Dẫn Vào Thánh Lễ Và Suy Niệm CN 20 TN C

print

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN – C

Gr 38, 4-6. 8-10; Dt 12, 1-4; Lc 12, 49-53

Chủ đề: THÂN PHẬN NGÔN SỨ

Lời Chúa: “Thầy phải chịu một phép rửa và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất” (Lc 12, 50).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đòan phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 20 thường niên hôm nay mời gọi chúng ta hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Bấy giờ đêm của sự nhỏ nhen, ích kỷ, chia rẽ, hận thù mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương:

Cho dù đau khổ vây quanh,

Giê-mi vẫn cứ trung thành giảng rao.

Giê-su Ngôn sứ tối cao,

Khổ hình thập giá, đỉnh cao trung thành.

Còn người môn đệ đích danh,

Biết mang thập giá Chúa dành vinh quang.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa đốt lên trong ta ngọn lửa tình yêu của Chúa và biến đổi tâm hồn cứng cỏi của chúng ta bằng chính lửa yêu mến Chúa. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

1. Lạy Chúa, Chúa đã chịu treo trên thập giá để trở nên nguồn ơn cứu độ cho chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

2. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã chiến thắng sự chết để làm cho chúng con được sống đời đời. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

3. Lạy Chúa, Chúa đã đến trần gian để đem lửa tình yêu thắp lên trong lòng chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Cuộc sống con người đâu phải chỉ dừng lại ở của cải vật chất nhưng chính là tình yêu. Người ta có thể dùng tắc trà ly rượu để mua lòng trung thành, tình bạn, sự chú ý, thậm chí có thể là lòng trắc ẩn, nhưng tình yêu bản thân nó không thể mua được. Tình yêu nói lên công lý và phản kháng khi có sự xâm hại xảy ra. Tình yêu chỉ ra hậu quả của việc làm tổn thương bản thân mình và người khác nhưng đau khổ cũng không kém phần. Vị Ngôn sứ được mời gọi sống cho tình yêu. Vì thế, bị đe dọa, giam cầm, khổ hình là thân phận của một vị Ngôn sứ.

Thưa anh chị em, các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy thân phận của các Ngôn sứ. Giêrêmia sinh ra và hoạt động trong một giai đoạn lịch sử đen tối nhất của dân tộc Do thái, cũng là thời kỳ xáo trộn nhất của Trung Đông. Hai lần Giêrêmia chứng kiến cảnh thành Giêrusalem bị vây hãm và thất thủ vào những 597 và 587 (trước công nguyên). Trong giai đoạn bi đát này của lịch sử dân Do thái, Giêrêmia phải truyên bố lời Thiên Chúa. Trước những lời tuyên báo về số phận của thành, phe chủ chiến tố cáo Giêrêmia chủ hại, làm hoang mang và nản lòng chiến sĩ. Ông bị thả xuống giếng cạn để chờ chết đói dưới lòng giếng. May mắn thay, nhờ có Abdemêlech biện hộ nên ông được cứu sống. Còn bao gian khổ khác ông đã phải gánh chịu vì là Ngôn sứ của Thiên Chúa. Dù vậy, Giêrêmia đã đi đến cùng con đường sứ mệnh: đồng hành với dân tộc và chấp nhận mọi gian khổ vì sứ mệnh được trao. Hình ảnh Ngôn sứ Giêrêmia báo trước thân phận đại Ngôn sứ Giêsu. Hơn ai hết, Chúa Giêsu ý thức rõ thân phận bọt bèo này của Ngôn sứ. Người đã công bố: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”. Phép rửa ở đây chính là những gian khổ Người sẽ phải chịu. Cái gian nan đau khổ của vị Ngôn sứ, cũng như Giêrêmia, trước tiên là sự chống đối của các vị lãnh đạo tôn giáo Do thái. Các vị này từ ngấm ngầm đến công khai chống đối Chúa Giêsu: từ những bắt bẻ về nghi lễ, về lời giảng dạy đến những việc làm. Tất cả đều bị theo dõi và tìm sơ hở để hại nhục Chúa Giêsu trước mặt dân chúng. Không thành công, họ dùng đến vũ lực của đế quốc Roma và cuối cùng họ đã giết Người. Tưởng như thế là xong, nhưng vấn đề lại trở nên với cấp độ nhảy vọt khi mà niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh trở thành lời loan báo của các Tông đồ và sức sống của người tín hữu.

Có câu chuyện kể rằng, một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử: “Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?”. Các môn đệ thi nhau trả lời nhưng không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó, đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Đêm tàn và ngày xuất hiện, là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em, phải chăng đó lửa tình yêu. Sự trăn trở và ước mong sao ngọn lửa ấy bừng lên dường như vẫn đang là lời mời gọi thiết tha mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta: “Phải chi lửa ấy đã bừng lên”. Ngọn lửa ấy có lẽ rất cần chạm đến cuộc đời của chúng ta, gia đình chúng ta, vào nơi môi trường chúng ta đang sống bừng cháy lên niềm vui và chứa chan hạnh phúc, dẫu có gặp phải chống đối từ trong gia đình: “cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”. Vì thế, tác giả thư gửi Do thái khuyến cáo: “Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất”, vì dẫu chúng ta có chịu cực hình nào cũng “chưa đến nỗi phải đổ máu”.

Nguyện xin ngọn lửa tình yêu của Chúa Kitô đốt lên trong lòng chúng ta, để chúng ta biết sống theo lời Chúa dạy, và đừng bao giờ để cho lòng ghen ghét và sự hận thù ảnh hưởng đến  mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.