Giảng Lễ An Táng Bà Cố Anna – 17.12.2019 – Đại Hải

print

Giảng Lễ An Táng Bà Cố Anna – 17.12.2019 – Đại Hải

Cộng đoàn Phụng vụ rất thân mến.

Tình cờ tôi đọc được bài thơ “Mai tôi đi…” của ai đó đăng trên internet: diễn tả tâm tình của một người khi đối diện với cái chết mà vẫn mỉm cười chứ không hề sợ hãi, không khiếp đảm… vì xem cái chết không chỉ là dấu chấm hết cho cuộc sống trên dương thế, mà còn là khởi đầu cho một hành trình tiến về vĩnh hằng.

Tác giả nhận định:

Mai tôi đi… chẳng có gì quan trọng,

Lẽ thường tình, như lá rụng công viên,

Như hoa rơi trước gió ở bên thềm,

Chuyện bé nhỏ giữa giòng đời động loạn…

Rồi chỉ có một ước mơ:

Chỉ ước nguyện tâm hồn luôn thư thả,

Với hành trang thanh nhẹ bước qua nhanh,

Quên đàng sau những níu kéo giựt dành,

Kết thúc cuộc lữ hành trên dương thế…

Để cuối cùng kết luận:

Ngoảnh nhìn lại, đời người như giấc mộng,

Đến trần truồng và đi vẫn tay không.

Bao trầm thăng, vui khổ đã chất chồng,

Nay rũ sạch… lên bờ, thuyền đến bến…

Những vần thơ trên đây dẫn tôi đến nhận định của tác giả Thánh vịnh 103: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103,15-16), và nhất là lời Chúa phán: “Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42).

Kính thưa cộng đoàn, Sứ điệp Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe trong Thánh lễ an táng Bà Cố Anna hôm nay, đó chính là “hãy tỉnh thức”. Xin được chia sẻ với cộng đoàn 4 điểm:

  1. Tỉnh thức trong sám hối

Thánh Alphongsô, tổ phụ Dòng Chúa Cứu Thế và sau khi  làm Giám mục được 13 năm, đã xin Đức Giáo Hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm vào năm 1775 để về sống trong Nhà Dòng. Ở đây, ngài cho xây một nấm mộ cho mình. Hằng ngày, đều ra ngồi trước nấm mộ này để ăn năn sám hối về những lỗi lầm trong quá khứ. Ngài thường nhắc lại lời Đức Giêsu để răn mình: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt” (Lc 13,3)”. Cuối cùng, ngài tìm được bình an và qua đời năm 1787, được tôn phong Hiển thánh năm 1839 và Tiến sĩ Hội thánh năm 1871.

  1. Tỉnh thức trong cảnh giác

Tỉnh thức là phải cảnh giác, đề phòng, ngăn ngừa mình khỏi mọi sai phạm và lỗi lầm cả cố ý lẫn vô tình. Thánh Phêrô đã quá kinh nghiệm về sự mỏng dòn yếu đuối vì thiếu cảnh giác của mình, nên đã đưa ra một lời khuyên rất khôn ngoan và bổ ích: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1Pr 5, 8-9).

  1. Tỉnh thức trong cầu nguyện

Mỗi buổi sáng trước khi thức dậy, Thánh Vinhsơn Phaolô luôn thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa! Xin gìn giữ tư tưởng, lời nói, việc làm của con trong suốt ngày hôm nay. Đừng để xảy ra bất cứ điều gì xúc phạm đến Chúa và anh em. Bởi vì biết đâu đây là ngày cuối cùng của đời con”. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, ngài lại đấm ngực cầu nguyện: “Lạy Chúa! Xin tha thứ cho những lầm lỗi thiếu sót của con trong ngày hôm nay. Xin cho con được nghỉ ngơi bình an, vì biết đâu hôm nay con lên giường nằm nghỉ mà sáng mai không bao giờ chỗi dậy được nữa”. Việc tỉnh thức cầu nguyện đó đã giúp thánh Vinhsơn đối diện với cái chết một cách sẵn sàng và bình tĩnh. Ngài ra đi bình an năm 1660 và được phong thánh năm 1885.

  1. Tỉnh thức trong việc chu toàn bổn phận hằng ngày

Chúa Giêsu thường đề cao phương pháp tỉnh thức này. Chẳng hạn, trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã huấn dụ các môn đệ: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,35-37). Trong Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Mátthêu ghi lại vắn tắt: “Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42).

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.

Buổi tối sau khi mừng lễ Ngân khánh của cha Giuse Khiết, tôi nhận được điện thoại của cha xin xức dầu cho Bà Cố tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Khi tôi đến, Bà Cố dù rất mệt nhưng vẫn rất tỉnh táo, sốt sắng lãnh nhận Bí tích Xức dầu và Thánh thể. Trưa thứ Bảy vừa qua, Bà Cố đã được Chúa rước về sau 87 năm làm người và làm con Chúa, và sau 25 năm làm mẹ của một linh mục.

Tôi còn nhớ vào ngày 4.10.2014, trong Thánh lễ An táng của Ông Cố, tôi có thưa với Bà Cố rằng: “Từ hôm nay, khi Lần Chuỗi Mân Côi mỗi ngày vào 4g00, 9g00 sáng và 3g00 chiều… Bà Cố sẽ phải đọc cả “Kính mừng…” lẫn “Thánh Ma…”.

Như thế, sau 5 năm Lần Chuỗi thay phần của Ông Cố, giờ đây, chắc là Bà Cố sẽ không phải đọc kinh thay phần của Ông Cố nữa, mà chúng ta có thể tin tưởng và hy vọng rằng : Ông Bà Cố cùng nhau xướng ca Lòng thương xót Chúa và ngợi khen Mẹ Maria trên Thiên Đàng. Bởi lẽ, Bà Cố Anna đã luôn sống trọn cuộc đời trong tình trạng tỉnh thức: bằng cuộc sống sám hối, bằng việc cảnh giác, bằng tinh thần cầu nguyện, và nhất là bằng việc chu toàn bổn phận hằng ngày của mình, không chỉ đối với gia đình, mà còn đối với Giáo xứ, đối với tha nhân, đối với Giáo Hội nữa.

Xin Chúa là Vị Thẩm phán chí công tha thứ, thanh tẩy những lầm lỗi, thiếu sót… chắc chắn không tránh khỏi trong thân phận làm người, để Bà Cố Anna được tinh tuyền trước Nhan Chúa. Và chúng ta vững tin rằng Thiên Chúa là Cha giầu lòng xót thương đang nói với Bà Cố Anna, lời mà ai trong chúng ta cũng mong được nghe trong ngày sau hết: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín! Hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi!”.  Amen.

Lm. Pet. Vũ Văn Hài