Hạt Giống Nảy Mầm Chúa Nhật 27 TN Năm A

print

HGNM CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Mt 21,33-43

A. Hạt giống…

Chúng ta hãy chú ý tới tấm lòng của ông chủ vườn nho và tấm lòng của những tá điền :

a/ Tấm lòng của ông chủ :

– Ông rất quý vườn nho của mình nên đã chăm sóc nó rất chu đáo : rào dậu chung quanh, đặt bồn ép ở giữa, xây tháp phía trên,

– thế mà ông lại trao cho các tá điền vườn nho ấy. Đó là vì ông thương họ, muốn cho họ có công ăn việc làm.

– Ông lại còn tín nhiệm họ nên dám bỏ đi xa không cần coi chừng họ.

b/ Tấm lòng của các tá điền :

– Lẽ ra họ phải vừa thương mến vừa biết ơn ông chủ, vì nhờ ông mà họ có công ăn việc làm.

– Họ cũng phải đáp lại tình thương và lòng tín nhiệm của ông chủ bằng cách mỗi năm nộp phần hoa lợi.

– Nhưng sự vô cảm và vô ơn đã khiến họ càng ngày càng xấu hơn : ban đầu không chịu nộp hoa lợi (tham lam), kế đó đánh đập những kẻ mà chủ sai đến để nhắc họ về bổn phận tối thiểu ấy (độc ác), sau cùng giết luôn đứa con trai duy nhất của chủ để chiếm đoạt luôn quyền sở hữu vườn nho (chiếm đoạt).

B… nảy mầm.

  1. Đối với chúng ta, vườn nho là tất cả những gì mà chúng ta đang “có”. Nói “có” chỉ là một cách nói vậy thôi, chứ thực ra mọi sự từ mạng sống đến sức khỏe, các tài năng, phương tiện và thời giờ đều là của Chúa và Chúa đã trao cho chúng ta vì quá thương chúng ta. Chúng ta có quyền sử dụng những thứ ấy để lo cho bản thân mình, nhưng tối thiểu chúng ta phải nộp lại cho Chúa một phần hoa lợi : dùng một phần công sức để làm việc Chúa, dùng một phần khả năng, tiền bạc…để lo cho việc Chúa và việc Giáo Hội. Nhưng chúng ta lại coi những thứ đó là “của” chúng ta, nên chúng ta tiếc rẻ khi Chúa hoặc Giáo Hội mời gọi chúng ta góp phần.
  2. Hoa lợi mà tá điền phải nộp cho chủ thường chỉ là 1/10 hay có nhiều hơn nữa thì 2/10, 3/10, 4/10… nghĩa là phần của chủ luôn ít hơn mặc dù ông là kẻ sở hữu, còn phần tá điền thì luôn nhiều hơn dù họ chỉ là kẻ được chủ chia phần. Vì thế, chiếm đoạt luôn phần hoa lợi nhỏ của chủ là một việc làm rất bất công. Trong dụ ngôn này, ông chủ đã lấy lại vườn nho mà trao cho người khác “biết phải quấy” hơn là điều chính đáng.

Trong cụ thể, tôi có “nộp” cho Chúa phần hoa lợi về thời giờ, tiền bạc, khả năng v.v. không ? 1/10 thôi, tôi có nộp đủ không ?

  1. Những người Chúa sai đến để nhắc tôi phải nộp phần hoa lợi ấy là ai ? Tôi có đối xử tệ với họ như các tá điền trong dụ ngôn này không ?
  2. Khi giảng về việc giữ ngày Chúa nhật, một Linh mục Trung hoa đã minh họa bằng câu chuyện sau : “Một người ra chợ mang theo chiếc túi có 7 quan tiền. Thấy người ăn mày tội nghiệp, ông đã quảng đại cho y 6 quan, chỉ giữ lại 1 quan. Người ăn mày thay vì cám ơn, lại đi theo rình mò và ăn cắp nốt quan tiền cuối cùng. Đúng là quân mạt rệp đáng khinh ! Nhưng thử hỏi, Chúa cho ta 6 ngày làm việc, thế mà còn một ngày thứ bảy để ta nhớ đến Chúa mà nhiều khi ta cũng tiếc xót, thế thì ta là gì ?”. (Góp nhặt)
  3. Khi Linh mục đang thống kê tình hình của xứ đạo, ngài hỏi một gia đình câu hỏi thường lệ :

– Các con có thường cầu nguyện chung cả gia đình không ?

Gia trưởng trả lời :

– Thưa cha, chúng con không có thời giờ.

– Giả như con biết một đứa con sẽ bị bệnh nếu chúng con không cầu nguyện, gia đình con có cầu nguyện không ?

– Ồ, con đoán chúng con sẽ cầu nguyện.

– Giả sử con biết ngày nào đó khi gia đình lơ là việc cầu nguyện, một đứa con sẽ gặp tai nạn. Các con có cùng cầu nguyện không ?

– Tất nhiên chúng con sẽ cầu nguyện.

– Giả sử mỗi ngày con quên cầu nguyện, giáo luật phạt 5 đôla. Các con có sao lãng việc cầu nguyện không ?

– Chắc chúng con sẽ cầu nguyện. Nhưng ý của những câu hỏi này là gì ?

– Vấn đề của con là không có thời giờ. Con có thể tìm được thời giờ. Con không nghĩ cầu nguyện chung gia đình là quan trọng như nộp phạt hay giữ sức khỏe cho con. Ơn ban của Chúa qua lời cầu nguyện quan trọng hơn bất cứ những gì con có thể nghĩ tới (góp nhặt).