Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 25

print

Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 25

 

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Lc 8,16-18

A. Hạt giống…

Qua hình ảnh chiếc đèn được đặt nơi cao tỏa chiếu ánh sáng, Chúa Giêsu muốn khuyên tín hữu phải có một cuộc sống gương mẫu để chiếu sáng trước mặt người khác : Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến trần gian, giảng dạy về Nước Trời, thành lập Giáo hội. Ngài không muốn những điều trên dành riêng cho một nhóm người nào riêng biệt, nhưng muốn thông ban cho mọi người. Riêng các Kitô hữu, họ phải sống sao cho người ta nhìn vào mà nhận ra Tin Mừng Nước Trời. Họ đã được hưởng ánh sáng Tin Mừng thì họ đừng giữ cho riêng mình, đừng dập tắt, trái lại phải tìm cách làm lan tỏa ánh sáng đó ra chung quanh.

– “Chẳng có gì bí ẩn mà không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che dấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” : Những chữ “gì” này nói đến các mầu nhiệm Nước Chúa ấy. Trong thời kỳ của Chúa Giêsu thì chúng còn được che dấu, còn là bí ẩn. Nhưng đến thời các tông đồ và thời của Giáo Hội, chúng phải được loan truyền, tỏa lan rực rỡ như ánh sáng của ngọn đèn đặt trên nơi cao.

“Vậy hãy để ý đến cách thức anh em nghe” : Do cách nghe lời Chúa mà lời đó có kết quả hay không.

“Ai có thì sẽ được cho thêm, còn ai không có thì ngay cái họ tưởng có cũng sẽ bị lấy mất” : Câu này là một ngạn ngữ được Chúa Giêsu mượn dùng. Một kinh nghiệm ở đời là kẻ đã giàu thì ngày càng giàu thêm, còn người đã nghèo lại cứ nghèo thêm, bởi vì “vốn sinh lãi, nợ đẻ nợ”. Chúa Giêsu mượn kinh nghiệm này để khuyến khích người ta chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa : càng thực thi Lời Chúa thì lại càng được hiểu Lời Chúa nhiều hơn.    

B…. nẩy mầm.

  1. Lời Chúa là chiếc đèn soi sáng cho tôi và cho mọi người. Mỗi ngày ngọn đèn Lời Chúa được thắp sáng trong Thánh lễ và lúc nguyện gẫm. Để đèn trên giá cao là tôi sống Lời Chúa và nói Lời Chúa cho nhiều người khác được nghe. Lấy hũ che đèn lại hoặc đặt đèn dưới gầm giường là nghe Lời Chúa xong rồi quên đi, suốt ngày không nghĩ tới và không nói tới nữa.
  2. Thực tế của các kitô hữu Việt Nam là đọc kinh, dự lễ nhiều nhưng chưa có thói quen học hỏi và sống Lời Chúa.
  3. Thánh Giacôbê đã viết : “Một đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Một đức tin không được diễn đạt, không được ứng dụng trong đời sống hằng ngày phải chăng không là đức tin chết ? (“Mỗi ngày một tin vui”)
  4. “Chẳng có gì bí ẩn mà không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che dấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” (Lc 8,17)

Với ước mong “làm được cái gì đó” cho những người dân quê, chúng ta lên đường tham gia chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè ở biên giới Tây Ninh. Lòng nhiệt thành hăng say của tuổi trẻ khiến chúng tôi bị hụt hẫng khi nhận ra những giới hạn của mình. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó thật lớn lao cho họ nhưng đành bất lực.

Xin cảm tạ Cha vì Ngài đã cho con biết rằng : không phải khi nào con làm được điều gì lớn lao mới là lúc con làm vinh danh Chúa, nhưng từ những hành vi dù rất nhỏ bé của con : kể một câu chuyện, tập hát cho lũ trẻ, nghe và chia sẻ cùng thanh niên, đi làm chung với những người già… thì hình ảnh của Cha cũng sẽ ngày càng lớn lên trong mọi người (Hosanna)

Thứ Ba :

Lc 8,19-21

A.Hạt giống…

Bài tường thuật cho thấy rõ hai nhóm người khác nhau : a/ Những kẻ đang nghe Chúa Giêsu giảng thì ở bên trong, gần Ngài, họ còn được Chúa Giêsu mô tả là những kẻ “nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” ; b/ Nhóm kia thì “đứng” ở ngoài và “không thể đến gần Ngài được”. Ý muốn của họ chỉ là muốn “thấy” Ngài (cách dịch sát nghĩa câu 32b) chứ không phải để “nghe” và “thực hành” những Lời Ngài dạy. Nhóm a mới là gia đình thật của Chúa Giêsu.

