Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 13  Mùa Quanh Năm

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 13  Mùa Quanh Năm

 

CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN.

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Lc 9,51-62

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cũng gồm 2 chuyện:

  1. Chuyện một làng Samaria không đón tiếp Đức Giêsu: Trước sự việc trái ý này, một lần nữa, Gioan (và Giacôbê) biểu lộ những thói xấu rất tầm thường của con người :

– Tính nóng nảy : hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt.

– Óc bè phái :  phân biệt bạn thù và hở một chút là muốn tiêu diệt kẻ thù.

– Lạm dụng quyền hành : ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân.

Thái độ Chúa Giêsu dạy hai bài học :

– Xác định ý hướng căn bản của sứ mệnh : Con Người đến không phải để giết chết mà để cứu sống.

– Nhường nhịn : làng này không tiếp mình thì sang làng khác.

  1. Chuyện 3 người muốn làm môn đệ Đức Giêsu : Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật (vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật ra sao), mà là giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều kiện để làm môn đệ Ngài.

– Người thứ nhất muốn đi theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xảy ra trong xã hội thời đó : có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm. (xem Ga 1,37-49)

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không giống như các rabbi : cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang rày đây mai đó, vì Ngài là một con người bị từ chối (x. chuyện trên, một làng Samaria không tiếp rước Ngài). Vậy điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là phải giống Ngài ở chỗ chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và còn có thể bị giết chết nữa.

– Người thứ hai : không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa Giêsu, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên : ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.

   – “Mặc cho kẻ chết chôn người chết” : tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels chôn les morts”. Điều kiện thứ hai là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (x.Mt 15,3-9) nhưng Ngài dạy rằng trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.

– Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1.V 19,19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu cũng khiến ta nhớ lúc đó Êlisê đang kéo cày “đầu ngoái lại sau” : còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị vv…), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.

Theo văn mạch : Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách : hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria ; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ.

B… nảy mầm.

  1. Không nên phản ứng theo cảm xúc tự phát, nhất là cảm xúc nóng giận. Phải phản ứng theo định hướng căn bản của sứ mệnh của mình : không nhằm giết chết mà nhằm cứu chữa.
  2. Quyền hành không phải để trừng trị kẻ không làm đúng ý mình, mà để phục vụ.
  3. Theo suy nghĩ của loài người, nhường là thiệt thòi, nhịn là nhục. Nhưng theo suy nghĩ của Chúa, nhịn nhục là biểu lộ một nhân cách rất vững vàng và một tấm lòng rất khoan dung.
  4. Một Cha sở già kia có nhiều kinh nghiệm thường khuyên các đôi tân hôn như sau : “Khi các con thấy trong nhà sắp xảy ra cãi vã, các con hãy nói với nhau : “Để sáng mai rồi hãy gây gỗ”. Sáng hôm sau các con sẽ thấy rằng việc hôm qua thật là nhỏ nhoi không đáng gây gỗ chút nào. Khi các con sắp có chuyện cãi vã, chúng con hãy ngậm hoài một ngụm nước lạnh cho đến khi ngụm nước nóng lên. Rồi cứ tiếp tục ngậm ngụm nước khác. Làm như thế các con sẽ bớt được những xô xát đổ vỡ trong gia đình. (Trích “Phúc”)
  5. Nhiều lần trong lúc sốt sắng, tôi cũng thưa với Chúa “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy”. Thế nhưng trên thực tế con cũng như các nhân vật xưa đã không thực sự theo Chúa vì những thành kiến (như dân làng Samaria) ; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ (3 người được kể trong Tin Mừng hôm nay).
  6. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” : đôi khi tôi cũng gặp cảnh thiếu thốn cả những tiện nghi cơ bản như thế. Cám ơn Chúa vì khi đó con đã không rút lui. Nhưng thú thật là tinh thần con đã bị chao đảo, nhiệt tình con đã bị nguội lạnh.
  7. “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” : Tuy là môn đệ Chúa, tức là người chuyên lo những việc của Nước Trời, nhưng đầu óc tôi vẫn còn vấn vương những lo lắng thế tục, lo cho gia đình, cho những người thân. Chúa không cấm tôi nghĩ đến những việc đó và những người đó. Nhưng Chúa khuyên tôi đừng để những lo lắng ấy xâm lấn nhiệm vụ chính hiện tại của tôi, ngoài ra tôi còn phải biết phó thác vào Chúa quan phòng nữa.
  8. “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngoái lại sau lưng thì không xứng đáng…” : quá khứ mà Chúa dạy tôi phải quên đi là những quyến luyến tình cảm thế phàm, những ước mơ thế tục, kể cả những mặc cảm tội lỗi xa xưa…
  9. Một linh sư Ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quý như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giàu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quý. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném luôn xuống sông và nói : “Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”.

