Giới hạn của bản thân

Giới hạn của bản thân

 

Trong một căn bếp nhỏ, có hai cái nồi, một cái làm bằng đồng và một cái làm bằng đất nung được đặt cạnh nhau. Một ngày nọ, cái nồi đồng rủ cái nồi đất cùng đi ra ngoài khám phá thế giới xung quanh. Cái nồi được làm bằng đất nung e sợ từ chối, nó nói rằng: – Ở ngoài kia, cuộc sống nhộn nhịp xô đẩy, chắc chắn sẽ có va chạm, và tôi có thể sẽ bị vỡ ngay lập tức. Anh biết điều đó mà!

Cái nồi đồng thúc giục: – Đừng để nỗi sợ hãi cản trở cậu. Trên đường đi, tôi sẽ chú ý chăm sóc cậu thật tốt. Nếu vô tình chúng ta gặp bất cứ thứ gì cứng hơn, tôi sẽ đứng lên phía trước bảo vệ cậu. Nghe vậy, cái nồi đất liền đồng ý và chúng bắt đầu cuộc chu du thiên hạ. Nhưng mới đi được vài bước, với ba cái chân chông chênh của mình, hai cái nồi đều lắc lư lóng ngóng rồi đâm vào nhau. Cái nồi bằng đất nung không thể tồn tại lâu trong chuyến hành trình như thế và nó đã bị vỡ ra thành hàng ngàn mảnh. (Ngụ ngôn Aesop) 

Quý vị và các bạn thân mến,

Truyện ngụ ngôn trên cho chúng ta một bài học thật ý nghĩa, giúp mỗi người nhận thức những giới hạn của bản thân trước khi đưa ra quyết định hành động. Chúng ta không thể hoàn toàn dựa vào sự che chắn và bảo vệ của người khác. Vì thế chúng ta phải tập trung vào nội lực để có thể đối diện với những nghịch cảnh va đập của cuộc sống. Chúng ta cần có thái độ khiêm tốn nhận biết những giới hạn của bản thân để trau dồi những năng lực cần thiết. Cần tránh thái độ kiêu căng tự mãn hay dựa dẫm phụ thuộc vào người khác. Thái độ kiêu căng tự mãn khiến người ta ảo tưởng về chính mình và dễ có những hành vi đi quá giới hạn của mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh tỉnh chúng ta rằng: “Tính kiêu căng là mẹ của mọi mối chia cắt kinh điển đang hiện hành trong Giáo Hội, nó tạo nên một Tin Mừng bị xâu xé bởi những tranh biện về giáo thuyết, những phân rẽ về ý thức hệ hay những kết án lẫn nhau giữa các Kitô hữu vì những cái nhìn khác nhau về Đức Kitô, về Giáo Hội và ngay cả những quan niệm khác nhau về xã hội và các thể chế nhân loại” (E.N, số 77).

Đối nghịch với kiêu căng tự mãn là đức khiêm nhường. Đây là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức.

Trong đời sống thiêng liêng, ai muốn nên thánh, phải học sống khiêm nhường. Thiên Chúa yêu mến người khiêm nhường vì họ đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa, còn kẻ kiêu căng thường cậy dựa vào sức riêng mình. Người khiêm nhường yêu thích thi hành theo ý Chúa, còn kẻ kiêu căng chạy theo thói đời giả dối. Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh chúng ta phải chống lại tinh thần thế gian, nó là thứ cỏ lùng hút hết màu mỡ của đất khiến cây lúa không sinh hoa kết quả (x. Mt 13,22).

Thái độ khiêm nhường giúp ta nhận biết những giới hạn của mình trước quyền năng của Thiên Chúa. Bàn tay chúng ta không thể che được mặt trời, vì thế đừng cố tỏ ra mình là người quan trọng. Hãy học nơi Chúa Giêsu đức tính khiêm nhường và hiền lành. Người đã tự đồng hóa mình với người nghèo và người tội lỗi, đã trở nên hy tế tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa Cha. Thánh Phêrô tông đồ cũng khuyên nhủ chúng ta rằng “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,5b-7).

Mỗi ngày chúng ta phải sống gắn bó với Chúa trong sự khiêm nhường để không bị sa ngã trước bả vinh hoa phú quý, không bị những lời đường mật phỉnh gạt. Khiêm nhường chính là sống gắn bó với Cha trên trời như Chúa Giêsu luôn cầu nguyện và thi hành theo thánh ý Chúa Cha. Hãy sống như một trẻ thơ, dám trao phó đời mình cho Chúa. Hãy cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta nhưng luôn che chở, nâng đỡ và cứu chữa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ con người chúng con với đầy những giới hạn và yếu đuối, xin cho chúng con biết thành thật với chính mình, biết khiêm cung tạ ơn về tất cả những gì đã lãnh nhận từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Amen.

Phương Anh

print