Giáo hội Campuchia có thêm ba phó tế người bản xứ
Ngọc Yến – Vatican News
Trong Thánh lễ truyền chức phó tế, Đức cha Olivier bày tỏ niềm vui lớn đối với toàn thể Giáo hội Campuchia, bởi vì sau nhiều năm phân định, đào tạo, cùng với lời cầu nguyện của các gia đình và toàn thể cộng đoàn, Giáo hội đã có được hoa trái tuyệt vời, là ba phó tế.
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức cha Olivier nói với thầy John Baptist Samnang Vy, thầy Anthony Ratanak Thai và thầy Paul Kan Ven rằng: “Các thầy giống như ba nhà đạo sĩ đi theo ngôi sao, dấu chỉ của Chúa, và hôm nay các thầy đã để cho Chúa thánh hiến, thuộc về Chúa Kitô”. Đức cha nhắc nhở các phó tế: “Mỗi người trong anh em sẽ phục vụ Chúa suốt đời. Phục vụ bắt đầu từ con tim, là sự gắn bó với Chúa qua tương quan cá nhân trong cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, thờ lạy Thánh Thể, trong lời cầu nguyện của Giáo hội. Phục vụ Chúa là của lễ dâng lên Chúa, nhưng sự dâng hiến này không chỉ trong Bí tích được cử hành trên bàn thờ, nhưng phải làm cho mình trở thành lễ vật”.
Với lễ truyền chức này, Giáo hội tại đây hiện có 10 giáo sĩ là người bản xứ, cùng với 70 vị thừa sai nước ngoài. Nhờ sự hiện diện của các nhà truyền giáo, đức tin và các cộng đoàn Công giáo ở Campuchia đang phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ đen tối của chế độ Khmer Đỏ (1975-1979). Thế hệ Kitô hữu hiện nay được coi là cộng đoàn Công giáo đầu tiên vì hầu hết ông bà cha mẹ của họ đã bị giết bởi các vụ hành quyết hàng loạt, lao động cưỡng bức, lạm dụng thể chất, suy dinh dưỡng và bệnh tật trong các trại lao động của Khmer Đỏ.
Bốn người Campuchia đầu tiên đã được thụ phong linh mục vào năm 2001. Tháng 7 vừa qua, Giáo hội địa phương đã cử hành lễ phong chức linh mục cho phó tế đầu tiên thuộc dân tộc Phnong.
Trong dịp này, cộng đoàn cũng chào mừng cha Pierre Suon Hangly người bản xứ đầu tiên của Kompong Cham vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Phủ doãn Tông toà Kompong Cham hôm 15/7 vừa qua.
Giáo hội Công giáo ở Campuchia được tổ chức với ba khu vực: Đại diện Tông tòa Phnom Pênh, Hạt Phủ doãn Tông Tòa Battambang và Hạt Phủ doãn Tông Tòa Kompong-Cham. Giáo hội có khoảng 20.000 người Công giáo trên tổng số hơn 15 triệu dân.