Chúa Giêsu cũng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ dứt khoát như thế. (“Mỗi ngày một tin vui”)

 

Thứ Hai :

Mt 8,18-22

A. Hạt giống…

Câu chuyện hai người xin đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu. Qua những câu Chúa Giêsu trả lời, ta hiểu được Ngài là ai và cái giá phải trả để đi theo làm môn đệ Ngài là gì :

– Câu trả lời thứ nhất (c 20) : a/ Đức Giêsu là Messia (mà Đanien xưa gọi là “Con Người” Đn 7,13) ; b/ Nhưng là một Messia nghèo nàn đến nỗi không có chỗ tựa đầu (“Con Người” trong Đanien thì rất vinh quang).

– Câu trả lời thứ hai (c 22) : Đức Giêsu là Messia không phải chủ yếu để lo chuyện thế tục (chuyện kẻ chết, hiểu theo nghĩa mortel), mà lo chuyện cao hơn (việc Nước Trời).

Tại sao Đức Giêsu trả lời như vậy ? Vì có lẽ những người xin đi theo Ngài nghĩ Ngài là một Messia vinh quang giàu sang. Ngài nói rõ và thẳng để họ dễ quyết định có còn muốn theo Ngài nữa không.

B…. nẩy mầm.

  1. “Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng dân chúng vây quanh Ngài thì Ngài ra lệnh sang qua bờ bên kia” : Ngài muốn xa lánh dân chúng. Có lẽ vì Ngài hiểu họ theo Ngài vì lý do vụ lợi vật chất. Ngài phải tạm xa họ để làm dịu bớt lòng vụ lợi đó và để họ có dịp xét lại động cơ thúc đẩy họ theo Ngài.

Đôi khi hình như Chúa cũng xa lánh tôi như thế. Khi đó tôi phải dừng lại suy nghĩ lại về mình và về Chúa : tôi như thế nào mà Chúa tạm xa tôi, Chúa muốn nói gì với tôi khi xa lánh tôi như thế.

  1. Hôm nay tôi phải xác định tôi theo Chúa nhằm mục đích gì. Nếu tôi theo Ngài để được sung sướng, vinh dự v.v. thì chẳng sớm thì muộn tôi sẽ thất vọng và sẽ bỏ Ngài. Sung sướng và vinh quang thì chắc chắn Ngài sẽ ban cho tôi, nhưng là kiểu sung sướng với vinh quang của Nước Trời, và chúng chỉ đến sau hành trình vác thập giá theo Ngài.
  2. Một cái hang đối với con chồn, một cái tổ đối với con chim, và một chỗ gối đầu đối với con người. Đó là như cầu an ninh tối thiểu. Nhưng Chúa Giêsu đòi người môn đệ muốn đi theo Ngài cũng phải từ bỏ cả cái nhu cầu tối thiểu ấy.

Cái hang, cái tổ và cái chỗ gối đầu của tôi không phải chỉ là một mái nhà mà là cái bản năng tìm sự thoải mái, tiện nghi. Có tiện nghi thoải mái thì tốt. Nhưng khi cần – do hoàn cảnh túng thiếu, hoặc do yêu cầu mục vụ – tôi phải sẵn sàng hy sinh từ bỏ. Mà để có thể sẵn sàng hy sinh từ bỏ thì tôi phải tập để không lệ thuộc vào chúng.

  1. Việc của “kẻ chết” là những việc vật chất, thế gian. Người môn đệ có một việc khác phải quan tâm lo nhiều hơn, đó là việc “kẻ sống” tức là những việc mang lại sự sống thật, sự sống đời đời. Tôi liệt kê những việc tôi đang lo và so sánh xem loại việc nào tôi quan tâm hơn.
  2. Kitô giáo thiết yếu không phải là một ý thức hệ, mà là một con người. Niềm tin của chúng ta thiết yếu không phải là một giáo điều, mà là một con người. Cuộc sống của chúng ta thiết yếu không phải là một chuỗi những cố gắng làm điều thiện tránh điều ác, mà là một con người…. Chúa Giêsu không chỉ rao giảng một giáo lý, mà còn đòi hỏi mọi người phải đi theo Ngài. Theo Ngài vô điều kiện, theo Ngài một cách dứt khoát. (Chờ đợi Chúa)
  3. Tôi gặp lại chị sau nhiều năm xa cách. Chị rất mừng mời tôi ghé nhà uống nước. Nhưng khi tôi nhìn thấy bàn thờ Phật trong nhà chị và bức tượng Phật bằng vàng đeo trên cổ chị thì chị tỏ ra ngượng ngùng. Chị giải thích :

