ĐTC Phanxicô: Thế giới phải nghe tiếng kêu của người di dân đang chết trong các sa mạc và biển cả

ĐTC Phanxicô:

Thế giới phải nghe tiếng kêu của người di dân đang chết trong các sa mạc và biển cả

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 28/8/2024, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu suy tư về thực tế của rất nhiều người di dân phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm một nơi mà họ có thể sống trong hòa bình và an ninh hơn. Biển và sa mạc, những con đường họ đi qua để đến đích điểm, lại trở thành mồ chôn nhiều người trong số họ.
 

Vatican News 

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trong Kinh Thánh, biển và sa mạc là những nơi đau khổ, sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng đồng thời cũng là những chặng đường con người cần đi qua để đạt được tự do và hoàn thành những lời hứa của Thiên Chúa. Ngài mời gọi các tín hữu chung sức, trên hết bằng lời cầu nguyện, để những nơi này cũng là những “lối đi” cho người di cư, để chúng là những con đường tiếp cận an toàn, nơi chống lại nạn buôn người và một tương lai hy vọng cho toàn thể nhân loại được xây dựng.

Sau khi Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh Giá và chào bình an, cộng đoàn cùng nghe đoạn Thánh Vịnh (107,1.4-6):

Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. […] Họ lạc bước trong vùng sa mạc, nơi cằn cỗi,
không thấy đường về chốn thành thị để định cư,
vừa đói vừa khát, mạng sống đã hầu tàn.
Khi gặp bước ngặt nghèo họ kêu lên cùng CHÚA,
Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân,

Sau đó Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, tôi hoãn lại bài giáo lý thường lệ và muốn cùng anh chị em dừng lại để nghĩ về những người – ngay cả vào lúc này – đang vượt biển và sa mạc để đến một vùng đất nơi họ có thể sống trong hòa bình và an ninh.

Biển và sa mạc: hai từ này trở lại trong nhiều chứng từ mà tôi nhận được, từ những người di cư cũng như từ những người dấn thân giúp đỡ họ. Và khi nói đến “biển”, trong bối cảnh di cư, tôi cũng muốn nói đến các đại dương, hồ, sông, tất cả những vùng nước nguy hiểm mà nhiều anh chị em ở mọi nơi trên thế giới buộc phải vượt qua để đến đích điểm. Và “sa mạc” không chỉ là sa mạc cát và cồn cát, hay núi đá, mà còn là tất cả những lãnh thổ không thể tiếp cận và nguy hiểm, chẳng hạn như rừng rậm, thảo nguyên, nơi những người di cư bước đi đơn độc, bị bỏ mặc. Các tuyến đường di cư ngày nay thường được đánh dấu bằng việc vượt qua biển và sa mạc, những nơi mà đối với rất nhiều người, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy hôm nay tôi muốn dừng lại để suy tư về thảm kịch này, nỗi đau này. Chúng ta biết một số tuyến đường này rõ hơn vì chúng thường được chú ý; những con đường khác, ít được biết đến, nhưng không vì vậy mà ít vấn đề.

Từ chối người di dân là một tội trọng

Tôi đã nói về Địa Trung Hải nhiều lần, vì tôi là Giám mục Roma và vì nó mang tính biểu tượng: mare nostrum, nơi giao tiếp giữa các dân tộc và các nền văn minh, đã trở thành một nghĩa trang. Và bi kịch là rất nhiều người, hầu hết những người chết này, lẽ ra đã có thể được cứu. Cần phải nói rõ ràng: có những người đang làm việc một cách có hệ thống và bằng mọi cách để đẩy lùi người di cư. Và điều này, khi được thực hiện với ý thức và quyết tâm, là một tội trọng. Chúng ta đừng quên những gì Kinh Thánh dạy: “Ngươi không được ngược đãi và áp bức khách ngoại kiều” (Xh 22,20). Trẻ mồ côi, góa phụ và khách ngoại kiều là những người nghèo khổ đặc biệt mà Thiên Chúa luôn bảo vệ và yêu cầu chúng ta bảo vệ.

Thiên Chúa nhìn thấy người di dân và nghe tiếng kêu của họ

Thật không may, ngay cả một số sa mạc cũng trở thành nghĩa trang của những người di cư. Và ngay cả ở đây, chúng ta không nói đến những cái chết “tự nhiên”. Không. Đôi khi người ta mang họ đến sa mạc và bỏ rơi họ. Tất cả chúng ta đều biết bức ảnh người vợ và con gái của Pato, chết vì đói khát trong sa mạc. Trong thời đại vệ tinh và máy bay không người lái, có những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em di cư mà không ai được nhìn thấy: người ta che dấu họ. Chỉ có Thiên Chúa nhìn thấy họ và nghe thấy tiếng kêu của họ. Đây là một sự tàn nhẫn của nền văn minh của chúng ta.

