Dạy Em Ngoan Đạo – Abbé G. Courtois – Thuật chỉ huy

Dạy Em Ngoan Đạo

Abbé G. Courtois

Thuật chỉ huy

“Không vì nhu cầu có chỉ huy mà người lãnh đạo được sáng giá, song là cách thức ông điều hành công việc” (Foch).

Nếu chỉ huy chỉ là ra lệnh thì vai trò của chỉ huy không khó. Làm cho lệnh được tuân hành, đó là mấu chốt của vấn đề.

Trước hết, chỉ huy phải biết chính xác điều mình muốn, sau đó mới ra lệnh với ý chí cương quyết phải tuân hành. Không vậy trẻ em sẽ không tiếp nhận, và không kể chi lời chỉ huy ban bố.

Khi ban bố điều gì, bạn phải nói với giọng điệu chắc nịch bảo đảm sẽ được tuân hành.

Đừng ra lệnh với giọng điệu van xin. Không khi nào được ăn xin sự vâng lời.

Phải sắp xếp để không bao giờ nói lại nhiều lần cùng một điều lệnh. Để được vậy, chỉ ra lệnh khi trẻ em ở trong tư thế nghe rõ, hiểu đúng và có thể chấp hành ngay.

Để biết được các em đã nghe rõ và hiểu đúng nên bắt các em nhắc lại.

Chỉ đòi buộc những điều hợp lý. Chẳng hạn như bắt các em ở lặng lâu mà không có chăm sóc và gây hứng thú, làm thế là huỷ hoại quyền bính.

Cũng tai hại không kém khi kéo dài quá đáng một sinh hoạt kể cả cuộc chơi, đã làm các em thấm mệt.

Không đặt ra quá nhiều điều cấm. Hãy chọn lựa và ấn định một số nhỏ rõ ràng cần thiết, và quyết định phải nắm giữ nghiêm chỉnh.

Chỉ đòi tôn trọng các khoản luật căn bản cách không khoan nhượng, ngoài ra nên dành đất cho sự tự do các nhân phát triển.

Để dễ gây niềm vui cho đoàn đội, chính là sự tự do cá nhân liên hiệp với kỷ luật tập thể.

Một sự cố gắng, kể cả sự hy sinh nữa sẽ được chấp nhận vui vẻ, nếu ngay từ đầu nó được đề ra như một điều kiện khả dĩ cho cuộc chơi được diễn tiến tốt đẹp, hay cho một ngày được trôi chảy lành mạnh.

Buổi đầu đã phóng khoáng rồi thì sau hết đường ổn định lại.

Tránh ra lệnh cấm bao nhiêu có thể. Vì khi cấm việc gì là làm nảy sinh ý tưởng ước muốn làm điều cấm ấy.

Mấy tỉ dụ:

– Đừng nói: không được chơi gian  

– Hãy nói: chơi cho thành thật

– Đừng nói: trong nhà thờ không được quay ngang

– Hãy nói: nhìn thẳng vào nhà chầu

– Đừng nói: không được đánh nhau        

– Hãy nói: luôn sống hoà nhã và hành động như con nhà có giáo dục       

– Đừng nói: không được ở dơ

– Hãy nói: ở sạch sung sướng chừng nào

– Đừng nói: không được đến trễ

– Hãy nói: ráng đến nơi trước 5 phút.

Một phương thức khác nữa là với giọng điệu vui vẻ trình bày điều cấm với tính cách hạn chế hơn là cấm đoán.

Mấy tỉ dụ:

– Đừng nói: cấm trèo cây và leo tường

– Hãy nói: chỉ em nào có văn bản cho phép mới được trèo cây

– Đừng nói: không được nhặt trái rụng

– Hãy nói: phải có phép ông giữ vườn mới được nhặt trái rụng

– Đừng nói: thầy cấm các em chơi giỡn trên đường lộ

– Hãy nói: các em được chạy chơi ở đâu tuỳ thích, nhưng chỉ đến đầu đường lộ thôi. Thầy không nói là trên đường lộ, vì trên đường lộ xe cộ đi lại. Rủi xảy ra tai nạn, tội thầy phải hốt em đã banh thây đem về cho má.

Để dễ dàng chiếm được sự đồng tình của trẻ em về nỗ lực bạn muốn các em thực hiện, bạn cứ tưởng như sự việc đã được giải quyết xong, để rồi làm bừng sáng lên trong các em hình ảnh con người các em sẽ rất đẹp khi biết tự thắng để thi hành.

Tỉ dụ như: “Đây là cách ta có thể làm để hành động như một tinh binh của Đức Kitô”.

Một phương cách khá tốt làm cho trẻ em ham điều bạn thích là gợi lên trong các em những ham muốn lành thánh, bày tỏ cho các em lý tưởng có thể thành đạt, phấn khích các em hăng say thích thú.

Trong thâm tâm em nào cũng có chút máu anh hùng, ta cần nại đến mỗi khi muốn giúp các em tự vượt thắng.

Khi muốn khuyên nhủ, kể cả khi phiền trách các em, bạn luôn nghĩ đến những tính tốt đang nảy mầm trong các em mà bạn muốn cho chúng triển nở:

Thay vì trách một em: đồ làm biếng, vô tâm, bất tài…

Bạn nên nói: “Đây là dịp may để em tỏ ra là người có lòng tốt”. “Tôi biết em có bản lĩnh rất hay”. “Tôi tin chắc, nếu muốn em sẽ rất dễ thương, ai cũng phải ngỡ ngàng”.