– Bây giờ con theo đạo Phật rồi cha ạ.

Tôi ngạc nhiên chưa kịp hỏi lý do thì chị nói tiếp :

– Con theo Chúa bấy lâu, xin Chúa cho con làm ăn khá giả mà không được. Bây giờ con theo xin Đức Phật xem có được hay không.

Tôi không còn biết khuyên gì nữa cả. Khuyên gì bây giờ khi người ta đã không còn đức tin ? Tôi chỉ muốn giữ một liên hệ tốt để sau này có dịp trở lại :

– Thì tuỳ chị thôi. Chị cứ theo Phật thử xem có giàu không. Khoảng năm sau tôi trở lại xem kết quả nhé !

Uống nước xong, tôi ra về, đầu óc vấn vương với ý tưởng “Nếu theo Chúa để có tiền thì sẽ như thế đó”.

Thứ Ba :

Mt 8,23-27

A. Hạt giống…

Qua phép lạ dẹp yên bão táp, Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các môn đệ biết thêm về Ngài, đồng thời huấn luyện đúc tin các ông :

– Người do thái cho rằng biển cả là sào quyệt của quỷ dữ, biển động là dấu quỷ dữ lộng hành. Họ cũng nghĩ rằng chỉ một mình Thiên Chúa và những kẻ được Thiên Chúa ban quyền đặc biệt mới có thể chế ngự được sức mạnh của biển cả. Vậy việc Chúa Giêsu dẹp yên bão biển chứng tỏ Ngài có sức mạnh của Thiên Chúa.

– Chúa Giêsu ngủ đang lúc bão : không phải vì Ngài quá mệt. Thực ra Ngài “làm bộ” ngủ thôi, để thử xem các môn đệ có an tâm giữa giông bão khi có Ngài hiện diện giữa họ không. Các ông đã sợ hãi cuống cuồng chứng tỏ các ông chưa vững tin. Bởi đó sau phép lạ, Ngài đã trách “Hỡi những kẻ yếu lòng tin”.

B…. nẩy mầm.

  1. “Chúa Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Ngài, và đây biển động dữ dội” : con đường Chúa dẫn các môn đệ đi theo không phải là một con đường bằng phẳng êm ả, nhưng nhiều khi đi trong tăm tối, nhiều lúc đi vào bão táp phong ba. Nếu người môn đệ thực sự tin vào Ngài thì luôn phó thác trong an bình. Ngược lại, khi gặp tối tăm hay bão táp mà cuống cuồng sợ hãi thì đó là dấu người ấy còn kém lòng tin.
  2. “Thế mà Ngài vẫn ngủ” : Chúa Giêsu vẫn xử sự như thế, xưa cũng như nay. Chính vì thế mà nhiều người đã phải lo sợ cuống cuồng : Sao Chúa vẫn ngủ ? Sao Chúa không ra tay ? Chúa vắng mặt rồi ư ? Hay Chúa đã chết ? Hay Chúa đã bỏ con ? Nhân đức phó thác là như thế : vẫn an tâm giữa phong ba bão táp cho dù không thấy Chúa hành động gì cả. Ước gì tôi có tinh thần phó thác đến mức độ ấy.
  3. Một người hành hương gặp bệnh dịch đang vào Baghdad. Anh hỏi bệnh dịch  : “Mi định làm gì ở đó ?”

– Tôi sẽ giết 5000 người.

Người hành hương rùng mình và thay đổi dự định. Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó và được biết không phải 5000 nhưng là 50.000 người chết.

Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một thành phố khác. Ông buộc tội : “Anh nói láo. Anh nói sẽ chỉ giết 5000 người thôi mà”.

Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ : “Tôi chỉ giết có 5000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ”. (Góp nhặt)

  1. Mỗi khi nghĩ tới nhân đức phó thác là tôi nhớ đến 2 bức tranh : hình bức thứ nhất vẽ một đứa bé nằm ngủ ngon lành trong vòng tay ôm của me, ngoài kia trời đang mưa lớn, những tia chớp xé trời, những tiếng gầm làm rung rinh các cánh cửa ; bức thứ hai vẽ mặt biển đang nổi cơn, chiếc tàu đã tan thành những mãnh vụn, một người ướt ngoi ngóp đang ôm chặt một tảng đá nhô lên khỏi mặt biển, phía trên tảng đá có tượng Thánh giá. Bức hình được hoạ sĩ đề tên là Espérance !

Thứ Tư :

Mt 8,28-34

A. Hạt giống…

Phép lạ này mặc khải uy thế của Chúa Giêsu chế ngự được một đối thủ còn đáng gờm hơn nữa, đó là quỷ dữ.

– Đối với người do thái, heo là giống ông uế. Miền đất Ghêrasa này đầy heo vì đó là vùng của dân ngoại, nơi ngự trị của ma quỷ.

– Sức khống chế của ma quỷ rất mạnh, đến nỗi chúng đã lôi hai nạn nhân của chúng vào sống trong mồ mả, và “chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua lại đường ấy”.

– Nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng hoàn toàn : cả đàn heo (do quỷ nhập) đã nhào xuống biển chết chìm trong đó.

– Cũng nên chú ý phản ứng của dân miền đó : Họ nhận biết uy quyền của Chúa Giêsu, nhưng, vì tiếc của, họ xin Ngài rời khỏi vùng của họ.

B…. nẩy mầm.

  1. Cũng như dân miền Ghêrasa, tôi vẫn biết rằng uy quyền Chúa Giêsu trổi vượt hơn uy quyền của ma quỷ. Thế nhưng tôi muốn tiếp tục sống dưới uy quyền ma quỷ, sống với “bầy heo”, còn hơn là đi theo Chúa mà phải từ bỏ.
  2. Rowlan Hill, một nhà giảng thuyết trứ danh, trong một bài giảng đã kể chuyện sau : ngày nọ, tôi xuống phố, thấy một bầy heo chạy theo một người. Tôi thấy lạ nên để ý xem. Lạ hơn nữa là bầy heo theo người đó vào lò sát sinh  ! Tôi thắc mắc hỏi người đó làm cách nào mà dụ dỗ bầy heo tài tình như vậy. Ông đáp : “Ngài không thấy đó sao  ? Tôi mang theo rổ đậu, thỉnh thoảng vãi mấy hạt đậu xuống đường. Thế là bấy heo tham ăn chạy theo.” Rồi ngài giảng tiếp : “Tôi nghĩ ma quỉ cũng áp dụng chiến thuật đó. Nó mang theo rổ đậu, rải trên đường trần và đám đông xô nhau chạy theo, đến tận lò sát sinh vĩnh hằng.”
  3. Thái độ của dân miền Ghêrasa cho ta thấy thêm được rằng không phải Chúa Giêsu lúc nào cũng đáng yêu và được người ta thích đến gần đâu. Có nhiều lúc người ta thấy Chúa đáng sợ và người ta không muốn Chúa đến gần mình. Nhất là khi Chúa đòi người ta phải từ bỏ, khi Ngài muốn trục xuất một tên quỷ dữ thường trú bấy lâu nay ra khỏi người ta. Tôi tự hỏi : hiện giờ đối với tôi Chúa đáng yêu hay đáng sợ ? tôi muốn Chúa đến với tôi hay tôi xin Ngài tránh xa tôi ?

 

Thứ Năm :

Mt 9,1-8

A. Hạt giống…

Câu chuyện này mặc khải Chúa Giêsu là Đấng có quyền tha tội :

– Quyền này thuộc về một mình Thiên Chúa. Bởi thế khi Chúa Giêsu nói tha tội thì các luật sĩ bảo Ngài là phạm thượng.

– Muốn được Chúa tha tội thì điều kiện là phải có đức tin : “Thấy họ có đức tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng : Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”.

– Đáng chú ý, đức tin trong chuyện này là đức tin của tập thể thân nhân người bất toại : “Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói…”

– Điểm thứ hai đáng chú ý nữa là Chúa Giêsu tha tội trước khi chữa bệnh. Nghĩa là Ngài coi tội còn nguy hại hơn bệnh tật phần xác.

B…. nẩy mầm.

