Dân làng Hồ – Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG IV

Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

Như đã đề cập ở trên, tôi từng hiện diện bên cạnh Đức Cha Cuénot khi ngài đọc thư của Cha Combes báo tin về cuộc gặp gỡ với Bok Kiêm. Và tôi đã từng chứng kiến cảm xúc sâu đậm của Đức Cha khi ngài hay tin này. Ngay trước khi tôi từ giã Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris, Cha quản lý các xứ truyền giáo miền Nam, Cha Chamaison, đã cho tôi biết rằng rất có thể tôi sẽ được chỉ định đi truyền giáo cho người dân tộc. Vì thế, tôi đã hết lòng yêu mến người dân tộc, và nhiều lần, trong cuộc hành trình dài vượt đại dương đầy buồn chán, giữa những cơn bão táp ghê rợn, tôi đã nghĩ đến các dự tòng tương lai của tôi. Và tôi đã gửi gắm họ cho Chúa qua những lời cầu nguyện thấp hèn của mình. Khởi hành từ cảng Nantes vào tháng 10 năm 1849, tôi đã đến nhà Đức Cha Cuénot (ở Gò Thị) lúc bình minh ngày 23 tháng 6 năm 1850, áp lễ Thánh Gioan Tẩy Giả.

Đức Cha nói với tôi: “Mặc dù hiện giờ tôi có ý định đưa Cha lên xứ người Ba Na, nhưng tôi không biết rồi ra có phải buộc lòng gọi Cha trở về lại xứ An Nam vì bệnh tật hay vì lý do nào khác không. Vậy thì Cha hãy ở lại đây với tôi ít tuần và cố gắng học tiếng Kinh, y như Cha được chỉ định ở đây luôn vậy”. Tôi đã tuân lệnh, và sau ba tháng học tiếng Kinh, tôi đã có thể ngồi toà giải tội. Cuối cùng, thời khắc chờ đợi từ bao lâu nay đã đến. Tôi ra đi nối gót các Cha Combes và Fontaine, gặp các đấng trên miền đất của người dân tộc.

Nhưng trước hết, tôi muốn nói đôi lời về người bạn đồng hành đáng kính của tôi: Cha Desgouts hiền hậu. Việc nhắc đến các thánh có lợi cho chúng ta, bởi giúp ta nhớ lại các nhân đức và gương lành của các ngài, và khi ta nghĩ tưởng đến các thánh thì ta nghe tự nơi thâm sâu của lòng ta tiếng nói được lặp đi lặp lại không ngừng như khi xưa đã xảy ra nơi thánh Augustinô: “Và ngươi, ngươi không thể làm được điều mà ông kia bà nọ đã làm được sao?” Và lời nói nội tâm này đã là động cơ khích lệ thật mãnh liệt.

Cha Desgouts, một Vị Thánh trong các Đấng Thánh dễ thương, có biệt tài luôn làm vui lòng tất cả mọi người. Vào thời điểm tôi viết những dòng này, ngài không còn trẻ nữa, và cũng mới đến như tôi. Ngài đã làm việc nhiều năm trong “vườn nho” của Cha trên trời. Trước khi đến miền truyền giáo, ngài đã thi hành thừa tác vụ thánh ở Pháp, trong Địa phận Auch. Nhưng lòng ao ước được đổ máu đào vì đức tin, được phúc tử đạo đã thôi thúc ngài lìa bỏ quê hương, tình nguyện sang Địa phận Đàng Trong, nơi đang xảy ra cuộc bắt Đạo. Tôi nhớ một hôm người Cha hiền hậu này nói với chúng tôi: “Tôi là kẻ tội lỗi khốn cùng, tôi chỉ sung sướng khi được chết dưới lưỡi gươm của đao phủ thôi!” Vào năm 1850, ngài khoảng bốn mươi lăm tuổi, hơn tôi hai mươi tuổi; cuộc sống vất vả triền miên đã làm cho ngài xem ra già dặn hơn. Thoạt nhìn ngài, tôi tưởng ngài đã gần sáu mươi!

Đặc biệt, ngài vốn có tính tình hiền hậu; cho nên suốt thời gian ngài sống với chúng tôi và cả sau khi ngài đã qua đời, không bao giờ chúng tôi, vốn là bạn bè của ngài, khi nói về ngài mà chỉ gọi trổng là “Cha Desgouts”, nhưng luôn thêm “Cha Desgouts hiền hậu”. Hoặc vắn tắt hơn là “Cha hiền hậu”. Miệng gọi tên ngài thì luôn kèm theo chữ “hiền hậu”. Tính đơn sơ và lòng khiêm tốn của ngài thật đáng khâm phục. Ở miền dân tộc, đôi lúc chúng tôi tụ họp một vài anh em người Âu lại trong chòi, đương nhiên Cha Desgouts là anh cả trong nhóm. Thế mà, ngài tự nguyện làm người hầu cho chúng tôi; buộc lòng chúng tôi luôn ý tứ lẩn tránh đón nhận những sự chăm sóc rất ư khiêm tốn của ngài. Chưa bao giờ tôi thấy ngài tỏ ra thiếu kiên nhẫn chứ đừng nói là hờn giận, dù đôi lần ngài phải lâm vào hoàn cảnh mà với bản tính tự nhiên, chịu thử thách nặng nề và chén đắng không phải là dễ uống. Tóm lại, ngài có một đức tính đơn sơ, thật dễ thương. Ngài vừa là hiền phụ vừa là bé thơ nhưng lại có một lương tâm tế nhị, rất đáng khâm phục. Đôi nét phác hoạ về Cha Desgouts hiền hậu đến đây xem như tạm đủ; ta sẽ thấy điều đó qua công việc ngài làm và nhờ đó, ta sẽ đánh giá đúng giá trị thực sự nơi ngài.

Cha Desgouts đang quản nhiệm một địa sở ở tỉnh Quảng Ngãi, thì nhận được thư của Đức Cha bảo ngài phải tức khắc rời bỏ nhiệm sở về Gò Thị gặp ngài, và từ đó sẽ được sai lên miền dân tộc. Sau đây là lý do tại sao:

Khi thiết lập miền truyền giáo này, Đức Cha đã nhắm hai mục đích: trước hết, đem Tin Mừng đến cho người dân tộc, sau đó, thiết lập một Chủng Viện cho toàn Giáo phận. Vì cuộc bắt Đạo không cho phép ngài lập Chủng Viện ở đồng bằng, nên Đức Cha đã nghĩ rằng trong khi rao giảng đức tin cho dân tộc thiểu số, các vị thừa sai có thể xây dựng trong các vùng tự do này một trường học dành cho các thanh niên người Kinh được tuyển chọn. Họ sẽ học hành, tu luyện chuẩn bị cho chức linh mục. Kế hoạch quá tuyệt vời và xem ra rất khả thi; nhưng Đức Cha không biết rằng các vùng này hết sức độc hại! Ngài không ngờ rằng Chủng Viện của ngài sẽ chỉ có thể là một bệnh viện đầy ắp bệnh nhân mà thôi. Dù sao, Cha Desgouts cũng đã được chỉ định làm giám đốc Chủng Viện tương lai này.

Người cha hiền hậu đến Gò Thị vào đầu tháng mười một. Vài ngày sau, lúc sắp lên đường, chúng tôi nhận được một lá thư của hai Cha Combes và Fontaine. Các bạn đồng nghiệp yêu quý này đã biết tin chúng tôi sắp lên cộng tác với họ, nên viết thư bày tỏ niềm phấn khởi, đồng thời thông tin cho chúng tôi biết vài chi tiết về hoàn cảnh đáng thương hiện tại của họ ở Kơ Lang: sốt rét rừng đã trói cả hai Cha nằm lì trong cái chòi tồi tàn do đoàn dựng lên giữa rừng. Hầu như mọi người đều đau yếu như thế cả. Tóm lại, lá thư chỉ là một chuỗi những kể lể về những thiếu thốn, bệnh tật, khốn khổ đủ loại. Cha Combes còn viết thêm: “Thế nhưng, dù sao vẫn cứ vui mừng, hoan hỷ!”

