Giới Thiệu Tiên Tri Isaia

print

Giới Thiệu Tiên Tri Isaia

Isaia, tiếng Hipri Yeshaʿyahu (“Chúa là ơn cứu độ”), (tên rất phổ biến vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên ở Giêrusalem), vị tiên tri mà sách Isaia được đặt tên theo (chỉ 39 chương đầu được thực sự gán cho ông), một người có công đóng góp đáng kể cho truyền thống Do Thái giáo và Kitô giáo. Ơn gọi làm tiên tri của ông vào khoảng năm 742 trước Công nguyên trùng với sự khởi đầu của nỗ lực bành trướng về phía tây của đế chế Assyria, đế chế đe dọa Israel và được Isaia tuyên bố như là lời cảnh báo của Thiên Chúa đối với một dân tộc suy đồi đạo lý.

Thị kiến của Isaia

Biến cố sớm nhất về cuộc đời của Isaia là ơn gọi làm tiên tri được ghi lại trong chương sáu sách Isaia; điều này xảy ra vào khoảng năm 742 trước Công nguyên. Thị kiến này (có lẽ xảy ra trong Đền thờ Giêrusalem) đã khiến ông trở thành một tiên tri, được mô tả trong câu chuyện kể ở ngôi thứ nhất. Theo lời tường thuật này, ông đã “nhìn thấy” Thiên Chúa và bị choáng ngợp bởi được tiếp cận vinh quang và sự thánh thiện tuyệt đối của Thiên Chúa. Nhưng đồng thời ông cảm thấy khổ sở khi nhận ra rằng Thiên Chúa cần một sứ giả để đến với dân Israel, và mặc dù cảm thấy mình bất xứng, ông đã hiến thân phục vụ Ngài: “Dạ, Con đây! Xin sai con đi” (6,9). Như thế, ông được giao nhiệm vụ để truyền đạt tiếng nói của Thiên Chúa cho dân. Đó hẳn không phải là một công việc nhẹ nhàng, bởi vì ông phải lên án chính dân tộc của mình, phải chứng kiến ​​đất nước sụp đổ và diệt vong. Như ông kể lại, ông biết quá rõ rằng, đến với đồng bào ông trong một sứ điệp như vậy, ông sẽ gặp phải sự phản đối gay gắt, sự hoài nghi ngấm ngầm và lời chế giễu chê bai, họ chống lại chính điều mà ông sẽ phải củng cố từ bên trong. Tất cả những điều này đến với ông dưới dạng một thị kiến và kết thúc với một quyết tâm mau mắn, kiên định và duy trì suốt đời.

Lí lịch bản thân

Có lẽ Isaia đã ở vào tâm thế sẵn sàng để nhận ra ý nghĩa của thị kiến trước khi thời điểm quyết định đó xuất hiện. Tuy nhiên, những thông tin khác về cuộc đời của ông giai đoạn đó lại thiếu vắng, nên một số chi tiết về con người Isaia chủ yếu gồm các suy luận rút ra từ văn bản thánh kinh.

Đôi khi, cuộc sống riêng tư của vị tiên tri được tỏ lộ trong sứ điệp công khai của ông, qua một số khía cạnh. Lần kia khi đi diện kiến một vị vua, ông đã mang theo bên mình một đứa con trai với cái tên tượng trưng là Sơa-Giasúp (“Một số nhỏ sẽ còn sót lại”) để củng cố lời tiên tri của mình. Một lần nữa, để nhắc nhớ một sứ điệp, ông chọn một đứa con trai của “nữ tiên tri” (vợ ông) và đặt tên cho đứa trẻ bằng chính sứ điệp của ông với tên gọi: Mahe-Salal- Khát Bát (“Mau đoạt chiến lợi phẩm”), có ý nói đến các cuộc cướp phá của người Assyria sắp xảy ra. Nếu không có những người con này trong những lời cảnh báo của vị tiên tri, thì hậu thế sẽ không biết về người vợ này hoặc những người con trai này.

