PHẦN IV
KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
Mầu Nhiệm Đức Tin (tức Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa được Chúa Giê-su Ki-tô thực hiện) được Tuyên Xưng qua Kinh Tin kính (Phần I), được Cử Hành trong Phụng vụ và các Bí tích (Phần II), được Sống trong tám Mối Phúc thật và các Điều răn (Phần III). Cả ba việc Tuyên Xưng, Cử Hành và Sống phải được thực hiện trong mối tương giao sống động và cá vị (riêng tư) với Thiên Chúa Hằng Sống và Chân Thật. Mối tương giao sống động và cá vị ấy được thực thi bằng việc Cầu Nguyện [1], mà chúng ta cùng tìm hiểu trong Phần IV này, qua Gặp Gỡ 29.
Gặp gỡ 29 – Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện
kinh Lạy Cha, lời kinh Chúa Giê-su dạy
I. DẪN VÀO LỜI CHÚA
– Cầu nguyện đầu giờ.
– Frê-đê-ric Ô-za-nam, một nhà hoạt động xã hội người Pháp.
Một hôm, để tìm một chút thanh thản tâm hồn, Ô-za-nam bước vào một ngôi nhà thờ cổ ở Pa-ris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một người đàn ông đang quỳ gối cầu nguyện sốt sắng ở hàng ghế đầu gần cung thánh. Đến gần, Ô-za-nam nhận ra người đàn ông đang cầu nguyện chính là nhà bác học Am-pe[2]…………………………….…………”
Thế là anh ta đứng ở phía sau một lúc để quan sát theo dõi những cử chỉ của nhà bác học.
Khi ông Am-pe ra khỏi nhà thờ, Ô-za-nam cũng vội vàng đi theo đến văn phòng…Am-pe hỏi : Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không ?
Ô-za-nam hỏi lại : Thưa giáo sư, có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu siêng năng cầu nguyện được không ạ ?
Ông Am-pe ngỡ ngàng trước câu hỏi của chàng sinh viên. Ông thinh lặng một chút…và nói với Ô-za-nam : “Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện thôi !”
Nhà bác học Am-pe giúp chúng ta hiểu : Cầu nguyện rất quan trọng và cần thiết : Cầu nguyện giúp ta sống tốt hơn, vĩ đại hơn ! Hãy nhìn vào cuộc đời của Chúa Giê-su : dù là Thiên Chúa, nhưng Người vẫn thường xuyên cầu nguyện ở mọi nơi, mọi lúc, đặc biệt là trước những biến cố, những quyết định quan trọng (Lc 6,12-19). Người là mẫu gương tuyệt vời và còn dạy chúng ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, như Lời Chúa sau đây :
II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (Mt 6, 9-13) :
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu :
“Khi ấy, Chúa Giê-su nói : Anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.
Đó là Lời Chúa (Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa).
III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA
A. Giải thích việc cầu nguyện :
- Cầu nguyện là gì ?
Cầu nguyện là một thực hành quen thuộc của người có đạo; là nói chuyện, tâm sự, gặp gỡ, sống tình thân mật giữa ta với Thiên Chúa, như con cái sống cận kề cha mẹ.
- Có ba hình thức cầu nguyện :
* Khẩu nguyện, là dùng môi miệng, với lời kinh, tiếng hát để thưa chuyện với Thiên Chúa. Cần cầu nguyện bằng lời kinh :
– Vì Thiên Chúa đã nói với con người bằng lời nói. Chúa Giê-su cũng đã cầu nguyện bằng lời với Chúa Cha (Mt 11, 25-26). Người còn dạy các Tông Đồ cầu nguyện bằng lời Kinh Lạy Cha.
– Vì con người vốn gồm cả hồn lẫn xác, nên cần biểu lộ tâm tình bên trong ra bên ngoài bằng lời nói. Dĩ nhiên, lời nói bên ngoài phải luôn đi đôi với tâm tình chân thật, sốt mến bên trong. Thánh Gio-an Kim Khẩu nhắc nhở[3] : “Lời cầu nguyện của ta được Chúa nhậm lời không tùy thuộc vào nhiệt tâm của hồn ta”.
– Vì khẩu nguyện rất thích hợp cho cộng đoàn.
* Trí nguyện (suy niệm – suy gẫm) : là dùng lý trí, trí khôn để tìm hiểu thánh ý của Thiên Chúa.
- Để suy niệm, ta phải vận dụng tất cả khả năng suy tư, tưởng tượng, cảm xúc, ước muốn, hầu càng thêm xác tín, hoán cải và quyết tâm theo Chúa Ki-tô.
- Cần ưu tiên suy niệm những Mầu Nhiệm của Đức Ki-tô. Lần chuỗi Mân Côi là một trong những hình thức “miệng đọc lòng suy” những Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô, tuy đơn sơ nhưng rất hữu ích cho đời sống Ki-tô hữu mỗi ngày…dẫn ta đến nhận biết tình yêu của Chúa Ki-tô để kết hiệp với Người.
* Tâm nguyện (chiêm niệm) : là suy nghĩ đến tình thương, lòng nhân từ, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho ta.
