Đức tin nửa vời – Chúa nhật XXIV Thường Niên – Năm B
Trong xã hội, người ta hay thực hiện các cuộc thăm dò để lấy phiếu tín nhiệm về một nhân vật, hoặc để tham khảo ý kiến về một dự án, có liên quan đến công ích. Ở phương Tây, những cuộc thăm dò thường xuyên được thực hiện trên báo chí và các phương tiện truyền thông, để biết về mức độ tín nhiệm đối với các nhân vật chính trị hoặc những người nổi tiếng, xem người dân nghĩ về họ như thế nào.
Thánh Luca cho biết, Chúa Giêsu cũng thực hiện một cuộc thăm dò. Cuộc thăm dò này được cả ba tác giả Tin mừng nhất lãm ghi lại, tuy có đôi chút khác biệt. Những người được thăm dò là các môn đệ. Họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa được một thời gian, đã được Người huấn luyện và được Người sai đi để tiếp nối sứ vụ của Người. Nội dung của cuộc thăm dò này là hai câu hỏi:
– Người ta nói Thầy là ai?
– Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?
Xem ra các môn đệ lúng túng trong việc trả lời. Với câu hỏi thứ nhất, các ông vòng vo theo, dựa trên dư luận và lời đồn thổi. Đối với câu hỏi thứ hai, các ông im lặng, trừ một mình Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Kitô!.
Thông thường, khi thực hiện một cuộc thăm dò, người ta công bố kết quả xem ai có câu trả lời đúng nhất. Trình thuật của thánh Mác-cô lại khác. Chúa cấm ngặt không được nói với ai về điều Phêrô vừa tuyên xưng. Không những thế, Chúa còn tiên báo cuộc khổ nạn mà Người sẽ phải chịu: “Con người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”. Phêrô, người vừa mạnh mẽ tuyên xưng thân thế và sự nghiệp của Thầy mình, cũng phải sững sờ ngạc nhiên. Ông không thể chấp nhận một Đấng Kitô chịu đau khổ. Nếu như vậy thì việc ông và các anh em theo Chúa sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi lẽ nơi tâm trí các ông in đậm hình ảnh một Đấng Thiên sai mang màu sắc chính trị và trần tục. Phêrô đã can gián Thày mình, thậm chí đã trách Chúa. Ông đã suy nghĩ và hành động theo tư tưởng của loài người. Hành động này bị Chúa mắng là satan.
Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, nhưng ông không chấp nhận Người chịu đau khổ! Nhưng, một Đức Giêsu không thập giá, lại không phải là Đức Giêsu của lịch sử, lại càng không phải là Đức Giêsu cứu nhân độ thế. Vì trong chương trình của Thiên Chúa đã được thực hiện, Chúa Giêsu đã vác thập giá và đã chịu đóng đinh trên thập giá ấy.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang thực hiện một cuộc thăm dò, xem chúng ta nghĩ về Người như thế nào. Chúng ta tin Chúa, đó là điều chắc chắn, nhưng hình ảnh của chúng ta có về Chúa như thế nào. Đối với một số người tín hữu, phải chăng Chúa Giêsu chỉ là một nhân vật huyền thoại, do các tín hữu thời nguyên thuỷ tưởng tượng ra? Phải chăng Chúa Giêsu là một nhân vật lịch sử, nhưng thuần tuý chỉ là một con người uyên bác xuất chúng? Phải chăng Chúa Giêsu đã lui vào quá khứ xa xưa, không có liên hệ gì với cá nhân mỗi người tín hữu? Hiện nay, có hiện tượng những tín hữu chỉ chấp nhận một phần của Đức tin, ví dụ họ tin Chúa nhưng không tin Người hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, hoặc không tin Người tha tội trong Bí tích Hoà Giải. Họ tin Chúa nhưng không chấp nhận cơ cấu và giáo huấn của Giáo Hội. Hiện tượng này được gọi là “đức tin nửa vời”, là “đức tin tuỳ ý chọn lựa theo sở thích”.
Đức Giêsu mà Giáo Hội rao giảng là Đức Giêsu chịu đóng đinh. Người là Người Tôi tớ đau khổ và trung thành. Bài đọc I trích sách Ngôn sứ Isaia đã diễn tả một phần cuộc khổ nạn của Chúa. Trước những vu cáo, bạo lực và gian dối của con người, vị Tôi Tớ của Chúa vẫn kiên trung và phó thác. “Tôi đã đưa lưng ra cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu”. Vị tôi tớ ấy chính là hình ảnh của Đức Giêsu. Người đã dùng cây thập giá để minh chứng tình thương bao la của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Như thế, theo Chúa là đi trên con đường thập giá, không có lựa chọn nào khác. Chúa Giêsu đã diễn giải điều này như bài học rút ra từ sự kiện được kể trong bài Tin Mừng.
– Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.
– Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Tin vào Chúa Giêsu mà không chấp nhận thập giá là Đức tin nửa vời.
Tin vào Chúa, tức là chấp nhận đưa mạng sống mình ra để “đánh cược”với Ngài.
Đã là người chẳng có ai tránh khỏi những thử thách. Tuy vậy, trước một khó khăn, người có Đức tin cảm thấy lối thoát nhờ Đấng Tối cao; người vô thần cảm thấy như mình đứng trước ngõ cụt. Người tin Chúa tìm thấy sức mạnh và an ủi; người vô tín thấy mình chơi vơi giữa con sóng biển đời. Đó là ý nghĩa việc Chúa Giêsu nói đến thập giá trong cuộc đời người tín hữu. Chúa Giêsu đã đến trần gian, Người không hủy bỏ thập giá nơi kiếp sống con người, nhưng Người cùng vác thập giá với họ để chia sẻ gánh nặng cuộc đời. Con người không còn đơn lẻ trong chặng đường thập giá, vì có Con Thiên Chúa vác cùng. Sau thập giá là vinh quang của phục sinh.
Bạn và tôi, chúng ta đều tin vào Chúa. Tuy vậy, Đức tin vào Chúa không phải là lời nói suông, mà phải được minh chứng bằng việc làm. Thánh Giacôbê đã khẳng định với chúng ta: Tin vào Chúa mà không hành động thì là Đức tin chết (Bài đọc II). Nơi khác, vị tông đồ còn khẳng định mạnh mẽ hơn: Ma quỷ cũng tin vào Chúa và chúng run sợ, nhưng chúng không yêu mến Chúa (x. G 2,20). Chính qua việc làm mà chúng ta chứng tỏ một Đức tin sống động và đích thực.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi này vẫn đang được đặt ra cho chúng ta hôm nay.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên