GPCT: Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Cuối Năm 2019 – Thứ Ba 26/11/2019

print

Bài giảng  của cha Mat. Hoàng Đình Ninh 

 

CHIA SẺ DỊP TĨNH TÂM NĂM LM CT 2019

(Thứ Ba, 26/11/2019) (Lc 21,5-11)

Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào

 

– Kính thưa quý Đc, quý cha cùng quý thầy thân mến.

– Hơn tháng nữa, con sang tuổi 76, tưởng lần này được an thân, nhưng CQH lại phân công chia sẻ. – Hỏi tại sao vậy? – “Vì 7 năm nữa, mới tới lượt Hạt CT chia sẻ, không biết còn có cơ hội chia sẻ không?” – Thế là con ôm show.

– Bài TM hôm nay, và cả bài đọc 1, sách Đaniel, gần cuối năm PV, đều nói về cảnh hoang tàn đổ nát.

– Riêng bài TM hôm nay, CG lưu ý chúng ta về sự mong manh chóng qua của những cái hữu hình vật chất, dù là 1 đền thờ huy hoàng tráng lệ. Và Ngài nhắc chúng ta hãy gắn bó, cậy dựa vào những gì bền vững, cụ thể nhất là, giữa những biến động của trần thế, hãy tỉnh táo gặp được Ngài khi Ngài quang lâm,

– Con tự hỏi, Lời Chúa, với cảnh hoang tàn, muốn nói gì với tôi hôm nay, một Lm đã tới tuổi hưu?

– Con thấy ấn tượng với hình ảnh “Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào“.

– Phải chăng, mình cứ phải sợ hãi, phải né, phải đề phòng cảnh “Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào“.

– Hoặc ngược lại, có khi, cảnh hoang tàn lại là điều cần thiết, là nhu cầu, là bổn phận. Ta phải phá đổ một số cái để tái thiết đời mình, nếu muốn thực hiện một cuộc sám hối, và đổi mới con người mình trong tiến trình tu luyện chăng?

 – Nhìn lại đời Lm của mình, 46 năm, 28 năm ở Cv, gần 20 năm tại họ đạo, đâu là những lúc ứng với cảnh hoang tàn đổ nát, và đụng chạm tới mình. – Thưa có thể là những lần sang trang mới trong cuộc đời sứ vụ, với những bài sai, giấy bổ nhiệm.

– Con thấy có thể có 3 loại hoang tàn đổ nát. Trước hết là hoang tàn đổ vỡ, hiểu về cơ sở vật chất. Thứ 2, hiểu về sự đổi thay những mối liên hệ, tương quan tình người khi rời bỏ giáo xứ cũ. Và thứ 3, con cho là quan trọng nhất và xin bàn nhiều nhất, đó là xin Chúa giúp con đập vỡ những cản trở, những hòn đá nằm ì, cản lối ngay trong nội tâm của con.

– Về loại thứ 1: Khi mình rời giáo xứ, một vài cơ sở vật chất mình gắn bó và vất vả đeo đuổi, nhà thờ nhà xứ do mình xây, hoặc do mình tiếp quản, liệu có gặp phải cảnh “Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào”. Những cơ sở này, mình đã chăm chút tu sửa mỗi khi thấy có dấu hiệu xuống cấp, liệu sẽ còn được chăm sóc thích đáng không?

– Về loại thứ 2, mới hôm qua, mình chức này chức nọ, oai phong lẫm liệt, nay không còn gì hết, trắng tay. Cuộc đời đã đổi thay, sang số. Tình xưa nghĩa cũ nay đi về đâu? Những mối liên hệ tương quan quen biết thân thiết bao năm với giáo dân, nay mình dời đi, có trách nhiệm mới, phải ứng xử ra sao? Rũ bỏ hoàn toàn, như kiểu “nước trôi qua cầu”; hoặc duy trì nhưng tế nhị, kẻo bị mang tiếng là còn lòng thòng dính bén, cản trở cho người đến sau.

– Kính thưa cộng đoàn, bàn tiếp về mối tương giao với giáo dân, trong tâm trạng của một Lm ngấp nghé về nhà hưu, con nhớ lại lời một cha nhà hưu đã nói: “Ông cha này hồi làm cha sở không biết đã cư xử thế nào, mà bây giờ về nhà hưu, hầu như ngày nào cũng nườm nượp khách”; con hiểu thêm là có cha khác thì vắng như chùa Bà Đanh, trừ một vài người phe ta.

– Và rồi con cũng liên tưởng tới lời một cha tâm sự: “Cái số mình, khi còn ở với họ, họ không thích, nhưng khi mình rời đi, họ sẽ biết ơn mình”.

– Câu này cũng làm con giật mình: Cách tôi cư xử với giáo dân hiện nay, đang tác động trên lòng người thế nào? Họ có được hưởng sự ngọt ngào êm ái không, hoặc là mình chỉ cho họ hưởng chủ yếu là giấm chua.

– Mà “một phuy giấm không bắt được con ruồi nào, một giọt mật, bắt được vô số ruồi”.

– Như thế, phải chăng con đã sa vào thói “Được việc hơn là được người”.

– Từ cái cảnh “Chùa Bà Đanh”, con đâm nghĩ ngợi thêm: Phải chăng chính mối tương quan với từng thành phần dân Chúa, lại là thước đo, là loại thuốc thử để xem mình đã sống đời mục tử ra sao? Có thành công không ? Có xứng tầm với vai trò và nhiệm vụ không?

– Lạy Chúa, Về các mối tương giao với giáo dân, xin cho con biết phá đổ “Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào” đối với những mô hình tương giao không đúng TM, và biết xây những mô hình thích hợp. Đừng quá dính bén rồi ngậm ngùi: Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

– Loại đổ vỡ thứ 3, mà con cho là quan trọng bậc nhất: Phá đổ những lủng củng rắc rối ngay bản thân mình.

– Con thấy trong con người mình, cụ thể là qua phong cách, tính tình có những cái cần phải phá đổ. Phải moi tận gốc, trốc tận đáy, phải lật qua lật lại, xem xét, chỉnh sửa từng hòn đá, để xây dựng lại tính nết và nếp sống của mình cho hoàn chỉnh.

– Trên bìa cuốn Đời Sống Nhân Bản và tâm lý chiều sâu mà con quen sử dụng, có hình một tròn mầu đen, bên cạnh hình một con người. Con vẫn nhắc các học viên, hình tròn đó là hố đen, là Hố thẳm cuộc đời mình. Với ơn Chúa, mình có dám can đảm leo xuống, có khiêm tốn, dám nhìn sự thật sâu xa của cuộc đời mình, để dám sửa đổi tận căn, thay vì cứ sống chung với lũ, hoặc lờ đi, hoặc đành chào thua, chịu vậy.

– Để giúp bản thân moi móc, đào sâu, bứng lên, rồi xây mặt bằng cơ bản mới cho cuộc đời, con đã cậy nhờ việc học hỏi về Cửu loại Tính tình (Enneagram).

– Trong Cửu loại, con thuộc Số 8. Chuyên hùng hổ, tấn công phủ đầu, với hình ảnh con tê giác húc, húc lòi ruột rồi mới hỏi xem bạn hay thù. Quen tấn công phủ đầu, là vì sợ; phải tấn công trước để khỏi bị tấn công. Hóa ra bản thân mình cũng chỉ là nạn nhân của cái tính tình của mình. Mình dùng nguyên một đời người, với cả một chiến lược, lo tổ chức đời sống và tính tình để đối phó và che lấp cho cái nỗi sợ, sợ bị tấn công.

– “Đây là người kiêu ngạo không bao giờ khiêm tốn đủ, chuyên vạch mặt sai sót của người khác, gây tổn hại danh giá người khác mà không bao giờ ân hận”. (Sách nói vậy).

– “Người này tự nguyện đại diện cho nhân loại làm hiệp sĩ đi bảo vệ sự thật và sự công bằng, sẵn sàng vạch mặt chỉ tên bất cứ ai”. (Những đều này, nếu không được chỉ dẫn, con lại tự hào, coi là giá trị đời mình, và thậm chí có khi còn coi đó là nhân đức).

– Thật là tái mặt, khi thấy được mô tả như trên. Và con thấy sách nói rất đúng với tình trạng của mình, dù rằng sách cũng mô tả rất-rất nhiều điểm hay, điểm tích cực của tính số 8. Con cám ơn Chúa, vì chính CG có tất cả 9 tính tình, kể cả tính số 8 như con. Chúa phiền trách Pharisiêu còn thậm tệ  hơn con.

– Đây là loại người: “Miệng hùm gan sứa”. (Ăn nói thì hùng hổ, nhưng lòng thì nhút nhát và mềm mại như sứa. Có thể ví như cây cổ thụ, vỏ xù xì nhám nhúa, nhưng giòng nhựa bên trong có khi lại rất ngọt ngào.

– Để lật đổ những lôm côm này, sách dạy con đừng dại dột tự sửa tính nết một cách rất sai lầm. Nghĩa là khi thấy mình cứ liên tiếp va chạm với người khác, mình sẽ lấy thiện chí, né tránh nhân loại, đóng cửa, đọc sách, suốt ngày với màn hình máy tính, hạn chế tiếp xúc với con người. Sửa kiểu này, gọi là tuột theo chiều mũi tên từ số 8 sang số 5, mình không còn cơ hội gặp gỡ và phục vụ nhân loại.

– Sách dạy con sửa theo đúng đường: Đó là hãy tập sống cái tính mà con ghét cay ghét đắng, và quen khinh bỉ nó, đó là tính số 2. Chính cái số 2 sẽ là cứu tinh đời con, dù theo mô hình, nó đâm vào số 8 của con.

– Khổ nỗi tính số 2, là loại nặng về tình cảm, quan tâm tới người khác để quà cáp, ban ơn.

– Xưa nay con vẫn ngại về cái gì con coi là ẻo lả, ủy mị, ướt át. Cụ thể, con rất dị ứng nếu có ai đến nhờ vả với giọng đầy tình cảm nhẹ nhàng, mượt mà êm ái (Cha ơi….). Tự nhiên con thấy lạnh xương sống, và muốn xù lông nhím ra ngay. Ngược lại, nếu ăn nói mạnh bạo, con lại thấy thoải mái (Cha! …).

– Con đã thử và cố gắng thử học nơi số 2, và kết quả là cực kỳ. Hóa ra đây là chìa khóa, phá tung mọi hỏng hóc đời mình. Chỉ cần tập trung sửa đổi điều này, là xong chuyện.

– Từ đó, con nghiệm ra: Người mục tử không chỉ là hình ảnh người cha, nhưng còn là hình ảnh người mẹ dịu hiền êm ái nữa. Bắt chước CG hiền dịu, rất thương xót người đàn bà ngoại tình.

– Có lẽ điều sâu xa nhất trong đời mình cần phải sửa, nằm trong câu chuyện ngụ ngôn ở phần kết cuốn sách Cửu loại tính tình: – Ngụ ngôn cô gái Zoulou.

– Những vết thương thời thơ ấu, hãy hôn lấy nó, làm hòa với nó. Nó sẽ không còn là bóng ma đe dọa ta nữa. Ta được tự do thoải mái; bằng không, nó sẽ làm thịt ta.

– Phải can đảm leo xuống hố thẳm đời mình để tìm ra.

– Con thấy ông Gorbachov rất có lý khi đề ra phương châm: Glasnost & Perestroika. (Công khai, trong suốt và cải tổ, tái cấu trúc). Từng giây phút trong đời, phải trong sáng minh bạch với những u uẩn của hố thẳm đời mình, rồi tái cấu trúc. Đó đúng là sám hối, là tu luyện.

– Cuối cùng: Con thấy đời sống cầu nguyện mới là vấn đề căn bản. Học về Cửu loại chỉ là phương tiện, nhờ đó có thể áp dụng tính tình, áp dụng tâm lý vào đời sống nội tâm. Ngay bìa cuốn sách Cửu loại đã ghi: “Một hành trình nội tâm” (để được biến đổi theo ơn Chúa0. Và hiện nay có biết bao trung tâm trên thế giới được thiết lập để phục vụ tĩnh tâm, linh thao với Cửu loại (Enneagram).

– Xin Chúa giúp con, để con trở nên mục tử như lòng Chúa mong ước, như lòng dân trông đợi, như bản thân con đáng lẽ phải là.

 

Bầu khí Tĩnh Tâm