Nếu như không có Đức Maria hiện diện trong nhóm b thì đoạn này rất dễ hiểu. Nhưng vì có Đức Maria cho nên ta cảm thấy hơi khó chịu khi thấy Chúa Giêsu không coi nhóm này là gia đình thật của Ngài. Thực ra không phải Chúa Giêsu phủ nhận tư cách làm mẹ của Đức Maria đối với Ngài. Trái lại đây chính là một cách Ngài đề cao Người : Đức Maria tuy có mặt trong nhóm b nhưng không giống những người trong nhóm đó. Người là kẻ luôn luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa (xem 1,38 “Bấy giờ Maria nói “Vâng, tôi là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” ; 1,45 Lời Êlisabét nói với Maria : “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” ; 2,19 Sau khi các mục tử đến thăm Chúa Giêsu, “Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” ;  2,52 Sau chuyện tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền thờ “Mẹ Ngài hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” v.v.) : Đức Maria xứng đáng là mẹ thật của Chúa Giêsu bởi vì Người không chỉ làm Mẹ của Ngài về phần xác thịt mà còn vì Người luôn lắng nghe, ghi nhớ và thi hành Lời Chúa.

B…. nẩy mầm.

  1. Những bài Tin Mừng trong mấy ngày liên tiếp gần đây đều nhắc nhở việc phải thi hành những Lời của Chúa mà mình đã nghe. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn khuyến khích việc đó bằng cách coi những người thực hành Lời Chúa là gia đình thật của Ngài, thân thiết hơn cả gia đình tự nhiên.
  2. Chúa Giêsu không có ý chối bỏ liên hệ ruột thịt đối với Mẹ Ngài và thân thuộc, nhưng muốn mọi người hiểu rằng mối liên hệ quan trọng nhất đối với Ngài là liên hệ đức tin. Bất cứ ai sống theo Lời Ngài, người đó có liên hệ với Ngài. Ai càng sống Lời Ngài, người đó càng kết hợp mật thiết với Ngài… Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Ngài, là anh em trong gia đình Ngài không phải vì danh hiệu Kitô chúng ta đang có, mà vì những hoa trái Lời Ngài được chúng ta làm trổ sinh trong cuộc sống. Hoa trái ấy chính là hành động của yêu thương, hòa bình, tha thứ, nhẫn nhục. Cuộc sống càng được dệt bằng những hành động ấy, quan hệ giữa chúng ta và Chúa Giêsu càng trở nên mật thiết hơn. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  3. Theo ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này, Đức Maria hai lần xứng đáng là Mẹ Chúa Giêsu : Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ vì đã sinh ra Chúa Giêsu mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Chúa (“Mỗi ngày một tin vui”)
  4. ” Mẹ và anh em Chúa Giêsu đến gặp Người mà không làm sao lại gần được vì dân chúng quá đông” (Lc 8,19)

Thế là chúng tôi đã bỏ lễ ngày Chúa nhật vì đường xa và lầy lội quá. Đi lên Hòa Hiệp vùng biên giới xa xôi, chúng tôi ước ao gặp được một nhà nguyện hay một nhà thờ nho nhỏ. Nhưng đất Hòa Hiệp rất ít người công giáo. Hơn nữa, người dân phải lao động đầu tắt mặt tối để kiếm sống nên không có thời gian đi lễ. Có quá nhiều lý do để người ta không thể dự lễ Chúa nhật dù lòng họ vẫn muốn đến với Chúa.