Ôi kỳ diệu thay đường lối Chúa Quan Phòng dành cho các thừa sai của Người. Khi muốn làm cho họ vững mạnh thì Người cho họ nghe những chuyện đáng chán nản nhất. Chỉ toàn là bắt bớ, hiểm nguy, bệnh tật, cám dỗ, thương tâm. Chỉ toàn là thập giá đủ loại: cô liêu, buồn phiền, nóng lạnh, đói khát; đôi khi là tra tấn, cực hình và chết chóc. Vị thừa sai trẻ này đã khiếp sợ chăng? Chàng ta sắp rút lui, từ bỏ việc tông đồ hay luyến tiếc tổ ấm của cha và sự dịu hiền của mẹ chăng? Ồ không! Trong khi cho chàng thấy khía cạnh nghiêm trọng do ơn gọi đòi buộc thì Thiên Chúa đồng thời cũng đổ xuống trên tâm hồn chàng ơn can đảm phi thường và niềm hăng say mới mẻ. Tất cả những chi tiết mà chàng biết được chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”: ngọn lửa càng toả rộng, càng bùng phát. Tôi còn nhớ những năm theo học ở tiểu Chủng Viện Laressor (thuộc giáo phận Bayonne): tôi chỉ là một tiểu chủng sinh lớp đệ tam, nhưng trong giờ ăn, khi người ta đọc những lá thư của Cha Miche viết từ trong tù ở Huế. Ôi! Tôi đã ngừng ăn miếng bánh mì đang cầm trên tay vì không thấy đói nữa. Tôi chỉ còn biết căng mắt mà xem, vểnh tai mà nghe người ta đọc, và tận đáy lòng, tôi đã sung sướng nghe một giọng êm ái, ngọt ngào ngỏ lời với tôi: “Và con nữa, con cũng sẽ là nhà truyền giáo!” Việc đó đã xảy ra cách đây hai mươi năm nhưng mỗi khi nhớ đến, nước mắt tôi lại tuôn trào. Ôi! Chúc tụng ngợi khen Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Chúa đã vác lấy Thánh giá nặng nề và độc dữ, Người lại xoa dịu thập giá của chúng con và làm vơi đi đắng cay bằng biết bao an ủi dịu ngọt!

Cha Desgouts hiền hậu và tôi, chúng tôi đã khởi hành vào ngày 11 tháng 11 lúc màn đêm buông xuống. Chúng tôi đã chèo ghe suốt đêm đó cho đến tối hôm sau. Giữa bóng đêm tĩnh lặng, chúng tôi đã có thể tha hồ hít thở bầu khí trong lành. Còn ban ngày thì không được như thế vì sợ bị lộ diện thân phận người Âu, nên chúng tôi phải nằm giấu mình trong khoang thuyền. Đến nửa đêm, khi chúng tôi đến được chân núi cũng là lúc chúng tôi phải rời bỏ dòng sông. Nhiều anh em trong cơ sở Trạm Gò đã có mặt ở đó để chào đón chúng tôi. Vì trời tối đen như mực nên chúng tôi không nhận ra họ. Ghe vừa cập bờ thì những người này đi thẳng đến các tay chèo ghe, rồi nhỏ to chuyện gì đó, khiến chúng tôi hơi ngạc nhiên. Đúng lúc đó, từ một chiếc ghe khác đậu ở bờ đối diện, có người nói vọng sang phía chúng tôi: “Này, bên kia, các anh đang làm gì đó, các anh lấy hàng hay bỏ hàng gì dưới chân núi này, nơi không có đường đi, không có người ở?” Thế là Cha Desgouts hiền hậu, vì luôn bị ám ảnh bởi ý tưởng tử đạo, đã tưởng như những người ra đón chúng tôi đang nói về sự phản bội, chuyện bỏ tù, chuyện các quan, v.v… tắt một lời, sự hiện diện của chúng tôi đã bị nhà cầm quyền An Nam biết. Chúng tôi sắp bị bắt và mọi chuyện đại loại theo tiến trình đó. Ngài bèn nói với tôi: “Chúng ta bị lộ rồi, vĩnh biệt anh em dân tộc, hoan hô phúc tử vì đạo!” Tôi còn chưa biết rõ mình có đồng cảm với ngài hay không, khi tôi nghe những người dẫn đường cho chúng tôi giải thích làm sáng tỏ tình thế, và thế là giấc mơ tan biến, nhường chỗ cho thực tế. Thôi, xin giã từ gông cùm, xiềng xích và đòn vọt! Vấn đề là chuẩn bị đôi chân để chạy chứ không phải đuổi theo ảo ảnh. Từ đó, nhiều khi nhớ lại chuyến phiêu lưu này, tôi thường cười hả hê với Cha Desgouts hiền hậu, còn ngài thì chỉ cười gượng mà thôi!