Trong nhà thân sinh của Isaia, người ta chỉ biết rằng tên của cha ông là Amoz. Vì ông thường được các vị vua tiếp kiến, nên đôi khi người ta cho rằng Isaia là một nhà quý tộc, thậm chí có thể thuộc giới hoàng gia. Tuy nhiên, suy luận như thế cũng có thể áp dụng cho bất kỳ vị tiên tri nào. Từ Nathan vào thời Đavít trở đi, các tiên tri đã làm việc với các vị vua và cũng giống như Isaia, họ được thông báo đầy đủ về các vấn đề của nhân quần xã tắc. Hơn nữa, Isaia lại đồng cảm và đứng về phía những nạn nhân nghèo khổ, chứ không phải với các cận thần và những người giàu có. Ngoài ra, đôi khi người ta tranh luận rằng ông thuộc về một gia đình tư tế; tuy nhiên hiểu biết của ông về những vấn đề phụng tự rất đáng kể và thực tế là việc ông được kêu gọi trong Đền thờ ở Giêrusalem là bằng chứng nhỏ nhoi cho việc ông xuất thân là thầy tư tế, như chống lại sự lên án không do dự của ông đối với các tư tế và việc làm của họ: “Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã chán ngấy”, ông đã đặt mình vào vị trí Thiên Chúa để tuyên bố như vậy trong một đoạn văn nổi tiếng ở chương đầu tiên.

Người ta có thể tranh luận với số ý kiến ngang nhau rằng Isaia là hậu duệ của một gia đình tiên tri (mặc dù cha ông, Amoz không được ai biết đến- không nên nhầm lẫn với tiên tri Amốt). Ông được học hỏi chu đáo về các thể thức truyền thống và ngôn ngữ của diễn ngôn tiên tri. Đó phải là một bài phát biểu mang tính giáo dục – mạnh mẽ, sống động, và bằng tiếng Hipri cổ điển thâm thúy nhất. Isaia đặc biệt quen thuộc với truyền thống tiên tri được biết đến với người cùng thời với ông là Amốt. Bốn nhà tiên tri lỗi lạc người Do Thái đã ngỏ lời với vương quốc Israel và vương quốc Giuđa vào nửa sau của thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên: Amốt, Hôsê, Mikha và Isaia. Thật kỳ lạ, không có bằng chứng nào cho thấy rằng bất kỳ ai trong họ biết đến cá nhân người kia. Có vẻ như họ ở cách xa nhau và đơn độc, nhưng Isaia và Amốt về căn bản đi theo cùng một dòng tư tưởng và chỉ khác nhau đáng kể ở chỗ Amốt đã loan báo cho vương quốc phía bắc (Israel) trong khi Isaia lại phụ trách bao quát cả Giuđa và Giêrusalem. Những điểm tương đồng căn bản về văn phong và nội dung gợi ý mạnh mẽ về tác động ảnh hưởng, trực tiếp hoặc gián tiếp, của người này đối với người kia – và cả hai đều dựa trên một truyền thống Israel rất dễ nhận ra.

Trải nghiệm của Isaia giúp làm giảm cách biệt giữa các giai cấp và giai tầng nghề nghiệp. Dù hoàn cảnh gia đình ông như thế nào, thì ngay thời còn trẻ, ông đã thấu cảm bộ mặt thật của cảnh nghèo đói – và sự trác táng của những người giàu có. Ông cùng chung giai cấp với những người không được bảo vệ, những kẻ góa bụa và mồ côi; với những người không nhà cửa, không ruộng đất; và với những nạn nhân bị bóc lột hết tài sản bởi những nhân viên tòa án đã bị mua chuộc. Ông biết rõ những kẻ tham lam gian xảo trước cảnh khốn cùng của đồng bào mình, đó là những người ban hành luật phân biệt đối xử, những thẩm phán ăn hối lộ, những kẻ tham lam chiếm dụng đất đai, những phụ nữ nhan sắc cuốn hút, những kẻ vừa ăn cướp vừa lừa đảo, và những nhà lãnh đạo vô trách nhiệm, cả dân sự và tôn giáo. Nói cách khác, ông nhận thức sâu sắc về sự bất bình đẳng và những tệ nạn của xã hội loài người – điều có thể không tồi tệ ở Israel vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên hơn với hầu như ở khắp nơi trong thời hiện đại, như nhiều nhà phê bình tin như vậy.

