Dòng Sông Thanh Tẩy (5)

Dòng Sông Thanh Tẩy (5)

 

Làm theo tự nhiên

Có một lần, thiền sư Duy Nghiễm (đại sư nổi tiếng thời nhà Đường) dẫn hai đệ tử là Đạo Ngô và Vân Nham đi xuống núi. Ông chỉ tay vào một cái cây khô trong rừng và hỏi: “Các con nói xem, cái cây này khô héo mới tốt hay là xanh tươi mới tốt?”.

Đạo Ngô thì bảo là cây tươi mới tốt, còn Vân Nam thì bảo cây khô. Cả hai đều trả lời lạc quẻ. Sau đó có một vị tiểu hòa thượng đi qua, Thiền sư đặt lại câu hỏi đó. Người này từ tốn nói: “Khô héo thì để nó khô héo, mà tươi tốt thì nên để nó tươi tốt!”

Thiền sư khen ngợi tính ngộ đạo rất cao của vị tiểu hòa thượng này. Thật vậy, bất kể sự tình gì trên thế gian này đều nên là để cho nó tự nhiên, đừng câu nệ và càng không nên chấp nhất.

Quan sát thiên nhiên, chúng ta cũng thấy khi cơn gió thổi qua cánh đồng, thì cây cỏ đều ngả theo chiều gió. Khi cơn gió tạm ngưng thì cây cỏ lại ngóc đầu lên. Khi con gió đổi chiều, cây cỏ cũng đổi chiều. Đó là lẽ tự nhiên. Có thể ví cây cỏ là chúng ta, còn cơn gió là số mệnh. Số mệnh không bao giờ để cho chúng ta yên, nó thổi tung lên mãi. Điều quan trọng là phải biết nương theo chiều gió. Đừng chống cự, đừng phản kháng, nhưng hãy biết gắn bó với số mệnh của mình.

Nói như thế không phải là nhắm mắt đưa chân để tuân theo một số mệnh mù quáng, nhưng nhận ra chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Nếu cây cối chống trả ngọn gió, nó sẽ bị gẫy đổ. Ở đây không phải là ngọn gió vô tình, mà là chính Thánh Linh, Đấng luôn hành động bằng tình yêu vô biên và cực kỳ sinh động của Người. Làm theo tự nhiên ở mức độ thuần khiết chính là “buông theo ân sủng”.

Làm theo tự nhiên cũng là một cách thức của trẻ thơ. Có lần tôi ghé thăm gia đình một người bạn. Thoạt khi tới cửa, thì con chó sủa vang, đứa bé đang chơi ngoài sân, nhìn thấy người lạ, bèn chạy đến nép mình vào lòng mẹ. Khi tôi càng tiến tới, thì đứa bé càng ẩn sâu vào vòng tay mẹ.

Phải chăng đứa bé là chúng ta; người lạ mặt là số mệnh; vòng tay chở che là Thiên Chúa. Số mệnh có khi âm thầm từng bước tiến lại gần khiến chúng ta sợ hãi. Nếu đứa trẻ nhận ra tôi là một người quen, thì nó sẽ vui mừng chạy ra và ôm lấy. Cũng vậy, số mệnh có khi bẽ bàng làm ta hoảng loạn, nhưng có khi dịu dàng khiến ta hân hoan. Lúc thế này, lúc thế khác. Dù thế nào đi nữa, mỗi số mệnh là một thông điệp, một sự khai mở, mà ta cần đón nhận vào cuộc đời mình. Dù buồn hay vui, dù họa hay phúc, thì phía sau mọi diễn biến vẫn chính là Thiên Chúa, Đấng che chở những ai biết nương tựa vào Người.

