Hồi Ký “Les Sauvages Bahnars” mà bạn sắp đọc.

Ngày nay, Cao Nguyên Gialai – Kontum phát triển mọi mặt, với dân số hàng triệu người. Với tâm tình “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, người dịch xin kính tặng đồng hương của mình bản dịch thô sơ của thiên Hồi Ký xuất sắc này.

Ban dịch thuật

[1] Theo tiếng Ba Na, “KONTUM” nghĩa là “LÀNG HỒ”.

KON : Làng, cũng như Plei hoặc Pơlei (Ba Na) và Buôn (Ra Đê, Jrai). Đơn vị quần cư của đồng bào Tây Nguyên.

TUM : Hồ, ao hồ. Nơi có nhiều hồ nước do các nhánh sông Dak Bla tạo thành.

Chương I:

NHỮNG DỰ PHÓNG ĐẦU TIÊN NHẰM THIẾT LẬP CƠ SỞ TRUYỀN GIÁO NƠI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

CUỘC HÀNH TRÌNH KHẢO SÁT CỦA  THẦY SÁU DO

IslBG

Sau Thiên Chúa, vinh quang đầu tiên trong việc thiết lập cơ sở truyền giáo nơi các dân tộc thiểu số rừng núi Tây Bắc Nam Bộ, thuộc về Đức Cha Cuénot, Giám Mục hiệu tòa Métellopolis, Đại diện Tông Tòa, cai quản Địa phận Đông Đàng Trong. Ca ngợi vị tông đồ này ở đây không phải là việc của tôi, tôi chỉ xin nói ít lời về ngài, để bạn đọc có thể dễ dàng hiểu được những sự việc tôi sắp tường thuật.

Đức Cha vốn tính cương quyết và kiên trì, và một khi ngài đã cân nhắc lên phương án rồi, thì những trở ngại, thay vì làm ngài nản lòng, lại càng gia tăng sự hăng say của ngài. Đã bốn năm lần, thấy việc rao giảng Phúc Âm cho các dân tộc thiểu số bị lâm vào bế tắc và trở nên bất khả thi, nhưng chưa bao giờ Đức Cha có ý nghĩ bỏ cuộc. Con đường bị đóng ư? Ngài cho mở con đường khác; nếu thấy con đường mới này không thể tiến hành, ngài lại tìm hướng khác cho đến khi thành công mới thôi.

Ngăn trở chính cho kế hoạch truyền giáo của Đức Cha là cuộc bắt Đạo tàn khốc trên khắp Vương quốc An Nam lúc bấy giờ, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Các vị thừa sai phải liên tục ẩn trốn và chỉ có thể lợi dụng đêm tối để thi hành nhiệm vụ của mình. Một khi bị phát hiện, lập tức họ bị bắt giữ, bị nộp cho quan sai và bị kết án tử hình. Thế nhưng,  dọc suốt Vương Quốc An Nam, xuyên qua núi rừng người dân tộc cư ngụ, trải rộng đến tận phía Tây chừng hai, ba ngày đường, đều có các lái buôn người Kinh thường xuyên lui tới trao đổi hàng hoá với thổ dân. Thật ra, các dãy núi rừng này hoàn toàn độc lập với Vương Quốc An Nam, nhưng ở đây sự nguy hiểm cũng vô cùng khốc liệt, chẳng khác gì ở đồng bằng. Sau đây là lý do.

Trong các xứ văn minh, một khi đã ra khỏi biên giới của một nước người ta không còn tuân thủ luật lệ, không còn phải lo sợ toà án của nước đó nữa. Trái lại ở các xứ bán khai Châu Á, không ai biết đến điều luật nhân quyền căn bản này, và hằng ngày người ta vi phạm không chút áy náy. Một thừa sai Châu Âu bị những kẻ lang thang nào đó bắt giữ trong xứ dân tộc và bị họ giải về An Nam, nhất định sẽ bị xử án và bị hành quyết như thể đã bị bắt quả tang đi lại giữa các đường phố Kinh Đô, mặc cho vị đó có phản kháng đến đâu đi nữa. Vì thế, các vị Truyền giáo tiên khởi nơi các dân tộc Tây Nguyên không những buộc phải ẩn trốn ngay từ lúc khởi hành, mà còn phải vừa di  chuyển vừa lẩn tránh trong rừng núi để đến những biên giới mà những lái buôn người Kinh chưa hề biết tới: tức là ra khỏi Vương quốc An Nam, họ còn phải ẩn trốn trong bốn năm ngày đường nữa.

Những khó khăn này đã không hề cản trở Đức Cha Cuénot, và theo lệnh ngài, đầu năm 1842, hai vị thừa sai Miche và Duclos đã thực hiện cuộc mạo hiểm đầu tiên. Hai vị đã băng qua biên giới tỉnh Phú Yên và tiến sâu vào giữa vùng dân tộc thì bị phát hiện và bị bắt. Các lái buôn người Kinh đã bắt giữ hai vị và áp giải về nộp cho quan sai An Nam. Nếu như Thiên Chúa không cho phép hai vị thừa sai này đạt đến thành công trong cuộc hành trình của họ và trong việc khai sáng cuộc truyền giáo nơi người Ba Na, thì đổi lại ngài ban cho họ vinh dự tuyên xưng đức tin trong gông cùm, tù ngục. Sau khi bị áp giải về Huế, họ bị điệu ra trước toà hết lần này đến lần khác, bị giam cầm, chịu cực hình và cuối cùng bị kết án tử hình. Trong khi chờ ngày thi hành án lệnh, vào tháng ba năm 1843, chiếc tàu Pháp Hérọne đã kịp thời đến can thiệp và giải cứu hai vị.

Những năm sau đó, một vài kế hoạch đột nhập khác qua hướng Quảng Ngãi và Quảng Nam xem ra cũng chẳng mấy thuận lợi và không mang lại kết quả khả quan gì hơn. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến những sự kiện này để minh chứng lòng kiên định bất khả thắng của Đức Cha Cuénot, lòng kiên định mà tôi chắc rằng sẽ là nhành nguyệt quế đẹp nhất làm mũ triều thiên cho ngài trên Thiên Quốc.

Vào năm 1848, một lần nữa Đức Cha lại nỗ lực mở cuộc khảo sát qua biên giới tỉnh Bình Định, nơi chính ngài ẩn náu do cuộc bắt Đạo. Nằm cận biên giới phía Tây của tỉnh này, có làng An Sơn vốn là trung tâm buôn bán lớn giữa người Kinh và người dân tộc. Chính nơi đây, vào cuối thế kỷ trước, đã là cái nôi của cuộc nổi dậy của ba anh em nhà Tây Sơn chống vua Gia Long. Từ thời kỳ đáng nhớ này, An Sơn (xưa là Tây Sơn) luôn là mối e ngại cho triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Vì vậy, nhiều điều luật nghiêm ngặt với những hình phạt khắt khe đã được đặt ra cho những người An Nam định cư trên đất của người dân tộc cũng  như cho những người dân tộc nào vượt quá lãnh thổ An Sơn để vào đất An Nam. Thật vậy, những người An Nam buôn bán rất tấp nập trong các vùng dân tộc, họ thường xuyên đi lại từ bộ tộc này đến bộ tộc khác, nhưng không ai trong số họ nghĩ đến việc định cư ở đó. Về phần mình, các dân tộc thiểu số cũng xuống tận An Sơn để buôn bán mà chưa bao giờ dám vượt qua biên giới này.

Trong cơn bắt Đạo, một thừa sai Tây Phương không thể phiêu lưu trên con đường An Sơn mà không tránh khỏi những nguy hiểm rình rập. Đức Cha xét thấy cần phải có một người Kinh nào đó đi khai phá những con đường khác, xem xét các địa điểm thường có các lái buôn qua lại và thu thập tin tức về các bộ tộc ở xa hơn nữa, bởi vì những bộ tộc xa xôi này có lẽ là nơi duy nhất có thể rao giảng Tin Mừng trước tiên cho người dân tộc. May mắn thay, lúc đó Địa phận Đông Đàng Trong xuất hiện một chủng sinh trẻ đầy tài năng và đức hạnh – Nguyễn Do – một người xem ra được Chúa Quan Phòng đào tạo, cốt để đảm nhiệm những công trình gian nan nguy hiểm. Thầy Do vừa trở về sau chín năm ở Đại Chủng Viện Pulo-Pinang: bảy năm làm chủng sinh và hai năm làm giáo sư trợ giảng. Ban Giám Đốc Chủng Viện đã hết lời khen ngợi Thầy Do qua các báo cáo gởi về cho Giám Mục của Thầy. Đức tính nổi bật của Thầy là lòng tín thác tuyệt đối vào Chúa Quan Phòng và trong những biến cố gay cấn thường đánh gục lòng can đảm của nhiều người khác, thì chỉ làm gia tăng lòng dũng cảm của Thầy thôi. Nhiều lần, tôi đã chứng kiến trong những tình thế rất nguy kịch, Thầy Do vẫn tỏ ra hết sức bình tĩnh.

