Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 18 Thường Niên, Năm B

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 18 Thường Niên, Năm B

 

  1. Ý HƯỚNG CHO MỖI CÔNG VIỆC

Ba người lao động đang vần những tảng đá lớn trong một công trình xây dựng. Người đầu tiên được một phóng viên hỏi anh ta đang làm gì. Câu trả lời ngắn gọn: “Tôi đang đẩy một hòn đá lớn, nó làm tôi muốn sút cả lưng.” Phóng viên lại hỏi cùng một câu hỏi đó cho người thứ hai. Câu trả lời của người này là: “Tôi đang giúp xây một bức tường và tôi cần sự giúp đỡ của bạn ngay bây giờ.” Nhà báo lịch sự từ chối. Anh chuyển sang hỏi người thứ ba. Anh này tươi cười đáp: “Thưa ông, tôi đang xây một thánh đường cho Chúa.”

* Là người Công giáo, chúng ta phải kiểm điểm thái độ làm việc của mình. Chúng ta có đang làm việc vì lương thực tồn tại lâu dài và mang lại sự sống đời đời như Phúc âm hôm nay gợi ý không?

  1. TÔI ĐÃ LƯU GIỮ MỘT PHẦN CỦA ÔNG

William Barclay kể cho chúng ta một câu chuyện: khi Đô đốc Lord Nelson được chôn cất trong nhà thờ thánh Phaolô, một nhóm thủy thủ của ông đã mang quan tài lên sát gian cung thánh nhà thờ. Quan tài của ông được phủ một quốc kỳ lộng lẫy. Sau đó, họ đưa xác của ông xuống khu hầm mộ. Một người chứng kiến tất cả nghi thức này đã viết: “Với sự tôn kính và trang nghiêm, họ đã hạ thi thể của đô đốc vĩ đại nhất thế giới vào ngôi mộ đã được chuẩn bị kĩ. Sau đó, như đã từng đáp lại một mệnh lệnh sắc bén từ phòng điều khiển của đô đốc, tất cả họ đều chụp lấy lá quốc kỳ phủ quan tài và xé nó thành từng mảnh. Mỗi người lấy một mảnh vải nhỏ làm kỷ vật cho mình để nhớ về người đã chết một cách oai hùng.” Cả cuộc đời họ, mảnh vải nhỏ bé ấy sẽ nói với họ về vị đô đốc mà họ yêu mến. Họ nói: “Tôi đã giữ được một phần của ông ấy,” “và tôi sẽ không bao giờ quên ông”.

* Theo một nghĩa nào đó, mỗi khi chúng ta rước Chúa và trở về chúng ta cũng mang Chúa đi cùng với chúng ta đến mọi nẻo đường cuộc sống.

  1. TUẦN NÀY KHÔNG AI CHẾT

Câu chuyện kể về hai người bạn cũ một ngày nọ tình cờ gặp nhau trên phố. Một người trong họ trông có vẻ rất buồn rầu ảm đạm, gần như muốn khóc. Bạn của anh ấy hỏi: “Thế giới này đã làm gì bạn, người bạn vong niên của tôi?” Anh chàng buồn bã nói: “Để tôi kể cho bạn nghe: ba tuần trước, một người chú của tôi qua đời đã để lại cho tôi 40.000 đô la”. Người bạn anh nói: “Đó là rất nhiều tiền rồi còn gì?” Anh lại buồn bã kể: “Hai tuần trước, một người anh họ mà tôi thậm chí chưa từng biết, đã chết và để lại cho tôi 85.000 đô la miễn thuế và có chứng thư rõ ràng.” Bạn anh xuýt xoa: “Có vẻ như bạn đã được chúc phúc…” Anh ta cắt ngang: “Chưa hết, tuần trước, người cô tuyệt vời của tôi đã qua đời; tôi lại được thừa kế gần một phần tư triệu”. Bây giờ người bạn anh thực sự bối rối, mạnh tiếng: “Vậy thì tại sao bạn cứ đờ  đẫn mất hồn như vậy?” Anh ta thều thào nói: “Tuần này thì… chẳng có gì!”