- Nơi và lúc cầu nguyện :
Ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, nhưng nhà thờ và những nơi yên tĩnh là những điểm thích hợp hơn. Ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào, nhưng buổi sáng sau thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, là khoảng thời gian thuận lợi và cần thiết nhất cho việc cầu nguyện.
- Những khó khăn khi cầu nguyện :
Ta cũng thường gặp những khó khăn như : lo ra, chia trí, khô khan, nản lòng, trống vắng, không có ý nghĩa…nhưng Chúa Giê-su khuyên chúng ta hãy khiêm tốn, kiên trì, tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa.
B. Giải thích kinh Lạy Cha :
- Bối cảnh và lưu ý của Chúa Giê-su :
Chúa dạy kinh Lạy Cha khi một môn đệ tha thiết xin Chúa dạy cho anh cách cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa.
Chúa Giê-su còn lưu ý : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải, đừng nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời…vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6, 7).
- Thiên Chúa là Cha chúng ta.
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời” (Mt 6, 9). Chúa Giê-su cho ta biết : Thiên Chúa là Cha chúng ta. Người không xa lạ, không xa cách con người. Thiên Chúa luôn yêu thương ta như tình thương của một người cha tốt lành dành cho con cái.
- Nội dung của bảy lời cầu xin.
Ba lời cầu xin đầu hướng đến Thiên Chúa, bốn lời cầu xin sau trình bày những nhu cầu thực tế của con người.
- Ý nghĩa của ba lời cầu xin hướng về Thiên Chúa :
- Lời cầu xin thứ nhất : “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”: Ta cầu xin cho toàn thể nhân loại được nhận biết Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương ta, và mọi người đều là anh em với nhau.
- Lời cầu xin thứ hai : “Triều đại Cha mau đến” hay “Nước Cha trị đến” : Ta cầu xin cho Nước của Thiên Chúa, Nước của Tình Yêu lớn lên trong tâm hồn mỗi người và phát triển trong thế giới. Đồng thời ta cũng mong đợi Chúa Giê-su trở lại vinh quang vào ngày tận thế.
- Lời cầu xin thứ ba : “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” : Ta cầu xin cho ý định yêu thương, ý định cứu độ và ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện trên trái đất này.
- Ý nghĩa của bốn lời cầu xin hướng đến con người :
- Lời cầu xin thứ tư : “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” : Cầu xin lương thực xác hồn như : đồ ăn uống, cơm bánh, quần áo, sức khỏe, tình thương, Lời Chúa, Thánh Thể.
- Lời cầu thứ năm : “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” : Ta xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi. Đồng thời ta cũng biết tha thứ cho những người có lỗi với mình, vì tha thứ cho tha nhân là điều kiện để ta được Thiên Chúa tha thứ cho ta.
- Lời cầu xin thứ sáu : “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” : Ta cầu xin Thiên Chúa đừng để ta đơn độc khi phải chống lại những cám dỗ như : ham mê tiền bạc, danh vọng, dục vọng, địa vị…xin Chúa giúp sức, ban ơn để ta chống lại và chiến thắng…
- Lời cầu xin thứ bảy : “Nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ” : Ta cầu xin Thiên Chúa giúp ta thoát khỏi những sự dữ như : giết người, hận thù, ghen ghét, chia rẽ, lừa dối…
- Tầm quan trọng của kinh Lạy Cha.
Kinh Lạy Cha rất quan trọng, vì do chính Chúa Giê-su dạy, là lời kinh chính thức của Hội Thánh, và là lời kinh được mọi người tín hữu nhớ và đọc thường xuyên mỗi ngày.
IV. NÓI VỚI CHÚA
Sốt sắng chắp tay trước ngực đọc kinh Lạy Cha (Trang 155).
V. NHỚ LỜI CHÚA
1. Cầu nguyện là gì ?
T. Cầu nguyện là nói chuyện, là tâm sự với Chúa. Cầu nguyện là nói cho Chúa biết những nhu cầu của ta, và cầu nguyện còn là lắng nghe tiếng Thiên Chúa nói trong tâm hồn ta.
2. Cầu nguyện giúp ích gì cho đời sống của ta ?
T. Khi cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ lắng nghe, an ủi, nâng đỡ và ban những ơn cần thiết cho ta. Cầu nguyện làm cho tâm hồn ta được bình an; giúp ta biết được ý muốn của Thiên Chúa và giúp ta mở trí, mở lòng ra đối với tha nhân.
3. Khi đọc kinh Lạy Cha, phải có những tâm tình nào ?
T. Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương chúng ta. Vì thế khi đọc kinh Lạy Cha, ta cần tâm tình : đơn sơ, khiêm tốn, tin tưởng và luôn cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa.
VI. SỐNG LỜI CHÚA
– Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Học thuộc lòng kinh Lạy Cha (Trang 155).
—
[1] x. GLHTCG số 2558-2865.
[2] André-Marie Ampère (1775 – 1836): một nhà vật lý học, toán học, tín hữu công giáo Pháp; phát minh ra điện từ trường và sáng chế ra định luật Ampère.
[3] Thánh Gio-an Kim Khẩu, De Anna, sermo 2,2: PG 54, 646.