Tượng Cha Do (1823-1872)

Đức Cha Cuénot hiểu rõ và đánh giá cao Thầy Do, ngài quyết định giao phó cho Thầy thực hiện hoài bão mà ngài đang ấp ủ. Một ngày kia, ngài gọi Thầy Do đến và không cần vòng vo, đi thẳng vào đề:

– “Thầy phải khai mở một con đường, qua ngõ An Sơn, để  truyền giáo cho người dân tộc. Thầy sẽ làm thế nào để hoàn thành việc đó?”

– “Con sẽ làm lái buôn – Thầy Do đáp – và trong khi đóng vai một lái buôn, con sẽ tiến sâu vào bên kia ranh giới mà các lái buôn khác chưa từng vượt qua. Một khi việc khảo sát địa hình hoàn tất, con sẽ trở về và dẫn đưa một Cha đến vùng đó.”

– “Quá tốt – Đức Cha nói thêm – Cha mong đợi nhiều nơi Thầy; nhưng để thực hiện một công trình hết sức quan trọng như vậy, Thầy cần có đủ can đảm mà Ta muốn ban cho Thầy qua việc phong chức Phó tế. Vậy Thầy hãy dọn mình, tĩnh tâm và cầu nguyện, để đón nhận ân sủng mà Thiên Chúa sắp ban cho Thầy.”

Tám ngày sau, được trang bị bằng đức tính của hai Thánh Phó tế tử đạo Stêphanô và Lôrenxô, Thầy Sáu Do cất bước lên đường hướng về An Sơn. Để khỏi ai chú ý đến chuyến đi của mình, Thầy Sáu Do cởi bỏ y phục thường ngày, vận bộ đồ rách rưới, vượt qua các ngọn đồi hiểm trở phân cách cao nguyên An Sơn và đồng bằng Bình Định. Dự định giả trang làm lái buôn, nhưng Thầy Do đã không nghĩ rằng muốn buôn bán nơi miền dân tộc cần phải có môn bài mà chính quyền vẫn bán đấu giá định kỳ hằng năm.

Không thể hy vọng sớm kiếm được môn bài mà không bị lộ diện, Thầy Sáu Do đã thay đổi kế hoạch. Từ nay, thay vì mơ ước địa vị cao sang của một thương buôn, Thầy lại bằng lòng với một vị trí thấp hèn: làm đầy tớ. Thầy đã xin vào giúp việc cho một lái buôn người Kinh ở An Sơn. Nhiệm vụ đầu tiên của Thầy nơi ông chủ mới này là làm chính công việc mà xưa kia đã làm cho đứa con hoang đàng phải hối hận và nuối tiếc nhà Cha của mình. Nhưng cũng thật khác xa biết bao! Đứa con hoang đàng đáng thương tuôn chảy những giọt nước mắt đắng cay, bởi vì chính anh đã lìa bỏ Cha mình, và thân phận làm kẻ chăn heo của anh chẳng qua chỉ là một hình phạt vì lỗi lầm của anh. Trái lại, Thầy Sáu của chúng ta đã hết lòng yêu mến Cha trên trời, Đấng vì lòng yêu thương đặc biệt mà thế gian không bao giờ hiểu thấu, đã đặt Thầy vào địa vị thấp hèn này để Thầy có dịp đau khổ mà lập công. Bởi thế, thay vì than thân trách phận, Thầy Sáu Do đã cảm thấy rất hạnh phúc. Người lái buôn không chút nghi ngờ phẩm cách của người giúp việc cho mình, thậm chí cũng không biết anh ta là một Kitô hữu. Sau một thời gian, rất hài lòng về người giúp việc, ông chủ liền thăng bậc cho anh bằng cách đặt anh làm đầu bếp. Đến thời kỳ đi trao đổi hàng hoá với các bộ tộc, Thầy Sáu Do, vai mang gùi đựng nồi niêu, chén bát, tháp tùng ông chủ lái buôn của mình đi từ làng này đến làng khác.

Công việc bận rộn của một người giúp việc cần mẫn không hề làm sao nhãng tâm trí của Thầy Sáu Do dành cho sứ mạng bí nhiệm mà chỉ một mình Thầy biết. Thầy kiên trì hỏi han anh em dân tộc về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của họ, về thiên nhiên của các vùng ở phía Tây và về các bộ tộc cư ngụ ở đó. Nhất là, Thầy đã cố gắng ghi nhớ một số từ vựng của thổ ngữ mà một ngày kia, nhờ nó, Thầy sẽ rao giảng Đức Giêsu Kitô cho những người đáng thương này, những người chưa hề nghi ngờ mục đích của Thầy.

Sau sáu tháng sống đời phiêu bạt, Thầy Sáu Do đã biết khá nhiều thổ ngữ của các dân tộc, đủ để có thể phiêu lưu một mình. Không còn lý do gì để ở lại làm công cho ông chủ lái buôn lâu hơn nữa. Vào một ngày đẹp trời, Thầy đã rời bỏ ông chủ và trở về tường trình cho Đức Cha những thành công bước đầu trong công việc của ngài. Thầy muốn thử nhập vai một lái buôn thực thụ để có thể dấn sâu vào trong các bộ tộc thiểu số mà các lái buôn người Kinh chưa hề đặt chân đến. Đức Cha Cuénot đã tán thành và cho một nhóm chủng sinh chưa có chức thánh đi theo tháp tùng Thầy. Họ là bốn người bạn của Thầy.

Trong những ngày đầu tiên, họ buộc phải “hành quân” vào ban đêm. Với sự thận trọng, khôn khéo, họ đã an toàn đến được bộ tộc Ha Drong. Từ một anh đầu bếp lưu động, Thầy Sáu Do đã trở thành một người lái buôn “tầm cỡ”, với đủ thứ hàng hoá và đoàn người tháp tùng. Nhưng, như thi sĩ ngụ ngôn La Fontaine đã từng nói: “Trong mọi trường hợp, những người nhỏ bé có thể tránh né cũng dễ dàng thôi. Còn người lớn, ôi! dễ chi như vậy.”

Khi Thầy Sáu Do chỉ là anh đầu bếp thì chẳng ai quan tâm đến làm gì; nhưng khi tưởng Thầy giàu có thì người ta lại âm mưu sát hại Thầy. Một ngày nọ, người dân tộc Ha Drong quyết định cướp đoạt hàng hóa của các ngài mà họ tưởng là rất quí giá, đồng thời bắt lấy chủ buôn và các người giúp việc đem bán sang Lào làm nô lệ. Nhưng Chúa Quan Phòng đã săn sóc Thầy, đã giúp Thầy nhận biết ý đồ đen tối của các ông chủ tỏ vẻ hiếu khách. Vì thế, giữa đêm khuya, Thầy Sáu Do và các bạn hữu đã chạy trốn, bỏ lại tất cả hành lý, đồ đạc, và khi bọn cướp kéo đến bao vây nhà thì họ đã cao chạy xa bay rồi. “Bỏ của chạy lấy người”, cứu được mạng sống là may lắm rồi! Nhưng thật là khốn khổ! Họ đã phải chịu suốt ba bốn ngày đường gian lao, trắc trở để rồi trở về lại đất An Nam! Họ không còn lương thực, không còn gì quý giá, nghĩa là không có vật gì để trao đổi, vì ở xứ này, người ta không biết đến tiền bạc. Cuối cùng, nhờ các thiên thần bản mệnh phù giúp, anh em cũng về gặp được Đức Cha Cuénot. Đức Cha rất cảm phục lòng can đảm của họ, vì ngay sau đó, họ lại ngỏ ý muốn sẵn sàng lên đường nữa.

Tóm lại, với bao nhiêu vất vả khó nhọc và kiên tâm trì chí, Thầy Sáu Do đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Trước tiên, Thầy đã biết được một ít thổ ngữ dân tộc, đó là điểm căn bản; và nhất là Thầy đã khai phá một con đường mới ngoài các con đường thông thường của các thương buôn người Kinh đi lại. Con đường chẳng mấy ai đi vì phải vượt qua núi đồi dốc dác, hiểm trở. Nhưng qua ngã này, nếu các nhà thừa sai sử dụng thì họ có thể kín đáo tới được các vùng rừng núi phía Tây. Con đường này, hết sức cam go và vất vả, lại dài hơn những lối đi khác, bởi vì phải đi vòng rất xa lên tận phía Bắc trước khi rẽ sang phía Tây. Tuy nhiên, đó là lối đi an toàn, bởi vì không một thương buôn người Kinh nào có can đảm đi vào. Sau khi xem xét chu đáo, Đức Cha Cuénot đã chọn lối đi này cho các vị thừa sai.

(Còn tiếp)

print