Luôn đặt mình vào hàng ngũ các em.

Tỷ dụ như:

Thay vì nói: “Các em phải làm việc này”.

Nên nói: “Chúng ta cùng nhau làm việc này”.

Thay vì nói: “Vào nhà thờ các em phải im lặng”.

Nên nói: “Chúng ta để phải im lặng khi vào nhà thờ”.

Trẻ em không cần làm tất cả những gì em muốn. Nhưng bạn phải giúp em thế nào cho em muốn những gì em làm.

Đừng đối xử với trẻ em như một đối phương, nhưng luôn là một cộng tác viên.

Không nên hạ giá một em vì em đã vâng lời. Đừng khi nào nói: Thầy biết rốt cục rồi em cũng phải quy phục thôi.

Nên lợi dụng thể hệ sự nhất trí của tập thể:

– Hôm nay chúng ta nhất trí chơi tử tế.

– Chúng ta là người có kỷ cương.

– Chúng ta biết ở lặng những khi cần.

– Chúng ta yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta.

– Chúng ta là người biết tôn trọng trật tự.

– Chúng ta luôn đúng giờ.

– Chúng ta lúc nào cũng tươi vui…

Để được sự im lặng:

Thay vì quát: Im lặng. Ta nên la lớn một lời nào để các em ứng lại tự nhiên.

Tỷ dụ như ta la lớn: “con ngoan của Chúa”

Các em ứng lại: “im lặng”

Hay là để ngón tay phải lên miệng tỏ dấu im lặng, tay kia chìa đồng hồ ra coi xem sau mấy giây sự im lặng được tuân hành. Khi im lặng rồi bạn nói: “Chúng ta đã mất 15 giây mới im lặng được. Lần sau chúng ta ráng chỉ mất 3 giây thôi…”.

Để làm cho các em nhất trí ở lặng, bạn có thể nói: “Lúc này ai chúng ta cũng biết phải im lặng”. Thế rồi bạn phải nắm luôn lấy sự chú ý của các em, mà kể chuyện hay nói gì ngay. Nói nhỏ nhẹ, ta sẽ thấy sự im lặng được nhân lên gấp đôi.

Cũng nên khích lệ sự ganh đua tập thể bằng một động tác nào đó. Cách này cũng dễ làm các em vui và chăm chú.

Chẳng hạn như trong căn phòng có hai hàng ghế có thể đứng lên quỳ xuống được. Bạn nói: Bây giờ chúng ta thi đua xem bên nào đứng lên quỳ xuống êm ả nhất. Rồi ta lấy tay làm hiệu cho mỗi bên lần lượt đứng lên quỳ xuống và cho các em nhận xét.

Để tập hợp, bạn nên theo cách thức của Hướng đạo, tập cho các em xếp hàng dọc, xếp hình tròn, hình cánh cung hay hình chữ U, tuỳ theo nhu cầu đòi hỏi.

Tập hợp được báo trước bằng hiệu còi để các em thôi chơi và chú ý. Hiệu còi thứ hai, các em chạy đến địa điểm tập hợp, xếp theo hình nào thì nhìn dấu chỉ ở người chỉ huy. Tiếng còi có thể theo nhịp chạy của các em, hoặc cho các em hát bài đã quen thuộc.

Người điều khiển đứng chỗ nào cao hơn và quay vào các em. Thấy các hàng, đội đã tạm ổn, anh thổi còi một cái TOÉT: Lệnh im lặng. Các em đứng ngay như tượng.

Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng kỷ cương quá gắt quá cứng theo kiểu nhà binh. Mặc dầu có khi cần phải nghiêm chỉnh như trong buổi diễu hành, tập thể dục thể thao, hoặc tham gia một nghi lễ nào vv… vì thái quá giờ cũng giảm lợi ích.

Tinh thần gia đình luôn giúp các em thêm sáng kiến và tự do. Óc sáng tạo và tự do ấy được đánh giá bằng sự các em cảm nhận mình có trách nhiệm làm cho cuộc tập họp được hoàn hảo.

Đừng chịu để cho lệnh của bạn bị đôi co ở nơi chung. Nếu một em đã tỏ ra bất bình ở nơi chung như thế, thì bạn có thể chắc rằng đã có nhiều ý kiến phản kháng được tập trung.

Bạn cần được các em nói ngay nói thật, nhưng nói riêng: “Em nào có chuyện muốn nói với tôi, thì mời đến gặp riêng tôi”. Nếu cùng lúc nhiều em đến, phải gặp riêng từng em một.

Đừng doạ nạt khi bạn chưa tính đến việc có thể thực hiện được hay không. Cũng đừng hứa thưởng khi bạn đã chủ ý không cho. Lời hứa là một vật thánh, và các em bén nhạy về sự công minh, sẽ bị cụt hứng, và bị gương mù khi nhận ra nơi bạn có triệu chứng lừa đảo, mặc dầu chỉ vì một mục đích tốt.

Sức mạnh của ta không phải ở kỷ luật, cũng không phải ở phương pháp chế phục các em. Nhưng là trong cuộc sống, trong nguồn sinh lực từ thâm tâm. Không phải ta đào luyện các em, song ta hướng dẫn các em sinh hoạt để tự nguyện, hầu vui vẻ thực hiện điều Chúa chờ đợi nơi các em.

print