Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 30 Mùa Quanh Năm

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 30 Mùa Quanh Năm

 

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN.

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

Lc 18,9-14

A. Hạt giống…

Hai người lên Đền thờ cầu nguyện là hai hình ảnh minh họa cho câu nói trên của Hôsê :

 Người Biệt phái : anh có rất nhiều lễ vật dâng lên Chúa nhưng thiếu tình yêu. Thứ nhất là anh không yêu người khác (“tôi không như các người khác, hay là như tên thu thuế kia”) ; thứ hai là anh cũng không yêu Chúa : anh giữ luật và làm nhiều việc lành chỉ để chứng tỏ cho Chúa biết anh là người đàng hoàng và do đó Chúa phải yêu thương anh, ban thưởng anh.

– Người thu thuế : anh chẳng có lễ vật gì dâng lên Chúa mà chỉ có tình yêu. Tình yêu của anh không nồng nàn thắm thiết mà chỉ là một tình yêu muộn màn của đứa con tội lỗi quay về với một tấm lòng tan nát, một trái tim đang kêu gọi tình thương xót của Chúa (“Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội”).

B… nảy mầm.

Lời Chúa hôm nay rất dịu dàng, kêu gọi chúng ta tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, kêu mời chúng ta dâng lên Ngài những tội lỗi và yếu đuối của chúng ta :

  1. Lời của một bản thánh ca : con chẳng có gì dâng lên Chúa hôm nay…
  2. Một đêm giáng sinh nọ, Thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thì bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói lòa. Ngài hỏi thánh nhân :  

– Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không ?  

– Lạy Chúa Hài Đồng, thánh nhân đáp, con xin dâng Chúa trái tim của con.  

– Được lắm, nhưng còn gì khác nữa không ?  

– Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể. 

– Con còn điều gì khác nữa không ? 

– Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu. Thánh nhân khẩn khoản thưa.

Chúa Hài Đồng bảo :  

– Này Giêrônimô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa. 

– Ôi lạy Chúa, Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được ?  

– Được chứ ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.  

Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. (Trích “Món quà giáng sinh”).

  1. Người Hồi giáo có chuyện sau đây : Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo : “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian”. 

 Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói : “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn”. 

 Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích : “Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói : “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu. (Trích “Món quà giáng sinh”). 

  1. “Người Pharisêu đứng riêng một mình cầu nguyện rằng : Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không giống như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. (Lc 18,11)

Chẳng phải có những lúc tôi đã gân cổ tranh cãi với người khác : “Tôi đúng, anh sai” sao ?

Chẳng phải có những lúc tôi bỉu môi, lên tiếng chê bai những người mà tôi cho là xấu xa sao ?

Chẳng phải có những lúc tôi hài lòng khi thấy mình hơn người nào đó về nhiều mặt sao ?

Như vậy tôi chính là người Pharisêu đứng thẳng người trong Đền thờ và khoe với Chúa công trạng của mình.

Chúa không cần những cái đấm ngực thình thịch “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Chúa chẳng cần công trạng nhưng cần tấm lòng khiêm cung của tôi.

Xin cho con biết khiêm cung để nhận ra mình cũng đầy những thói hư tật xấu, để hiểu và cảm thông với anh em, và để có thể cất lời ngợi khen Chúa là Đấng Thánh, ngàn trùng chí thánh. (Epphata)

 

Thứ Hai :

Lc 13,10-17

A. Hạt giống…

Câu chuyện này cho thấy rõ ý nghĩa giải phóng của ngày sabát :

– Đương sự là một người bị bệnh đến nỗi khòm lưng suốt 18 năm,

– mắt không thể nhìn lên được.

– Chính Chúa Giêsu nói bà đã bị xiềng xích trói buộc.

Việc  chữa bệnh cũng là việc giải phóng :

– Chúa Giêsu nói bà là con cái của Abraham.

– Ngài coi việc chữa bệnh là “tháo xiềng” cho bà.

– Bà đã đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

B…. nẩy mầm.

  1. Cách chung, Luật Chúa và luật Giáo Hội nhằm giải phóng con người khỏi mọi trói buộc của tội lỗi và tật xấu. Cách riêng, luật thánh hóa ngày sabát (nay đổi thành ngày Chúa nhật) cũng thế. Tuy nhiên, một cách hiểu luật và giữ luật hoàn toàn vụ luật khiến cho luật trở thành xiềng xích và con người thành nô lệ.
  2. Truyện cổ Đông phương kể rằng : ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kì diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kì diệu ở chỗ : nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, ngón tay rất đau đớn.

Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là lề luật của Chúa. (Góp nhặt)

  1. Chứng bệnh của bà này cũng tượng trưng cho tội lỗi, cho nên thánh Luca nói bà này “bị quỷ ám”. Tội lỗi làm cho người ta “bị khòm lưng” và “không trông lên được.”

Xin Chúa hãy “nhìn thấy” hoàn cảnh khốn khổ của con vì tội lỗi, xin Chúa “đặt tay” lên con, làm cho con “đứng thẳng” và nhìn lên cao để tôn vinh Thiên Chúa.

  1. Ngày Chúa nhựt là ngày giải phóng. Trong ngày đó tôi phải ca tụng tạ ơn Chúa vì đã giải phóng tôi, tôi phải quan tâm giải phóng chính mình khỏi mọi thứ xiềng xích xấu xa đang trói buộc mình, và cũng phải quan tâm giải phóng người khác khỏi lao nhọc, buồn khổ.
  2. Truyện rất ngắn với tựa đề “Tính cách” của tác giả Nguyễn thị Hoài Thanh đăng trong 40 truyện rất ngắn do Hội Nhà văn xuất bản năm 1994 có nội dung như sau :

Mẹ tôi luôn chai lì trước cán cân cơm áo, nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên ăn theo một cách ngon lành. Có lần cha tôi nói giỡn : “Coi chừng trôi tivi”…

Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi hớn háo phớt ra  chặn đường em bé bán trứng vịt lộn : “Mày biến đâu tài thế ! Có chui xuống đất rồi cũng gặp tao”. Bà vừa nói vừa dằn mũng trứng đếm lấy trừ nợ. “Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm”. Mẹ tôi cười : “Nhà này cũng đang ốm đây, khỏi bẻm mép”. Con bé chưng hửng lã chã nước mắt nhìn cái mũng không, rồi bưng lên xiêu vẹo bước đi. Cha tôi cám cảnh, rút mùi xoa chấm mắt. Lâu lâu tivi phát vở kịch “Cô bé nghèo bán trứng vịt bị xiết nợ”. Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.

Truyện ngắn trên đây có thể là bức tranh sống động hàng ngày. Người ta dành nước mắt cho những vở kịch trong phim ảnh, trên sân khấu hơn là cho những chuyện xảy ra mỗi ngày trước  mắt ; người ta xót thương trên môi miệng hơn là bằng những hành vi cụ thể.

Thời Chúa Giêsu, có lẽ những người biệt phái cũng có một tính cách như thế. Họ nhân danh lề luật, nhất là luật ngày hưu l64, để biện minh cho thái độ sống ích kỷ của mình. (“Mỗi ngày một tin vui”)

Thứ Ba :

Lc 13,18-21

A. Hạt giống…

Đây là 2 dụ ngôn mà các chuyên viên gọi là những dụ ngôn sinh đôi, nghĩa là cùng một ý nghĩa.

– Hai hình ảnh : hạt cải được gieo xuống vườn, nắm men được vùi vào thúng bột.

– Những chi tiết có ý nghĩa : a/ Nhỏ trở thành lớn ; b/ quá trình phát triển tuy âm thầm nhưng chắc chắn.

Những dụ ngôn về Nước Thiên Chúa này được Chúa Giêsu nói liền sau phép lạ chữa một phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-21) nên cũng có liên hệ với nhau : Hiện tại xem ra Nước Thiên Chúa còn quá nhỏ bé, nhưng vì nó có sức phát triển nội tại nên chắc chắn sau này nó sẽ lớn mạnh. Việc giải thoát một người con cháu Abraham hôm nay là dấu chỉ cho việc Nước Thiên Chúa sẽ giải phóng tất cả mọi người sau này.

B…. nẩy mầm.