Thế nhưng vẫn luôn có những người lên tiếng phản đối: làm sao ta có thể giơ tay đón nhận số mệnh, vì nó như những ngọn roi quất vào cuộc đời ta. Có những tai nạn chết gần hết cả nhà, chỉ còn lại cháu bé vất vưỡng giữa chợ đời. Có những tai ương thật tan thương cho những trẻ em vô tội, những người dân hiền hòa sống không đủ ăn, chết chẳng ai chôn. Có biết bao nghịch cảnh thất điên bát đảo trào nước mắt vì chồng điên vợ loạn, con cái sống hoang mang. Làm sao kể hết được những số phận bi ai…  

Đúng thế, nhiều khi số phận rất ngiệt ngã, và chúng ta sẽ phải khóc sướt mướt dưới sức nặng của thập giá, nhưng rồi ta không có quyền chất vấn Thiên Chúa. Chúng ta phải tin rằng Đấng đã tác thành mọi sự và làm nên mọi điều, Đấng ươm mầm những bông hoa xinh tươi và ban tặng trái chín ngon ngọt cho loài người thưởng thức, Đấng đã cẩn thận sắp xếp từng nguyên tử của vật chất… thì Ngài không làm gì khác ngoài việc thể hiện tình yêu.

“Sông có khúc, người có lúc”. Không thể lấy lúc này để đoán định cho lúc khác. Xem ra có những tai ương hoạn nạn và những bi thảm như một sự dữ luôn trấn áp con người, không lý giải được, như trường hợp của ông Gióp trong Kinh Thánh. Nhưng nếu bình tâm suy xét, ta vẫn thấy vẫn có những liên đới cuốn lấy nhau trong thân phận con người như một thứ dây mơ rễ má. Cho dù không như thế đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn có những kế hoạch lạ lùng trên đời sống con người (Ga 9, 23), để rồi mọi sự lại trở nên phong phú gấp trăm lần cho con người mà chỉ một mình Người biết (G 42, 12-17). Thiên Chúa luôn có dự định tuyệt vời trên cuộc đời mỗi người. Hãy để cho Người được tự do đi vào cuộc đời ta. Đừng nhìn Người như bóng ma, nhưng hãy nhận ra Người bằng quyền năng rất lạ, khiến ta có thể bước đi qua phong ba chập chùng giữa đêm tối mịt mùng. (x. Mt 14, 26-30)

Thân phận con người gắn liền với những đau thương khổ ải. Nhưng đau khổ không phải là một cái gì thừa thãi và vô ích, vì chính Chúa Giêsu cũng đã từng chịu đau khổ, nhưng Ngài đã mặc cho những đau khổ ấy một giá trị siêu việt, và đã dùng những đau khổ ấy để cứu chuộc chúng ta. Ngài đã long trọng tuyên bố: Phúc cho những ai sầu khổ… (Mt 5, 5).

Nước Trời vẫn luôn có đó: vẫn có biết bao người lành thánh đã và đang sống thanh cao giữa cuộc đời ô trọc; vẫn có biết bao người thành tâm thiện chí đang xả thân đẩy lùi bóng tối của sự dữ đem lại sự lành cho kiếp nhân sinh; vẫn còn biết bao nâng đỡ và an ủi trong cuộc đời để con người luôn tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa. Để Nước Trời được rộng lan, Chúa mời gọi chúng ta hãy đón nhận sự thanh luyện trong đau khổ như một chuyện tự nhiên, không thể không có. Đó cũng là một biểu hiện tình yêu sâu xa, là chính Chúa trong cuộc đời ta.

Để làm theo tự nhiên, cần có ba yếu tố vận hành làm thành qui luật sống: biết chấp nhận – tinh thần trách nhiệm – không bảo thủ.

– Chấp nhận: là đón nhận những con người, hoàn cảnh và sự kiện xảy ra, vì biết rằng thời điểm này phải diễn ra như nó cần phải thế, bởi toàn bộ vũ trụ cũng đang trong trạng thái như nó cần phải thế. Đó cũng là cách làm cho ước muốn của ta trở nên thuần khiết. Nếu đấu tranh chống lại thời điểm này, là ta đang đấu tranh chống lại toàn thể vũ trụ. Ta có thể mong ước tương lai sẽ khác đi, nhưng ta phải chấp nhận hoàn toàn và tuyệt đối thời điểm này như nó vốn thế. Khi đã nhận biết như vậy thì ta sẵn sàng chịu trách nhiệm về những cảm xúc của mình và thay đổi nó.

– Trách nhiệm: là không đổ lỗi cho bất cứ ai hay bất cứ điều gì, kể cả chính mình. Khi đã chấp nhận mọi sự vốn như thế, thì khi đó, trách nhiệm của ta là khả năng đưa ra một giải pháp sáng tạo trước tình huống như nó đang diễn ra. Tất cả mọi khó khăn hay đau thương thử thách đều chứa một hạt giống cơ hội để sáng tạo ra một điều gì đó mới mẻ và tốt đẹp. Đằng sau mọi sự việc đều hàm chứa một ý nghĩa tiềm ẩn nào đó, giúp ta thanh tẩy định kiến và phát huy nhân cách. Như vậy, ngay kẻ bị coi là hành hạ mình hay gieo tai ác cho mình, ta cũng sẽ nhìn họ như một người thầy, một người bạn để ta tiếp nhận và học hỏi. Điều này khiến cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và thanh thoát hơn. Cũng nhờ vậy mà ta trở nên mềm mại, uyển chuyển, không bảo thủ, để cởi mở với mọi quan điểm của mọi chiều kích nhân sinh.

– Không bảo thủ: là không khư khư bảo vệ quan điểm của mình, không nài ép hay cố thuyết phục người khác tin theo hoặc làm theo đường lối của mình. Hậu quả cố bảo vệ quan điểm và đường lối của mình khiến ta dễ chỉ trích người khác, và không chấp nhận thời điểm này. Nếu như vậy cuộc sống của ta sẽ gặp phải sự phản kháng từ nhiều phía, tạo nên sự đối nghịch. Không nên giống như cây sồi to lớn nhưng cứng đơ và sụp đổ trước giông bão. Thay vì vậy, ta cần mềm dẻo giống như cây cỏ rạp xuống dưới mưa bão và nhờ thế mà sống sót. Tuy nhiên, không bảo vệ quan điểm không có nghĩa là buông bỏ lập trường và những xác tín sâu xa của mình, chỉ là cởi mở trước mọi cái nhìn để thanh tẩy trí não và khám phá chân lý.

Tóm lại, làm theo tự nhiên hay sống theo tự nhiên là sống theo lẽ Trời, cũng là cả một học thuyết “Vô Vi” của Lão Tử. Đó là làm như không làm: làm mà lòng không bận, tâm không vướng; làm mà không phải quá đắn đo hay lo sợ; làm trong sự bình tâm và an vui để đem lại sự tươi mới cho đời. Đó cũng “Làm như chơi” (Minh Niệm), là một lối sống hồn nhiên, đầy thú vị và sáng tạo trong mọi việc mình làm. Càng hồn nhiên bao nhiêu càng trở nên thanh khiết bấy nhiêu. Càng giống trẻ thơ bao nhiêu càng siêu thoát bấy nhiêu, vì trẻ thơ chỉ có tình yêu. Chúa Giêsu cũng đã mời gọi: “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con không thể vào được Nước Trời” (Mt 18, 3).

Vô tư, vô cầu, vô cưỡng, chính là thái độ thuần phát để sống rất thanh thoát, khiến ta luôn có thể cảm nếm những hương vị nồng nàn của cuộc sống từ mọi hoàn cảnh và mọi công việc. Tuy nhiên, căn cơ vẫn là tình yêu qua mọi điều ta sống. Những người sống siêu thoát là những người đang sống một tình yêu cao độ. Chính tình yêu mới làm nên những điều huyền diệu cho cuộc sống con người và làm nên một thế giới mới của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. 

Lm. Thái Nguyên

print