Đức Cha Joseph Chhmar Salas: Giám Mục Tiên Khởi Người Bản Xứ Campuchia: Chứng Tá Đức Tin Tử Đạo Dưới Thời Diệt Chủng Pôn-Pôt

print

Đức Cha Joseph Chhmar Salas:

GIÁM MỤC TIÊN KHỞI NGƯỜI BẢN XỨ CAMPUCHIA: CHỨNG TÁ ĐỨC TIN TỬ ĐẠO DƯỚI THỜI DIỆT CHỦNG PÔN-PÔT

Hằng năm, cứ đến ngày 01/05, hàng ngàn Tín hữu khắp nơi trên đất nước Campuchia qui tụ về cánh đồng Taing Kok (tỉnh Kompung Thom: một nơi xa xôi, còn hoang sơ, hẻo lánh), để cùng với Đức Giám Mục, các Linh Mục, Tu Sĩ dâng Thánh Lễ tưởng niệm kính nhớ Đức Cha Jos. Salas và các vị tử đạo, dưới thời diệt chủng của chế độ Pôn-Pôt (1975 – 1989).

Cánh đồng Taing Kok cách Phnom Pênh 100 km, là trại tập trung lao động khổ sai dưới chế độ Pôn-Pôt, dành cho các nhân sĩ, trí thức, giáo viên, bác sĩ… Có thể nói, Taing-Kok là trại tập trung khắc nghiệt nhất, chỉ sau “Cánh Đồng Chết” Chaeng Ét (nơi hơn 2 triệu người bị thảm sát). Như chúng ta đã biết, Giáo phận Nam Vang (Phnom Pênh) là Giáo phận “mẹ” của Giáo Phận Cần Thơ, là “bà ngoại” giáo phận Long Xuyên. Nhưng do chiến tranh tàn khốc, phá hủy các Nhà Thờ, Bệnh viện, Trường học….các nhà truyền giáo ngoại quốc bị trục xuất, các nhân sĩ trong nước thì bị đưa đi lao dộng khổ sai. Trong số đó, có Đức cha Jos. Chhmar Salas, và các linh mục, tu sĩ, và giáo dân. Vì vậy, cho đến năm 1991, Giáo hội Campuchia mới dần dần được khắc phục và khởi sắc.

Sau đây, tôi xin sơ lược về tiểu sử của Đức cha Jos. Chhmar Salas:“vị Giám mục không mão, không gậy”:

Đó là Đức cha Giuse Chhmar Salas, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1937 tại Phnom Pênh. Ngài được tu học tại Paris và được thụ phong linh mục năm 1964. Sau khi chịu chức linh mục ngài được chỉ định phục vụ tại Tòa giám mục Battambang một thời gian ngắn rồi trở lại nước Pháp để tiếp tục việc học. Tháng tư năm 1975 Khmer Đỏ nắm chính quyền tại Campuchia, họ bắt đầu trục xuất tất cả những người ngoại quốc, kể cả các linh mục và tu sĩ. Lúc đó, Đức cha Yves Ramousse đang giữ vai trò là chủ chăn của toàn Giáo hội Campuchia. Linh cảm thấy trước là mình sẽ phải rời bỏ cộng đoàn tín hữu thân yêu, ngài đã cho gọi cha Salas trở lại Campuchia. Cha Salas mau mắn vâng lời và vội vã trở về nước. Sự trở về của ngài vào lúc này có nghĩa là chấp nhật tất cả những hệ lụy khó khăn nhất xảy đến cho mình.

Đức cha Salas chấp nhận công việc lao động khổ sai khắc nghiệt để cùng hiện diện và củng cố đức tin cho các anh chị em tín hữu. Ngài luôn bí mật di chuyển đến các nhóm tín hữu sống tản mác trong các trại tập trung lao động để an ủi khích lệ mọi người trong hoàn cảnh bi thảm cùng cực. Nhiều lần ngài đã can đảm cử hành thánh lễ với một chút rượu trong chiếc gáo dừa được dùng làm chén thánh và vài mụn bánh lễ che giấu một cách kín đáo, với sự canh chừng gan dạ và liều lĩnh của các phụ nữ đạo đức, giả dạng như những người đi nhặt củi chung quanh. Ngài được chỉ định ở trong một căn chòi lá dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các tổ lính đặc vụ. Khi nhận thấy mình không thể thoát khỏi nanh vuốt của những con người tàn bạo, Đức cha đã gửi lại nhẫn và thánh giá giám mục cho người mẹ thân yêu của mình. Bà mẹ cẩn thận cất giấu những bảo vật này trong một cái thúng ủ một đàn gà con. Người ta kể lại rằng khi Đức cha Ramousse được tái bổ nhiệm giám mục Phnom Penh vào ngày 6 tháng 7 năm 1992 và trở lại Cambodia sau nhiều năm tháng bị lưu đày thì bà mẹ này tìm đến Đức cha đã tấn phong cho con mình, bà kính cẩn trao thánh giá giám mục lại cho Đức cha, còn chiếc nhẫn thì bà nói rằng trong cơn túng quẫn cùng cực bà đã bán mất để lấy tiền duy trì sự sống! Như vậy cho đến lúc chết Đức cha Salas cũng vẫn còn giúp ích cho người khác. Về phần Đức cha Salas, vì quá suy kiệt do lao động khổ sai và bị truy bức nặng nề về tinh thần, ngài đã mất vào khoảng tháng 7 năm 1977, không ai xác định được ngày nào. Và ngài được chôn vùi sơ sài trong một đám bụi cỏ ở đâu đó, không còn để lại dấu tích gì cả. Như vậy, Đức cha Giuse Chhmar Salas đã giữ vai trò chủ chăn của Giáo hội Cambodia khoảng 2 năm rưỡi trong một hoàn cảnh lịch sử đen tối và bi thảm nhất của đất nước này trong thời cận đại.Ngày 14 tháng tư năm 1975 Tòa thánh chỉ định cha Jos. Chhmar Salas làm giám mục phụ tá Giáo phận Phnom Pênh, lúc đó ngài đã làm linh mục được 11 năm. Với việc chỉ định lịch sử này Đức cha Jos. Chhmar Salas đã trở thành vị giám mục bản xứ đầu tiên và duy nhất cho tới nay của Giáo hội Campuchia. Thật ra trong cơn “dầu sôi lửa bỏng” Đức cha Ramousse đã bí mật tấn phong giám mục cho cha Chhmar Salas vào ngày 6 tháng tư, nghĩa là trước khi có quyết định chính thức của tòa thánh, để rồi vào ngày 30 tháng tư 1975 ngài bị trục xuất cùng với nhiều linh mục và tu sĩ ngoại quốc khác. Nhận thấy nhu cầu mục vụ cấp bách của Giáo hội Campuchia, và nghĩ rằng mình không còn có thể trở lại đất nước này nữa, năm 1976 Đức cha Ramousse đã xin tòa thánh thôi giữ trọng trách chủ chăn và trao toàn quyền mục vụ cho Đức cha Salas. Vị giám mục trẻ này vừa được tấn phong hai tuần lễ đã bị lùa vào một trại cưỡng bức lao động tại cánh đồng Taing Kok. Lời cuối cùng của Đức cha Salas, nói với Đức cha Ramousse ngày 17/4 năm 1975: “trước khi ra đi trên những con đường đất bụi của Campuchia: “Xin Đức cha hãy nói với thế giới về chúng con”. Với tinh thần ấy, chúng tôi muốn giữ cho ký ức về các vị tử đạo được sinh động và chúng tôi đang sống Tin mừng hòa bình và hòa giải tại Campuchia ngày nay”.

Đức cha Salas là chứng nhân sống động cho mầu nhiệm Thánh giá nơi người Kitô hữu, là vị chủ chăn trung thành, gương mẫu, can đảm sống chết với đoàn chiên non trẻ.

Và mẫu Thánh Giá Ngài mang hôm nay trở thành biểu tượng cho Giáo Hội Campuchia, đi đến ngôi nhà thờ nào thì tôi nhận thấy hình Thánh giá của Ngài.

Vào năm 2000, dịp cử hành Năm Thánh của Giáo hội toàn cầu, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khuyến dụ Giáo hội Campuchia cử hành năm thánh tưởng niệm những vị tử đạo của đất nước này, và cây thánh giá ấy đã được dựng lên để làm kỉ niệm. Những giáo dân khắp nơi mang những nắm đất, nơi những Kitô hữu đã ngã xuống vun vào chân cây thánh giá, làm cho nền đất tăng cao.

Tin vui cho Giáo Hội Campuchia, năm 2016, Tòa Án Phong Thánh đã chấp thuận hồ sơ phong thánh cho Đức Cha Jos. Salas và 14 vị Tử Đạo  của Giáo hội Campuchia, các Ngài đã được nâng lên hàng Tôi Tớ Chúa.

Ai là Kitô hữu khi đi qua đây xin dừng lại nơi này, để tưởng niệm, kính viếng vị Giám Mục Tử Đạo của Giáo hội Campuchia. Xin cầu nguyện cho Giáo hội Campuchia, từ quá khứ cho đến hiện tại và tương lai, vẫn còn dẫy đầy những khó khăn và thử thách.

 Pr. Nguyễn Viên