Đạo Công Giáo Và Việc Thờ Kính Tổ Tiên – Đạo yêu thương

print

Đạo Công Giáo
Và Việc Thờ Kính Tổ Tiên

Bạn thân mến,

Có một người quen kể cho tôi nghe câu chuyện đời của chị.

Chị có người bạn trai, cả hai yêu nhau tha thiết và tính đến chuyện trăm năm. Thế nhưng, gia đình chị theo đạo Ông Bà, còn gia đinh anh lại là Công Giáo. Mà chị nghe rằng theo đạo Công Giáo thì phải bỏ Ông Bà Tổ Tiên, thế nên chị dứt khoát không theo.

Anh cũng chấp nhận “đạo ai nấy giữ. Khi về nhà chồng, năm này qua năm khác, chị thấy anh chị em nhà chồng sống rất tốt, thuận thảo yêu thương nhau. Hằng năm, cứ đến những ngày Tết hoặc Kỵ giỗ, mọi người tụ tập ở nhà người anh lớn, cùng nhau đến nhà thờ dự lễ cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên, sau đó quây quần bên mâm cơm gia đình, tối đến lại còn đọc kinh cầu nguyện cho Ông Bà. Tâm trí chị bắt đầu xuất hiện câu hỏi:

“Như vậy, sao lại bảo theo đạo Công Giáo thì phải bỏ Ông Bà Tổ Tiên?”

Chi bắt đầu để tâm tìm hiểu thêm, rồi xin theo học giáo lý, cuối cùng xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Một trong những nét đẹp nhất của văn hóa Việt Nam là việc thờ kính Ông Bà Tổ Tiên. Việc thờ kính ấy thể hiện đạo lý làm người, ý thức rằng “cây có cội, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ”, vì thế con cái phải hiếu đễ với cha mẹ, khi các ngài còn sống, cũng như khi đã qua đời.

Đạo lý ấy còn diễn tả cảm thức về sự hiệp thông giữa người sống và người chết. Tổ Tiên Ông Bà dù đã khuất bóng, nhưng vẫn hiện diện cách linh thiêng và tiếp tục phù hộ cho con cháu. Còn con cháu luôn tưởng nhớ các ngài, nhất là trong những dịp quan trọng của gia đình.

Đạo lý ấy cũng là đạo lý được người Công Giáo nêu cao.

Bản thân Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống trần thế, luôn là một người con chí hiếu.

Kinh Thánh kể chuyện cậu bé Giêsu “ở Nadarét và hẳng vâng phục cha mẹ” (Luca 2,51).

Kinh “Mười điều răn” của người Công Giáo được chia làm hai phần chính: trước là bổn phận đối với Thiên Chúa, sau là bổn phận đối với mọi người.

Trong phần thứ hai này, đứng đầu là mệnh lệnh: “Hãy thảo kính cha mẹ”.

Bạn có thể tìm thấy trong Kinh Thánh rất nhiều lời khuyến dụ về lòng hiếu thảo.

Mỗi năm, người Công Giáo dành cả tháng Mười Một để tưởng nhớ, cầu nguyện cho Tổ Tiên Ông Bà và những người đã khuất. Các nghĩa trang Công Giáo tràn ngập người đến tảo mộ, thắp hương khấn vái, đọc kinh cầu nguyện.

Không những thế, trong suốt năm, nhất là vào những dịp kỵ giỗ, con cháu trong nhà đều xin lễ cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên và những người thân yêu đã qua đời.

Như thế, chắc chắn có sự hiểu lầm nào đó khi nói rằng: “Theo đạo Công Giáo thì phải bỏ Ông Bà Tổ Tiên”. Có chăng là vì người Công Giáo muốn đặt mọi sự vào đúng vị trí thôi.

Bạn nghĩ xem, chúng ta đón nhận sự sống và hiện hữu này từ ông bà cha mẹ, nên phải hiếu thảo với các ngài. Đúng quá! Vậy, ông bà cha mẹ chúng ta đón nhận sự sống từ đâu? Chắc chắn là từ Tổ Tiên, nên chúng ta phải hiếu kính với Tổ Tiên. Thế còn Tổ Tiên đón nhận sự sống từ đâu? Các ngài không thể tự ban sự sống cho mình, nhưng cũng đón nhận sự sống từ Đấng là cội nguồn mọi sự sống, Đấng ban tặng sự sống cho mọi sinh linh trong thế giới này. Đấng ấy chính là Thiên Chúa, Đấng mà Tổ Tiên Ông Bà cũng như chúng ta ngày nay phải hiếu kính và biết ơn.

Vì thế, người Công Giáo quan niệm rằng: Chúng ta phải làm cả hai việc:
– một là thờ phượng Thiên Chúa,
– hai là tôn kính Tổ Tiên Ông Bà là những vị đã cộng tác với Thiên Chúa trong việc trao ban sự sống cho chúng ta.