* Lòng biết ơn là một đòi hỏi quan trọng khi nhận ơn. Thánh lễ là hành vi tạ ơn đầy đủ nhất và cao quý nhất con người dâng lên Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay mô tả Chúa Giêsu sửa lại thái độ sai lầm của những người đón nhận ơn của Ngài.

  1. NẠN ĐÓI TRÊN THẾ GIỚI

Theo thống kê của tổ chức Oxfam, khoảng 2500 người chết vì đói trong một buổi cử hành phụng vụ kéo dài một tiếng đồng hồ. Hai phần ba trong số đó là trẻ em. Một phần ba trẻ em trên thế giới rất nhẹ cân so với độ tuổi. Khoảng một phần năm số người trên thế giới bị suy dinh dưỡng đến mức họ không thể tham gia vào hoạt động sản xuất. Vấn đề không phải là thiếu lương thực. Thực phẩm luôn được sản xuất đủ để cung cấp một chế độ ăn uống thích hợp cho tất cả mọi người. Một phần của vấn đề là do việc phân phối. Lương thực không đến được tay những người đói. Một phần khác của vấn đề, đó là do người ta thiếu ý chí và ý thức ưu tiên cho người đói ăn.

* Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta về cơn đói khát thiêng liêng. Chúng ta cần có Người, như là lương thực từ trời, để thỏa mãn cơn đói khát thiêng liêng của chúng ta.

  1. KIM TỰ THÁP THỰC PHẨM

Thời gian gần đây người ta đưa ra các tiêu chuẩn mới cho chế độ ăn uống lành mạnh. Một kim tự tháp thực phẩm đã được đề xuất như một hướng dẫn cho việc ăn uống hợp lí. Tiêu chuẩn này ở phần căn bản gồm bánh mì, ngũ cốc các loại, gạo và hạt đậu. Tầng tiếp theo đi lên kim tự tháp có thêm rau và các thứ trái cây. Cấp độ tiếp theo thu nhỏ hơn, đó là sữa, sữa chua, pho mát, thịt, gia cầm, cá, trứng và các loại hạt. Nhóm nhỏ nhất ở trên cùng gồm có chất béo, dầu và đồ ngọt.

* Chúng ta cũng có thể đề xuất một kim tự tháp thực phẩm thiêng liêng cho những ai muốn bước vào đời sống thánh thiện. Trước hết, ở phần cơ sở đó là cần phải học hỏi và suy niệm Lời Chúa. Tiếp theo là thường xuyên đón nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa giải. Và không thể thiếu là đời sống bác ái và hiệp thông với anh chị em tín hữu trong đời sống cầu nguyện.

  1. ĐỂ NGỰA DẪN ĐI

Một trong những kiệt tác văn chương thế giới, đó là câu chuyện hư cấu của nhà văn Tây Ban Nha Cervantes: Don Quixote (Đông Kikhốt). Trong câu chuyện này, chúng ta đọc thấy người anh hùng hào hiệp nhưng có vẻ ngớ ngẩn là Don Quixote, cùng với người cận thần của mình là Sancho Panza, thực hiện một cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Họ đi đến nhiều nơi, làm những hành động dũng cảm và giành được sự ngưỡng mộ của tất cả mọi người. Don Quixote có một đầu óc phóng khoáng về sứ mệnh của mình, đến nỗi anh ta quyết định đi đến bất cứ nơi nào mà con ngựa Rosinante của anh dẫn anh đến. Nhưng con ngựa đó, khi được tự do thả lỏng, tự nhiên quay trở lại nơi nó biết rõ nhất: chuồng ngựa của chính nó.

* Có lẽ con người chúng ta thường thấy mình đi cùng một con đường, làm những điều giống nhau, lặp đi lặp lại cùng những thói quen tội lỗi. Đôi khi nhận ra mình bị trôi dạt không mục đích, bị lôi cuốn bởi sự mới lạ của cuộc sống…Thánh Phaolô hôm nay khuyên chúng ta mặc lấy con người mới, là con người được Thần Khí hướng dẫn.

