Để Được Sống Đời Đời

ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI

Chúa Nhật 28 Thường Niên năm B : Mc 10, 17-30

 

Suy niệm

Qua bài Tin Mừng, ta thấy người thanh niên có đời sống luân lý thật tốt. Anh ta còn cả một ước mơ cao vời là muốn có “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Một thanh niên có được đời sống tốt lành như vậy trong xã hội hôm nay quả thật rất hiếm. Bao nhiêu thông tin hằng ngày cho thấy bộ mặt giới trẻ thật đáng ngại: trong đời sống luân lý thì phóng túng; trong quan hệ tình yêu thì gian dối; trong giao dịch kinh tế thì mánh mung lừa đảo; trong bổn phận thì thiếu trách nhiệm; trong việc chung thì đùn đẩy; trong học hành thì đối phó, gian lận… Những gì là đạo đức, hiền lành, chân thật, dường như không còn nữa.

Đối với phái nam như trung, hiếu, hay nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, xem ra đã lạc hậu; đối với phái nữ thì công, dung, ngôn, hạnh, có lẽ đã lỗi thời. Có nhiều lý do bức bách giới trẻ, làm cho họ bị tha hóa. Đúng hơn đó là hậu quả của một xã hội hay một lối sống vô thần, chỉ biết gia tăng kinh tế mà không biết gia tăng đạo đức, chỉ biết tôn thờ khoa học kỹ thuật mà không biết đến Đấng chí tôn, nên tạo ra một lớp người hỗn loạn, yêu cuồng sống vội, nóng ruột kiếm tiền, mê man hưởng thụ, và sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được những gì mình muốn. Trong bối cảnh như vậy, chủ nghĩa duy lợi lên ngôi, là con đẻ của chủ nghĩa duy vật. Nhưng dù sao thì mỗi người vẫn có tự do để sống cuộc đời mình, không thể đổ trách nhiệm cho xã hội hay một lớp người nào.

Dù sao giữa đám rừng vẫn có những bông hoa đẹp như người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay. Gặp được Đức Giêsu, anh ta vui mừng hỏi… Nghe Đức Giêsu trả lời, anh ta càng vui mừng hơn vì thấy mình đã sống tốt mọi đòi hỏi của giới luật. Nhưng khi nghe Đức Giêsu mời gọi từ bỏ tất cả để đi theo Ngài… thì anh ta sa sầm nét mặt xuống, và buồn rầu bỏ đi. Không những thế mà xem ra anh ta còn có đau sâu hơn, vì thấy mình có lý tưởng sống mà lại không sống lý tưởng. Anh ta bị tiền của trói buộc, không có can đảm thoát ra. Biết rằng sự sống đời đời là trên hết, nhưng đành thúc thủ. Anh ta rất buồn và Đức Giêsu cũng thật buồn. Tình huống đáng buồn này sẽ còn tái diễn mãi mỗi khi ta yêu mình hơn yêu Chúa, yêu của cải hơn yêu con người. 

Đức Giêsu cho thấy người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Vào thời Chúa Giêsu, giàu có được coi là một phúc lành, vậy mà Ngài lại coi đây là một cản trở nguy hiểm. Của cải tiền bạc dễ làm người ta khép kín trước Thiên Chúa và tha nhân. Trong một sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Việc coi trọng tiền bạc quá đáng không những làm ta xa lìa tha nhân nhưng còn làm cho con người mình trở nên trống rỗng, bất hạnh, sống ảo tưởng, vì đã thay thế Thiên Chúa bằng các của cải vật chất. Làm sao ta có thể hiểu được lòng nhân từ của Thiên Chúa nếu tâm hồn ta đầy tự mãn và những dự phóng riêng của mình, tưởng mình có thể đảm bảo tương lai cho mình?”  

Bi kịch của thanh niên trong Phúc Âm cũng là bi kịch của mỗi người chúng ta, vì ai cũng từng bị giằng co giữa ước mơ bay cao và sự kéo ghì của vật chất, giữa lý tưởng và thực tế, giữa cao thượng và tầm thường. Không thể có chuyện lựa chọn mà lại không từ bỏ, muốn được mà lại không chịu mất. Không chịu mất điều chi thì cũng chẳng được điều gì. Cuộc sống là một cuộc trao đổi, cái gì cũng phải trả giá. Đó là quy luật tự nhiên của đời sống con người, những gì đi ngược lại sẽ bị đào thải. Không biết người thanh niên giàu có này sẽ như thế nào, nhưng trước mắt khó mà hạnh phúc, cho dù nỗi buồn kia anh ta có tìm cách quên đi, nhưng sự khao khát vô biên vẫn không ngừng ray rứt. 

Theo Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở chỗ ăn ngay ở lành, chu toàn mọi bổn phận và các đòi hỏi của đời sống luân lý, chẳng bao giờ làm điều gì xấu… mà điều quan trọng là bước đi theo Chúa mỗi ngày. Mà để theo Chúa, thì cần phải sống tinh thần từ bỏ, không chỉ không ham mê vật chất tiền tài danh vọng, mà còn biết dâng hiến đời mình cho Chúa một cách nào đó theo ơn gọi và bậc sống của mình.

Theo Đức Giêsu là chấp nhận mọi tình trạng, có thể là trắng tay, nhưng lạ thay lại được gấp trăm ngay từ đời này. Đó là điều mà Ngài đã quả quyết với các môn đệ, nhưng điều cao quí nhất vẫn là sự sống đời đời, là chính Thiên Chúa. Thực ra, người theo Chúa mất quá ít mà được thì quá nhiều. Thân phận con người ngay từ bản chất cũng đã gắn liền với mất mát và khổ đau, nên dù có bị ngược đãi hay bách hại vì Chúa Giêsu thì cũng chẳng đáng là gì. Thánh Phaolô đã nói lên điều đó:Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 18, 18).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Là người ai cũng ươm mơ dệt mộng,
ai cũng muốn sống an vui và hy vọng,
đều muốn đạt được những ước mong,
Chúa còn đặt nơi lòng người một khát vọng,
muốn sống hoài trong hạnh phúc hiệp thông.

Như người thanh niên giàu đã hỏi Chúa,
phải làm gì để được sống đời đời?
Nghe Chúa trả lời, anh ta chới với,
vì phải bán hết của cải đem bố thí,
rồi lên đường và tiến bước theo Ngài.

Biết rằng sự sống đời đời là trên hết,
nhưng anh không muốn bị mất hết,
nên lặng lẽ cúi đầu rồi quay gót,
anh rất buồn và Chúa cũng thật buồn.

Tình huống này sẽ còn luôn tái diễn,
khi con yêu thân mình hơn yêu Chúa,
yêu của cải hơn yêu con người,
yêu đời này hơn sự sống đời sau.

Thực tế từng ngày con theo Chúa,
cuộc đời con vẫn có những giằng co:
ước mơ bay cao và vật chất kéo ghì,
muốn cho đi nhưng cũng muốn giữ lại;
muốn dâng trao nhưng cũng muốn thu vào,
nên tim con vẫn có những xuyến xao.

Xin cho con có được lòng can đảm,
bán dần đi mọi sở hữu trong
đời,
biết dâng trao trên con đường đi tới,
dám bước theo chân Chúa khắp mọi nơi,
như Chúa vẫn kêu mời và mong đợi
,
vì duy Ngài là tất cả Chúa ơi!
Amen.

Lm. Thái Nguyên

print