Thần học Isaia

Trong thần học của mình, Isaia chủ yếu dựa vào truyền thống của dân Israel và cho thấy ông quen thuộc với những tư tưởng của Amốt. Isaia đã chia sẻ với ông ta và với dân chúng về truyền thống lâu đời rằng, một mối dây liên kết đặc biệt đã kết hợp Israel và Thiên Chúa của nó. Kể từ thời các tổ phụ, đã có một thỏa thuận, một “Giao ước” long trọng giữa đôi bên: Israel phải là dân của Thiên Chúa và Ngài là Thiên Chúa của họ. Ngài đã chọn họ và chăm sóc họ. Mối quan tâm của Ngài đối với sự hưng thịnh của dân tộc họ đã được xác lập rõ ràng. Đó là một sứ điệp truyền thống. Isaia nhận biết và tôn vinh truyền thống cổ xưa này, nhưng quan trọng hơn, ông cũng chia sẻ niềm tin của Amốt rằng sự sắp đặt này hoàn toàn có điều kiện, tùy thuộc vào hành vi của con người. Những lối sống như Amốt đã chứng kiến ở Samari và Isaia đã thấy ở Giêrusalem đối với Thiên Chúa có thể hủy bỏ chính Giao ước đó – mà thật sự đã như vậy. Đó là ý nghĩa của dụ ngôn về vườn nho trong chương năm của sách Isaia. Trong đó, Thiên Chúa được ví như người trồng nho cẩn thận và siêng năng canh tác một vườn nho -Israel – nhưng phải nổi giận vì “những trái nho dại” của những bất chính và bạo lực là sản lượng cho vụ thu hoạch của mình, do vậy Ngài muốn hủy bỏ sự chăm sóc và bảo vệ vẫn có.

Như Isaia đã nhìn nhận, Thiên Chúa của Israel không dung túng cho bức tranh về tình trạng bất công và hệ quả của nó là sự khốn khổ tràn lan ở Israel vào thế kỷ thứ 8. Đối với vị Thiên Chúa của dân tộc đó, như Isaia biết Ngài, con người có giá trị và địa vị quan trọng nhất. Quả thật, Thiên Chúa quan tâm đến con người hơn việc các thần dân của Ngài thực hiện cho ngài những nghi lễ được quy định theo cách thức của họ. Giải thích theo nghĩa đen của câu 13 chương 29 và các câu 10 đến 15 của chương 1 cho thấy rằng Thiên Chúa thấy động cơ của hành vi thờ phượng thật đáng ghê tởm, và đây có thể là ý nghĩa chủ đạo của Isaia. Ông cảm thấy quá sợ hãi trước sự thánh thiện – sự cách biệt muôn trùng- của Thiên Chúa của mình và hẳn đã nghĩ rằng những lễ vật thông thường như thịt, ngũ cốc và những lời tâng bốc là không xứng đáng hoặc ít nhất là không liên quan gì với Ngài. Mặc dù, giống như Amốt, Isaia rất thường phát biểu một cách tuyệt đối, nhưng thực sự có thể giải thích hai đoạn văn trên ít gay gắt hơn (như một số học giả đã làm) và nói rằng ông chỉ nói một ý tương đối và rằng, theo thang giá trị tôn giáo của ông, ông chỉ xếp giá trị luân lí lên trên sự tuân thủ nghi lễ.

Thần học của Isaia đôi khi gồm cả quan điểm rất khích lệ rằng Thiên Chúa chủ động định hình lịch sử, mà theo niềm tin truyền thống, Ngài sẽ bước vào hoàn cảnh con người để giải cứu dân tộc của Ngài khỏi hiểm họa quốc gia. Tuy nhiên, theo dự phỏng gây khó chịu của Isaia, Thiên Chúa sẽ can thiệp khá đúng mức để sửa trị dân tộc lầm đường lạc lối và Ngài có thể dùng một tác nhân con người (ví dụ: kẻ thù chinh phục) để đạt mục tiêu đó.

Rõ ràng hơn Amốt, có lẽ vì đã một thập kỷ trôi qua, Isaia có thể xác định được tác nhân đó chính là Assyria. Ơn gọi tiên tri của Isaiah gần như trùng khớp với sự mở đầu – sau một thời gian tương đối án binh bất động – của quá trình mở rộng về phía tây của đế chế Assyria dưới quyền thống lĩnh vẻ vang là tướng Tiglath-pêđan III (trị vì năm 745–727 trước Công nguyên). Các biến cố lịch sử đương thời không thoát khỏi sự chú tâm của vị tiên tri. Isaia dường như đã đọc những điềm báo, cũng như Amốt đã làm; ông đã nhìn thấy rõ ràng Assyria là công cụ của cơn thịnh nộ của Thiên Chúa: “Khốn thay Assyria, ngọn roi Ta dùng trong cơn thịnh nộ, trận lôi đình của Ta là cây gậy trong tay nó. Ta sai nó đến với một dân tộc vô luân, Ta truyền cho nó đến với một dân tộc chọc giận Ta, để tha hồ cướp bóc, tha hồ tước đoạt, để giày đạp dân ấy như bùn đất ngoài đường” (10,5–6).

Sứ vụ tiên tri

Vì vậy, nếu Isaia được chuẩn bị bằng cách học theo truyền thống và cuộc sống đời thường mà thị kiến đưa ông vào hành trình sứ vụ của mình, thì việc chuẩn bị chắc chắn liên quan đến việc đan quyện bản tính của ông với những yếu tố lịch sử như đã phác thảo ở trên. Vào năm mà vua Útdigiahu qua đời (742 TCN), theo chương 6, Isaia là một người trong đám đông đang tụ tập trong một dịp cử hành tại Đền thờ Giêrusalem thì bất ngờ điều đó xảy ra — và ông trở thành một nhà tiên tri: “Hãy đi và nói với dân này rằng….” (6,9) Những kinh nghiệm đã đi vào quá trình định hình cuộc đời trai trẻ của anh – quen biết những người giàu có ngạo mạn cũng như tiếp cận những người nghèo khổ bần cùng; có vẻ như anh cũng nắm hiểu về Amốt và di sản truyền thống của ông về mặt dân tộc và tôn giáo, những lo lắng ưu tư của anh trước mối đe dọa của Assyria. Nhưng trên tất cả, có lẽ một cảm thức mới mẻ và choáng ngợp về sự thánh thiện và uy nghi của Thiên Chúa – tất cả đều hòa nhập, kết hợp với nhau, và chính lúc đó  anh nhận biết rằng Thiên Chúa muốn sai anh đến với dân tộc của anh để đem lời Ngài dành cho họ. Và trước mệnh lệnh này, dù có tỏ ra miễn cưỡng hay không, anh cũng buộc phải ra đi. Ngay từ đầu, anh đã nhận thức được sự khẩn thiết mạnh mẽ – không hề vơi cạn – là kêu gọi dân tộc của mình quay trở về từ bờ vực hiểm họa. Thị kiến của anh là khoảnh khắc của trực cảm và quyết tâm sáng suốt, khi mà với sự sáng tỏ hoàn toàn và tức khắc, anh biết mình phải hành động thế nào và nói gì.

Trong hình thức tinh vi hiện tại, ghi chép về trải nghiệm này hầu như không cùng thời với chính biến cố diễn ra; anh đã không từ Đền thờ đi ngay về nhà mà viết lại chương 6. Trình thuật là sự phản ánh không phải của một thanh niên tự tin và háo hức mà là của một người đàn ông đã bị đè nặng bởi những trải nghiệm chín mùi, chán nản và tuyệt vọng. Ba lần trong các chương khác, vị tiên tri nói về dân của ông rằng họ đã “từ chối” nghe ông; cứ như thể ông, một sứ giả của Thiên Chúa, đã được ra lệnh một cách vô lý “phải làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù, kẻo mắt nó thấy…” như ông nói trong chương 6, về những công việc của ông cho những người mà ông được sai đến. Sứ điệp mà ông phải truyền rao là một tin xấu – những tin tức không được người ta đón nhận. Và khi nói về điều đó, như nhiều lần ông đã làm, ông chọn một ngôn ngữ rõ ràng súc tích và nói với sự xác tín về luân lí đến nỗi, như một người có thể làm hết mức, nhưng những người nghe ông đã bỏ ngoài tai; ông cảm thấy như mình bị kết án phải nói những điều không ai nghe. Rất nhiều cảm xúc đau khổ đã đan xen vào trong thị kiến và việc viết ra nó là một biểu cảm nặng nề. Lời nói của ông “Cho đến bao giờ, hỡi Chúa Thượng…?” (6,9) là một biểu hiện của sự mệt mỏi, ngán ngẩm hoàn toàn.

Nếu chương 6 đánh dấu bước khởi đầu của sự nghiệp tiên tri của ông, thì lời sấm mang tính xét xử về cuộc chinh phục thành Giêrusalem ở chương 22 có lẽ đã khép lại câu chuyện u ám của ông. Dù sao thì nó cũng là văn phẩm thuộc về nguồn Isaia mới nhất có thể được xác định niên đại với một mức độ chắc chắn. Những lời được ghi lại cuối cùng của Isaia trong chương 22, tuy không giảm bớt âm điệu u ám trong sứ điệp của ông, nó làm sáng tỏ thêm tâm trạng và tính cách của ông. Sau khi ông thốt lên trong thị kiến ở chương 6, “Cho đến bao giờ, hỡi Chúa Thượng…?” ông thất thần nhận thấy rằng ngay cả một phần mười dân số còn lại cuối cùng cũng buông xuôi; vì vậy, ở đây lời sấm kết thúc với sự chắc chắn về một thảm họa hoàn toàn: tội lỗi của quốc gia có thể được tẩy rửa không gì bằng sự chết chóc – “Chắc chắn tội này sẽ không được tha cho đến khi các ngươi chết….” (22,14), Các chương 6 và 22 tạo nên giai điệu chính của sứ điệp và sắc thái tâm trạng của ông, và từ đầu đến cuối, cung giọng u ám vẫn chưa được dỡ bỏ.

Chương 22 này chứa đựng những biểu lộ cá biệt nhất về tất cả những lời của Isaia. Khá bất ngờ, quân Assyria đã bỏ cuộc vây hãm và chuyển hướng. Những người bảo vệ thành Giêrusalem kinh ngạc, tưng bừng phấn khích, lao vào ăn mừng vui vẻ; Isaia không thể chia sẻ cảnh tượng lễ hội này vì đối với ông, đó chỉ là một sự trì hoãn thoáng chốc. Không có gì thay đổi, và trong “tầm thị kiến” của mình, ông nhìn thấy ngày của sự rối loạn và thảm họa mà Thiên Chúa dành cho Sion vẫn còn đó. Và vì vậy, ông bạch hóa nỗi buồn riêng tư của mình:

“Hãy ngoảnh mặt đi, đừng nhìn tôi nữa, để cho tôi khóc nỗi đắng cay. Đừng cố tìm cách an ủi tôi trước cảnh điêu tàn con gái dân tôi phải chịu” (22,4).

Sứ điệp cho Israel

Những bối cảnh lịch sử được đề cập rải rác trong các chương của sách Isaia hợp với tiêu đề này, theo đó ông là người cùng thời với các vị vua Giuđa là Útdigiahu, Giôtham, Akhát và Khítkigia. Ơn gọi tiên tri của ông được ghi lại một cách chính xác “vào năm vua Útdigiahu băng hà.” Ít nhất một phần của chương 7 đề cập đến biến cố năm 734 khi Ephraim và Syria cùng đe dọa vua Akhát của Giuđa. Năm 732 Tiglath- pileser chinh phục thành Đamát, sự sụp đổ mà Isaia đã đoán trước. Năm 722, thành Samari, thủ đô của Ephraim, bị rơi vào tay vua Sargon của Assyria, một chính biến mà Isaia cũng đã cho biết trước. Vào cuối thế kỷ (701) Sennacherib đã bao vây Giêrusalem – nhưng sau đó đã rút lui. Các chương 1,4–8; 10,27–34; 28,14–22; 30,1–7; và 31,1–4 nói về những ngày đầy khó khăn khi Giêrusalem bị bao vây và vua Khítkigia cuống cuồng tìm kiếm sự giúp đỡ từ Ai Cập. Isaia đã mang lại một chút khích lệ cho các vị vua của mình – ngay cả khi cuộc vây hãm đã được dỡ bỏ, như được ghi lại trong đoạn trích dẫn của chương 22.