Những người ở chiếc ghe bên kia hoàn toàn có lý khi báo cho chúng tôi biết trong núi không có đường đi, và rút kinh nghiệm vừa trải qua, chúng tôi đã nhanh chóng tin theo. Cứ thế, chúng tôi dò dẫm từng bước đi không ngừng nghỉ cho đến nửa đêm, và chỉ dừng lại một lát để ăn uống qua loa, lấy sức lên đường. Để đến Trạm Gò, chúng tôi còn phải leo lên một ngọn núi hiểm trở với hai đỉnh cao vút. Chúng tôi đã nghe thấy tiếng rống của một đàn voi phát ra từ một trong hai đỉnh núi kia. Nhưng đó không phải là đỉnh mà chúng tôi phải vượt qua. Đối với tôi, một thanh niên cường tráng ở tuổi hai mươi bốn, đã quen thuộc với việc chạy bộ chăn dê, chăn cừu trên dãy núi Pyrénées, thì việc leo núi đơn giản chỉ là một trò đùa. Nhưng sức lực của ông bạn tội nghiệp của tôi thì kém xa lòng can đảm của ngài; ngài đã mệt lả ngay đêm đầu tiên, và không thể nào diễn tả hết những khốn khổ ngài phải chịu trên suốt quãng đường đi đến Kơ Lang. Một trong những thanh niên đi theo chúng tôi đã ngã quỵ vì đuối sức trước khi leo đến được đỉnh núi. Không thể chờ vì lo sợ sẽ bị phát hiện giữa ánh sáng ban ngày, nên chúng tôi đành để hai thanh niên khác ở lại giúp đỡ bạn mình. Cuối cùng, đến lúc gà gáy chúng tôi đã đến được Trạm Gò và tìm cách len lỏi vào nhà các tín hữu người Kinh. Đối với chúng tôi, ban ngày ở đó lại biến thành ban đêm để ngủ; nhưng ngay khi mặt trời vừa lặn thì chúng tôi sẵn sàng khăn gói cho cuộc phiêu lưu.

Chúng tôi lên đường với tất cả là mười lăm người. Đi đầu là em ruột của Thầy Sáu Do, tay cầm một con dao lớn khai phá lối đi. Đêm ấy, chúng tôi không gặp bất cứ trở ngại nào; cọp, beo, voi dường như đã nhận được lệnh kiếm mồi cách xa lối đi của chúng tôi. Hươu, nai và các thú rừng nhút nhát khác chỉ được phép chào mừng chúng tôi đi qua bằng những tiếng kêu la sợ hãi và cong đuôi, quấn chân chạy trốn. Tuy nhiên, Chúa nhân lành một khi cất khỏi chúng tôi những thập giá to lớn thì Người cũng thường ban cho chúng tôi vô vàn thập giá bé nhỏ để giữ lòng can đảm của chúng tôi khỏi bị nhược yếu. Vì vậy, suốt quãng đường đi, đôi bàn chân trần đáng thương của tôi liên tục bị kiến nhọt cắn đau điếng. Loại kiến to lớn này khi cắn vào da chân bạn, nó cắn chặt đến nỗi khi bạn muốn gỡ ra, bạn chỉ có thể túm được trong tay mình phần thân, còn hai hàm của nó vẫn còn bám lại nơi vết cắn. Loài côn trùng này nhiều khôn tả và sự tồn tại của chúng lại gây khó chịu vô cùng, nhất là tại xứ sở này, nơi mà hầu như người ta không hề biết sử dụng đến giày vớ chi cả!

