Giáo hội Công giáo Malaysia ngày nay theo cái nhìn của ĐHY Sebastian Francis
Vatican News
Sự đa dạng giữ cho quốc gia được yên bình
Đức Hồng Y cho biết, mặc dù nhóm dân tộc Mã Lai và Hồi giáo được coi là thành phần chủ yếu của quốc gia, và người Mã Lai được coi là “những người con của đất” và “đặc biệt”, nhưng Đức Hồng y tin rằng chính sự đa dạng giữ cho quốc gia được yên bình. Trước đây, chỉ có người Mã Lai và người Hồi giáo được hiến pháp bảo vệ, nhưng ngày nay một quốc gia dân chủ như Malaysia không thể chọn chỉ có một nền văn hoá và một tôn giáo. Đất nước này có một sự đa nguyên thú vị làm cho Malaysia thực sự là một quốc gia Á châu, một mô hình thu nhỏ.
Cùng với người Mã Lai với khoảng 60% dân số, các thành phần xã hội khác cũng hết sức quan trọng, bao gồm người Trung Quốc 24%, Ấn Độ 7%, trong khi cộng đoàn bản địa không phải người Mã Lai, sống chủ yếu ở Borneo của Malaysia chiếm khoảng 10% dân số.
Ở quốc gia Á châu này, người dân nói tiếng Bahasa, cùng với ngôn ngữ của Indonesia, nhưng ở trường học sinh học tiếng Anh, vì cho đến giữa thế kỷ trước, Malaysia vẫn còn là thuộc địa của Anh. Sự đa dạng văn hoá hiện diện ở khắp nơi. Ở một khía cạnh nào đó, là một điều tốt đẹp khi Giáo hội Công giáo hiện diện ở tất cả mọi thành phần này.
Việc người Mã Lai bắt buộc theo Hồi giáo và không thể thay đổi tôn giáo là một điều gì đó độc đáo. Đây là phần còn lại của chủ nghĩa thực dân Anh và được chấp thuận khi quốc gia giành được độc lập. Ý tưởng là bảo vệ nền văn hóa và di sản tôn giáo của tổ tiên, và bảo vệ tôn giáo khỏi mọi thay đổi hoặc quyền lực khác. Tuy nhiên, ngày nay cần lưu ý rằng người Ấn Độ và Trung Quốc cũng đến đây từ nhiều thế kỷ trước. Nghĩa là bây giờ tất cả đều là công dân về mọi mặt, tất cả đã có cội nguồn từ nhiều thế kỷ, và cảm thấy hoàn toàn là người Malaysia.
Giáo hội được tạo nên từ những khác biệt
Trong nước, mọi người đều phải đối diện với thách đố, những vấn đề tương tự các quốc gia có nhiều ngôn ngữ, văn hoá và tôn giáo cùng hiện diện. Nhưng ở đây có một lối diễn tả đẹp: Giáo hội được tạo nên từ những khác biệt. Đức Hồng Y giải thích: “Trong thực tế này chúng tôi nhìn thấy sự phong phú, bởi vì các cộng đoàn chúng tôi không bị chia rẽ bởi sắc tộc, ngôn ngữ, nhưng đoàn kết. Tất cả sống sự hiệp thông, hoà nhập giữa những thành phần khác nhau, giống như Kinh Thánh nói rằng chỉ một thân thể, một thần khí, một Thiên Chúa, một đức tin và một Giáo hội. Đối với chúng tôi, Giáo hội hiệp hành là một hành trình bình thường, một thực tế hàng ngày. Nơi tất cả mọi người có một thói quen và một khuynh hướng đối thoại với những người khác về văn hoá hoặc tôn giáo”.
Trong phụng vụ Công giáo, ngôn ngữ quốc gia được sử dụng, mặc dù có bốn ngôn ngữ chính thức: Bahasa Malay, Anh, Trung Quốc, Tamil Ấn Độ. Hơn nữa, trong một quốc gia đã rất đa dạng, có một hiện tượng quan trọng khác ở Malaysia, làm cho sự hoà nhập này lớn hơn. Mặc dù không phải là một quốc gia lớn, nhưng ở đây có nhiều người di cư đến từ Indonesia, Philippines, Việt Nam, Bangladesh. Tất nhiên, một số họ mang theo truyền thống Kitô giáo.
Đức Hồng Y nói tiếp: “Ở đây người ta có thể nói rằng chúng tôi đang sống trọn vẹn một chiều kích khác, chiều kích của sự chào đón và tình huynh đệ: tất cả đều được chào đón, trong tất cả các Giáo hội theo tinh thần của thông điệp ‘Fratelli tutti’, trong đó chúng tôi tìm thấy sự hòa hợp đặc biệt”.
Ơn gọi linh mục và tu sĩ
Nói cụ thể hơn về chiều kích Giáo hội, Đức Hồng Y lưu ý rằng “trong lãnh vực ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, nhờ ơn Thiên Chúa, chúng tôi có những nguồn lực cần thiết cho đời sống mục vụ, trong khi có một sự suy giảm nhất định trong ơn gọi trong các dòng tu của các nhà truyền giáo, chủ yếu đến từ Pháp, Ailen và Ý. Nhờ ơn Thiên Chúa, các cộng đoàn địa phương, được sinh ra tại địa phương, có ơn gọi nhìn về tương lai với niềm hy vọng, và chúng tôi đã thấy điều này từ các chủng viện nơi không có số lớn ơn gọi, nhưng Chúa không thiếu thợ vườn nho của Người, số lượng là đủ”.
Sự phát triển các ơn gọi truyền giáo giáo dân, cả nam lẫn nữ, cũng rất quan trọng. Đức Hồng Y cho biết: “Ngay từ khi bắt đầu cuộc sống của Giáo hội, chúng tôi đã rất coi trọng việc đào tạo và rao giảng Lời Chúa. Chúng tôi vun trồng đời sống Kitô của giáo dân, và sau Công đồng Vatican II, chúng tôi đã chú trọng đến việc đào tạo giáo dân, đặc biệt qua các trường học hoặc khóa đào tạo và khóa học chuyên sâu hiện có tại các giáo xứ”.
Thích ứng với hoàn cảnh
Đối với tình hình chính trị thay đổi, ngài nói: “Ảnh hưởng của chúng tôi trong lĩnh vực giáo dục đã giảm đi rất nhiều vì chính phủ đã nắm toàn quyền kiểm soát giáo dục ở các trường, cả công và tư. Nếu chúng tôi muốn hiện diện trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi phải hoạt động như những thực thể tư nhân, nhưng chính phủ cũng kiểm soát giáo dục tư nhân, quyết định chương trình học, giáo trình, trả lương cho giáo viên. Do đó chúng tôi là chủ sở hữu bất động sản và đất đai nơi trường tọa lạc, nhưng chính phủ kiểm soát hiệu quả cuộc sống học đường. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi sở hữu tòa nhà chứ không phải hệ thống. Chúng tôi đóng góp nhưng không thể đưa ra tính riêng biệt cho con đường giáo dục”.
Ngài giải thích: “Điều này là khuôn khổ chính trị sau độc lập (xảy ra vào năm 1957) và trong hoàn cảnh này Giáo hội đã tìm thấy tầm ảnh hưởng của mình. Ngày nay ở Malaysia có trình độ học vấn rất cao. Cung cấp giáo dục rộng rãi, cả ở trường công và trường tư, nhưng hệ thống trường tư rất đắt. Và hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng được chính phủ tổ chức rất tốt và hiệu quả. Vì thế, Giáo hội đã điều chỉnh lại sứ vụ xã hội của mình, bởi vì, với công việc xuất sắc của nhà nước, chúng tôi không cần phải hoạt động trong những lĩnh vực đó. Chúng tôi đã chuyển các nguồn lực và năng lượng sang lĩnh vực khác như phát triển con người toàn diện: làm việc trước hết với những người di cư và người tị nạn, hoặc trong những hoàn cảnh nghèo đói và khó khăn, cùng với sự cộng tác của các tổ chức phi chính phủ, để phát triển xã hội”.
Ngài nói tiếp: “Tất nhiên, chúng tôi vun trồng và sống đức tin và các bí tích trong các cộng đoàn giáo xứ, vốn là nền tảng cho đời sống Giáo hội. Vẫn còn nhiều người thường xuyên tham dự đời sống cộng đoàn và các bí tích. Các nhà thờ của chúng tôi thường chật kín. Tôi có thể nói rằng trong quốc gia này có một sự thức tỉnh tôn giáo ở mọi cấp độ, đối với Kitô giáo nhưng cũng với Hồi giáo và các tôn giáo khác. Tôn giáo vẫn là một yếu tố trung tâm trong cuộc sống của người dân, ngay cả trong một đất nước đã hiện đại hóa nhanh chóng. Chiều kích này bảo đảm rằng có chỗ cho việc loan báo và sứ vụ của Giáo Hội: việc loan báo của chúng tôi là chia sẻ niềm vui Tin Mừng, trên hết là chia sẻ chiều kích Chúa Kitô, mang lại cho con người niềm hy vọng. Đó là một thông điệp chạm đến trái tim con người, luôn tìm kiếm hạnh phúc”.
Hướng đi mục vụ
Mô tả sứ vụ của Giáo hội Malaysia (tổng cộng 1,3 triệu tín hữu), Đức Hồng Y sử dụng ba cụm từ: “Niềm vui, lòng thương xót và hy vọng”, như Đức Thánh Cha nói trong Evangelii Gaudium. Đây là hướng đi mà Giáo hội đã đi theo trong thập kỷ qua. Các mục tử đang chuẩn bị tinh thần, với sự mong đợi lớn lao, cho biến cố ân sủng là năm Năm Thánh. Nhân dịp này, Giáo hội dự định thúc đẩy một hội nghị quốc gia của các tín hữu của chín giáo phận Bán đảo Malaysia và Borneo, hai phần chính của quốc gia. Với sự hiện diện của các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, tín hữu, đó sẽ là một cuộc gặp gỡ lịch sử, trong đó tìm thấy hy vọng, như chủ đề của Năm Thánh đã nói, được tích hợp hoàn hảo với kế hoạch mục vụ của Giáo hội. Để vạch ra hướng đi cho Giáo hội tại Malaysia, các lĩnh vực suy tư sẽ là: Giáo hội, xã hội, gia đình, hệ sinh thái toàn diện.
Đức Hồng Y kết luận bằng việc nhấn mạnh đến sự củng cố “mối liên kết với Liên Hội đồng Giám mục Á châu, và tất nhiên để luôn sống mãnh liệt mối quan hệ hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và Tòa Thánh, trong sự chắc chắn rằng Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng tôi trên hành trình chúng tôi như một cộng đoàn nhỏ đa nguyên, cởi mở, đối thoại và chào đón”.