  1. Quyền tha tội thuộc về một mình Thiên Chúa, bởi vì bất cứ tội nào, dù hại đến tha nhân hay hại đến chính tội nhân, xét cho cùng cũng xúc phạm tới Chúa. Khi tôi xúc phạm anh chị em tôi thì cũng xúc phạm tới Chúa, bởi vì những người đó là con của Chúa. Khi tôi lười biếng không chu toàn bổn phận, tôi cũng xúc phạm tới Chúa, Đấng đã ban cho tôi những khả năng để phục vụ….
  2. Trong chuyện này, hình như người bất toại không làm gì cả. Những kẻ có công chính là thân nhân của anh. Đức tin đã khiến Chúa tha tội và chữa bệnh cho anh cũng là đức tin của các thân nhân anh. Vì thế phép lạ này là kết quả của đức tin tập thể. Khi cá nhân không làm nổi thì tập thể có thể giúp sức, trong lãnh vực tự nhiên cũng như trong lãnh vực siêu nhiên.
  3. Tội tác hại hơn bệnh. Khi tôi mắc bệnh, tôi lo chữa trị. Vậy khi tôi mắc tội, tôi có mau mắn lo chữa trị không ?
  4. Đức tin là điều kiện để được tha tội. Tôi lãnh nhận bí tích giải tội như nào : như một thủ tục, như một thói quen, hay với đức tin ? Đức tin của tôi khi xưng tội là như thế nào ?
  5. Một vị ẩn tu muốn trình bày cho thính giả biết nhiều người khi phạm tội, chỉ có cái nhìn thiển cận về hậu quả khủng khiếp của những vấp phạm hoặc chỉ nhìn thấy hình phạt trước mắt. Ông kể câu chuyện về hai tù nhân nói với nhau về những cảnh ngộ sắp tới. Anh thứ nhất nói :

– Bạn phải ở đây bao lâu, Tâm ?

– Hai tuần.

– Ở đây kiểm soát gì ?

– Không, mọi thứ đều tự do.

– Anh đã làm gì ?

– Ồ, tôi bắn vợ tôi.

– Anh giết vợ mà anh chỉ ở trong này 2 tuần ?

– Thế thôi…..sau đó, tôi sẽ bị tử hình. (Góp nhặt)

 

Thứ Sáu :

Mt 9,9-13

A. Hạt giống…

Thánh Matthêu tường thuật về việc Chúa Giêsu kêu gọi chính ông :

– Ông là một người thu thuế tội lỗi.

– Chính Chúa Giêsu là người đi bước trước tới với ông : “Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy… Ngài phán bảo ông…”

– Bởi thế ông rất mừng và nhanh chóng đáp lời : “Ông đứng dậy và đi theo”.

– Ông mừng đến nỗi ngay sau đó mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu và các bạn thu thuế của mình.

– Qua kinh nghiệm này, Matthêu hiểu Chúa Giêsu là thầy thuộc của những kẻ tội lỗi bệnh tật linh hồn : “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi”.

B…. nẩy mầm.

  1. Bản thân tôi cũng là một người tội lỗi đã được Chúa thương kêu gọi đi theo Ngài. Lẽ ra tôi phải luôn nhớ mãi hồng ân ấy và cũng quảng đại với những người tội lỗi như tôi. Thế nhưng hình như khi tôi được Chúa gọi rồi thì tôi liền quên ngay chuyện đó. Tôi tự coi mình là công chính và lên mặt khó chịu với những kẻ tội lỗi. Tôi không muốn Chúa kêu gọi thêm người tội lỗi nào nữa cả.
  2. Trước lúc Chúa gọi, Matthêu “ngồi” (tư thế không muốn thay đổi) tại “bàn thu thuế” (môi trường sống tội lỗi). Nhưng ngay khi được Chúa gọi, ông đã nhanh chóng “đứng dậy” và “đi theo”. Thái độ này biểu lộ một sự dứt khoát thay đổi, một hành trình mới.
  3. Chúa Giêsu là Thầy thuốc chữa trị những nỗi đau của con người ; Ngài đến là nhằm kêu gọi những kẻ tội lỗi ; Ngài bảo “Ta muốn lòng nhân”. Bây giờ tôi là đại diện của Chúa. Tôi phải sống và cư xử thế nào để người ta hiểu Chúa của tôi là như thế ? Tôi thấy có cần sửa đổi hay điều chỉnh gì không trong cách sống và cư xử của tôi ?
  4. Đồ phế thải và người phế thải : Abbé Pierre chuyên giúp những người nghèo và vô gia cư để họ tự lực cánh sinh từ những vật dụng phế thải. Cha kể lại câu chuyện sau đây : Có một cựu tù nhân sống lang thang không nhà không cửa nên thất vọng dùng dao cắt mạch máu của mình. Có người gọi điện thoại cho cha. Cha lập tức đến nơi. Cha không một lời an ủi nhưng nói với ông như ra lệnh : “Anh đừng tự vẫn. Còn quá nhiều người kém may mắn đang cần đến sự giúp đỡ của tôi. Tôi cũng đang bệnh và cần sự giúp đỡ của anh”. Nghe những lời đó, đôi mắt lờ đờ của người đàn ông sáng lên, và từ đó ông trở thành một trong những cộng sự viên đắc lực nhát của cha. (Chờ đợi Chúa)