Ngay trước nửa đêm, chúng tôi đã vượt qua biên giới của vương quốc An Nam và chúng tôi rảo bước trên đất của người dân tộc; vì thế, từ nửa đêm còn lại cho đến sáng, chúng tôi “hành quân” cách tự tin hơn. Tuy nhiên, vì những làng dân tộc nằm gần biên giới, ngay cả trong hướng đi này, đôi khi cũng có bóng dáng lái buôn, cho nên mặt trời vừa ló rạng, Cha Desgouts và tôi đã chui vào khoảnh rừng rậm rạp nhất để tìm chỗ nghỉ ngơi. Một vài anh em trong đoàn đi thăm dò xem có bóng dáng lái buôn người Kinh nào trong các làng dân tộc ở phía trước, dọc theo đường đi hay không. Bởi vì nếu vô tình chạm mặt họ, thì diện mạo quá bất lợi của chúng tôi sẽ tạo cơ hội cho họ tố giác. Trong lúc ẩn trốn trong bụi rậm, Cha Desgouts hiền hậu nói đùa với tôi: “Cha xem, cuộc sống của chúng ta thật là bất thường, và chúng ta đã chẳng còn giữ sự phân chia thời gian cách khôn ngoan giữa ngày và đêm mà Đấng Tạo Hoá đã an bài. Chúng ta đã nhiều lần lặp lại những lời tuyệt vời của vua Đavít: Chúa đã lập nên sự tối tăm và đêm đã thành hình, nhờ vậy các thú dữ gầm thét đi săn mồi mà Chúa đã để dành cho chúng để sống – Đó là phần của thú vật; còn đây là phần của loài người: Mặt trời đã mọc lên, và một khi tất cả thú dữ trở về ẩn náu trong hang của chúng, con người lại đi ra để lao động và để lo toan công việc của mình cho đến chiều tối – Bản văn thật rõ ràng, nhưng anh em thừa sai chúng ta lại sinh hoạt không giống như con người mà lại giống thú dữ, nhờ ơn vị bạo chúa, vua An Nam!”

Người của chúng tôi đi khảo sát địa bàn đã trở về trình báo rằng họ không thấy một bóng dáng người Kinh nào. Vậy là chúng tôi còn được hít thở bầu khí tự do và có thể tiếp tục cuộc hành trình. Vài phút sau, chúng tôi đến bờ một dòng sông mà người địa phương gọi là sông Ba. Vào mùa này, sông không sâu lắm, chỉ khoảng chừng ngang thắt lưng; dòng nước lúc nào cũng chảy xiết đến nỗi hiếm ai có đủ can đảm để mạo hiểm một mình băng qua sông. Còn về cầu cống thì, ở xứ này, chẳng cần phải nghĩ đến. Vì vậy, chúng tôi đã nắm tay nhau làm thành một chuỗi mắc xích giăng ngang dòng sông, và thế là chúng tôi đã qua được bờ bên kia mà không gặp trắc trở gì.

Trước khi mặt trời lặn, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy một người Kinh đang đi về phía chúng tôi. Thoạt tiên, chúng tôi chưa biết người ấy là ai; song phút chốc, nỗi bàng hoàng lo lắng trong lòng chúng tôi chợt tan biến, thay vào đó là niềm sướng vui khôn tả khi nhận ra người kia chính là Thầy Sáu Do được Cha Combes và Cha Fontaine sai đến đón chúng tôi. Thầy đã lặn lội suốt bốn ngày đường đầy gian nan, vất vả. Bấy giờ, niềm sung sướng mãn nguyện trong chúng tôi lại hoà lẫn trong nỗi đau buồn khi nghe Thầy Sáu miêu tả tình cảnh bi thảm của các bạn đồng nghiệp ở Kơ Lang. Thế nhưng, chúng tôi hiểu rằng số phận của các nhà thừa sai chỉ có thể là Thánh giá và đặt trọn niềm phó thác vào Chúa nhân lành. Chúng tôi tự nhủ rằng mình đến để chia sẻ những nỗi khó nhọc với họ: “Nỗi đau chia sẻ nỗi đau vơi”.

Đêm hôm ấy và hai đêm sau nữa, chúng tôi phải nghỉ lại trong nhà của gã Ba Ham đáng sợ. Hắn đã tỏ ra không quá phi lý, và chúng tôi đi khỏi nhà hắn mà gùi hành lý của chúng tôi không bị vét sạch. Từ đó đến tận làng Bơ Lu phải mất trọn một ngày đường, mà than ôi, đường quá xấu! Cha Desgouts hiền hậu suýt nữa bỏ mạng tại đó. Đôi lúc, núi non quá hiểm trở đến nỗi muốn leo lên, người ta phải dùng tay bám tựa theo các rễ cây lớn. Tệ hơn nữa là khi đã lên được đến đỉnh núi, lại phải tiếp tục leo xuống sườn núi bên kia. Dường như tôi thấy ông bạn già hiền hậu của tôi, hai tay chống hai gậy, hai gối chệnh choạng, run lẩy bẩy; lúc thì ngồi bệt xuống để người trượt bám theo các phiến đá, lúc thì tuột xuống, mặt áp vào vách núi như đang leo xuống thang vậy. Và khi đã xuống được tận chân núi, lại phải leo lên, để rồi phải đi xuống và leo lên nữa. Cứ vậy đến chiều, Cha Desgouts không còn sức để đi nữa, nên phải thuê các người dân tộc khiêng ngài. Phần tôi, tôi chỉ thấy mêt chút ít thôi vì đang còn ở độ trai tráng, khoẻ mạnh.

Những người dân tốt bụng ở làng Bơ Lu đã đối xử với chúng tôi rất quảng đại như đã từng đối xử với các bạn đồng nghiệp của chúng tôi trước đó, mặc dù cuộc sống vô cùng nghèo khổ. Hôm sau ngày chúng tôi đến là ngày đại lễ Giáng Sinh. Chúng tôi tự nhủ: “Hôm nay, tại quê hương mình và trong toàn thế giới Công giáo, niềm vui tinh tuyền nhất đang ngự trị tâm hồn hàng tư tế và các tín hữu; ở quê nhà, các bạn đồng nghiệp của chúng ta, mỗi người được diễm phúc dâng ba Lễ Misa và được rước Chúa Hài Đồng ba lần! Còn chúng tôi, những người lưu đày khốn khổ, chúng tôi đang rên rỉ trên vùng rừng núi buồn thiu này, ở giữa những người dân tộc chưa biết Chúa Giêsu Hài Đồng!” Phần tôi, cũng vào ngày này năm ngoái, tôi đang lênh đênh trên biển, chịu một cơn bão tố dữ dội để đền tội. Thiếu thốn trên đất liền, bão tố ngoài biển khơi, ít nữa là ngày sau, ước gì tôi sẽ có được phúc bình an trên trời! Chúng tôi buộc phải lưu lại Bơ Lu ba ngày, vì Cha Desgouts còn quá yếu, chưa thể lên đường ngay.

Từ Bơ Lu đến Kon Phar mất hai ngày đường. Đó vẫn còn là hai ngày rất mệt nhọc cho Cha Desgouts, nhất là ngày đầu, vì mưa đã làm cho các đường mòn qua núi hầu như không thể qua lại được. Mặc dù xứ này ở khoảng giữa vĩ tuyến mười ba và mười bốn, nhưng vào ngày lễ Giáng Sinh, trời vẫn đổ sương sa xuống cùng với nước mưa; người dân tộc gọi là trời mưa bột.

Trong ngày cuối năm, màn đêm buông xuống đang khi chúng tôi còn ở giữa rừng. Lúc mặt trời khuất núi, anh em dân tộc tháp tùng chúng tôi vội vã dựng một chòi lá bằng cành cây và thu gom các nhánh cây khô, mục để đốt lên một đống lửa lớn. Cha Desgouts không còn sức để nói chuyện nữa. Ngài nói với tôi: “Tôi chịu hết nổi rồi!”, và nằm dài dưới đất. Sáng hôm sau, để đánh thức ngài dậy, tôi chúc mừng ngài năm mới; đó là ngày mồng một tháng giêng năm 1851. Tôi nói với ngài: “Này Cha, hãy can đảm lên, chỉ còn hai ngày nữa là chúng ta sẽ ôm hôn các bạn của chúng ta thôi”.

Chúng tôi lại lên đường, nhưng vừa đi được trăm bước, bỗng Thầy Sáu Do, đang tiên phong mở đường, thét lên một tiếng chói tai kèm theo những lời: “Laudate Dominum omnes gentes (Hãy ngợi khen Thiên Chúa, hỡi muôn dân). Tôi bị thương rồi!”, và Thầy ngã xuống. Một lưỡi chông bằng tre xuyên qua bàn chân của Thầy.

Những mũi chông này dùng để bảo vệ ranh giới bìa làng khỏi những kẻ thù xâm nhập. Có nhiều loại chông khác nhau tuỳ theo chủ ý gây thương tích nơi bàn chân, bắp chân hay bụng. Lưỡi chông nói trên thuộc loại nguy hiểm hơn hết vì nó nhắm gây thương tích cho bàn chân. Nó dài khoảng bốn ngón tay, hình dáng giống như mũi dao giải phẫu, mũi thon nhọn và rất sắc. Đầu kia được cắm chặt xuống đất, mũi nhọn chỉa lên trời, hướng về phía người đang tiến vào làng. Tất cả các lối dẫn vào một làng nơi đang diễn ra chiến tranh với một làng khác đều rải lổm chổm chông và rất khó tránh khi không có đủ kinh nghiệm. Nhiều lúc, chính người dân tộc cũng đạp phải chông và chết. Bởi vì tại xứ sở này, nơi chưa hề có bất cứ khái niệm nào về khoa phẫu thuật, thì việc đứt gân máu cũng đủ dẫn đến tử vong.

Thầy Sáu đáng thương của chúng tôi bị chông đâm ngay bàn chân và đại họa hơn nữa là mũi chông bị gãy sát vết thương, không làm sao rút nó ra được. Ít ngày sau, vết thương liền lại nhưng phải ba tháng sau, khúc chông nằm bên trong mới tự mở đường xuyên qua gân và chồi ra bên phía mu bàn chân!

 Như tôi đã nói, hôm đó là buổi sáng ngày đầu năm, Chúa nhân lành đã muốn cho chúng tôi hiểu rằng những năm tháng ở chốn trần gian lưu đày này chỉ tốt đẹp cho chúng ta khi nó khởi sự bằng thập giá mà thôi. Suy nhược đi vì đau đớn và mất nhiều máu, Thầy Sáu Do trở nên tiều tụy, xanh xao như một xác chết. Thế nhưng, chính trong trường hợp nghiệt ngã như thế này, ta mới thấy đức tin của Thầy chói sáng một cách đặc biệt. Thầy Sáu luôn miệng cao rao: “Chúc tụng Thiên Chúa! Tôi bắt đầu năm mới tốt quá!”

Một vài người chúng tôi đi báo tin cho làng dân tộc đã cắm chông gây thương tích và yêu cầu họ đến giúp chúng tôi khiêng người bị thương.

Thật khó lòng diễn tả hết nỗi kinh hoàng của những anh em dân tộc. Họ chưa bao giờ trông thấy những con người quá khác thường như chúng tôi, hơn nữa, họ còn nhìn nhận chính họ là nguyên nhân gây nên tai nạn này dù không có chủ ý. Họ kéo đến rất đông, xúm nhau làm một cái băng ca cứu thương bằng những nhánh cây đan quyện vào nhau, rồi khiêng người bị thương trở về làng. Tại đó, họ luôn miệng phân bua, xin lỗi: “Chúng tôi cài chông để chống kẻ thù chứ không phải chống các ông. Nếu biết các ông đi ngang qua lối này thì không bao giờ chúng tôi dám cản đường. Hãy tha thứ cho chúng tôi và đừng nguyền rủa chúng tôi, đừng phạt chúng tôi!” Thầy Sáu cố trấn an họ, và gắng sức giấu đi vẻ mặt đau đớn gây thêm sự áy náy, phiền lòng. Để chuộc lỗi, dân làng đã chiêu đãi chúng tôi ba ghè rượu.

Mặc dù bị trì trệ do tai nạn, nhưng cũng trong ngày hôm đó chúng tôi đã đến được Kon Phar, chỉ còn đi thêm một buổi sáng nữa là đến Kơ Lang. Khi mới vừa bị thương, Thầy Sáu còn có thể chịu đựng nằm trên băng ca cho người ta khiêng đi; nhưng qua ngày hôm sau, vết thương càng nghiêm trọng, cơn đau trở nên buốt xé, thì ngài buộc phải nằm lại Kon Phar. Do đó, khi chúng tôi gặp được các bạn đồng nghiệp thì ngài không còn trong đoàn chúng tôi nữa. Chỉ một vài ngày sau đó, Thầy Sáu mới đến được Kơ Lang với chúng tôi, nhờ một người dân làng Kon Phar cõng trên lưng.

(Còn tiếp)

print