  1. “Chúng ta chỉ nghe cây rừng đổ ngã mà không nghe được tiếng thì thầm của những mầm non đang mọc lên. Chúng ta tính toán dựa trên những con số mà không thẩm định dựa trên phẩm chất (…) Chúa Giêsu dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu các ông đang có trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng. Nhưng Chúa muốn các ông đặt tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Các tông đồ đã đi rao giảng với hai bàn tay trắng. Nhưng đó đã là sức mạnh nhào nắn Giáo Hội từ 2000 năm qua” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Tuy nhiên ta phải nhớ rằng hạt cải không tự động nẩy mầm, nắm men không tự động làm bột dậy lên. Muốn sinh hiệu quả, hạt cải phải được “gieo xuống” lòng đất và nắm men phải được “vùi vào” thúng bột.
  3. 1 Cr 3,6 : Phaolô nói “Tôi trồng. Apollo tưới. Nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên”.
  4. “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được”. (Lc 13,19)

Có anh thanh niên nọ được sinh ra trong một gia đình giàu có, sung túc chẳng thiếu thứ gì. nhưng anh vẫn cảm thấy buồn và cuộc sống dường như tẻ nhạt. Một hôm anh ta bắt gặp ngay đoạn Tin Mừng : “Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, rửa chân cho Phêrô, Giuđa,… “ và anh đã đọc được Lời Chúa nhắc bảo : “Các con hãy rửa chân cho nhau”. Chính hình ảnh ấy và câu nói đó đã thôi thúc anh ra đi phục vụ cho người khác. Anh xin tới những vùng xa xôi, những trại tỵ nạn để phục vụ. và chính lúc phục vụ anh đã tìm thấy niềm vui và cản thấy đời đáng sống hơn. Cuối cùng anh ta đã xin ra nhập đạo.

Lạy Chúa Giêsu, một khi con được Chúa cho thấm nhuần đời sống Tin Mừng thì con sẽ làm được những chuyện phi thường. Nguyện xin Chúa cho con biết đón nhận và sống lời Chúa. (Hosanna)

Thứ Tư :

Lc 13,22-30

A. Hạt giống…

  1. c.23 : Câu hỏi mà một người kia đặt ra cho Chúa Giêsu phản ánh quan tâm của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.

  Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp : nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại ; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.

  1. c.24 : Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải cố gắng, diễn tả bằng hình ảnh “đi qua cửa hẹp”.

– “Đi qua” : Động từ “qua” diễn ta sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái của hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết “đi qua” (thay đồi cách sống) thì mới vào nhà được.

  – “Cửa hẹp” diễn ta sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khăn như lạc đà chui qua lỗ kim : xem Mt 19,24, Mc 10,25, Lc 18,25).

B…. nẩy mầm.

  1. “Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh. ông đề nghị với họ : nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ (…) Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  2. Chịu ảnh hưởng của nền văn minh hưởng thụ, người thời nay có khuynh hướng làm cho mọi việc thành thoải mái dễ chịu, kể cả việc sống đạo. Thí dụ : trong nhà thờ ghế phải rộng và êm, phải có quạt máy, cha phải giảng ngắn… Những lời nhắc nhở của ĐGH về hôn nhân bất khả li, về luật cấm phá thai, về độc thân Linh mục v.v. bị coi là chói tai nên không được đáp ứng v.v. Cách sống đạo như thế không phải là đi qua cửa hẹp. Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống tín hữu như một cuộc chạy đua : để đạt huy chương, người lực sĩ nào cũng phải dày công khổ luyện.
  3. Chúa Giêsu nói với dân chúng : “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào…” (Lc 13,24)

Đậu tốt nghiệp hạng ưu, thằng nhóc nó vui mừng hớn hở về báo tin cho tôi. Tôi đã đọc được niềm vui trong lòng nó, tôi tự nhủ rằng : “Cậu tú nhà tôi đậu được thủ khoa cũng đáng”, bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử” nó còn phải dã từ cả sân cỏ : không đá banh, không patin, cũng không bén mảng đến hồ bơi, nó bỏ hết những cuộc chơi.

Từ đó tôi nghiệm ra rằng thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu. Con đường tiến về quê trời cũng vậy, đòi hỏi tôi lực chọn đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.

Lạy Chúa ! Mỗi ngày trong cuộc sống của con, xin cho biết chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. (Hosanna)

Thứ Năm :

Lc 13,31-35

A. Hạt giống…

Bối cảnh của đoạn này là có một số người báo tin cho Chúa Giêsu hay Hêrôđê muốn giết Ngài và khuyên Ngài hãy trốn đi nơi khác.

Đoạn này gồm hai ý :

  1. Cảm nghĩ của Chúa Giêsu về cái chết sắp tới (cc 31-33) : lời khuyên Ngài trốn đi có vẻ khôn ngoan theo sự tính toán của người đời, bởi vì Hêrôđê là một tên gian hùng, dám khử trừ bất cứ ai mà ông không thích. Tuy nhiên Chúa Giêsu không theo sự khôn ngoan của thế gian, Ngài theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài biết việc đi lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết là kế hoạch của Thiên Chúa mà Ngài “phải” thực hiện cho xong.

  – Dù Hêrôđê có mưu đồ gì đi nữa, Chúa Giêsu vẫn coi thường. Do đó Ngài gọi ông là “con cáo”. Kiểu nói này đối với người do thái hàm ý coi thường (nếu hàm ý nể sợ, người ta sẽ gọi là “con sư tử”).

  – Sở dĩ Chúa Giêsu coi thường là vì Ngài biết Hêrôđê chẳng thể làm gì được Ngài trước khi thời gian dành cho sứ mạng của Ngài kết thúc. Bởi đó Ngài nói : “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi”. Kiểu nói này chỉ một thời gian ngắn, nên không được hiểu chính xác theo số học.

  – “Ngày thứ ba, tôi hoàn tất” : “Hoàn tất” vừa có nghĩa thời gian là kết thúc, vừa có nghĩa sự nghiệp là đã đạt mục đích. Chúa Giêsu chắc chắn sự nghiệp Ngài sẽ hoàn thành trong một thời gian ngắn nữa, không ai và không gì ngăn cản được.

  1. Lời Chúa Giêsu nhắn gởi dân thành Giêrusalem trước viễn tượng Ngài sắp chết (cc 34-35) : Chúa Giêsu đặt đối chọi nhau 2 điều hiển nhiên : Đã bao lần Ngài (và xưa kia là các sứ giả của Thiên Chúa) cố gắng tập họp họ lại như gà mẹ tập họp gà con, hầu che chở họ khỏi tai họa là cuộc phán xét của Thiên Chúa về các tội lỗi của họ. Nhưng, xưa cũng như nay, không bao giờ họ chịu nghe lời Ngài (và lời các ngôn sứ), trái lại còn bách hại và giết chết các ngôn sứ, cũng như sắp giết chết Ngài. Vì thế, số phận của họ là sẽ bị Thiên Chúa bỏ mặc.

B…. nẩy mầm.

  1. “Chúa Giêsu đã tỏ ra bình thản trước việc Hêrôđê đang tìm cách sát hại Ngài. Sở dĩ Ngài bình thản được như thế là vì Ngài luôn trung thành tuyệt đối với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, cả cuộc đời Ngài là một tiếng xin vâng đối với thánh ý Thiên Chúa. Do đó, một khi biết rằng có một hiến lễ phải hoàn tất và hiến lễ ấy nằm trong chương trình của Thiên Chúa thì không gì phải làm cho Ngài bận tâm, ngoài việc chu toàn công việc được giao phó… Xin cho chúng ta biết sống trọn giây phút hiện tại, nhờ đó chúng ta an tâm và sẵn sàng bất cứ lúc nào Chúa đến gọi chúng ta” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Hãy sống như sắp chết để có thể bình an chết như bước vào cõi sống.
  3. Một tu sĩ nọ được giao nhiệm vụ may vá. Ngày kia Thầy ngã bệnh nặng. Trong lúc hấp hối, Thầy nói “Hãy đưa cho tôi chìa khóa thiên đàng”. Những người quanh giường bệnh bối rối nhìn nhau không hiểu Thầy muốn gì. Nhưng một người hiểu ý đưa cây kim cho Thầy. Tu sĩ ấy mỉm cười hài lòng. Cây kim mà Thầy dùng mỗi ngày để may vá cho mọi người trong cộng đoàn chính là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho Thầy. (Drinkwater)
  4. Có Mấy người Pharisêu đến thưa Chúa Giêsu rằng : “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông !” Người bảo họ, các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này : “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.” (Lc 13,31-32)

Một lần Thánh Gioan Boscô hỏi các học sinh của Ngài đang chơi đùa : “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì ?” Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành. Riêng Đaminh Savio điềm nhiên trả lời : “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục cuộc chơi”.

Đứng trước mối đe doạ là cái chết, Chúa Giêsu vẫn chu toàn bổn phận người làm con.

Lạy Chúa, xin cho biết sống giây phút hiện tại để chu toàn sứ mệnh người làm con. (Hosanna)

Thứ Sáu :

Lc 14,1-6

A. Hạt giống…

Thêm một trường hợp Chúa Giêsu chữa bệnh ngày sabát và bị các người biệt phái kết án. Nhưng các ông không trả lời được khi Ngài hỏi “Trong ngày sabát có được phép chữa bệnh không ?”.

B…. nẩy mầm.

  1. Vị thủ lãnh biệt phái này giữ luật đạo rất kỹ nhưng hoàn toàn thiếu tình người : mời Chúa Giêsu dùng bữa nhưng cố ý dòm xét để bắt lỗi Ngài ; thấy người bị bệnh thuỷ thủng mà hoàn toàn dửng dưng, lại còn coi đây là cơ hội để bắt bẻ Chúa Giêsu. Một người giữ luật chín chắn như thế mà có thể trở thành phi nhân như thế sao ! Luật mà không có tình thì sẽ như thế đấy. Đây là một lời cảnh cáo cho chính tôi.
  2. Đây không phải là lần đầu Chúa Giêsu và các người biệt phái bất đồng ý kiến với nhau về việc giữ luật ngày sabát. Và đây cũng không phải lần đầu Chúa Giêsu đưa ra lời giải thích về luật một cách rất hợp lý khiến họ không thể nào cãi lại được. Thế nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy, vẫn tiếp tục rình mò và bắt bẻ Chúa. Những người tưởng mình biết, tưởng mình đạo đức có thể mù quáng đến ngoan ố như vậy đó.
  3. Việc Chúa Giêsu thách thức những người biệt phái để chữa lành cho người thuỷ thũng trong ngày sabát cho thấy rằng đối với Ngài, con người là ưu tiên tối thượng. Luật lệ, ngay cả luật hưu lễ, cũng sẽ thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích của con người. Đối với Ngài, chỉ có một luật lệ gồm tóm và là nền tảng của mọi luật lệ, đó là yêu thương. Nhưng để có yêu thương, trước tiên phải có sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá mỗi người (“Mỗi ngày một tin vui”)
  4. Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị toà án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố : “Tất cả những gì tôi làm là cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tội Israel”. Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa nhận định : Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai màu trắng đen mà thôi ; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay. (“Mỗi ngày một tin vui”)

Thứ Bảy :

Lc 14,1.7-11

A. Hạt giống…

Nhân dịp dự một bữa tiệc và thấy thái độ của những khách được mời, Chúa Giêsu đưa ra bài học về chỗ ngồi, tượng trưng cho địa vị :

– Không nên tự mình tranh dành địa vị, vì có thể địa vị ấy không tương xứng với khả năng và phẩm giá của mình.

– Địa vị ấy, hãy để cho người khác sắp xếp cho mình, do sự đánh giá khách quan của họ đối với mình.

– Và tốt nhất là hãy để chính Chúa lo việc đó, vì “hễ ai tự nâng mình lên sẽ bị (Thiên Chúa) hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được (Thiên Chúa) nâng lên”.

B…. nẩy mầm.

  1. Ba mức độ giá trị của địa vị :

– Địa vị do chính mình dành lấy : kém nhất và dễ lung lay nhất.

– Do người khác trao cho mình bởi nhận thấy khả năng và phẩm chất của mình : vững vàng hơn.

– Do chính Thiên Chúa đặt cho mình : đúng và vững chắc nhất.

  1. “Lên voi xuống chó” là cảnh thường xảy ra ở đời. Bởi đó tôi chẳng nên quá quan tâm đến địa vị và danh vọng ở đời. Chỉ xin Chúa giúp tôi làm tròn nhiệm vụ Ngài giao trong hoàn cảnh và thân phận hiện nay của tôi.
  2. Trong bàn tiệc Nước Chúa, điều quan trọng không phải là chỗ danh dự mà là tư cách phục vụ : càng phục vụ, càng cao trọng. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  3. Một ngày năm 11 tuổi, tôi trở về nhà khóc vì chỉ được giao một việc nhỏ của chương trình Thiếu nhi tại nhà thờ, trong khi các bạn khác được phân công vai chính. Thản nhiên, mẹ tôi lấy chiếc đồng hồ của bà và đặt vào tay tôi.

– Con có thấy gì không ?

– Một hộp vàng, mặt và những cây kim.

Rồi bà mở phía sau hộp và nhắc lại câu hỏi. Tôi nhìn thấy những bánh xe nhỏ và những đinh vít. Bà nói  : “Chiếc đồng hồ này sẽ vô dụng nếu thiếu đi mỗi phần, ngay cả những phần con không thể nhìn thấy”.

Bài học của bà làm tôi vui sướng hơn tất cả. (Góp nhặt)