  1. NGƯỜI SAMARI NHÂN HẬU THỜI HIỆN ĐẠI

Vài năm trước, các phương tiện truyền thông đưa tin về một người Samaritanô nhân hậu thời hiện đại. Người này chất đầy xe hơi của mình với hàng trăm chiếc bánh sandwich tự làm mỗi ngày và đi đến trung tâm thành phố để phân phát cho những người vô gia cư và những người đang cần giúp đỡ. Cuối cùng, những người đón nhận lòng hào phóng của ông đã trở nên quen thuộc với tuyến đường thông thường của ông và bắt đầu tụ tập ở một số góc phố nhất định vào một thời điểm cụ thể mỗi ngày để chờ đợi món quà thực phẩm hàng ngày của họ.

* Phúc âm hôm nay mô tả một cảnh tượng như vậy, nơi những người đã được cho ăn thịnh soạn vào ngày hôm trước đến tìm Chúa Giêsu để được một bữa ăn miễn phí khác.

  1. CHÚA GIÊSU TRONG CHIẾC BÁNH

Nhiều năm trước, bà Maria Rubio ở Lake Arthur, New Mexico, đang lật chiếc bánh tortilla chiên để ăn trưa thì nhìn thấy một thứ khiến bà phải nín thở. Nhìn vào bà từ chiếc bánh dẹt đang chiên đích thực là khuôn mặt của Chúa Giêsu! Cái chảo đang  đốt cháy một hình ảnh hoàn hảo của khuôn mặt thon thả, có râu trên bề mặt của tấm bánh. Bây giờ tôi không chắc làm thế nào bà Rubio biết rằng đây là Chúa Giêsu, nhưng bà đã thuyết phục một vị linh mục miễn cưỡng đến ban phước cho tấm bánh, sau đó bà đã xây dựng một đền thờ gần đó. Bà Rubio đã nghỉ việc để có thể dành toàn bộ thời gian của mình chăm sóc ngôi đền tortilla. Bạn bè, hàng xóm, thậm chí cả người lạ đã dừng lại để ngắm nhìn hoặc cầu nguyện trước đền thờ. Bà Rubio, người cũng cầu nguyện hàng đêm trước chiếc bánh tortilla, đã nói rằng: “Tôi không biết tại sao điều này lại xảy ra với tôi, nhưng Chúa đã đến với cuộc đời tôi thông qua chiếc bánh tortilla này.” [Bob Greene, American Beat (New York: Atheneum, 1983), tr. 34-36.]

* Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ ban chính mình làm Bánh hằng sống, làm lương thực thiêng liêng cho chúng ta.

  1. THÁNH IGNATIÔ TÌM BÁNH TRƯỜNG SINH

Thánh Ignatiô thành Loyola, vị sáng lập ra Dòng Tên, đã tự hỏi mình câu hỏi mà dân thành Capharnaum đã hỏi Chúa “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện việc Thiên Chúa muốn” khi ngài nằm trong một lâu đài để hồi phục sau khi bị thương. Ignatiô là một người lính Tây Ban Nha sống một cuộc sống buông thả và thậm chí là vô đạo đức. Sau đó, chân của ngài đã bị một viên đạn đại bác gây thương tích. Vào thời đó, thế kỷ 16, mọi người thường chết vì nhiễm trùng khi bị một vết thương như thế, nhưng Ignatiô đã sống sót và chân của ngài đã lành sau vài tháng. Nhưng vì chân bị bó lại không thẳng và trông không đẹp mắt, nên ngài đã ra lệnh cho bẻ lại đúng cách, để cả hai chân trông đẹp như nhau trong bộ quần dài mà ngài  thường mặc làm trang phục của Hoàng gia. Vì vậy thời gian điều trị tăng gấp đôi và ngài phải nằm lâu dài trong lâu đài đó. Thời gian rảnh, ngài muốn đọc những câu chuyện về những anh hùng hiệp sĩ huyền thoại và những hiệp sĩ phiêu lưu. Ngài luôn yêu thích những nhân vật đó và thường đọc một cách say mê. Nhưng có hai cuốn sách duy nhất trong lâu đài đó là Hạnh các thánh và Cuộc đời Chúa Kitô. Vì vậy, trong lúc buồn chán, Ignatiô bắt đầu đọc hai cuốn sách này. Sau một thời gian, ngài trở nên say mê. Ngài tự hỏi liệu mình có thể trở thành một anh hùng trong Giáo hội như thánh Phanxicô hay thánh Đaminh hay bất kỳ vị thánh nào không. Nhưng như ngài viết, ngài thường quay lại suy nghĩ về những cuốn sách phiêu lưu mà ngài từng đọc. Ngài thích suy nghĩ về những nhân vật anh hùng. Dù sao thì điều đó cũng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Nhưng ngài nhận thấy rằng ngay cả niềm vui mà ngài cảm thấy qua những cuốn sách đó cũng chỉ thoáng qua. Sau đó, ngài nghĩ về cảm giác của mình khi suy ngẫm về những cuốn sách mà các nữ tu cung cấp. Niềm vui này không hề thoáng qua. Cuối cùng, Ignatiô đã sử dụng những suy tư này làm cơ sở cho việc thực hiện về sự Phân định thiêng liêng và thực tập Linh thao.

* Ignatiô đã tìm kiếm điều có thể mang lại hạnh phúc lâu dài và đã tìm thấy điều đó nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu nói trong bài đọc Tin Mừng: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”. (Cha Joseph Pellegrino).

  1. ĐI TÌM BÁNH SỰ SỐNG

Chúng ta có thể biết đến Ebenezer Scrooge, nhân vật chính nổi tiếng trong kiệt tác của văn hào Charles Dickens, A Christmas Carol. Scrooge đặt ra một mục tiêu rất rõ ràng cho cuộc đời của mình: kiếm tiền và kiếm tiền. Cuối cùng, anh cũng đạt được mục tiêu của mình và trở thành người giàu nhất thành phố. Anh xây dựng được một tài sản không lồ, nhưng anh lại sống một cuộc sống đáng thương: tâm hồn anh không bao giờ được bình an. Tâm hồn con người được Chúa tạo dựng để khao khát những điều lớn lao hơn là sự giàu có vật chất, sự thịnh vượng và lạc thú tạm bợ. Nó được tạo ra để yêu mến Chúa và yêu người lân cận của mình; và đó chính là nơi khởi nguồn hạnh phúc vĩnh cửu. Scrooge đã học được bài học này theo thời gian trải nghiệm cuộc sống. Ngay khi Scrooge bắt đầu dành của cải của mình để phục vụ mọi người, anh đã có thể nở được nụ cười rạng rỡ, tâm hồn anh cảm thấy thanh thản. Scrooge là một nhân vật hư cấu, nhưng lịch sử của Giáo hội tự hào về nhiều vị thánh thực sự đã khám phá ra điều đó. Thánh Thomas Becket là một trong số đó. Ngài sống ở Anh vào những năm 1200. Ngài là bạn thân nhất của vua Henry II. Lúc đầu cả hai đều sống ích kỷ, tự ái và ham muốn quyền lực. Họ cùng nhau uống rượu, cùng nhau ăn chơi trác táng, và cùng nhau bày mưu tính kế cho cuộc sống. Sau đó, vua Henry có ý tưởng bổ nhiệm Becket làm tổng giám mục Canterbury. Henry nghĩ rằng việc để người bạn thân nhất của mình chiếm giữ vị trí Giáo hội cao nhất trong vùng đất này sẽ giúp ông nắm cơ hội kiểm soát Giáo hội và dễ dàng thu tóm tiền bạc. Nhưng khi Thomas Becket được tấn phong, ơn Chúa đã chạm vào trái tim ngài, ngài bắt đầu nhận ra sự điên rồ của việc chỉ sống cho những mục tiêu trần tục. Rồi ngài đã bán hết tài sản đáng kể của mình và chia tiền cho người nghèo, từ bỏ lối sống dễ dãi, chuyên tâm phục vụ Chúa Kitô và Giáo hội bằng tất cả sức lực và tài năng của mình. Nhà vua không hài lòng chuyện này và cuối cùng ông đã để người bạn thân trước đây của mình bị sát hại trong Thánh lễ ở Nhà thờ. Thánh Thomas Becket đã đánh đổi vinh quang trần thế tạm thời để lấy vương miện vĩnh cửu của một vị tử đạo – và chúng ta có thể tin chắc rằng ngài cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã chọn lựa như vậy.

         Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm