Giáo Lý Hôn Nhân-Gia Đình – Gp Vĩnh Long

print

WCT: Năm nay GPCT thường huấn LM theo chủ đề Huấn Giáo. Vì thế chúng tôi xin giới thiệu cuốn Giáo Lý Hôn Nhân của GPVL để Các Đấng tham khảo.

 GIÁO LÝ HÔN NHÂN-GIA ĐÌNH – GP VĨNH LONG

 

PHẦN GIÁO LÝ HÔN NHÂN-GIA ĐÌNH.. 1

LỜI MỞ ĐẦU.. 1

I. CHUẨN BỊ THÀNH HÔN.. 1

II. GIÁO LÝ CÔNG GIÁO TÓM LƯỢC.. 3

III. HÔN NHÂN.. 4

IV. BÍ TÍCH HÔN PHỐI. 5

V. NGHI THỨC BÍ TÍCH HÔN PHỐI. 7

VI. TÌNH YÊU VỢ CHỒNG.. 8

VII. NHIỆM VỤ VỢ CHỒNG.. 10

VIII. BỔN PHẬN SINH CON và ĐIỀU HOÀ SINH SẢN.. 11

IX . BỔN PHẬN GIÁO DỤC.. 13

X. KHIẾT TỊNH HÔN NHÂN  LUÂN LÝ TÍNH DỤC.. 14

XI. ĐỜI HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH NƯỚC MẮT VÀ HẠNH PHÚC.. 16

XII. BỔN PHẬN GIA ĐÌNH KITÔ HỮU.. 18

PHẦN PHỤ THÊM… 20

NGHỆ THUẬT SỐNG CHUNG.. 20

TÂM LÝ NAM – NỮ.. 23

III. PHƯƠNG PHÁP TIẾT DỤC ĐỊNH KỲ.. 24

BÀI ĐỌC THÁNH LỄ HÔN PHỐI. 26

NGHI THỨC VU QUI – TÂN HÔN.. 28

KINH NGUYỆN CỦA ĐÔI TÂN HÔN.. 30

KINH NGUYẸN GIA ĐÌNH.. 31

 

 

LỜI MỞ ĐẦU

– Trong Thông điệp đầu tiên “Đấng Cứu Chuộc con người”, Đức Gioan Phaolô II viết : “Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người là kẻ không thể hiểu nổi đối với chính bản thân; cuộc sống con người sẽ mất ý nghĩa, nếu không cảm nhận được tình yêu…” (số 10).

Và sau đó, trong Tông huấn Đời Sống Gia Đình (1981), Đức Thánh Cha quả quyết: “Mạc khải Kitô giáo nhìn nhận có hai cách thế chuyên biệt để thực hiện ơn gọi sống yêu thương của nhân vị “. Đó là Hôn NhânTrinh khiết”. (số 11)

– Sống là yêu thương, vì con người được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa là Tình yêu. Hôn nhân và Gia đình Kitô hữu muốn là dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần (GLGHCG. 2205), thực thi tình yêu như Chúa Kitô “yêu thương và hiến mạng sống vì Hội Thánh” và ngược lại, “Hội Thánh vâng phục Chúa Kitô trong mọi sự” (Eph 5,24-25) Và như thế, Gia đình Kitô hữu sẽ trở thành Tin Mừng cho thiên niên kỷ mới (Chủ đề Đại hội về Gia đình, lần IV, 2003).

– Để phục vụ cho chương Thánh hoá các Gia đình theo tinh thần Thư chung của HĐGM VN năm 2002, chúng tôi mạo muội giới thiệu tập Giáo lý Hôn nhân – Gia đình, được biên soạn để giúp Giáo dân trong Giáo phận Vĩnh long. Rất mong được đón nhận những ý kiến xây dựng để Mục vụ về Gia đình được tốt đẹp hơn.

Vĩnh long, ngày 21.12.2002

+ Tôma Nguyễn Văn Tân

Giám mục Giáo phận Vĩnh Long

 

 

I. CHUẨN BỊ THÀNH HÔN

GHI NHỚ

“Khi chuẩn bị thành hôn, người công giáo cần phải :
– Cầu nguyện
– Suy nghĩ
-Tìm hiểu
-Bàn hỏi với người khôn ngoan, học ôn Giáo lý, cách riêng về bí tích Hôn phối và phải sống đúng đắn trong sạch” (MV.49; Gl.1063).
“Ngày nay, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào Hôn nhân – Gia đình là điều cần thiết hơn bao giờ hết” (ĐSGĐ.66)

TRÌNH BÀY

  1. CẦU NGUYỆN

“Tất cả là Hồng ân Chúa”. Việc phối hợp vợ chồng là việc rất quan trọng và huyền nhiệm, do Thiên Chúa thiết lập và se định, nên cần cầu nguyện để xin Chúa soi sáng, hướng dẫn, giúp ta biết chọn lựa bạn đời hợp ý Chúa và đúng ý nguyện của mình. Nhờ cầu nguyện, ta sẽ nhận được nhiều ơn Chúa để chọn đúng và sống tốt đời Hôn nhân – Gia đình.

  1. SUY NGHĨ
    Tại sao phải suy nghĩ ? Vì hôn nhân là một việc rất hệ trọng trong đời người, nên cần suy nghĩ chín chắn, cân nhắc cẩn thận, chọn lựa chu đáo, để khỏi mang lấy hậu quả đau khổ cho mình, cho bạn đời, cho con cái, cho Giáo hội và xã hội.

Suy nghĩ về điều gì ?
-Về bản thân : Biết mình là ai, sẽ làm gì ? Biết mình có khả năng tạo lập gia đình hạnh phúc không ? Tại sao mình lại chọn người đó làm bạn đời ? Thời điểm nào nên kết hôn ?…

-Về Tình yêu và Hôn nhân : Tự hỏi “Tôi đã biết YÊU chưa?” Cần phải học BIẾT YÊU: một tình yêu chân thật, biết tôn trọng, chung thuỷ, quảng đại, hy sinh và tha thứ cho người mình yêu. Cần biết những điều kiện, thủ tục về Hôn nhân-Gia đình.

  1. TÌM HIỂU.
    Tại sao phải tìm hiểu ? Vì khi đã kết hôn, đôi bạn phải chung sống với nhau đến trọn đời, nên cần tìm hiểu nhau để biết những gì hoà hợp mà cùng chung xây hạnh phúc gia đình sau nầy.

Cần tìm hiểu nhau về điều gì ? -Tình yêu chân thật, lòng đạo đức, trình độ học thức, hoàn cảnh gia đình, địa vị xã hội, sức khoẻ, tuổi tác, nghề nghiệp. -Cần tìm hiểu nhau cách đúng đắn, tế nhị, qua những lần gặp gỡ, tâm sự và bàn hỏi.

  1. BÀN HỎI.
    Tại sao phải bàn hỏi ?

    -Vì chính mình không đủ khôn ngoan, sáng suốt, không thể biết rõ, biết đủ hết mọi việc, mọi người, đôi khi vì chủ quan nên nhận xét dễ sai lầm.

Bàn hỏi ai ?
-Cần bàn hỏi với người khôn ngoan, đạo đức, có uy tín và kinh nghiệm hôn nhân như: cha mẹ, ông bà, cha linh hướng, cha giải tội.

  1. HỌC ÔN GIÁO LÝ CÔNG GIÁO.

Cần học ôn Giáo lý tổng quát, để sống đạo và dạy dỗ con.
Giáo lý tóm trong 4 điều : TIN-GIỮ-LÃNH-XIN.

  1. HỌC VỀ BÍ TÍCH HÔN PHỐI.
    Cần học biết về Hôn nhân và Bí tích Hôn phối: ý nghĩa, đặc tính, mục đích, điều kiện, hiệu quả, để sống đời hôn nhân.

Cần học biết Nghi thức bí tích Hôn phối, để đón nhận nhiều ơn Chúa trong ngày lễ Thành Hôn.

Cần hiểu biết về đời sống Hôn nhân – Gia đình : tình yêu vợ chồng, nhiệm vụ vợ chồng, bổn phận sinh sản và giáo dục, bổn phận gia đình kitô hữu, nghệ thuật sống chung…

“Kinh nghiệm cho thấy rằng: các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo về đời gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn trẻ khác”. (ĐSGĐ.66)

II. GIÁO LÝ CÔNG GIÁO TÓM LƯỢC

GHI NHỚ
Giáo Lý Công giáo có thể tóm lược: TIN – GIỮ – LÃNH – XIN

TRÌNH BÀY

  1. NHỮNG ĐIỀU PHẢI TIN TRONG ĐẠO (Tín lý)
    Gồm tóm trong Kinh TIN KÍNH, có 3 điều tin chính yếu:

    1. Tin Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành trời đất.
    2. Tin Chúa Con là Ngôi Hai xuống thế làm người, sinh bởi Mẹ Maria đồng trinh, đã chịu đau khổ, chịu chết trên Thánh giá và sống lại để Cứu chuộc ta.
    3. Tin Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá, Tin Hội Thánh Công giáo, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cữu.

  2. NHỮNG ĐIỀU PHẢI GIỮ TRONG ĐẠO (Luân lý)
    Đó là giữ 10 điều răn ĐCT và 6 điều răn Hội Thánh :

    Gồm tóm trong 2 điều : KÍNH CHÚA và YÊU NGƯỜI.
    Yêu thương là giữ trọn luật đạo, vì Chúa là Tình yêu.

    Muốn được Chúa tha tội, cần phải An năn tội và đi Xưng tội.


III. NHỮNG VIỆC CẦN LÃNH TRONG ĐẠO (Ơn Chúa-Bí tích)
Cần lãnh nhận Ơn Chúa, qua Phụng vụ và 7 BÍ Tích.

Phụng vụ là việc tôn thờ Thiên Chúa và thánh hoá con người, quan trọng nhất là Phụng vụ Thánh Lễ.
Bí tích là những phương thế Chúa Giêsu lập để ban ơn thánh.
Muốn lãnh Bí tích: cần có lòng tin, có ý ngay lành và dọn hồn dọn xác cho xứng đáng.


  1. NHỮNG ĐIỀU CẦN XIN TRONG ĐỜI SỐNG (Cầu nguyện)
    Những ý nguyện tín hữu gồm tóm trong KINH LẠY CHA:
    3 lời tôn vinh Chúa :
    – Nguyện Danh Cha – Nước Cha – Ý Cha.

    4 nhu cầu con người: Lương thực – tha tội- khỏi cám dỗ – khỏi sự dữ.
    Cần SỐNG ĐỨC TIN, SỐNG CẦU NGUYỆN, SỐNG CHỨNG NHÂN CK.

III. HÔN NHÂN

GHI NHỚ
Hôn nhân là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa Vợ Chồng; để sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm Cha Mẹ. (x.MV 48)

TRÌNH BÀY

  1. Hôn Nhân là Giao Ước
    Gọi là Hôn ước vì được ký kết cách đặc biệt giữa một người nam và một người nữ, với đầy đủ tự do ưng thuận và ý thức trách nhiệm, muốn kết hôn để làm vợ-chồng, làm cha-mẹ.

Giao ước hôn nhân đòi hỏi đôi bạn có sự bình đẳng (không phân biệt nam nữ, chức vị), song phương (cả hai đều tự do cam kết) và độc hữu (thuộc trọn về một người).

Một nam – một nữ : loại bỏ trường hợp hôn nhân đồng giới tính.

  1. Tình Yêu là yếu tố quan trọng
    Hôn nhân và gia đình được thiết lập là do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu; sức mạnh và mục đích cuối cùng của hôn nhân cũng chính là tình yêu. (ĐSGĐ.18)

Tình yêu Hôn nhân đòi hỏi vợ chồng kết hợp nên một, sự chung thuỷ, trao hiến trọn vẹn và mở ngỏ cho việc sinh sản.

  1. Hai mục đích chính của Hôn Nhân
    Để trọn đời yêu thương nhau, giúp đỡ, bổ túc cho nhau,

    Để sinh sản và giáo dục con cái.
  2. Hai đặc tính của Hôn Nhân
    Đơn hôn :
    chỉ một vợ, một chồng, không được đa phu, đa thê.

    Bất khả phân ly: làm vợ chồng suốt đời, không được ly dị.
  3. Nghĩa vụ và Quyền lợi Vợ Chồng
    -Quyền lợi trên thân xác của nhau, thuộc trọn về nhau.

    -Trung thành, yêu thương, giúp đỡ nhau hồn xác.
    -Sinh sản và giáo dục con cái.
  4. Bổn phận Cha Mẹ : Sinh – Dưỡng – Dục
    Cha mẹ có ba bổn phận chính:
    Sinh sản: Sinh con để nối dài tình yêu vợ chồng, lưu truyền sự sống, nối dõi tông đường. Cần biết sinh sản có trách nhiệm.

    Nuôi dưỡng: chăm sóc sức khoẻ thể xác lẫn tinh thần cho con cái, nhất là đời sống tâm linh.
    Giáo dục: Dạy con thành người tốt và thành kitô hữu tốt. Dạy con về các mặt trí dục, đức dục, thể dục.
  5. Tầm quan trọng của Hôn Nhân
    Nguồn gốc Hôn nhân là do Thiên Chúa tác tạo: “Hôn nhân là sự sắp đặt khôn ngoan của Tạo hoá để thực hiện ý định yêu thương của Ngài giữa nhân loại”.(SSCN.8)

    – Trong hôn nhân, “con người cộng tác với Thiên Chúa để sinh sản và giáo dục những sự sống mới” (SSCN. 8)
    – Hôn nhân là nền tảng cho gia đình, xã hội và Giáo hội: Có hôn nhân tốt, sẽ có gia đình tốt, Giáo hội tốt và xã hội tốt.
    – Hôn nhân là hình ảnh Thiên Chúa yêu thương con người và là hình ảnh Chúa Kitô yêu thương Hội thánh.
    – Hôn nhân là con đường nên thánh: giúp đôi bạn sống đức ái trọn hảo, khi chu toàn bổn phận vợ chồng, cha mẹ.
    – Theo ý định của Thiên Chúa, Hôn nhân là nền tảng cho một cộng đoàn rộng lớn hơn, tức là gia đình. Nhờ hôn nhân mà đôi bạn trở thành cha mẹ, lãnh nhận nơi Thiên Chúa quà tặng là những người con. Khi cha mẹ yêu thương con cái, họ trở thành dấu chỉ hữu hình của Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người. (ĐSGĐ. 15).

 

IV. BÍ TÍCH HÔN PHỐI

GHI NHỚ
Bí tích Hôn phối là Bí tích Chúa Giêsu đã lập, để kết hợp hai người tín hữu một nam một nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội thánh, cùng ban ơn cho họ chu toàn chức vụ mình.

“Vợ chồng kitô hữu được củng cố và thánh hiến bằng một Bí tích riêng để lãnh nhận bổn phận và phẩm giá bậc sống mình. Nhờ ơn Bí tích, họ được thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô mà chu toàn bổn phận Hôn nhân – Gia đình, nhờ đó, họ được tăng thêm lòng tin-cậy-mến, tiến đến sự trọn lành và thánh hoá lẫn nhau” (MV. 48).

 

TRÌNH BÀY 
1. Hôn Nhân Công giáo là Bí Tích 

Khi hai người nam-nữ kết hôn, họ thực sự thành vợ chồng theo luật tự nhiên của Tạo hoá. Hôn phối của họ có giá trị và Chúa ban ơn tự nhiên để giúp họ chu toàn bổn phận của mình.

– Khi hai người Công giáo kết hôn theo nghi thức của Hội thánh, hôn phối của họ có giá trị Bí tích, là trở thành dấu chỉ Tình yêu Chúa. Họ được Chúa chúc phúc, ban ơn tự nhiên và ơn siêu nhiên để sống đời hôn nhân và đáng lãnh nhận phần thưởng sau nầy.

  1. Mục đích của Bí Tích Hôn Phối

Nhằm thánh hoá đời hôn nhân, giúp cho đôi bạn sống trọn vẹn ơn gọi và sứ mạng người Kitô hữu: trở thành Chúa Kitô cho nhau, để minh chứng tình yêu Chúa Kitô trong gia đình và xã hội.


  1. Hiệu quả của Bí Tích Hôn Phối

Dây thiêng liêng ràng buộc hai người suốt đời,

Tăng thêm ơn thánh hoá,

Ban nhiều ơn trợ giúp, để đôi bạn chu toàn bổn phận, để minh chứng tình yêu Chúa cho người khác.


  1. Điều kiện để lãnh Bí Tích Hôn Phối

– Đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

– Không bị mắc ngăn trở.

– Hiểu biết và tự do ưng thuận kết hôn.

– Công khai sự ưng thuận theo nghi thức Hội thánh.


  1. Thừa Tác Viên Bí Tích Hôn Phối

Ai ban, ai nhận bí tích Hôn phối ?  

Chính đôi tân hôn trao ban và nhận lãnh bí tích Hôn phối.

Còn Linh mục là người đại diện Hội thánh, chứng nhận và chúc phúc cho đôi tân hôn.

Vì thế, đôi tân hôn cần phải dọn xác, dọn hồn (Xưng tội) để xứng đáng lãnh nhận và trao ban Bí tích cho nhau.


  1. Nghi Thức Ban Bí Tích Hôn Phối

Có ba nghi lễ chính:  

  1. Thẩm vấn đôi tân hôn.
  2. Bắt tay và nói lên sự ưng thuận
  3. Trao nhẫn cưới.
  4. Các ngăn trở Hôn Phối


Các trường hợp ngăn trở bí tích không thành sự:
 

Niên hạn : chưa đủ tuổi theo giáo luật.

Bất lực : không có khả năng giao hợp, hoặc điên khùng

Cưỡng bức : Bị ép buộc kết hôn.

Họ hàng: Có họ hàng trực hệ, bà con họ gần.

Tội ác : giết bạn đời để kết hôn.

Dị giáo : khác đạo (không có phép chuẩn).

Hôn ước: khi còn dây hôn phối trước.

Thánh chức : có chức thánh hay đã khấn trọn.

Công hạnh: có họ hàng thiêng liêng, nghĩa tử…

 

V. NGHI THỨC BÍ TÍCH HÔN PHỐI

 

GHI NHỚ  

Nghi thức bí tích Hôn phối gồm 3 nghi lễ chính:  

1- Thẫm vấn về ưng thuận tự do.

2- Bắt tay và nói lên sự ưng thuận.

3- Làm phép và trao nhẩn cưới.


TRÌNH BÀY
 

THẨM VẤN: (Về sự ưng thuận tự do, trách nhiệm vợ-chồng, cha-mẹ).

Linh mục:  

Các con thân mến,

Các con đến nhà thờ để tình yêu các con được Thiên Chúa đóng ấn. Thật vậy, Chúa kitô rộng rãi chúc phúc tình yêu này và Chúa dùng bí tích đặc biệt để làm cho các con luôn luôn trung tín với nhau và can đảm nhận trách nhiệm khác của hôn nhân, cũng như chính Người đã dùng phép rửa tội để thánh hiến các con. Bởi đó, trước mặt Hội Thánh, Cha hỏi ý kiến các con.

T… và T… Các con có tự do và thật lòng đến đây chứ không bị ép buộc, để kết hôn với nhau không?

Đôi tân hôn:THƯA CÓ (mỗi người thưa riêng biệt)

Linh mục: Khi chọn đời sống hôn nhân, chúng con có sẳn sàng yêu thương nhau và kính trọng nhau suốt đời không?

Đôi tân hôn:THƯA CÓ  

Linh mục: Các con có sẳn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?

Đôi tân hôn:THƯA CÓ.

 

TRAO ĐỔI LỜI THỀ HỨA  

(Đây là giây phút quan trọng nhất, những lời này ràng buộc và quyết định cả cuộc đời của hai người. Vậy, cần quay mặt nhìn nhau, nói rõ ràng, cách trịnh trọng).

Linh mục: Vậy bởi các con đã quyết định kết hôn, các con hãy cầm tay nhau và nói lên sự ưng thuận của các con trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh Người.

Đôi tân hôn bắt tay phải của nhau và long trọng tuyên hứa:

Bên nam: Tôi, …nhận em… làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi.

Bên nữ : Tôi, … nhận anh … làm chồng và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời tôi.

Linh mục: Xin Thiên Chúa đoái thương xác nhận sự ưng thuận mà các con đã tỏ bày trước Hội Thánh, và xin đoái thương đổ tràn đầy ơn phúc cho các con. Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly.

Đôi tân hôn:AMEN (bỏ tay)

 

TRAO KỶ VẬT  

(Kỷ vật đây là chiếc nhẫn quý và thánh vì được làm phép, để nhắc nhở cho đôi tân hôn ngày hôm nay với lời cam kết này, để hai người luôn duy trì một tình yêu chân thành, toàn vẹn và bền vững).
Làm phép nhẫn.  

Linh mục: Xin Thiên Chúa chúc phúc X cho những chiếc nhẫn này mà hai người trao cho nhau để làm bằng chứng tình yêu và trung thành.

(Đôi tân hôn đeo nhẫn cưới vào ngón áp út tay trái của nhau và long trọng thề hứa):

Bên nam: T… Em hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của anh. Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Bên nữ: T…Anh hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của em. Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần .

 

VI. TÌNH YÊU VỢ CHỒNG  

GHI NHỚ.  

Hôn nhân và gia đình được thiết lập do Tình yêu, được sinh động cũng do Tình yêu, sức mạnh và mục đích cuối cùng của hôn nhân cũng chính là Tình yêu. (ĐSGĐ.18)

TRÌNH BÀY  

Tình yêu vợ chồng gồm những yếu tố nào ?  

“Tình yêu vợ chồng bao gồm mọi yếu tố ngôi vị: Tiếng gọi của thân xác và của bản năng, sức mạnh của cảm năng và lòng yêu mến, khát vọng của tinh thần và của ý chí; kết hợp thành một thân xác, một trái tim, một tâm hồn, đòi hỏi sự trung thành và bất khả phân ly, trao hiến trọn vẹn cho nhau, mở ngỏ cho việc sinh sản”.(ĐSGĐ.13)

  1. TÌNH YÊU KẾT HỢP NÊN MỘT

“Yêu là muốn trở nên một với nhau,

là sống cuộc sống của người mình yêu”.

Tình yêu Hôn nhân mời gọi đôi bạn kết hợp mật thiết với nhau thành một thể xác, một trái tim, một tâm hồn.

Khả năng yêu thương và kết hợp được Chúa ban ngay từ buổi đầu tạo dựng, để con người có được niềm vui, hạnh phúc, nhờ đó được tăng sức gắn bó và gánh vác bổn phận nặng nề của Hôn nhân.

Vì thế, những hành vi ân ái vợ chồng là một sinh hoạt có ý nghĩa tốt đẹp, chỉ dành đặc biệt cho bậc hôn nhân. Sinh hoạt tính dục chỉ xấu khi người ta lạm dụng để thoả mãn dục vọng, ích kỷ…

Đôi bạn cần tìm hiểu thêm kiến thức về sinh lý nam nữ, để sự kết hợp tình yêu được phát huy sung mãn, nhờ đó, đôi bạn “yêu nhau” với tình yêu của Chúa, yêu như Chúa Kitô yêu Hội thánh. (x. MV 49).

 

  1. TÌNH YÊU TRAO HIẾN TRỌN VẸN

“Yêu chính là trao hiến và đón nhận”.

Tình yêu Hôn nhân đòi buộc vợ chồng trao hiến trọn vẹn cho nhau cho đến chết. Sự trao hiến cho nhau bằng những hành vi riêng biệt vợ chồng có giá trị vừa sinh lý, vừa liên hệ đến mức thâm sâu của toàn thể con người. Vợ chồng phải thuộc trọn về nhau, không giữ lại cho mình và không ai có quyền chiếm hữu được họ: “Thân xác vợ không thuộc quyền vợ, mà thuộc quyền chồng. Cũng vậy, thân xác chồng không thuộc quyền chồng, mà thuộc quyền vợ” (I Cor 7,4)

 

  1. TÌNH YÊU CHUNG THUỶ

Tình yêu Hôn nhân đòi buộc vợ chồng phải chung thuỷ, nghĩa là tình yêu trước sau như một đến trọn đời, không ly dị, rẫy bỏ nhau. Muốn được sự chung thuỷ, đôi bạn cần phải:

Hi sinh: Mỗi người cần hi sinh cá tính, ích kỷ và biết chấp nhận nhau. Hi sinh bằng sự nhịn nhục, chịu đựng và tha thứ cho nhau.

Trung thành : chính là tuân giữ điều đã thề hứa. Khi kết hôn, đôi bạn cam kết trung thành yêu nhau cho đến trọn đời. Lời cam kết đó buộc đôi bạn tránh ngoại tình, đa phu, đa thê.

Tin tưởng: Hãy tin vào Thiên Chúa Tình yêu, vì Ngài luôn yêu thương và muốn đôi bạn được hạnh phúc. Hãy phó thác đời hôn nhân, mọi dự định cho Ngài. Đôi bạn cũng hãy tin nhau, vì khi tin nhau, sẽ làm cho nhau phấn khởi và sống tốt hơn để khỏi phụ lòng tin. Tin nhau cũng là biểu lộ sự tôn trọng, tránh ghen tuông…

 

  1. TÌNH YÊU PHONG PHÚ VÀ SINH SẢN TRÁCH NHIỆM.

Phát triển: “Yêu là muốn sự tốt cho người mình yêu, là cùng nhìn về một hướng”. Hướng đi của hôn nhân là chung xây hạnh phúc, tạo tổ ấm gia đình. Vợ chồng giúp nhau phát triển toàn vẹn về nhân cách và đức tin, quý trọng và khích lệ nhau nên hoàn thiện hơn, để luôn trở thành niềm vui cho nhau và cho con cái.

Sinh sản: Theo ý định của Thiên Chúa, tình yêu vợ chồng qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái. Việc vợ chồng kết hợp thành “một xác thịt” không dừng lại ở đó, nhưng là mở ngỏ cho việc sinh sản con cái, nhờ đó, đôi bạn trở nên người cộng tác với Thiên Chúa trong việc thông ban sự sống. Họ trở thành cha mẹ khi đón nhận đứa con. Đứa con vừa là quà tặng Chúa ban, vừa là trách nhiệm mới phải chu toàn. (ĐSGĐ.14).

 

VII. NHIỆM VỤ VỢ CHỒNG  

GHI NHỚ  

Người Chồng có nhiệm vụ là chủ, là cha trong gia đình.

Người Vợ có nhiệm vụ là nội tướng, là mẹ trong gia đình.

 

TRÌNH BÀY  

  1. NHIỆM VỤ NGƯỜI CHỒNG 

Người chồng phải nhận lãnh trách nhiệm làm cha, làm chủ gia đình. Để chu toàn trách nhiệm khó khăn này, ông phải biết:

Yêu thương, quảng đại, hi sinh.

Cương quyết, nhưng không độc đoán.

Đối thoại, cảm thông, chia sẻ.

Sống khôn ngoan và tiết độ.

Người Chồng hãy luôn ghi nhớ :

“Chồng là hạnh phúc của Vợ”
Người chồng tạo hạnh phúc cho Vợ bằng việc đáp lại tình yêu của Vợ và đáp ứng 3 nhu cầu căn bản của người Vợ:

Trước tiên, Vợ cần có Chồng: Nhu cầu sâu xa nhất của vợ là được bảo vệ, được an toàn, được nương tựa. Vì là phái yếu, họ cần nơi Chồng sự an toàn, sự vững chắc về sức khỏe, tình cảm, suy nghĩ, tài chánh.

Vợ cần sự yêu thương trìu mến: Người nữ sinh ra để được yêu: họ cần nơi Chồng tình yêu sâu sắc, kính trọng, vô vị lợi, bền lâu. Họ cần sự âu yếm của Chồng trong hành vi vợ chồng đúng đắn và cao quí, phát xuất từ tình yêu đích thực.

Vợ muốn Chồng cần tới họ: “Càng trở nên cần thiết cho chồng càng tốt”: “Đàn ông ở một mình không tốt” : Chồng cần có Vợ chia sẻ, hỗ trợ để thành công tốt đẹp hơn. Làm cho vợ hiểu “Chồng cần đến Vợ”, điều đó sẽ làm nàng hạnh phúc.

 

  1. NHIỆM VỤ NGƯỜI VỢ  

Người phụ nữ lãnh trách nhiệm làm vợ và làm mẹ, nên cần trau dồi những đức tính sau:  

Hi sinh, chịu đựng, quên mình.

Tam tòng, tứ đức: Công, dung, ngôn, hạnh.

Hiền thục, lễ độ, dịu dàng.

Người vợ hãy luôn ghi nhớ:

” Vợ là Hạnh phúc của Chồng”

 

Ba nhu cầu căn bản của Chồng mà người Vợ cần đáp ứng:  

Chồng cần có Vợ: Vợ là người bạn đời để giúp đỡ, bổ túc những thiếu sót, nhu cầu tình dục, làm cho chồng nên hoàn hảo hơn. Chồng là phái mạnh, họ cần người vợ : kiên nhẫn, khéo léo, dịu dàng, có lòng trắc ẩn… Chồng là người lãnh đạo, phiêu lưu, họ cần Vợ cung ứng theo khả năng yêu thương phục vụ mà Chúa ban cho chị, để chồng vững mạnh, khỏi bơ vơ, thiếu thốn, hoàn thành trọng trách trong cuộc sống gia đình và xã hội.

Chồng cần một gia đình: Chồng cần một tổ ấm để anh nghỉ ngơi, đổi mới tinh thần, thêm lòng can đảm để nên tươi trẻ lại. Anh cần một gia đình sống động: đầy tình nồng thắm, vui tươi, dịu dàng. Gia đình không trang trí sang trọng như cung điện, nhưng được trang điểm bằng người Vợ đầy phẩm tính tốt đẹp mà tiền bạc không thể mua được. Các phẩm tính cần thiết để gia đình êm ấm như: thông cảm, khích lệ, tử tế, chung thuỷ …

Chồng cần có con cái: Gia đình đạt tầm vóc đích thực, đầy đủ khi sinh con cái. Người chồng muốn có con cái xinh đẹp, ngoan ngoãn để vợ chồng âu yếm, yêu thương, để thấy tình yêu nối dài, để chứng tỏ khả năng làm cha mẹ. Chính đứa con dạy đôi vợ chồng “biết làm cha mẹ”.

Kết : Đời Hôn nhân sẽ đạt hạnh phúc, khi mỗi thành viên biết và sống đúng vai trò của mình: là tạo hạnh phúc cho người mình yêu.

 

VIII. BỔN PHẬN SINH CON và ĐIỀU HOÀ SINH SẢN  

GHI NHỚ  

Việc sinh sản con cái là hồng ân, là bổn phận và là trách nhiệm đặc biệt của bậc Hôn nhân. Vì thế, bậc cha mẹ phải biết sinh con có trách nhiệm. Giáo hội dạy:
” Thiên Chúa tạo dựng người nam, người nữ theo hình ảnh Ngài. Ngài mời gọi họ dự phần đặc biệt vào tình yêu và quyền năng của Ngài là Đấng Tạo hoá và là Cha, bằng việc cho họ cộng tác cách tự do và có trách nhiệm để lưu truyền hồng ân sự sống cho con người. Thiên Chúa đã chúc lành cho họ và phán bảo họ: «Hãy sinh sôi nẩy nở cho đầy dẫy trên mặt đất và hãy bá chủ nó”.(ĐSGĐ.28)

 

  1. SINH CON CÓ TRÁCH NHIỆM 

Sinh con có trách nhiệm, nghĩa là cha mẹ thực hiện việc sinh con ra phải tốt khoẻ, phải chăm sóc dưỡng dục con cái nên người và cha mẹ có quyền quyết định số con vừa đủ, để con cái được sống xứng đáng phẩm giá làm người và làm con Chúa.

Muốn thế, đôi bạn cần suy xét để quyết định việc sinh sản:

Cần tuân theo tiếng nói lương tâm ngay chính: biết phân biệt phải-trái, những gì phù hợp luật Chúa và luật Hội thánh.

Cần tuân theo những tiêu chuẩn luân lý để quyết định việc điều hoà sinh sản : cần có tinh thần hi sinh và trách nhiệm.

Cần suy nghĩ và quyết định chung của cả hai người; tôn trọng bản chất tự nhiên của việc phối hợp thể xác và sử dụng các phương pháp ngừa thai tự nhiên.

 

  1. TIÊU CHUẨN ĐIỀU HOÀ SINH SẢN

 

Ba tiêu chuẩn để quyết định việc Sinh sản kế hoạch:  

  1. Vì hạnh phúc của đôi bạn: Đứa con là kết quả tình yêu và củng cố hạnh phúc đôi bạn: cần lưu ý sức khoẻ, tâm lý, ước vọng …
  2. Vì hạnh phúc con cái: Con cái là hồng ân cao qúy: cần lưu ý khả năng tài chánh, nhà ở, việc chăm sóc, giáo dục con nên người.
  3. Vì thiện ích của xã hội và Giáo hội: cần lượng định khả năng nuôi dạy con để nên người hữu ích cho xã hội và Giáo hội.

 

  1. PHƯƠNG PHÁP NGỪA THAI, PHÁ THAI 

Ngừa thai:  là tránh không cho trứng của người vợ gặp tinh trùng của người chồng, để không thụ thai.

Phá thai hay triệt thai: là khi trứng đã thụ tinh, đã có thai, nhưng tìm cách phá huỷ đi.

  1. Những phương pháp ngừa thai tự nhiên: (xem hình vẽ)  

Còn gọi là TIẾT DỤC ĐỊNH KY, là những phương pháp vận dụng chu kỳ hành kinh tự nhiên của người phụ nữ, để kiêng cữ giao hợp tạm thời, tránh việc đậu thai, như phương pháp Ogino-Knauss, phương pháp Billings .

Luân lý tính: Giáo hội cho phép sử dụng các phương pháp ngừa thai tự nhiên, vì nó không đối nghịch với bản chất và mục đích của hành vi yêu thương thân mật vợ chồng; không trực tiếp ngăn cản việc trứng thụ tinh hay giết chết bào thai.

  1. Những phương pháp ngừa thai nhân tạo, phá thai:

Là dùng những cách ngăn chận việc thụ tinh như: Uống hoặc chích thuốc ngừa thai, dùng bao cao su, vòng xoắn, màng chắn, chất hoá học ; thắt hay cắt ống dẫn tinh, cột buồng trứng.

Hoặc những cách trực tiếp huỷ diệt trứng đã thụ tinh hay giết bào thai, như: Hút điều hoà kinh nguyệt, nạo thai, phá thai.

Luân lý tính: Giáo hội ngăn cấm sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo, cấm phá thai.

”Cấm phá thai, vì là một tội ác. Sự sống cao quí, thiêng liêng, dù là một thai nhi tàn tật yếu đuối, quái dị. Trực tiếp phá thai là tội ác có kèm theo hình phạt”. “Cấm việc hút điều hoà kinh nguyệt, vì là hình thức phá thai non”. “Cấm những hành động trực tiếp ngăn cản việc thụ thai tạm thời hay vĩnh viễn”. “Cấm sử dụng các dụng cụ, các loại thuốc ngừa thai…”.(SSCN.14)

 

IX . BỔN PHẬN GIÁO DỤC  

GHI NHỚ  

Việc giáo dục con cái là quyền và bổn phận của Cha mẹ.

”Vì cha mẹ sinh ra con cái, nên quyền và bổn phận giáo dục là điều thiết yếu, độc đáo, không gì có thể thay thế và không thể chuyển nhượng được”.(ĐSGĐ.36)

”Nhờ bí tích Hôn nhân, sứ mạng giáo dục được nâng lên thành phẩm giá và ơn gọi của «thừa tác vụ” đích thực trong Hội thánh, để phục vụ và xây dựng Hội thánh. Thừa tác vụ giáo dục của các cha mẹ kitô hữu thật lớn lao và thật đẹp”.(ĐSGĐ.36)

”Gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được”.(GDKG.3)

 

  1. ĐIỀU KIỆN ĐỂ GIÁO DỤC THÀNH CÔNG

Cha mẹ phải tu chỉnh bản thân trước : sống đẹp về nhân cách, tác phong đạo đức, “Cha mẹ hiền để đức cho con”.

Cha mẹ phải nhất trí trong đường hướng giáo dục : hiểu tính tình, năng khiếu, tùy lứa tuổi và dùng phương pháp thích hợp.

Tạo bầu khí gia đình lành mạnh, cởi mở, thánh thiện, hoà thuận, lạc quan, tin tưởng nhau.

 

  1. MỤC TIÊU GIÁO DỤC

Dạy con cái thành con người và thành con Thiên Chúa.  

«Việc giáo dục không chỉ nhằm đạt trưởng thành nhân bản, nhưng còn nhằm biết cách thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, biết sống theo con người mới trong công bình bác ái, đạt tới con người hoàn thiện, chín chắn, sung mãn của Đức Kitô». (GDKG.2)

Đức dục : Dạy con biết cách sống xứng đáng trong tương quan với Chúa, với cha mẹ, gia đình, anh em đồng loại. Dạy giáo lý đức tin công giáo. Dạy các đức tính nhân bản như : Nhân-nghĩa-lễ-trí-tín ; Cần-kiệm-liêm-chính-dũng ; Công-dung-ngôn-hạnh.

Trí dục : Dạy về sự khôn ngoan, hiểu biết, phân biệt phải-trái, đánh giá đúng-sai. Cần quan tâm theo dõi và khích lệ việc học tập văn hoá, đọc sách báo, xem TV, chơi vi tính, việc chọn bạn.

Thể dục : Dạy con giữ gìn sức khoẻ, tôn trọng, vệ sinh thân xác và tâm hồn. Giáo dục giới tính cách thân ái, tế nhị và trong sạch.

 

  1. TÂM LÝ GIÁO DỤC ỨNG DỤNG

«Chính tình Phụ tử, Mẩu tử, là nguồn mạch và nguyên tắc gợi hứng, hướng dẫn các hành động giáo dục cụ thể, được phong phú hoá bằng sự dịu dàng, kiên trì, nhân hậu, phục vụ vô vị lợi, tinh thần hi sinh, là những bông hoa quý báu của tình yêu». (ĐSGĐ.36)

Dạy con theo lối mới.

– Cha mẹ cần biểu lộ tình thương và sự chăm sóc dịu dàng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đứa trẻ;

– Cha mẹ nên khuyến khích con cái thi đua học tập, gây tự tin và phát triển năng khiếu, tránh thói kiêu căng, tự phụ, hung dữ.

– Cha mẹ cần sự công bằng, không thiên tư, không quá dễ dãi hay quá nghiêm khắc với con cái : nên giải thích lý do của mỗi hành động giáo dục, của việc ngăn cấm, giảm hình phạt, tránh roi đòn.

– Nhẫn nại, thông cảm, khen những cố gắng mà trẻ đã đạt được, cảm thông với trẻ khi chúng gặp thất bại.

KẾT : «Con cái là Hồng ân Chúa ban,

Nhưng con cái sẽ là triều thiên hạnh phúc,

hay là vòng gai đau khổ, tuỳ ở sự giáo dục của Cha mẹ»

 

X. KHIẾT TỊNH HÔN NHÂN  LUÂN LÝ TÍNH DỤC  

GHI NHỚ  

Bổn phận và quyền lợi đặc biệt của đôi Vợ-chồng là thân xác thuộc về nhau và làm thoả mãn nhu cầu tính dục của nhau.

Đức khiết tịnh Hôn nhân giúp cho đôi bạn sống trong sạch và tiết độ trong các hành vi ân ái vợ chồng.

Luân lý tính dục trong đời sống Hôn nhân là những tính cách biểu lộ hành vi tính dục hợp pháp, do Thiên Chúa thiết lập cho bậc Vợ – Chồng và chỉ những ai là vợ chồng nhau mới được sử dụng.


  1. BA NGUYÊN TẮC LUÂN LÝ TÍNH DỤC  

Các hành vi vợ-chồng trao nhau, tự bản chất là lương thiện.

Những cử chỉ ân ái, hành vi giao hợp mà Vợ Chồng trao cho nhau là tốt đẹp, mang nhiều ý nghĩa:

Dấu chỉ biểu lộ tình yêu: Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Các hành vi ân ái vợ chồng là cách biểu lộ tình yêu, nhằm mục đích yêu thương, bổ túc, sinh sản con.

Dấu chỉ biểu lộ sự sống: “Đâu có Tình yêu, ở đó có sự sống”. Tự bản chất, hành vi giao hợp vợ chồng hướng về sinh sản và giáo dục con, đó là ân huệ và hạnh phúc vì được làm cha-mẹ.

Dấu chỉ biểu lộ lòng trung tín: Vợ chồng tự nguyện trao hiến và kết hợp với nhau trong hành vi ân ái, sẽ thoả mãn nhu cầu tình yêu và tình dục, để tình yêu mãi keo sơn, tránh ngoại tình.

Luân lý Công giáo tôn trọng thân xác, nhưng không quá đề cao hành vi giới tính.

Thiên Chúa dựng con người có hồn và xác. Chúa phục sinh thân xác từ cõi chết. “Xác loài người sẽ sống lại” : Nên thân xác có giá trị xứng đáng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Nhưng thân xác không là tất cả. Hành vi tính dục phải có giới hạn. “Nó đáng quí trọng khi nó phù hợp luật lệ Thiên Chúa”. Không nên quá đề cao hành vi thân xác.

Cần có sự trong sạch và tiết độ trong đời sống Vợ-Chồng : Giáo hội mời gọi vợ chồng giữ đức Khiết tịnh Hôn nhân.

 

  1. ĐỨC KHIẾT TỊNH HÔN NHÂN

Đức khiết tịnh hôn nhân giúp cho vợ chồng sống trong sạch và tiết độ trong các hành vi ân ái, tránh những lỗi phạm khiết tịnh.

– Trong sạch và tiết độ trong hành vi ân ái, là thước đo tinh thần xã kỷ, hi sinh, hiến thân hay tiết chế chỉ vì hạnh phúc người yêu.

– Trong sạch và tiết độ là biểu lộ sự trưởng thành và tự chủ của đôi bạn, vì muốn yêu thương và kính trọng nhau.

– Lạc thú tính dục được Chúa sắp đặt để nâng đỡ đời Hôn nhân và gia đình : nên chỉ những ai là Vợ chồng của nhau, mới có quyền trên thân xác của nhau.

 

  1. LỖI PHẠM ĐỨC KHIẾT TỊNH

Lổi phạm đức khiết tịnh (điều răn thứ 6) là những tội sau đây : Tà dâm (sự quan hệ xác thịt giữa hai người khác phái mà chưa kết hôn); Thủ dâm (tự kích thích cơ quan sinh dục để tìm khoái lạc); Hiếp dâm (dùng áp lực hay lường gạt để quan hệ xác thịt trái với ý muốn của người ta); Thú dâm (phạm tội với thú vật); Mãi dâm (nghề đĩ-điếm)

Lỗi đức khiết tịnh lẫn phẩm giá Hôn nhân là những tội sau : Ngoại tình (hành vi giao hợp với người khác phái, mà một bên đã có gia đình rồi); Ly dị (tuyên bố xoá bỏ giao ước hôn nhân ở toà đời) ; Tự do sống chung (sống như vợ-chồng mà không giá thú, không hôn phối) ; Loạn luân (giao hợp với người họ hàng ruột thịt); Đa phu đa thê (có vợ lẽ, chồng đôi); Đồng tính luyến ái (Hành vi quan hệ xác thịt với người cùng phái tính).

KẾT : Vợ-Chồng có Bổn phận yêu thương, bổ túc nhau, sinh sản và giáo dục con cái. Tình yêu và tính dục là quyền lợi và bổn phận đặc biệt của Vợ chồng. Sự hoà hợp tình yêu, thể xác và tâm hồn cũng chính là niềm vui nâng đỡ đời Vợ chồng.

 

XI. ĐỜI HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH NƯỚC MẮT VÀ HẠNH PHÚC  

“Hoàn cảnh các gia đình trong thế giới ngày nay hiện có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực, sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối … Cần có sự hoán cải liên lỉ, vừa đòi hỏi thoát ly sự dữ từ bên trong, vừa gắn bó với sự lành toàn diện để bảo vệ gia đình” (ĐSGĐ.6)


  1. NHỮNG BẤT ĐỒNG VỢ CHỒNG

Nguyên nhân gây bất hoà Vợ-chồng:

Bất đồng khi tình yêu phai nhạt.

Bất đồng trong việc chăn gối.

Bất đồng trong việc tổ chức gia đình.

Bất đồng về việc giáo dục con cái.

Bất đồng về tài chánh, về nghề nghiệp..

Bất đồng trong cư xử họ hàng.

Hậu quả tai hại do bất đồng:

Về tâm lý tình cảm: làm mất hạnh phúc và nguồn vui, chán nản, lơ là bổn phận, lạnh nhạt với nhau.

Về vật chất: Vì chán nản, dễ đưa đến chơi bời quá độ, hao tiền, tổn sức, hoặc đập phá tài sản, làm ăn thất bại.

Về đạo đức và xã hội: lao vào những cuộc vui trác táng, rượu chè, ngoại tình, mất phẩm chất con người, có thể gây án mạng.

Về gia đình: hành hạ nhau, đưa đến ly thân, ly dị, xáo trộn, tan rả gia đình, lơ là chăm sóc, dạy dỗ con cái…

 

Biện pháp ngăn ngừa:  

Tuỳ nguyên nhân sẽ có những biện pháp thích ứng. Điều quan trọng để ngăn ngừa bất hoà là khi kết hôn, cần tìm hiểu chín chắn, chọn lựa kỹ càng và cần có tình yêu thực sự.

Luôn học hỏi, trang bị bằng những kiến thức nuôi dưỡng tình yêu. Cần bàn hỏi với những người khôn ngoan, người chuyên môn để biết cách sống hoà hợp, giải quyết bất hoà.

Phải có đức tin vững mạnh, tinh thần trách nhiệm để hi sinh, nhịn nhục, vượt qua những bất hoà và quyết chí xây dựng gia đình hoà thuận vì tương lai con cái.


  1. LY THÂN và LY DỊ
  2. Ly dị : là hai người phá huỷ giao ước hôn nhân ở toà đời.

Ly thân : là hai người sống tách rời nhau tạm thời.

  1. Luật đạo:  

Không được ly dị bất cứ vì lý do nào : “Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,9).
Được ly thân tạm thời, để tránh những bất hoà, gây khổ sở.

  1. Lý do Giáo Hội khắt khe:  

Vì ích lợi của gia đình, của con cái và của xã hội.

Ly dị giết chết đời sống cộng đồng tình yêu.

Ly dị thiệt hại con cái: bị vằn dặt, nạn nhân giữa cha-mẹ.


  1. CHUNG XÂY HẠNH PHÚC LỨA ĐÔI
  2. Hạnh phúc Lứa đôi là gì ?

Đó là những góp nhặt nho nhỏ vào cuộc sống chung, với những tình cảm chân thật do hai người tạo ra, như : trao nhận lời khen, tặng quà, trò chuyện vui cười, dạo chơi, tạo bữa ăn ngon…

Hạnh phúc khi xua đuổi những tình cảm u buồn trong lòng, tránh phàn nàn trách móc để tạo niềm vui cho nhau. Hãy luôn tự nhủ : “mình là người hạnh phúc”, sẽ lây lan niềm vui chung quanh.

“Trao đi hạnh phúc, sẽ nhận được hạnh phúc”. Đó là sự thật ; Tỏ lòng biết ơn nhau để người yêu càng hạnh phúc hơn. Hãy quan tâm đến nhau, hiểu nhau và đáp ứng nhu cầu của nhau, đó là những hành động mang đến hạnh phúc cho nhau.

Hạnh phúc khi biết tha thứ cho nhau, nâng đỡ nhau sau những vấp ngã, lầm lỗi, thất bại. Tha thứ là đỉnh cao của tình yêu. Cần biết quảng đại tha thứ, quên đi lỗi củ và khơi lên điều tốt.

Hạnh phúc khi gia đình Sống Đạo, luôn có Chúa ngự giữa. Chúa sẽ dạy họ YÊU như Chúa yêu và Ơn Chúa sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, thử thách để đạt niềm vui đời nầy lẫn đờì sau.

  1. Xây dựng hạnh phúc bằng những yếu tố tích cực:

Hãy liệt kê những điểm chung của hai người: về sở thích, tính tình, thói quen tốt, làm lại những nghĩa cử đẹp mà hai người thực hiện thời quen nhau, như nghe ca nhạc, tán tỉnh, dạo mát.. ..

Khen lẫn nhau: “Hôn nhân là thế giới đặc biệt mà hai người tạo ra bằng chính lời nói của mình”. Nếu nói lời tiêu cực, chê trách, cằn nhằn, Hôn nhân sẽ lạnh lùng. Nếu nói lời tích cực bằng khen ngợi, thán phục, dịu dàng, nồng thắm, sẽ là có hạnh phúc !

Tạo bầu khí vui tươi, để gia đình thật sự là “Tổ ấm” : bằng những trò giải trí “bí mật, mới lạ”, bằng bửa cơm ngon miệng, bằng vui đùa bên nhau với nét hài hước, dí dỏm. Luôn giữ nét mặt tươi sáng, ăn mặc lịch sự, sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ…

KẾT :Đời Hôn nhân-Gia đình: Nước mắt hay hạnh phúc ?  

Câu trả lời tuỳ ở đôi bạn: Nếu biết giải toả bất hoà và cùng chung xây Hạnh phúc.

Hôn nhân là toà nhà Hạnh phúc mà hai Vợ Chồng cùng xây dựng, gìn giữ và nuôi dưỡng mỗi ngày, bằng những yếu tố tích cực, để ngày càng thêm vững chắc và cao đẹp, hướng đến Hạnh phúc vĩnh cửu nơi Thiên đàng.

 

XII. BỔN PHẬN GIA ĐÌNH KITÔ HỮU  

GHI NHỚ  

Trong Tông huấn ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH, Đgh Gioan Phaolô II đưa ra ánh sáng 4 bổn phận Gia đình kitô hữu:

Gia đình đào tạo cộng đồng các nhân vị.

Gia đình phục vụ sự sống.

Gia đình dự phần phát triển xã hội.

Gia đình dự phần vào sứ mạng của Hội thánh

 

TRÌNH BÀY


  1. GIA ĐÌNH ĐÀO TẠO CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG (ĐSGĐ.18-27).

Bổn phận đầu tiên của gia đình là giúp nhau sống hiệp thông trong tình yêu: giữa đôi bạn nam nữ, giữa cha mẹ và con cái, giữa các anh chị em, bà con họ hàng.

Là vợ là mẹ: hãy trao hiến chính mình cho chồng con.

Là chồng là cha: hãy sống tự hiến bằng việc duy trì và bảo đảm sự hiệp nhất mọi người trong gia đình. Hãy thể hiện tình Cha của Thiên Chúa và sống lại tình cha đó trong gia đình.

Là con cái: hãy hiếu thảo và vâng phục cha mẹ, ông bà. Gia đình cần quan tâm đặc biệt cho đứa con, bằng sự quý chuộng và phục vụ quảng đại về mặt: vật chất, tình cảm, giáo dục, siêu nhiên…

Người gìa cả: hãy là chứng nhân cho quá khứ, là nguồn kinh nghiệm khôn ngoan cho người trẻ. Cần kính trọng và yêu thương đặc biệt đối với người già cả.

 

  1. GIA ĐÌNH PHỤC VỤ SỰ SỐNG (ĐSGĐ. 28-38)

Gia đình phục vụ sự sống qua việc sinh sản và giáo dục con cái.

Sinh sản: đôi bạn cộng tác với Thiên Chúa Tạo hoá. Mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ sự sống, là thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người này sang người khác qua việc sinh sản.

Con cái là kết quả và là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng, là bằng chứng sống động cho sự trao hiến trọn vẹn của đôi bạn.

Hội thánh bảo vệ sự sống con người bằng mọi phương thế và bênh vực nó chống lại mọi đe dọa (ngừa thai, phá thai, chết êm), dù sự sống ở bất cứ điều kiện nào, giai đoạn nào.

Giáo dục.

Gia đình là trường học đầu tiên, trường học căn bản về đời sống đức tin lẫn xã hội. Cha mẹ hãy giáo dục con cái bằng tình yêu như: sự tự hiến, lòng chân thành, tinh thần phục vụ vô vị lợi.

Giáo dục là quyền và bổn phận của cha mẹ: là một cái gì không thể chuyển nhượng hoặc thay thế được, nó có tính cách độc đáo và cơ bản, phát xuất từ tình phụ tử, mẩu tử.

 

  1. GIA ĐÌNH THAM DỰ VÀO VIỆC PHÁT TRIỂN XÃ HỘI (ĐSGĐ. 42-48)

Gia đình là tế bào đầu tiên và sống động của xã hội:  

Thiên Chúa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người. Gia đình tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống: sinh ra các công dân, dạy và thực tập các đức tính xã hội.

Đời sống gia đình, với kinh nghiệm hiệp thông và chia sẻ, sẽ vun trồng những đức tính xã hội nơi mỗi người như: tiếp đón nồng nhiệt, gặp gỡ, đối thoại, quảng đại, phục vụ vô vị lợi, tương trợ…

Gia đình với vai trò xã hội và chính trị:  

Gia đình như một Hội Thánh thu nhỏ, được mời gọi để trở nên dấu chỉ yêu thương và hiệp nhất, thực hiện vai trò làm chứng cho vương quốc hoà bình của Đức Kitô mà cả thế giới đang tiến tới.

Gia đình cần dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, lo cho người nghèo trong các tổ chức từ thiện, tham gia chính trị để biến đổi xã hội nên công bằng và bác ái hơn.

 

  1. GIA ĐÌNH THAM DỰ SỨ MẠNG CỦA HỘI THÁNH (ĐSGĐ. 49-61)


Trong Hội thánh, gia đình được mời gọi trở thành:
 

Cộng đồng tin và loan báo Tin mừng (Tiên tri).

Cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa (Tư tế).

Cộng đồng phục vụ con người (Vương đế).

Gia đình Kitô hữu là cộng đồng tin và Rao giảng Tin mừng:

Đôi bạn được mời gọi bày tỏ đức tin khi cử hành bí tích Hôn phối và công bố Tin mừng về Tình yêu Hôn nhân. Mỗi ngày sống Hôn nhân là đôi bạn tiếp tục tuyên xưng đức tin và tình yêu Chúa.

Đôi bạn cũng tạo môi trường Phúc âm hóa trong gia đình, truyền thụ Tin mừng khi dạy đạo lý cho con cái và cũng nhận lại Tin mừng từ con cái. Gia đình cũng được mời gọi Truyền giáo bằng chính đời sống gia đình êm ấm, hoà thuận, yêu thương.

Gia đình Kitô hữu là cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa.


Gia đình là Đền thờ tại gia của Hội Thánh:
Do bí tích Hôn phối, gia đình kitô hữu được lôi cuốn vào cuộc đối thoại với Chúa bằng đời sống bí tích, việc dâng hiến và kinh nguyện gia đình.

Bí tích hôn nhân giúp đôi bạn thánh hoá lẫn nhau và cùng phụng thờ Thiên Chúa. Bí tích Thánh thể là nguồn mạch tình yêu, mời gọi gia đình trở nên một thân thể duy nhất và chia sẻ cho nhau. Bí tích hoà giải mời gọi gia đình luôn hoán cải theo Tin mừng.


Kinh nguyện gia đình:
Khi cha mẹ và con cái hiệp lời cầu nguyện chung với nhau sáng tối, Chúa sẽ nhậm lời và ban các ơn cần thiết. Kinh nguyện cần được liên kết với cuộc sống, thánh hoá đời sống, nhờ đó, gia đình được thăng tiến, an bình và hạnh phúc.

Gia đình Kitô hữu là cộng đồng phục vụ con người.

Gia đình đón nhận lệnh truyền Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, làm thành một dân tộc vương đế, để tìm cách dấn thân phục vụ con người trong sứ mạng chứng nhân tình yêu.

Họ nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi người anh em, nên họ sống bác ái, tiếp đón, tôn kính, phục vụ mọi người. Khi phụng sự Chúa nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên nhẫn đưa anh em đến với Đức Vua, mở rộng Nước Ngài “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”.

 

PHẦN PHỤ THÊM

 

 

I. NGHỆ THUẬT SỐNG CHUNG

– Thuật Trò chuyện

– Tạo bầu khí vui tươi

– Thuật tranh cãi và giải hoà

Sống chung là một nghệ thuật rất khó mà cũng rất dễ, đòi hỏi đôi bạn khôn ngoan và nhẫn nại để dùng những lời nói, những cử chỉ yêu thương mà tạo bầu khí vui tươi và làm đẹp lòng nhau, biết cách trò chuyện và nhất là biết thuật tranh cãi và giải hoà.

  1. THUẬT TRÒ CHUYỆN

Biết cách gợi chuyện : “Nhìn người yêu cách dịu dàng và bình tĩnh gợi chuyện, góp ý”. Hãy hỏi những đề tài thật đặc biệt, khiến người yêu cần giải thích trong tâm trạng thích thú. Hãy lắng nghe nhau cách chăm chú và tích cực góp lời bằng giọng nói thật ngọt ngào, để khuyến khích nhau nói thoải mái những gì chất chứa trong lòng. Hãy biết dùng những câu nòi chân thật luôn đẹp lòng nhau, nghe hoài không hề chán như :

Anh yêu em .. . Em đẹp quá ! Em ở trong lòng anh ! Áo mới của em thật tuyệt vời ; Công việc của em rất thành công ! Em có nhớ lần đầu tiên mình gặp nhau ? Hôn nhau ? . . .

Em yêu anh . . . Anh làm em sung sướng ! Anh tài qúa ! Anh luôn trong tim em ! Em chỉ có mình anh ! Anh là người hay nhất! Em ham muốn anh .. ! Em cần anh . . .

Nên tránh những lời trách nhau «Anh chẳng bao giờ… Em luôn luôn là …» Những lời xác quyết tuyệt đối như thế dễ làm buồn lòng nhau. Tại sao không chọn những lời nói duyên dáng, êm ái, nhẹ nhàng để diễn tả tình cảm, suy nghĩ của mình và trang điểm cho nhau thêm hạnh phúc, niềm vui ?

  1. TẠO BẦU KHÍ VUI TƯƠI

Tạo những niềm vui bất ngờ : tặng một đoá hồng, những trò giải trí “bí mật” mới lạ, mục đích của những trò này là để hai người có thời gian thoải mái bên nhau.

Hãy đùa vui bên nhau, chơi giỡn như con trẻ, gọi bằng tên “cúng cơm” thật âu yếm, kể chuyện tếu lâm, hài hước, dán tranh dí dỏm, rồi cùng ôm bụng cười . . .

Hết lòng hỗ trợ và đề cao thế mạnh của nhau, khen các điểm tốt, tài năng, quan tâm nghề nghiệp, chia sẻ những khó khăn, những đam mê, sở thích của nhau.

Giữ cho nét mặt tươi sáng, ăn mặc lịch sự, sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, trang trí nội thất . . .

  1. THUẬT TRANH CÃI VÀ GIẢNG HOÀ 
  2. « Chén trong sóng còn khua » : Gia đình dù êm ấm vẫn có lúc xích mích. Chấp nhận những xích mích trong cuộc sống chung là điều tất yếu, đó là thái độ khôn ngoan và trưởng thành. Nhưng xung đột không phải là thảm kịch đánh đổ tình yêu. Cãi vã là phương tiện ngắn nhất để nói cạn lời với nhau, để trút tâm trạng bực bội và tìm ra một thoả thuận cho nhau. Sự cãi vã có thể phát xuất từ chuyện đùa, sự mâu thuẫn, sự mất quân bình tâm sinh lý hay do ghen… Nên biết : “Sự cãi vã có thể làm cho tình yêu càng thắm thiết hơn hoặc làm đau khổ hơn, là tuỳ ở lối giải quyết”.
  3. Thái độ khi tranh cãi : Không được “bạo động” để nghiền nát đối tượng, để tìm chiến thắng trên chiến bại, cũng không “đầu hàng miễn cưỡng”. Vấn đề là công bằng chứ không là trấn áp hay hạ mình. Cần có thái độ tự tin, sự tỉnh táo và can đảm đi vào vấn đề cách văn hoá, chứ không chửi chó mắng mèo, hay dùng từ thô tục. Nên nhớ, ta từng yêu nhau nhiều lắm và chấp nhận tiến đến hôn nhân, vậy tại sao ta đạp đổ tất cả chỉ vì tự ái bị tổn thương ? Bao nhiêu điều tốt đẹp đã trao cho nhau vì yêu, sao ta không nhớ ? “Sau cơn mưa trời lại sáng, sau xung đột phải là sự giải hoà”. Bạn hãy là người đầu tiên muốn giải hoà.
  4. Đặt vấn đề tranh cãi: Xác định nguyên nhân dẫn đến xung đột :

Đề tài xung đột là gì ? Cần phần tích kỹ lưỡng, xác định rõ ý kiến, sự hiểu biết vấn đề của từng người để tránh hiểu lầm, tôn trọng quan điểm của nhau.

Cần xem ai không hài lòng ai về vấn đề gì ? Cần lắng nghe lời giải bày với thiện chí, để tránh những mê muội, bóng gió.

Tìm sự dung hoà hai bên : Sở dĩ có xung đột là vì có hai ý kiến khác nhau. Cần thương thuyết, hoà đàm và hài lòng nhượng bộ. Không nên có thái độ ngoan cố, ích kỷ. Có thể nhờ trung gian hoà giải làm trọng tài, để thêm kinh nghiệm sống.

Những điều nên tránh khi tranh cãi  : Không nên buộc tội nhau, hạ nhục nhau trước mặt nhiều người. Không nên thông báo với người thân để tìm đồng minh. Đừng hạ mình quá đáng để van xin giảng hoà, đó không là nghệ thuật hoà giải. Đừng thêu dệt, nói xấu bạn đời với người thứ ba, đừng tỏ thân mật với người khác phái để khiêu khích người bạn đời.

Chọn trung gian hoà giải : Chọn ngườì uy tín, biết lắng nghe bằng đôi tai trung lập, phân xử hợp tình hợp lý, nhận định chính xác, đưa ra lời khuyên chân tình để 2 người chấm dứt mâu thuẫn.

Nên mở đầu bằng câu : “Tôi không biết sự việc đầu đuôi ra sao, cũng không biết phải làm gì. Tôi chỉ biết rằng, hai người rất đau khổ, do đó cần bình tâm ngồi lại và nói hết những suy nghĩ của mình ».

Nên hướng ngay vào vấn đề gây bất hoà và lái câu chuyện sang hướng tình cảm, không nên lệch sang vấn đề cá nhân hơn thua, dễ dẫn đến công kích lẫn nhau.

Nên gợi những kỷ niệm đẹp thời quá khứ hàm chứa ý nghĩa tốt đẹp cho tương lai. Khơi dậy kỷ niệm thân ái xưa sẽ giúp hai người mềm đi con tim uất hận và nhẹ nhàng với nhau.

Cuối cùng chọn lựa và quyết định chung một số thoả thuận.

Kết : Sống chung là một nghệ thuật, đòi hỏi mỗi người phải biết quên mình và suy nghĩ để tìm cách tạo hạnh phúc cho người mình yêu.

TÂM LÝ NAM – NỮ

  1. HOÀ HỢP TRONG DI BIỆT

Bí quyết của Hạnh phúc là khám phá TÌNH YÊU trong huyền nhiệm con người và thực thi ý Chúa. Mỗi người trong lứa đôi phải ra sức khám phá tâm hồn người kia và gọt giũa những góc cạnh trong tâm hồn mình để có thể sống HOÀ HỢP. Để giúp thêm vốn hiểu biết nhau, xin trình bày những nét khác biệt cơ bản tâm sinh lý giữa Nam Nữ mà khoa tâm lý đã khám phá và thu gọn trong 5 định luật.

  1. LUẬT ƯU TIÊN 

– Nơi người đàn ông : Thể xác ưu tiên.

– Nơi người đàn bà : Trái tim ưu tiên.

Anh hãy nhớ : Chị sống bằng tình cảm hơn lý luận. Chị cần sự nương tựa và sự che chở của anh. Anh hãy đáp ứng bằng những lời dịu ngọt, tâm tình, những cử chỉ âu yếm. Hãy phát huy và đeo đuổi những giá trị tinh thần.

Chị hãy nhớ : Anh rất chú trọng thể xác, đến sắc đẹp và nét duyên dáng của chị. Chị hãy ăn mặc, trang điểm dễ thương. Hãy dọn những bữa ăn thật ngon và đúng giờ.

  1. LUẬT PHÂN CÁCH

– Nơi người đàn ông : trái tim có tới 4 ngăn.
– Nơi người đàn bà : trái tim chỉ có một ngăn.
Anh hãy nhớ : Trái tim của chị chỉ chứa có mình anh. Anh hãy coi chị là quan trọng nhất, và tỏ ra yêu chị nhất đời. Hãy quan tâm đến hạnh phúc gia đình như quan tâm đến chị.

Chị hãy nhớ  : Trái tim anh có đến 4 ngăn :
-Ngăn 1 : dành cho chị, anh rất yêu chị, yêu chị nhất đời.
-Ngăn 2 : cho công việc, đôi khi say mê công việc mà quên vợ con.
-Ngăn 3 : cho lý tưởng, chính trị, xã hội, hãy thông cảm vì trách nhiệm anh phải chu toàn.
-Ngăn 4 : cho giải trí. Giải trí lành mạnh là phương tiện bảo vệ hạnh phúc, hơn là để anh say mê rượu chè.

  1. LUẬT CHI TIẾT

– Đàn ông quan tâm đến điều cốt yếu.
– Đàn bà để ý đến các chi tiết.

Anh hãy nhớ : Anh hãy tôn trọng và ghi nhớ những cái nho nhỏ trong đời chị : ngày sinh, bổn mạng, quà tặng… Nó có thể khiến chị đau khổ hoặc hạnh phúc. Trời ban cho chị nhiều trực giác : chị thích sự tế nhị quan tâm và sự khéo léo chăm sóc của anh.

Chị hãy nhớ : Nên bớt những chi tiết làm bận tâm chồng. Tránh lời nói cằn nhằn, hãy bỏ qua những quên sót nhỏ nhặt. Hãy lo trang sức nơi tâm hồn tính quảng đại, dịu dàng, vui tươi.

  1. LUẬT THÍNH GIÁC

– Đàn bà có lỗ tai to.
– Đàn ông lại ngắn lưỡi.

Anh hãy nhớ : Lỗ tai của chị gắn liền với trái tim : chị thích nghe và dễ tin. Anh hãy biết nói lời âu yếm, khen tặng, nói chuyện lặt vặt, vì ‘’yêu là cởi mở tâm hồn’’.

Chị hãy nhớ : Đừng để người khác dụ dỗ. Đừng quá tin dư luận. Đừng càm ràm, than thở, trách móc. Hãy nói trong niềm vui. Hãy gợi chuyện khéo léo để anh ‘’biết nói’’.

  1. LUẬT BẤT ĐỒNG CẢM

– Đàn ông phản ứng nhanh, nhưng mau dứt.
– Đàn bà phản ứng chậm, nhưng kéo dài.

Anh hãy nhớ : Trong phạm vi tình cảm, sinh lý, chị là quả bom nổ chậm, nhưng kéo dài hơn anh. Hãy khéo léo và kiên nhẫn.

Chị hãy nhớ : Anh mau nóng mà cũng mau nguội. Chị hãy dịu hiền, đừng đổ dầu vào lửa khi anh nổi nóng.

Anh chị hãy biết những khác biệt tính tình của nhau. Hãy bỏ bớt những thói tật riêng của mình, hãy biết chú ý đến bạn mình, tế nhị trong lời nói và hành động.

III. PHƯƠNG PHÁP TIẾT DỤC ĐỊNH KỲ

(NGỪA THAI TỰ NHIÊN)

  1. Phương pháp Ogino-Knauss

– Bác sĩ Ogino đề ra phương pháp định ngày trứng rụng: căn cứ vào chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ: mỗi chu kỳ kinh nguyệt có hai thời gian đầu và cuối không thụ thai. Thường thì chu kỳ kinh nguyệt (tính từ lần có kinh lần này đến lần có kinh lần kế tiếp) của phụ nữ là 28 ngày hoặc là 30 ngày. Cứ tính ngày đầu tiên có kinh, lùi lại 14 ngày thì đó là ngày trứng rụng.

Ví dụ: Chu kỳ 28 ngày (28-14=14), trứng rụng ngày 14.

Chu kỳ 30 ngày (30-14=16), trứng rụng ngày 16.
Trứng có thể sống trong ống dẫn trứng khoảng 20 giờ. Do đó, muốn tránh thai thì kiêng giao hợp vào những ngày trứng rụng + những ngày trứng rụng có thể sống để thụ tinh, tức là kiêng những ngày: 14,15,16. Nhưng tinh trùng nếu đến trước, cũng có thể sống ở tử cung ba đến bốn ngày để đợi trứng. Vì thế phải kiêng thêm vài ngày trước trứng rụng, tức là ngày thứ 12 và 13, vị chi là kiêng các ngày từ 12 đến 16. Nhưng để an toàn hơn nữa, người ta có thể kiêng luôn hai ngày trước các ngày có thể thụ thai và thêm hai ngày sau ngày có thể thụ thai (xem hình vẽ). Đó là cách áp dụng phương pháp Ogino.

-Bác sĩ Knauss có cách khám phá ngày trứng rụng bằng phương pháp đo nhiệt độ. Chung quanh tuần lễ trứng rụng, người ta dùng một cặp nhiệt đặt ở hậu môn hay âm đạo. Nhiệt độ bình thường là 36 độ hay 36 độ rưỡi. Riêng ngày trứng rụng, vì có sự biến động của cơ thể do việc nang bào rách ra để phóng một trứng đã chín khỏi buồng trứng, nên thân nhiệt tăng một độ. Nếu đo thấy cơ thể tăng đột ngột một độ so với ngày thường (với điều kiện không bị cảm sốt) thì biết đó là ngày trứng rụng.

Khi phối hợp cả hai thì gọi là phương pháp Ogino-Knauss.

  1. Phương pháp Billings (phương pháp chất nhờn)

Bác sĩ Billings khám phá ra rằng: vài ngày trước khi trứng rụng có sự kích thích vào não thuỳ, để ra lệnh cho tử cung tiết ra một chất nhờn có màu trắng đục và dính đặc, ngày kế tiếp, nó hoá ra trong và lỏng dần, trong như lòng trắng trứng, thậm chí dùng hai ngón tay để thử, có thể kéo ra thành sợi và âm đạo sẽ trơn ướt. Sau đó chất nhờn khô hẳn dần, đặc lại và mất luôn. Chất nhờn khi vừa xuất hiện là báo hiệu trứng sắp rụng. Khi lỏng và trơn ướt là ngày trứng rụng. Sau khi trứng chết thì nó cũng biến mất. Căn cứ vào đó nếu muốn tránh thai, thì phải kiêng những ngày âm đạo có chất nhờn, kể từ khi nó xuất hiện, cho đến biến mất (khác với huyết trắng bệnh lý, có bất cứ lúc nào, mang mùi hôi). Đó là phương pháp ngừa thai Billings .

Dấu hiệu để biết ngày trứng rụng

Ngoài ra, để xác định giờ trứng rụng, hầu áp dụng các phương pháp trên một cách chính xác hơn, căn cứ vào những điểm sau:
Hiện tượng đau bụng ngày trứng rụng: Khi trứng được phóng ra khỏi buồng trứng, thì gây nên hiện tượng đau bụng ở buồng dưới, ở bên mặt, hoặc ở bên trái.
Ham muốn kết hợp với chồng hơn những ngày thường.
Sắc diện bên ngoài cũng như nơi ngực và cơ quan sinh dục ngoài trở nên hồng hào hơn.

BÀI ĐỌC THÁNH LỄ HÔN PHỐI

Bài đọc 1: «Nguyện cho cả hai chúng con đều sống khang an»

Bài trích sách Tôbia. (Tob. 8,5-10)
Buổi tối hôm thành hôn, Tôbia nói với Sara rằng :

« Chúng ta là con cháu các thánh, chúng ta không thể kết bạn như những người chư dân, họ không nhìn biết Thiên Chúa ».
Thế rồi cả hai người cùng đứng dậy thành khẩn cầu xin cho được an lành. Tôbia đã nguyện rằng :
« Lạy Chúa là Thiên Chúa của cha ông chúng tôi ! Trời đất, bể khơi, khe suối, sông ngòi và mọi loài Chúa dựng nên, ở những nơi đó, hết thảy hãy ca tụng Chúa ! Chúa đã dùng bùn đất tác tạo nên Ađam và ban cho ông có Evà, làm người nội trợ. Và giờ đây, thân lạy Chúa, Chúa biết rằng không phải vì lý do sắc dục mà tôi cưới lấy cô em đây làm vợ, song chỉ vì mến yêu dòng dõi những người biết ca tụng danh Chúa tới muôn đời ». Sara cũng nguyện rằng : « Lạy Chúa, xin thương xót chúng tôi, nguyện cho cả hai chúng tôi đều sống khang an tới tuổi già ».

Đó là Lời Chúa.


Bài đọc 2
« Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương ».

Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Colôsê ( Col. 3,12-17)

Anh em thân mến,
Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau, nếu người nầy có điều phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau.

Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc mọi điều toàn thiện. Nguyện xin bình an của Đức Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới “hưởng thụ” để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện xin Lời Đức Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, những khúc ca và những bài hát đạo đức, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em? Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Kitô, nhờ Ngài mà tạ ơn Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Đó là Lời Chúa

 

Phúc âm
« Hãy mến thương nhau như Thầy đã mến thương các con »

Bài trích Phúc âm theo Thánh Gioan. ( Gn, 15,12-17)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ Ngài rằng: « Đây là giới răn của Thầy : Các con hãy mến thương nhau như Thầy đã mến thương các con. Không ai có tình yêu cao quý hơn mối tình của người thí mạng mình vì bạn hữu. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thực thi những điều Thầy dạy các con. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ : vì tôi tớ không biết việc chủ nó làm. Nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu : vì bất cứ những gì Thầy đã nghe biết bởi Cha Thầy, thì Thầy đã tỏ cho các con hay.

Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã đặt các con lên, để các con ra đi, các con thâu hoạch kết quả và kết quả các con tồn tại : để bất cứ điều gì, các con nhân danh Thầy mà xin với Chúa Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con những điều đó, để các con mến thương nhau. »

Đó là Lời Chúa.

 

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Lời nguyện mở đầu

Lời nguyện của Cha mẹ hai bên.

Lạy Chúa, nhờ hồng ân Chúa, ngày hôm nay hai con của chúng con là ….. và ….. vừa lãnh nhận nhiệm tích Hôn nhân. Xin Chúa tiếp tục tuôn đổ hồng ân, để đôi trẻ mãi mãi thương yêu nhau, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng nhau, sinh nhiều hoa trái làm rạng rỡ danh Chúa và gia đình . Chúng con cầu xin Chúa.

Lời nguyện của các Anh chị em.

Lạy Chúa, xin cho …. và ….. là anh là chị là em của chúng con, giờ này đây đang đến trước dung nhan Chúa để nhận lãnh hành trang lên đường xây dựng cuộc đời mới. Xin Chúa luôn luôn đồng hành cùng hai người để đạt lý tưởng : Yêu nhau không phải để nhìn nhau, mà cả hai cùng nhìn về một hướng : MẾN CHÚA, YÊU NGƯỜI . Chúng con cầu xin Chúa.

Lời nguyện của Bạn hữu.

Lạy Chúa, ngày xưa Chúa nói : Chính Thầy đã chọn các con và đã đặt các con lên, để các con ra đi, các con thâu hoạch kết quả, và kết quả các con tồn tại. Hôm nay chúng con xin Chúa luôn luôn an ủi, nâng đỡ hai bạn trẻ …. và …., để họ nắm tay nhau, đi suốt cuộc đời dưới ánh sáng của Thánh Linh Chúa. Và sau này đến tuổi gíà, ngày giờ Chúa gọi, hai người cùng đàn con cháu hân hoan vào Nước trời, vui hưởng Tình yêu vĩnh cửu. Chúng con cầu xin Chúa.

Lời nguyện cho Ân nhân.

Lạy Chúa, trong niềm vui diễm phúc, chúng con dâng lời cảm tạ Chúa. Nguyện xin Chúa chúc phúc lành và trả công bội hậu cho quí Cha đồng tế, Cha mẹ, thân nhân và ân nhân, cùng các bạn hữu, đã dày công sinh dưỡng, giáo dục và góp sức tô điểm cho chúng con có được như ngày hôm nay . Chúng con cầu xin Chúa.

Lời nguyện Kết thúc

 

V. NGHI THỨC VU QUI – TÂN HÔN  

Lễ Gia Tiên  

  1. TẠI NHÀ GÁI (XUẤT GIÁ)

Khi họ Nhà Trai đến, Nhà Gái đón vào. Vị đại diện Nhà Gái giới thiệu chương trình tiến hành như sau:

Nhà trai ngõ lời, giới thiệu sính lễ

Nhà gái đáp lời, đón nhận sính lễ

  1. Kinh nguyện Tạ ơn Thiên Chúa

Kính nhớ tổ tiên

Cám ơn cha mẹ

Dùng tiệc trà

Xin dâu. Lên đường

Nhà Trai ngõ lời, giới thiệu sính lễ

Kính thưa quý ông bà và quý họ Nhà Gái,

Nhờ ơn Chúa và sự xếp đặt của gia đình, hai cháu… đã nên vợ chồng. Qua mối dây liên kết thánh thiện này, hai gia đình và hai họ chúng ta cũng được gần gũi liên hệ mật thiết với nhau.

Hôm nay, chúng tôi họ Nhà Trai xin đưa sính lễ đến chào mừng và cám ơn gia đình cũng như quý họ.

Nhà Gái đáp lời, đón nhận sính lễ

Kinh thưa quý ông bà và quý họ Nhà Trai

Chúng tôi thành thật cám ơn họ Nhà Trai đã có lòng thương đến con gái chúng tôi và trao tặng sính lễ. Chúng tôi hân hạnh đón nhận và cho cháu ra mắt quý vị, đồng thời cùng dâng kinh nguyện Tạ Ơn Chúa và làm lễ Gia tiên.

Kinh nguyện Tạ ơn Thiên Chúa

Mời mọi người đứng dậy, hướng về bàn thờ.

– Dấu Thánh giá, hát kinh Chúa Thánh Thần, Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh, Hát kinh Đức Mẹ (Xin Vâng)

Cô dâu chú rễ vái 3 lần trước bàn thờ rồi cắm hương.

  1. Kính nhớ Tổ tiên

Hướng dẫn: Bây giờ là nghi thức kính nhớ Tổ Tiên.

-Cô dâu chú rễ đọc: Chúng con là… xin dâng nén hương trầm tỏ lòng thành kính và biết ơn Ông Bà Tổ Tiên. Xin các ngài phù hộ cho tình yêu chúng con.

Vái một lần, rồi cắm hương. Hát Cầu cho Cha Mẹ.

Cám ơn cha mẹ  

Cô dâu: Thưa ba mẹ kính mến.

Hom nay con về nhà chồng, bước sang quãng đời mới với trách nhiệm mới. Tuy không còn sống chung trong gia đình với ba mẹ, nhưng lòng con không bao giờ dám quên công ơn sinh thành dưỡng dục của ba mẹ. Con quyết lòng sống tốt đẹp với mọi người, chu toàn bổn phận và hết lòng trung thành với Chúa để đền đáp công ơn ba mẹ. Xin Chúa gìn giữ ba mẹ khoẻ mạnh, bình an. Con xin ba mẹ lưu tâm nâng đỡ và cầu nguyện chúng con.

-Cô dâu chú rễ vái ba mẹ một vái.

-Cha mẹ đáp lời.

Tiệc trà hoặc tiệc rượu.

Xin dâu

Đại diện nhà trai:  

Kính thưa quý ông bà và họ Nhà Gái, nghi lễ đã đầy đủ và mọi tâm sự đã được giãi bày. Giờ đây xin phép ông bà cho chúng tôi đón cháu về để nhập tiệc thành hôn.

Đại diện nhà gái đáp:  

Kính thưa họ Nhà Trai, chúng tôi vui mừng và cám ơn tấm thạnh tình quý vị đã dành cho chúng tôi và đặc biệt cho con gái chúng tôi. Hai gia đình chúng ta cũng đã như một, rất sung sướng được gửi cháu … cho anh…và gia đình ông bà. Mong ông bà nâng đỡ các cháu để gia đình mới được hạnh phúc lâu bền.

 

  1. TẠI NHÀ TRAI (RƯỚC DÂU VỀ)

Khi đưa dâu vào nhà, cô dâu chú rể đến vị trí thích hợp.  

  1. Chủ lễ giới thiệu cô dâu và họ Nhà Gái cho quý khách hiện diện và có đôi lời chào mừng, trình bày lý do.

Kính thưa quý vị, chúng tôi xin chào mừng quý vị và trân trọng giới thiệu cô dâu … cũng như họ gái đã hiện diện trong buổi lễ tiệc Thành hôn hôm nay.

Giới thiệu chương trình tiếp theo.

  1. Kinh nguyện Tạ ơn Thiên Chúa  

Mọi người hướng về bàn thờ. Cô dâu chú rễ đến trước bàn thờ.

– Dấu Thánh giá, hát kinh Chúa Thánh Thần, đọc Bài chúc hôn, Kinh nguyện gia đình, Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh, Hát kinh Đức Mẹ.

Cô dâu chú rễ vái ba lần rồi cắm hương.

  1. Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên

Người hướng dẫn: nói ít lời hợp ý nghĩa. Cô dâu lạy ông bà Tổ tiên.

Chú rễ cô dâu: Kính thưa ông bà tổ tiên,

Hôm nay, hai chúng con kết hợp nên duyên sắt cầm. Chúng con ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên và nguyện hết lòng yêu thương quý mến nhau, cố gắng trọn nghĩa, trọn tình, trọn hiếu, trọn đạo vợ chồng hầu xây dựng gia đình hạnh phúc theo thánh ý Thiên Chúa. Kính xin ông bà tổ tiên phù hộ cho chúng con.

Thắp hương vái 1 lần. Có thể Hát bài “Cầu cho cha mẹ”.

  1. Cám ơn cha mẹ
    Người hướng dẫn nói ít lời hợp ý nghĩa. Cô dâu chú rễ thưa cha mẹ.

Chú rễ cô dâu: Kính thưa ba mẹ yêu quý, Hôm nay chúng con thành vợ chồng, kết quả tình thương này trước hết do ơn Chúa và sau là nhờ công ơn sinh thành dưỡng dục và xếp đặt của ba mẹ. Chúng con xin ghi tạc lòng dạ công ơn trời biển này. Để đền đáp lại, chúng con sẽ hết sức sống trọn nghĩa vợ chồng như Chúa dạy, theo gương Thánh Gia thất. Nguyện xin Chúa ban muôn phúc lành trả công cho ba mẹ. Vái 1 lần. Cha mẹ đáp lời.

Kết thúc: Hát bài: “Hồng ân Thiên Chúa bao la”

  1. Nhập tiệc

Lời nguyện khai tiệc, kính Cha xứ hoặc người nào đáng kính nhất.

  1. Đôi lời giã từ của họ gái.
  2. Đại diện họ trai đáp lời.

Chào họ gái. Cám ơn quý khách. Bế mạc

VII. KINH NGUYỆN CỦA ĐÔI TÂN HÔN  

Lạy Chúa,

Chúa đã ban cho con người bạn trăm năm ở đời này,

xin Chúa cho con hiểu biết trách nhiệm của con

là tạo hạnh phúc cho bạn con,

và tình yêu của bạn con là sức mạnh giúp con can đảm

để làm tròn bổn phận Chúa giao phó cho con.

Xin Chúa cho con được biết bạn con ước muốn những gì,

hy vọng những gì, lo lắng những gì,

để con vỗ về an ủi chở che…

Xin Chúa cho con biết đối đãi tử tế với bạn con,

xin cho con nhớ rằng một lời âu yếm,

một cử chỉ yêu thương làm cho con vui lòng hả dạ.

Xin chớ để con bất công, tàn nhẫn,

xin dạy con biết ăn ở hiền từ và mềm mại với bạn con.

Và nếu cần sửa dạy, thì xin cho con

biết dùng những lời khôn khéo đại lộ và yêu thương.

Cho con biết rằng, con cũng có nhiều khuyết điểm,

nên con không có quyền đòi hỏi bạn con phải trọn lành.

Con biết rằng, tha thứ sai lầm, nín nhịn yếu đuối,

ấy là dấu hiệu yêu nhau thành thực.

Lạy Chúa, xin giữ lòng con khỏi tính ghen tuông ngờ vực.

Xin cho gia đình chúng con hằng được đoàn tụ ấm cúng,

trung thành yêu nhau và đạo đức.

Lạy Chúa và Mẹ Maria, xin giúp chúng con luôn.

A-men.

(Trích sách HƯƠNG ÁI ÂN)

 

KINH NGUYẸN GIA ĐÌNH  

Lạy Thánh Gia Nazareth,

là gương mẫu của đời sống thánh thiện,

công bình và yêu thương,

xin cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo nhân đức,

trong hiền hoà, phục vụ và cầu nguyện.

Xin cho chúng con xây dựng gia đình,

thành nơi an ủi cho cuộc đời đầy thử thách.

Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình,

được thăng tiến để góp phần vào việc phát triển xã hội,

và cộng tác trong việc xây dựng Giáo Hội.
Xin Ba Đấng luôn hiện diện trong gia đình chúng con,

khi vui cũng như lúc buồn,

khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi,

khi lo âu cũng như lúc hy vọng,

khi sinh con cũng như lúc có kẻ qua đời,

để khi trải qua mọi thăng trần của cuộc sống,

chúng con luôn luôn chúc tụng Chúa,

cho đến ngày được sum họp với Ba Đấng trong Nước trời.

Amen.

(Trích THƯ CHUNG HĐGMVN. 2002)