Thứ Bảy :

Mt 9,14-17

A. Hạt giống…

Nhân dịp trả lời cho các môn đệ của Gioan Tẩy giả về việc an chay, Chúa Giêsu cho biết ý nghĩa và tinh thần của việc đạo đức này :

– Ăn chay không phải chỉ để chu toàn quy định của luật

– Mà là để bày tỏ nỗi buồn khi phải xa cách “chàng rể”, nghĩa là do tội mà phải xa cách Chúa.

– Tâm tình căn bản của người môn đệ Chúa trong thời Tân Ước là tâm tình vui mừng vì được sống với “chàng rễ”.

B…. nẩy mầm.

  1. Thánh Phaolô đã kêu gọi “Anh em hãy vui lên. Tôi xin nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui luôn trong Chúa”. Kitô giáo là đạo của niềm vui vì là đạo của ơn cứu thoát và là đạo của Tin Mừng. Tâm tình thường xuyên của tôi phải là vui mừng trong Chúa. Và niềm vui của tôi còn phải tỏa lan sang cho những người sống chung quanh tôi nữa.
  2. Cho dù cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có là trọng tâm của Kitô giáo, cho dù hy sinh khổ chế có là con đường tu đức của các kitô hữu, thì Tin Mừng vẫn là tên gọi của Đạo Chúa. Kitô giáo thiết yếu là một Tin Mừng, một Tin Mừng để đón nhận, để sống và để loan báo. Mà nói đến Tin Mừng là nói đến hân hoan (Chờ đợi Chúa).
  3. Người ai cập ăn chay để được trẻ trung hơn.

Người hi lạp ăn chay để tinh thần được nhanh nhẹn hơn.

Người thổ dân Nam mỹ ăn chay để bày tỏ lòng can đảm.

Người vẻ tượng thánh ăn chay để vẽ cho đẹp hơn.

Người do thái ăn chay để ăn năn tội, để thương tiếc kẻ chết, để xin Chúa đặc biệt trợ giúp, để chuẩn bị đón Chúa đến.

Người kitô hữu không ăn chay vì những lý do trên, bởi Chúa đã đến rồi, nhưng ăn chay để đón chờ Chúa lại đến, để Danh Chúa hiển sáng, Nước Chúa trị đến và ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Như thế, ăn chay đối với người kitô hữu cũng có nghĩa là dấn thân cho một thế giới mới, xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những tương quan mới với Chúa và anh em.

Xin cho con biết chết đi cho tội lỗi, để sống lại với Chúa và cho Chúa (Hosanna).

  1. Sau mấy ngày hội thảo đầy căng thẳng, hai nhà truyền giáo Theodore Cuyler và Charles Spurgeon đi ra ngoài xả hơi. Họ chạy nhảy giữa cánh đồng như thể các học sinh được nghỉ học, vui chơi thoả chí. Cuyler kể một câu chuyện vui làm Spurgeon bật cười sảng khoái. Rồi thình lình ngài nói :

– Này bạn Theodore, chúng ta hãy quì gối cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta tiếng cười vui vẻ vừa rồi.

Và rồi cả hai nhà truyền giáo vĩ đại đó thản nhiên quì trên bãi cỏ xanh tươi cám ơn Chúa trước quà tặng là tiếng cười đó.

Đâu có gì mâu thuẫn giữa cầu nguyện và cười vui ? Vì một đàng là biểu hiện của sức khoẻ tâm linh, một đàng là của sức khoẻ thể xác. (Góp nhặt)

print