Tôi cảm thấy xấu hổ vì ở gần nhà thờ mà lười biếng đi dự lễ. Tôi tự nhủ : phải siêng năng hơn, vì có những người muốn đi lễ mà không được.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến Chúa và tìm mọi cách để đến với Chúa. (Hosanna)

Thứ Tư :

Lc 9,1-6

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu sai Nhóm 12 đi loan Tin Mừng và chỉ dẫn họ những điều cần thiết khi thi hành sứ mạng :

  1. Sứ mạng :

– Họ sẽ được tham dự vào chính sứ mạng của Thầy mình, cho nên Chúa Giêsu ban cho họ năng lực, năng lực của chính Ngài, năng lực mà Ngài đã dùng để thực hiện các phép lạ mà chúng ta đã thấy ở các đoạn trước ; Ngài cũng ban cho họ quyền phép, cũng là quyền phép của chính Ngài, quyền phép mà Ngài đã dùng để xua trừ ma quỷ mà chúng ta cũng đã thấy ở những đoạn trước.

  – “Trừ mọi thứ quỷ và chữa các thứ bệnh” : người do thái quan niệm bệnh tật là dấu hiệu thống trị của Satan và tội lỗi. Vậy trừ quỷ và chữa lành bệnh đều có cùng một ý nghĩa là quyền lực Thiên Chúa  đã chiến thắng Satan.

  1. Những chỉ dẫn cần thiết :

– Chỉ dẫn thứ nhất là về lúc đi đường : đừng để mình bị quá vướng víu với những nhu cầu và phương tiện vật chất, nhờ thế mà sẽ biết phó thác vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa hơn. Muốn thế người tông đồ phải : a/ “Đừng mang gì đi đường” để được thảnh thơi khỏi cồng kềnh ; b/ “Đừng mang gậy” : gậy nhằm tự vệ khi bị kẻ ác tấn công dọc đường. Người tông đồ khỏi lo việc này vì chính Chúa Quan Phòng sẽ bảo vệ họ ; c/ “Bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” : đó là những món có tính cách dự trữ, phòng xa cho những nhu cầu vật chất. Việc phòng xa này cũng không cần thiết vì Chúa Quan Phòng đã lo sẵn có những người dọc đường cung cấp các thứ cần thiết ấy cho người tông đồ.

– Chỉ dẫn thứ hai là về chỗ ở : Tông đồ không nên so đo chọn nơi ở sao cho vừa ý nhất, do so đo như vậy mà cứ đổi từ chỗ này sang chỗ khác cho dễ chịu hơn. Chúa Giêsu dặn phải chọn người xứng đáng ở trọ nhà họ rồi trọ luôn một chỗ đó. Cv 16,15 là một thí dụ minh họa cho điểm này.

– Chúa Giêsu cũng dự trù một trường hợp đặc biệt : có thể có nơi sẽ không chịu đón tiếp người tông đồ. Gặp trường hợp đó người tông đồ hãy “Ra khỏi thành và giũ sạch bụi chân để tỏ dấu phản đối họ” : theo tục lệ do thái, cử chỉ này có nghĩa là đoạn tuyệt. Xứ nào không đón nhận Lời Chúa thì bị kể không phải là Đất Thánh, bụi của xứ đó đều là bụi dơ, phải phủi lại kẻo mang bụi dơ ấy sang những xứ biết đón nhận Lời Chúa. Cử chỉ phủi bụi chân và ra đi cũng có ý tuyên bố rằng từ nay người tông đồ không còn trách nhiệm với nơi đó nửa, trách nhiệm thuộc về chính nơi đó. Cv 13,51 cũng là một minh họa cho điểm này.

B…. nẩy mầm.

  1. Đã lãnh nhận đức tin cách nhưng không thì chúng ta cũng có bổn phận truyền bá đức tin ấy cách nhưng không. Truyền giáo không phải là một việc “nhiệm ý làm thêm”, mà là một trách nhiệm của công bằng.
  2. Dù không có sẵn bao bị, gậy, bánh, tiền… tức là những khả năng phương tiện, ta cũng đừng ngại thi hành bổn phận truyền giáo, bởi vì dù chúng ta có những thứ đó Chúa Giêsu cũng bảo chúng ta đừng mang theo. Chúng ta có được sự hỗ trợ đắc lực nhất là chính Chúa.
  3. Truyền giáo trước tiên không phải là nhằm dạy cho người ta biết một số kiến thức về giáo lý mà là nhằm “xua trừ ma quỷ và chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là đẩy lùi những sự dữ và sự xấu ra khỏi con người.

Có lẽ từ trước tới nay tôi chưa ý thức mục tiêu này.

  1. “Ngài sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc, loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi”.

Các môn đệ xưa là những người dân lương thiện, chất phát. Họ xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau : trí thức có, bình dân có… tất cả đều được sai đi để loan báo Tin Mừng. Với cả sự nỗ lực và lòng nhiệt thành, họ đã ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ.

Những người trẻ chúng ta cũng được mời gọi rao giảng Lời Chúa. Có thể chúng ta không phải đến những nơi xa xôi, mà ở đây, bằng chính cuộc sống của mỗi người nơi môi trường học đường, gia đình, làng xóm…

Lạy Chúa, xin ở bên con và bước đi cùng con (Hosanna)

Thứ Năm :

Lc 9,7-9

A. Hạt giống…

Phản ứng của vua Hêrôđê trước dư luận về Chúa Giêsu :

– Những dư luận về Chúa Giêsu : a/ Gioan tẩy giả sống lại, b/ Êlia hiện ra, c/ một tiên tri thời xưa sống lại.

– Phản ứng của Hêrôđê : a/ Hơi sợ, vì nếu Gioan tẩy giả sống lại thật thì ông sẽ bị Gioan hỏi tội, bởi ông đã ra lệnh chém đầu Gioan ; b/ Mặt khác, vốn chịu ảnh hưởng văn hóa hy lạp, ông không tin vào việc sống lại, cho nên ông không nghĩ rằng Chúa Giêsu là Gioan, Êlia hay bất cứ một tiên tri nào khác sống lại ; c/ tuy nhiên ông không thể cắt nghĩa việc Chúa Giêsu làm những phép lạ. Tóm lại, ông phân vân. Vì thế ông tìm cách gặp Chúa Giêsu.

B…. nẩy mầm.

  1. Ngày xưa có nhiều dư luận về Chúa Giêsu. Các tông đồ đã đi khắp nơi để làm chứng cho người ta hiểu đúng Chúa Giêsu thực sự là ai.

Ngày nay cũng có nhiều dư luận sai lạc về Chúa Giêsu. Người ta nghĩ Ngài là ai ? (những người của các tôn giáo khác nghĩ gì ? những người vô thần nghĩ gì ? những người đầu óc nặng thành kiến khoa học, thực dụng nghĩ gì ?…) Thực ra, Chúa Giêsu là Ai ? Tôi phải làm chứng cho Ngài thế nào ?

  1. Hêrôđê tìm cách gặp Chúa Giêsu chỉ để giải đáp một thắc mắc và để thỏa mãn một sự tò mò. Phần tôi thì tìm gặp Chúa Giêsu để xin ơn. Như thế có đủ và đúng chưa ?
  2. Dù muốn hay không, người ngoài Giáo Hội vẫn đồng hóa Kitô hữu với Đức Kitô. Thấy kitô hữu thế nào thì họ nghĩ Đức Kitô thế ấy. Vì thế, dù muốn hay không, cách sống của kitô hữu cũng là một lời chứng về Đức Kitô. Làm chứng đúng hay sai, tốt hay xấu là trách nhiệm nặng nề của chúng ta.
  3. Chúa Giêsu đã là một dấu hỏi cho những người thời Ngài. Mỗi người chúng ta cũng phải là một dấu hỏi cho những người thời nay. Một kiểu sống rập khuôn “ai sao tôi vậy”, một kiểu sống sợ bị người khác coi là khác thường… không phải là một dấu hỏi. Ta không chủ trương sống lập dị, nhưng ta không có quyền che dấu những nét đẹp độc đáo của niềm tin chúng ta.
  4. Vua Hêrôđê nói : ‘Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu. Vậy ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?’ Vua Hêrôđê tìm cách thấy mặt Chúa Giêsu” (Lc 9,9)

Khi nghe dư luận đồn về Chúa Giêsu : “Đó là Gioan từ cõi chết chỗi dậy” hay “Ông Êlia xuất hiện”… vua Hêrôđê tìm dịp gặp Chúa Giêsu để xem Ngài là ai.

Khác với Hêrôđê, để tìm gặp Chúa, Dakêu đã dấn bước lên đường. Ông leo cây và đã bắt gặp ánh mắt Chúa giữa đám đông. Ông đã biến đổi hoàn toàn. Còn Nicôđêmô lại tìm Chúa trong khung cảnh tĩnh mịch ban đêm.

Tôi cũng tìm Ngài trong cuộc đời, trong những giờ phút thinh lặng cầu nguyện, trong tiếng cười nói vui đùa của trẻ thơ, hay trong muốn người tôi gặp gỡ. Và tôi tin rằng Chúa sẽ không chối từ khi tôi biết mở lòng ra đón Ngài.

Lạy Chúa, niềm vui và hạnh phúc của con là được gặp Ngài trong cuộc đời. (Hosanna)

Thứ Sáu :

Lc 9,18-22

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói đến những dư luận về Chúa Giêsu :

– Trong dân chúng thì có 3 dư luận : a/ Ngài là Gioan Tẩy giả sống lại ; b/ Ngài là Êlia xuất hiện ; c/ Ngài là một ngôn sứ thời xưa sống lại. Cách chung, dân chúng đánh giá Ngài khá cao : Ngài không phải là một người thường như mọi người, nhưng là người đặc biệt thuộc hàng tiên tri : giảng hay và có khả năng làm phép lạ.

– Chỉ một mình Phêrô, do ơn soi sáng đặc biệt, nên biết Chúa Giêsu chính là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

– Tuy nhiên Phêrô vẫn nghĩ về Đấng Kitô theo cách nghĩ thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng cứu thế oai phong hiển hách. Bởi đó Chúa Giêsu phải sửa lại cách nghĩ ấy : Ngài là Đấng Kitô chịu nạn chịu chết rồi mới sống lại.

B…. nẩy mầm.

  1. Tôi hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Giêsu. Nhưng tôi hãnh diện về phương diện nào ? Vì Chúa Giêsu là Chúa, cao cả hơn Đức Phật và các vị sáng lập những tôn giáo khác ? Vì Giáo Hội của Chúa có đông tín đồ, có tổ chức quy mô ? vv… Có khi nào tôi hãnh diện vì Chúa của tôi là một vị Thiên Chúa chết trên Thập giá không ? Tôi có nghĩ như thánh Phaolô rằng “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô” không ?
  2. “Simon Phêrô thưa rằng ‘Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa’. Và Ngài ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai” : Ngày nay chắc Chúa không còn ngăn cấm chúng ta rao giảng về Ngài như là một Đức Chúa quyền phép vinh quang. Nhưng Ngài sẽ chưa hài lòng nếu chúng ta chưa rao giảng về Ngài như một Đức Chúa chết trên Thập giá vì tội loài người và vì yêu thương loài người.
  3. Vị khách đến uỷ lạo một thương binh trong bệnh viện

  – Anh thuộc giáo hội nào ?

  – Tôi thuộc giáo hội của Chúa Kitô.

  – Cái gì thuyết phục anh vào giáo hội đó ?

  – Thuyết phục ư ? Rồi nhìn lên tượng chịu nạn, anh tiếp : phải, tôi bị Ngài thuyết phục đến độ ngay cả sự sống sự chết, thần quyền thế quyền… không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.” (Góp nhặt)

  1. “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế và các luật sĩ từ bỏ” : đau khổ là điều Chúa Giêsu phải chịu ; bị từ bỏ, và từ bỏ không những bởi dân thường mà bởi những kẻ chính thức mắm quyền lãnh đạo tôn giáo, đó cũng là điều Chúa Giêsu phải chịu.

Khi tôi gặp đau khổ ; khi tôi bị từ bỏ, nhất là từ bỏ bởi những người mà tôi đặt rất nhiều hy vọng vào họ, tôi có nghĩ đó là thập giá mà tôi phải vác không ? Tôi có ý thức rằng mình đang được chia sẻ thân phận của Chúa tôi không ?

  1. “Chúa Giêsu hỏi : Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (Lc 9,20)

Hình như có ai đang hỏi, đang mời tôi suy nghĩ.

Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai ? Giờ này, đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không ?

Hay chỉ là một chiếc bóng bên đường, một lần cất bước đi qua để lại thoáng nhớ mong manh, rồi chìm dần vào quên lãng.

Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai ? Giờ này, đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không ?

Hay một lần Ngài đến giữa đêm khuya, rồi thầm cất bước ra đi, để lại thoáng chút dư âm, tàn dần với thời gian…

Ngài là ai ? Là ai lúc tôi vui, lúc tôi buồn, lúc tôi ghen, lúc tôi hờn, lúc tôi yêu… ?

Ngài là ai ? là ai khi tôi thành công, lúc tôi thất vọng, khi lầm than, lúc thanh nhàn, và trong suốt cuộc đời… ?

Giêsu ơi, khi quì đây và trong suốt cuộc đời, xin được gọi Ngài là Cứu Chúa của con. (Hosanna)

Thứ Bảy :

Lc 9,43b-45

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu báo tin lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn chịu chết.

– Ngài báo tin này “đang lúc mọi người thán phục” về những phép lạ hiển hách Ngài đã làm.

– Dù đây đã là lần thứ hai Ngài nói về điều này, “nhưng các ông không hiểu”

– Dù không hiểu, nhưng “các ông không dám hỏi”.

B…. nẩy mầm.

  1. Đang lúc các môn đệ phấn khởi về quyền phép Chúa Giêsu thể hiện qua những phép lạ Ngài làm, thì đùng một cái Ngài cho các ông biết là Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và giết chết. Phải chăng Chúa muốn làm các ông mất hứng ? Không, Chúa muốn dẫn các ông trở lại đúng con đường Ngài và các ông phải đi.

Nhiều khi chúng ta đang phấn khởi vì những niềm vui và những thành công, thì đùng một cái, đau khổ và thất bại ập đến. Cũng không phải là Chúa làm chúng ta mất hứng, mà Ngài đang dẫn chúng ta trở lại đúng con đường của mình. “Ai muốn theo Thầy, hãy vác thập giá mà theo”.

  1. “Nhưng các ông không hiểu” : chúng con cũng chẳng hiểu. Tại sao con phải đau khổ ? Tại sao Chúa để Giáo Hội gặp nhiều khó khăn ? Tại sao kẻ làm lành mà lại bị thiệt thòi ? Tại sao thế này, tại sao thế nọ ? Tuy nhiên chúng con nhớ là Chúa đã bảo phải như thế !
  2. “các ông không dám hỏi” : chúng ta đừng làm như các môn đệ xưa. Khi không hiểu về Thập giá, chúng ta cứ hỏi Chúa. Ngài sẽ trả lời : “Vì Thầy yêu thương chúng con. Thầy muốn chúng con chia sẻ thân phận của Thầy”.
  3. Xem chừng như tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao tội ác : vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết chết đứa con trong lòng mình ; vì không muốn thấp người thân đau khổ mà người ta giết họ chết cách êm dịu, vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác : hoả ngục là như thế đó… Đau khổ mà không chấp nhận, không có tình yêu thì chỉ là hoả ngục mà thôi (“Mỗi ngày một tin vui”)
  4. “Chúa Giêsu nói với các môn đệ : ‘Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời’. Nhưng các ông không hiểu lời đó” (Lc 9,44-45)

Từ khi vợ mất, ông lão dọn đến đây ở với đứa con gái duy nhất, những mong tìm được nguồn an ủi trong những tháng ngày còn lại. Nhưng hình như ông đã già lắm rồi thì phải. Ít ra, thái độ của cô con gái khiến ông cảm thấy như thế.

… Đã thành lệ, mỗi buổi sáng sau khi nhận được ít tiền từ con gái, ông lại lủi thủi mình. Con gái ông còn bận “ngoại giao” bên hàng xóm hoặc vòng vòng ngắm nghía phố thị. Phần buồn nhớ vợ, phần cô đơn, ông đâm ra nghĩ quẩn… Vài ngày sau khi ông bỏ đi, người con gái nhận được giấy báo lên nhận xác ông, nghe đâu được một người dân chài vớt lên…

Đã bao lần tôi là thế, vô tư với nỗi niềm của người bạn bên cạnh tôi, những Giêsu của ngày hôm nay. Họ cũng đang cần sự cảm thông của tôi như Giêsu ngày xưa tìm kiếm sự đồng cảm nơi các môn đệ.

Lạy Chúa, xin cho con một trái tim đừng chỉ đập những nhịp đập cho riêng mình, nhưng còn biết rung lên những khúc ca vui với niềm vui của người khác, và cũng biết đớn đau trước nỗi đau của bao người quanh con. (Hosanna)