Hạt Giống Nảy Mầm Chúa Nhật 32 Thường Niên A
Mt 25,1-13
A. Hạt giống…
Dụ ngôn mười cô phù dâu : dạy về sự tỉnh thức :
– Kitô hữu tỉnh thức là để đón chờ Đức Kitô (chàng rê() đến.
– Phải tỉnh thức luôn luôn vì không ai biết chừng nào Đức Kitô đến.
– Tỉnh thức là lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng (như đèn đầy đủ dầu).
– Chi tiết các cô khôn ngoan không cho các cô khờ dại mượn dầu có nghĩa là không ai có thể giúp ai được trước số phận đời đời.
B. Nẩy mầm.
- 5 cô khôn ngoan cũng ngủ như 5 cô khờ dại, thế mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng họ đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải là lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm: khi trách nhiệm chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền ngơi nghỉ.
- Cách sống của 5 cô khờ dại là “mặc kệ, tới đâu hay tới đó”, là cách sống của những người gần chết mới nghĩ tới việc linh hồn.
- Dầu mà tôi phải luôn chuẩn bị đầy đủ cho cây đèn linh hồn tôi là những gì ?
- Trong bài Tin Mừng này có một chi tiết hơi lạ là khi 5 cô khờ dại thấy đèn mình hết dầu, họ đã đến xin dầu nơi 5 cô khôn ngoan. 5 cô khôn ngoan này mỗi cô có cả một bình dầu đầy ắp thế mà lại không chia xẻ cho 5 cô kia. Có phải là quá ích kỷ không ? Thưa nếu là chuyện dầu đèn bình thường thì đúng là ích kỷ. Nhưng đây là những hình ảnh tượng trưng cho phần rỗi đời đời nên nó không có nghĩa là ích kỷ. Bời vì đối với phần rỗi đời đời của mỗi người, nói cách khác, đối với chuyện công đức và tội lỗi thì không ai có thể chia cho ai và cũng không ai có thể xin ai được. Anh bạn tôi chết, tôi thương anh tôi lắm nhưng tôi không thể chia cho anh những công lao phúc đức của tôi, tôi cũng không thể xin Chúa san xẻ cho tôi gánh chịu dùm một số tội lỗi của anh.
Bởi vậy, mỗi người tự gánh tránh nhiệm về cuộc đời mình, tu thân tích đức thì mình nhờ, chuốc lấy tội lỗi thì mình chịu.
- Đời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình ; một người chờ đợi bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.
Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong một cộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ. (“Mỗi ngày một tin vui”)
- “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13)
“Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ còn sống đúng một ngày nữa thôi ?” Đó là chính câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625 học sinh người Đức trong 12 trường và có kết quả:
20% được hỏi liền trả lời : “Chúng sẽ dùng thời gian còn lại để uống say sưa, hút ma túy và vui chơi cho thoả thích”.
Cuối cùng có một nữ sinh 18 tuổi trả lời : “Tôi sẽ dành thời gian còn lại để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành buổi tối cuối cùng để đến gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi môt đời sống hạnh phúc và đầy đủ”.
Chúa đến bất chợt, hôm nay, ngày mai hay một ngày gần đây. Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho giờ đó ? Hay chúng ta chỉ mãi sống trong nếp sống cũ ? Hãy canh thức để đón chờ ngày Chúa đến gọi ta.
Lạy Chúa Giêsu, bao giờ Chúa đến gọi con, hôm nay hay ngày mai ? mùa thu hay mùa xuân ? Xin Chúa giúp con để con luôn tỉnh thức chờ ngày đó. (Hosanna)