Đấng chiến thắng

Đấng chiến thắng – Suy niệm lễ Phục Sinh

Một chi tiết nhỏ trong trình thuật thương khó của Thánh sử Gioan đáng chúng ta lưu ý: ngôi mộ Chúa Giêsu được an táng là một ngôi mộ mượn của người khác. Tác giả viết như sau: “Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai”. Thánh sử rất cẩn thận và chi tiết, khi nói đến một ngôi mộ mới, lại còn nhắc thêm: “chưa chôn cất ai”. Sự kiện Chúa Giêsu được an táng trong ngôi mộ mượn của người khác diễn tả sự nghèo khó đến tột cùng của Con Thiên Chúa làm người. Khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa không có đến một mảnh vải che thân. Hơn thế nữa, những kỳ lão, biệt phái và người dân thành Giêrusalem đi qua còn buông lời chế diễu Người. Trên thập giá, Người trở nên người nghèo hơn hết trong số những người nghèo. Không chỉ nghèo về vật chất, khái niệm “nghèo” còn được thể hiện qua sự tín trung và phó thác nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Việc Chúa Giêsu được an táng trong một ngôi mộ mượn, cũng cho chúng ta thấy một góc cạnh khác của mạc khải. Thông thường, khi ta mượn của ai cái gì, ta chỉ dùng tạm, sau đó trả lại cho người có quyền sở hữu. Đức Giêsu được an táng trong ngôi mộ mượn, và Người cũng chỉ ở đó một thời gian ngắn. Đến ngày thứ ba, Người đã phục sinh, vinh quang sáng láng bước ra khỏi mồ. Ngôi mộ này chỉ là mượn. Điều này làm chúng ta liên tưởng tới con lừa Chúa cưỡi khi tiến vào thành Giêrusalem, cũng là con lừa đi mượn (x Lc 19,28-34). Phòng tiệc ly nơi Chúa mừng lễ Vượt Qua cũng là phòng đi mượn (x. Lc 22,7-13). Thân xác của Người không nằm yên trong mồ tối và chịu hư nát do tác động của thời gian. Ngôi mộ mượn ấy chỉ là điểm tạm dừng, chỉ là thời gian lắng đọng để giúp chúng ta suy tư về sự chết và sự sống nơi Thiên Chúa cũng như nơi con người. Đức Giêsu phục sinh đã chứng minh với chúng ta quyền năng Thiên Chúa nơi kiếp sống nhân sinh. Giây phút Chúa sống lại là một thời khắc quan trọng của lịch sử. Đó cũng là một điều phi thường của đức tin.

Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, sự sống đã chiến thắng sự chết. Khi bị bắt ở vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với những người lính Do Thái: “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22,53). Những gì xảy ra liên tiếp sau đó, cho thấy có vẻ như quyền lực tối tăm đã chiến thắng. Những kinh sư và người biệt phái, thậm chí cả thày Thượng tế, đều hả hê trước cái chết của Chúa Giêsu, vì họ đã diệt được một đối thủ. Đối thủ này dám lên án họ với những lời lẽ gay gắt. Sự phục sinh của Chúa đã đảo ngược tình thế. Sự sống đã chiến thắng sự chết. Đức Giêsu đã sống lại như Người đã nói trước đó. Cái chết và quyền lực của tối tăm đã thất bại. Sau này, thánh Phaolô đã mạnh dạn thách thức: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1 Cr 15,55).

Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, sự thiện đã chiến thắng sự ác. Trước những lời vu khống của một số kỳ lão Do Thái, trước sự hành hạ phỉ nhổ của quân lính Rôma, Chúa Giêsu vẫn khiêm nhường đón nhận. Người không dùng bạo lực để đối lại với bạo lực. Người như con chiên hiền lành bị đem đi xén lông. Chúa Giêsu là nạn nhân của bạo lực, của ghen ghét và hận thù. Cái chết trên thập giá và nhất là lời Chúa Giêsu cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình chính là sự chiến thắng của sự thiện trên sự ác. Qua cái chết trên thập giá, Chúa nói với chúng ta: ở đời này, không phải lúc nào sự chết cũng là một thất bại, và không phải lúc nào kẻ mạnh hơn cũng là người chiến thắng. Đem hận thù đối lại với hận thù, chỉ làm cho hận thù càng chồng chất. Đem tình yêu vào nơi oán thù, sẽ làm cho hận thù tiêu tan. Đời sống cụ thể của chúng ta đã hơn một lần chứng minh điều ấy.

Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, niềm hy vọng chiến thắng sự thất vọng. Kể từ khi Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, cây gỗ gồm một thanh ngang và một thanh dọc đã trở thành biểu tượng của hy vọng đối với các Kitô hữu. Đây không phải là sự ru ngủ, mua chuộc hay mị dân. Trái lại, niềm hy vọng đến từ quyền năng của Thiên Chúa. Hãy nhìn xem hai người trộm bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu: một người khước từ tin vào Chúa và thậm chí phê phán thách thức Người; trái lại, người kia lại cầu xin với lòng thành tín cậy trông. Người “trộm lành” đã được Chúa hứa ban thiên đàng ngay ngày hôm đó. Sự kiện này nhắc nhở chúng ta: dù tội lỗi đến đâu cũng không mất niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến gặp những ai đang mang gánh nặng cuộc đời, Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28),

Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến nâng đỡ những ai đang kiếm tìm chân lý và ý nghĩa cuộc đời, nhất là các bạn trẻ. Người khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,16).

Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến đổi mới tâm hồn những ai tin vào Người, với niềm xác tín “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16.16).

Ngày hôm nay, thế giới Kitô giáo đứng trước ngôi mộ trống và mang tâm trạng như tông đồ Gioan: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

Ngôi mộ mượn của người khác chỉ là một điểm dừng chân của Chúa Giêsu. Người đã sống lại. Người đã chiến thắng tử thần và lòng hận thù ghen ghét. Người cũng đem lại niềm hy vọng cho những ai đang đau khổ chán chường do sức ép của gánh nặng cuộc đời. Ngôi mộ của người tín hữu cũng chỉ là nơi ở tạm, đợi ngày thân xác được phục sinh trong ngày tận thế. Mỗi chúng ta, khi mừng lễ Phục Sinh, hãy cùng với Chúa chiến thắng những tội lỗi bủa vây xung quanh chúng ta. Như thế chúng ta sẽ trở thành những người tự do, nhờ ân sủng của Đấng Phục sinh.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

print