Sa mạc: nơi đau khổ nhưng cũng là nơi đưa đến tự do

Trên thực tế, biển và sa mạc cũng là những địa điểm Kinh Thánh mang đầy giá trị biểu tượng. Đó là những nơi rất quan trọng trong lịch sử của cuộc xuất hành, cuộc di cư vĩ đại của dân tộc được Thiên Chúa dẫn dắt qua ông Môsê từ Ai Cập đến Đất Hứa. Những nơi này chứng kiến ​​thảm kịch chạy trốn của người dân, những người chạy trốn sự áp bức và nô lệ. Đó là những nơi đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, nhưng đồng thời cũng là những nơi đi đến sự giải thoát – và bao nhiêu người đã đi qua biển, sa mạc để được giải thoát – là những nơi để được giải cứu, để đạt đến sự tự do và việc hoàn thành những lời hứa của Thiên Chúa (xem Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2024).

Thiên Chúa gần gũi và chia sẻ bi kịch của người di cư

Có một Thánh Vịnh kêu cầu lên Chúa rằng: “Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Ngài rẽ nước mênh mông” (77,20). Và một Thánh vịnh khác hát như thế này: “Chúa dẫn đưa dân Người qua sa mạc, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (136,16). Những lời thánh thiện này nói với chúng ta rằng, để đồng hành cùng con người trên con đường tự do, chính Thiên Chúa đã băng qua biển cả và sa mạc; Thiên Chúa không giữ khoảng cách, nhưng Người chia sẻ bi kịch của những người di cư, Thiên Chúa ở với họ, với những người di cư, đau khổ với họ, với những người di cư, khóc lóc và hy vọng với họ, với những người di cư. Chúa ở với những người di dân trong biển của chúng ta, Chúa ở với họ, không ở với những người ruồng bỏ họ.

Cần cơ chế quản trị di cư toàn cầu, chống nạn buôn người

Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều có thể đồng ý một điều: ở những vùng biển và sa mạc chết chóc đó, những người di cư ngày nay không nên ở đó, nhưng không may lại có quá nhiều người ở đó. Nhưng không phải thông qua những luật lệ hạn chế hơn, không phải bằng việc quân sự hóa biên giới, không phải bằng sự từ chối mà chúng ta sẽ đạt được kết quả này. Ngược lại, chúng ta sẽ đạt được điều này bằng cách mở rộng các tuyến đường tiếp cận thường xuyên và an toàn cho người di cư, tạo điều kiện tị nạn cho những người chạy trốn chiến tranh, bạo lực, đàn áp và nhiều thảm họa khác nhau; chúng ta sẽ đạt được điều này bằng cách thúc đẩy bằng mọi cách một cơ chế quản trị di cư toàn cầu dựa trên công lý, tình huynh đệ và tình liên đới. Và bằng cách hợp lực để chống lại nạn buôn người, ngăn chặn những tội phạm buôn người bóc lột sự khốn khổ của người khác một cách không thương tiếc.

Những người Samaria nhân hậu

Anh chị em thân mến, anh chị em hãy suy nghĩ về nhiều bi kịch của người di cư: bao nhiêu người chết ở Địa Trung Hải. Anh chị em hãy nghĩ đến Lampedusa, nghĩ đến Crotone… bao nhiêu điều tồi tệ và đau lòng. Tôi muốn kết thúc bằng việc nhìn nhận và ca ngợi sự dấn thân của nhiều người Samari nhân hậu, những người nỗ lực hết mình để giúp đỡ và cứu thoát những người di cư bị thương và bị bỏ rơi trên những con đường hy vọng nhưng tuyệt vọng, ở khắp năm châu. Những người nam nữ can đảm này là dấu chỉ của một nhân loại không để mình bị lây nhiễm bởi nền văn hóa xấu xa của sự thờ ơ và vứt bỏ: thứ giết chết người di dân chính là sự dửng dưng và thái độ loại bỏ của chúng ta. Và những người không thể “ở tuyến đầu” giống như họ – tôi nghĩ đến rất nhiều người can đảm ở tuyến đầu, ở tổ chức Mediterranea Saving Humans và nhiều tổ chức khác -, không vì thế mà ở ngoài cuộc chiến của nền văn minh: chúng ta không thể ở tuyến đầu nhưng chúng ta không ở ngoài; có nhiều cách để đóng góp, trước hết và trên hết là bằng cầu nguyện. Và tôi hỏi anh chị em: anh chị em có cầu nguyện cho người di dân, cho những người đến miền đất của chúng ta để cứu mạng sống của họ không? Và anh chị em có muốn đuổi họ đi không…

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hiệp nhất tâm trí và sức mạnh của mình để biển cả và sa mạc không trở thành nghĩa trang nhưng là không gian nơi Thiên Chúa có thể mở ra những con đường tự do và tình huynh đệ.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

print