Dạy Em Ngoan Đạo – Abbé G. Courtois: Nghệ thuật Quở Mắng

print

Nghệ thuật quở mắng

Phải dè dặt trong lời quở mắng. Nếu vì muốn đánh mạnh vào đầu óc, vào giác cảm trẻ em để các em khỏi tái phạm, mà thổi phồng quá đáng điều lỗi, sẽ rất tai hại. Vì một là các em bị sai lạc lương tâm: việc không là gì mà hoá thánh trọng tội. Hai là nếu có một nhận thức vừa đủ về sự thật, các em sẽ nghi ngờ về sự hiểu biết của các bạn, và như thế là uy thế của bạn cũng bị thương tổn.

Nếu em phạm lỗi, đừng làm cho em coi đó như là biểu lộ của một tâm trạng, của một khuynh hướng nền tảng trong em, song chỉ là một yếu đuối trôi qua, có thể không trở lại nữa.

Em sẽ tự nhủ: “Khi mà người ta coi tôi là thật thà, can đảm, thì tôi phải thế nào cho lòng chân thành và chí dũng cảm của tôi không bị nghi ngờ”.

Khiển trách cũng phải chọn thời cơ. Đừng mắng khi em đang trong tư thế không lợi dụng được lời mắng. Em sẽ gân lại với bạn, và mang nhiều phức cảm tâm lý.

Chỉ khi nào biết được em đã mủi lòng, lúc ấy bạn làm gì cũng được (lúc này cũng đừng lý luận với em, vì em đã hết lý sự rồi. Nên chờ ít lâu em trở lại bình tĩnh đã). Nên nói riêng với em, chẳng hạn như trước khi chào tạm biệt em. Ráng đạt tới điểm là em tự nhận: dầu sao cũng chưa xứng với lỗi của em. Và bao giờ cũng kết thúc bằng lời khích lệ em: “Nhìn mắt em, tôi thấy em đã hối hận… Ngoài ra tôi còn thấy một điều khác nữa, đó là em rấp tâm sửa đổi. Đối với tôi điều đó không lạ, và tôi còn tin rằng: ngay từ bây giờ em hành động tốt hơn”.

Đừng để tập thể các em chống lại bạn kẻo uy thế của bạn có nguy cơ bị tan biến. Để được vậy, nên tránh kết án tất cả. Đừng nói: “Hôm nay tôi hết chịu nổi các em rồi”. “Tôi không trông làm nên chuyện gì với các em nữa…”.

Giảm thiểu tối đa số các em bị la rầy trách phạt. Vì sự sai phạm và việc trách phạt có tính cách liên đới thường xích các em gần lại với nhau. Như vậy các em cùng chịu với nhau sự trách phạt sẽ liên kết với nhau cách nguy hại… Các em sẽ ủi an nhau, và gặp dịp tiện sẽ khích nhau phản đối và trở thành bướng bỉnh.

Khi cần cảnh cáo chung điều gì, nên nói cho các em nghe rõ rằng không phải mọi em đều như thế… và kết thúc bằng một lời đượm vẻ lạc quan.

Chẳng hạn như bạn nói: “Trong các em có nhiều em đã thực sự cố gắng nhiều, các em đó đã thành công tốt đẹp. Tôi ước mong các em cứ mãi mãi như thế và hết mọi em cũng làm như vậy…”.

Một cách khác: khi tất cả các em cùng phạm lỗi, để tránh cái vẻ đối xử với các em như những phạm nhân, bạn hay hoà mình vào tập thể các em, và dưới hình dạng xét mình, bạn nói lớn tiếng: “Hôm nay chúng ta đã ăn ở không hợp lẽ…”. Nhớ luôn kết thúc bằng lời khích lệ. Tập hợp tất cả sức năng động của các em về một đích cụ thể, một đối tượng phải đạt ngay từ ngày mai để sửa lại điều lỗi phạm hôm nay.

Tránh la mắng các em nơi thờ phượng, nhất là lại lớn tiếng nữa. Một cái nhìn thường cũng nhắc nhở cho các em nghiêm chỉnh lại mà các em đã quên. Khi ra khỏi nhà thờ, em nào phá quấy, hãy đặt em ấy ra một bên.

Khi cảnh cáo một em mà em đó bỏ chạy, bạn đừng đuổi bắt em lại, cũng đừng hô bắt giùm, kẻo nên trò cười cho người ta. Nên nhờ một em bạn nói nhỏ kêu em ấy lại.

Bao lâu lời trách móc chưa phải là tiếng vọng của lời mà chính em tự nhận cho mình từ thâm tâm, thì chưa được việc gì.

Để tránh nguy cơ như chứng nhận số tội nào đó được miễn trách, cần bạn làm cho các em hiểu: một tội phạm tự thú được tha một nửa.

Phải phân minh khi ban bố lời khen thưởng và lời phiền trách. Nên để ý đến thiện chí của các em hơn là hiện trạng bên ngoài của sự việc.

Làm thế nào cho các em cảm nhận được rằng: khi phiền trách các em, thực ra người ta cũng đặt mình vào địa vị các em, nên cũng khổ sở về lỗi lầm đã phạm, về những ơ hờ chểnh mảng. Mỗi thiện cảm phát sinh từ lòng nhân hậu dẫn đưa em tự nhận lời quở mắng là đúng dắn.