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng Isaia được sai đến Israel chỉ để loan báo về thảm họa đang đến gần. Cảm thức một cách đau đớn trước sự thối nát của xã hội mình, Isaia đã nhìn thấy trước sự sụp đổ tất yếu của nó. Nhưng ông cũng tìm cách đưa ra một giải pháp thay thế cho bi kịch này: sự sống còn của người dân ông tùy thuộc vào việc họ đón nhận, khơi lại và sống những đòi hỏi luân lí truyền thống. Chỉ bằng cách quay lại, họ mới có thể được cứu. Kiến tạo một hành trình quay trở lại của họ là nỗ lực liên lỉ của Isaia. Hoặc, nói cách khác và đúng hơn, bởi vì ông nói thay cho Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa, mục tiêu của ông là tái chuyển hướng dân tộc của mình để nó đi vào những con đường mà Thiên Chúa có thể chấp nhận, bởi vì họ đã rời bỏ luật Chúa qua cách sống của mình. Chỉ như vậy họ mới có thể thoát khỏi thảm họa. Ông đã hét lên những lời cảnh báo đe dọa và van xin sự hoán cải. Cuối cùng ông phải nhường bước cho sự tuyệt vọng vì kế hoạch của ông không thành công. Theo ông, người dân của ông dường như nghiêng về sự tự hủy diệt; đó là bước tiến của một căn bệnh như do số phận áp đặt mà ông nhìn thấy nó đang diễn ra.

Kế hoạch bất khả thi của ông đã trôi qua trong cuộc khủng hoảng năm 701, thời điểm ông mạnh mẽ phản đối các tướng lĩnh đang sẵn sàng đến Ai Cập cầu xin sự giúp đỡ để chống lại người Assyria đang vây hãm Sion. Isaia không chú tâm đến các đồng minh cũng như các vũ khí sẽ được trang bị để bảo toàn sự an ổn. Nếu chính Thiên Chúa là Đấng quyết định vận mệnh của các quốc gia, thì sự an toàn là do Ngài ban cho và con người phải tỏ ra xứng đáng để được hưởng ơn ấy. Isaia có quan điểm táo bạo rằng biện pháp bảo vệ tốt nhất là không bảo vệ – điều này không gì khác hơn là đề xuất một sự đáp trả bằng quyết tâm hòa giải thật sự đối với những đòi hỏi luân lý. Không ai được an toàn khi một số người bị từ chối được an ổn. Ông nói: “Phải kiến tạo sự an dân [tức là an ninh]: hãy tạo sự an lòng cho người mệt mỏi.”

Một trường hợp có thể đã được đưa ra làm giả thuyết, đó là Isaia đã rút lui khỏi bờ vực sụp đổ, bởi ông không thể hình dung một thế giới hoàn toàn trống vắng dân tộc mình. Ủng hộ quan điểm này là một nghịch lý, vì người ta cho rằng ông đã giao lại sứ điệp bị chối bỏ của mình cho các môn đệ để lưu giữ nó trong một cuốn sách, để giúp hướng dẫn những người sống sót của một dân tộc sẽ không còn ai sống sót.

Giả thuyết này không tạo được sự đồng thuận nào vì liên quan đến giới hạn chính xác của các ngôn từ được Isaia sử dụng vào thế kỷ thứ 8, hoặc sự thống nhất trong việc ông thường duy trì cung giọng bi thảm của mình. Chắc chắn trong cuốn sách của ông khi nó được viết ra, khí chất của ông thật là khó nắm bắt – vừa nghiêm nghị vừa dịu dàng. Những đoạn văn tràn đầy hy vọng lại thường xuyên hòa lẫn với bầu khí nặng nề về sự diệt vong. Có lẽ tên của con trai ông, Sơa- Giasúp có nghĩa gần như là “chỉ một số nhỏ còn sót lại”, nhưng nó có thể được giải thích là mang một cung điệu hy vọng: không có thảm họa hoàn toàn – vì một số còn sống sót. Có thể cái tên Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta), được tiên báo về một đứa trẻ, là dấu chỉ Thiên Chúa khẳng định rằng Giuđa sẽ không bị Israel và Syria khuất phục, đồng thời thể hiện niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Ngài. Và những lời trấn an khác nữa như vậy đích thực là những lời của chính Isaia, được tình yêu của ông thúc đẩy để giảm nhẹ đòn Thiên Chúa trừng phạt.

Nhưng có một giải pháp thay thế. Mặc dù Isaia không được nổi tiếng vào thời của ông, nhưng dường như ông đã thu hút một số môn đệ: “Hãy niêm phong các giáo huấn của tôi cho các môn đệ”. Đây có thể là nhóm người lưu giữ tên tuổi và lời nói của ông – bằng văn bản hoặc được học “thuộc lòng” – đây là hạt nhân của những gì sẽ trở thành, qua một truyền thống được khai triển liên tục, sách Isaia. Và rất có thể các thế hệ kế tục nhóm người Isaia này, vẫn ngoan ngoãn giữ trọn lời nói của ông qua các thời kỳ biến động triệt để, đã thêm vào những sứ điệp của niềm hy vọng, và được sắp đặt khéo léo để đáp ứng sự mong mỏi của một nhân loại đau khổ trải qua nhiều thế kỷ.

 Sứ điệp của Isaia được thế hệ sau giải thích

Thật kỳ lạ, có lẽ sách Isaia được biết đến và yêu mến rộng rãi nhất chỉ vì những lời an ủi – có thể không phải là của ông. Một đoạn trong Talmud của người Babylon (một trong hai tập Talmud, tập còn lại là của người Palestine) có nói rằng từ đầu đến cuối cuốn sách là một niềm an ủi. Việc có các cuộn sách Isaia trong kho lưu trữ của cộng đồng Qumrān (Biển Chết) không có gì đáng ngạc nhiên. Vào thời điểm đó (khoảng thế kỷ nhất trước Công nguyên), nó đã trở thành mốt khi quan niệm rằng các tiên tri không chỉ nói về thời đại của họ mà còn về những sự việc sắp xảy ra, và trong những thời kỳ xáo trộn và biến động, người ta nghiên cứu các văn bản tiên tri nhằm mục đích học hỏi để đón nhận ơn cứu chuộc sẽ đến.

Cuốn sách The Great Isaiah Scroll (Cảo bản Isaia lớn), cuộn lớn nhất và là một trong những cuộn lâu đời nhất trong số những cuộn sách Great Sea Scroll. Nhà vật lý học người Mỹ Willard Libby đã xác định niên đại của lớp vải bọc cuộn giấy này trong một nghiên cứu xác định niên đại carbon-14 của ông và tìm ra niên kỉ của nó, khoảng từ năm 167 trước Công nguyên đến năm 233 sau Công nguyên.

Bản dịch Isaia bằng tiếng Hy Lạp của các học giả Do Thái (bản Septuagint, bản Bảy Mươi), được hoàn thành trước kỷ nguyên Kitô giáo, phản ánh một truyền thống chú giải đang phát triển đương thời; nó đã dịch từ ʿalma trong tiếng Hipri (“thiếu nữ”) là parthenos (“trinh nữ”) trong câu (7,14) nói về đấng Emmanuel, và do đó đưa sách Isaia vào trong âm hưởng cứu thế. Giờ đây, câu hoàn chỉnh đó là: “một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai.” Lời hứa không hẳn về một vị vua bình thường, mà là một “đấng cứu thế”, Đấng Messia đã thật sự nuôi lớn niềm hi vọng qua các thế hệ. Theo các trình thuật của Tin Mừng, khi Chúa Giêsu bước vào một hội đường ở Nazareth và đứng dậy đọc sách, họ đưa cho Người một cuộn sách Isaia. Người đọc phần đầu của chương 61, “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi…” và Người nói: “Hôm nay lời kinh này đã được ứng nghiệm.” (x. Lc 4,21)

Các sách Tin Mừng dựa nhiều vào sách Isaia hơn bất kỳ bản văn tiên tri nào khác. Vượt qua mọi khác biệt về giáo phái là ước vọng mãi hoài mong trong cụm từ “rèn cung kiếm thành lưỡi cày” trong Isaia 2. Những từ ngữ này và nhiều ngôn từ lấp lánh khác trong các sách Isaia mở rộng (Phần II sách Isaia & Phần III sách Isaia) vẫn tồn tại trong thời nay và văn hóa ngày nay. Từ “tiên tri” giờ đây đã trở thành một thuật ngữ giá trị, được kết hợp chặt chẽ để nói đến đòi hỏi ưu tiên về luân lý cũng như việc thực hiện công lý đối với sự ổn định của các quốc gia, vốn rất hợp với những gì tiên tri Isaia từng bận tâm.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung