Hiệp Sống Tin Mừng Thứ Năm & Thứ Sáu Tuần Thánh
Hiệp Sống Tin Mừng Thứ Năm Tuần Thánh.
Hiệp Sống Tin Mừng Thứ Sáu Tuần Thánh – Suy Tôn Thánh Giá.
Hiệp Sống Tin Mừng Thứ Năm Tuần Thánh
Xh 12, 1-8. 11-14.- 1 Cr 11, 23-26.- Ga 13,1-15
NGƯỜI ĐÃ YÊU THƯƠNG HỌ ĐẾN CÙNG
- LỜI CHÚA : “Đức Giê-su biết giờ của người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 12, 1).
- CÂU CHUYỆN : TRUYỀN THUYẾT VỀ NGÀY LỄ TÌNH YÊU .
Hằng năm cứ đến ngày 14 tháng 2, các bạn trẻ lại hân hoan mừng lễ thánh VA-LEN-TINE, cũng gọi là lễ Tình Yêu. Valentine là một linh mục sống dưới thời Hoàng đế La Mã Claudiô II. Vào thế kỷ thứ III, Đế quốc La Mã phải lâm vào nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu khi đế chế bị phân chia thành 3 bang chém giết lẫn nhau., nhưng hoàng đế lại không được dân chúng ủng hộ. Do gặp nhiều khó khăntrong việc động viên các chàng trai trẻ nhập ngũ ra chiến đấu ngoài mặt trận, hoàng đế Claudiô II cho rằng nguyên nhân là do đàn ông La Mã quyến luyến và không muốn rời xa người yêu và gia đình, như vậy theo ông : hôn nhân làm cho đàn ông hoá ra hèn yếu. Vì thế Claudiô II đã ra sắc lệnh trong thời gian này cấm tổ chức các đám cưới hoặc lễ đính hôn.
Mọi người trong đế quốc đều tuân hành, nhưng chỉ có linh mục Valentine đã âm thầm chống lại sắc lệnh của vị hoàng đế hùng mạnh này và vẫn bí mật cử hành lễ cưới cho các đôi tình nhân. Khi công việc bại lộ, linh mục Valentine đã bị bắt và bị kết án tử hình bằng hình thức bị kéo lê trên mặt đường đến pháp trường và bị ném đá đến chết. Vào chiều ngày 14 tháng 2 năm 273, trước khi chịu khổ hình, ngài đã gửi tấm “thiệp Valentine” đầu tiên cho cô con gái của viên cai tù Asteriô. Cô gái này trước đó đã được ngài xin Chúa làm phép lạ chữa lành cho cô khỏi bệnh mù bẩm sinh. Tấm thiệp Valentine đầu tiên này được ký tên bằng cụm từ như sau : “from your Valentine” (Từ Valentine). Dần dần, ngày 14 tháng 2 hàng năm trở thành ngày lễ Tình Nhân và thánh Valentine trở thành vị thánh bảo trợ cho những đôi lứa yêu nhau. Trong ngày này, các đôi tình nhân sẽ gửi cho nhau tấm thiệp ký tên “From your Valentine” thay vì tên người gửi, kèm theo quà tặng truyền thống là bó hoa hồng và các món ăn khác trong đó có sô-cô-la.
- SUY NIỆM :
– Ngày Valentine hằng năm được mọi người trên thế giới trân trọng như là lễ của tình yêu, đề cao tình yêu của một linh mục đã hy sinh chịu chết để bảo vệ cho tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, ngày Thứ Năm Tuần Thánh mới chính là ngày lễ của tình yêu tột đỉnh, để tôn vinh Chúa Giê-su – Con Thiên Chúa làm người, đã hy sinh chịu chết để ban hạnh phúc và niềm vui ơn cứu độ cho nhân loại.
– Tin Mừng Gio-an tường thuật câu chuyện tình yêu tột đỉnh của Chúa Giê-su như sau : Khi Giờ đã đến, Giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Chúa Giê-su vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Sau đó Tin Mừng đã ghi lại ba việc biểu lộ tình yêu tột cùng của Người : Một là hiến thân mình làm của ăn trong bí tích Thánh Thể ; Hai là trao cho các môn đệ chức linh mục để tiếp tục công việc tế lễ trường tồn; Ba là thể hiện tình thương cụ thể bằng cách rửa chân cho các ông như một người tôi tớ.
1) Lập phép Thánh Thể : Khi cùng môn đệ dự bữa tiệc Vượt qua theo truyền thống Do Thái, để tưởng niệm việc Đức Chúa đã giải thoát con cháu Gia-cóp khỏi ách nô lệ Ai Cập, Chúa Giê-su đã biến bánh không men và ly rượu nho dùng trong bữa tiệc trở nên Thịt Máu của Ngài hầu ban sự sống đời đời cho ãnh nhận. Ngài đã lập bí tích Thánh Thể bằng cách : “Cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói : Hãy cầm lấy mà ăn. Này là Mình Thầy, sắp bị nộp vì anh em”. Rồi Người cầm chén rượu nho trao cho các ông mà nói : Hãy cầm lấy mà uống. Này là chén Máu Thầy, sắp đổ ra để cho muôn người được ơn tha tội” (Lc 22,19-20).
2) Truyền chức linh mục : Để hiện diện mãi với những kẻ mình yêu thương, Chúa Giê-su đã trao quyền cử hành bí tích Thánh Thể cho các môn đệ : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Với mệnh lệnh lênh này, Chúa Giê-su đã thiết lập chức Linh Mục và trao quyền cử hành mầu nhiệm tình yêu tự hiến đến khi Chúa lại đến. Chúa Giê-su thừa biết rằng : Các môn đệ cũng chỉ là những con người bất toàn : yếu đuối, hèn nhát, phản bội… Nhưng Người vẫn tín nhiệm các ông. Ngày nay, các giám mục, linh mục cũng chỉ là những người yếu đuối bất toàn, giống như các môn đệ ngày xưa. Và Chúa vẫn muốn sử dụng những con người bất toàn này, để cử hành mầu nhiệm tình yêu và nhận quyền chăm sóc yêu thương và phục vụ đoàn chiên của Chúa (x. Ga 21,15-17).
3) Rửa chân phục vụ : Để cụ thể bài học yêu cho đến cùng, Chúa Giê-su đã làm một việc lạ thường là rửa chân cho các môn đệ. Thánh Gio-an thuật lại : Chúa Giê-su trỗi dậy, rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài không chỉ rời khỏi bàn ăn, mà còn quên đi địa vị là Thầy, là Chúa, để phục vụ các môn đệ thấp hèn bất xứng. Ngài cởi áo choàng ra, lấy khăn thắt lưng… tượng trưng cho sự cởi bỏ tính tự ái, cái tôi ích kỷ tự mãn, để thắt giây lưng, trở thành tôi tớ rửa chân cho các môn đồ. Sau đó, Người mặc áo lại, trở về chỗ và giải thích : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,12-15).
– Ngày nay, để phục vụ tha nhân giống như Chúa Giê-su, mỗi tín hữu chúng ta cũng phải từ bỏ địa vị là ông nọ bà kia của mình, để cúi xuống rửa chân cho anh chị em; Chấp nhận loại bỏ cái tôi và tự ái cao… để sẵn sàng phục vụ mà không so đo tính toán, và không nhằm mục đích nào khác ngoài việc thực thi yêu thương và chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho mọi người.
Hôm nay, mỗi người chúng ta sẽ làm gì cụ thể để sống tình yêu thương phục vụ cho các thành viên trong gia đình, cộng đoàn, khu phố, lớp học, nhà máy và sở làm… của mình ?
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể. Đứng trước tình yêu hiến mình, tình yêu trao ban và tình yêu phục vụ của Chúa, chúng con cũng muốn hy sinh hiến thân, quảng đại chia sẻ và khiêm tốn phục vụ mọi người là hiện thân của Chúa. Xin cho chúng con biết lấy tình yêu xóa bỏ hận thù và làm cho tình mến Chúa bùng cháy lên trong lòng chúng con và lan toả sang mọi người chúng con tiếp xúc.- AMEN.
Hiệp Sống Tin Mừng Thứ Sáu Tuần Thánh – Suy Tôn Thánh Giá
Is 52,13-53,12; Dt 4,14-16; 5,7-9; Ga 18,1–19,42
TÔN VINH THÁNH GIÁ CHÚA GIÊ-SU
Trong bầu khí thánh thiêng của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hôm nay, chúng ta họp nhau trong thánh đường để suy tôn Thánh Giá Chúa Giê-su. Trong nghi thức suy tôn, sau khi nghe Bài Thương Khó, cộng đoàn sẽ long trọng tôn vinh Thập Giá Chúa.
1) Khổ hình Thập Giá và cái chết đau thương của Chúa :
– Ngày xưa thập giá chỉ đơn giản là một dụng cụ hành hình ghê sợ mà con người nghĩ ra để hành hạ các tội nhân. Vì thế cái chết thập giá là một bản án khủng khiếp nhất mà người Rô-ma đã dùng để trừng trị những kẻ trộm cướp, bạo loạn và răn đe những tên nô lệ bỏ trốn. Hình phạt thập giá đáng ghê sợ đến độ người Rô-ma cấm áp dụng cho các tội nhân mang quốc tịch Rô-ma.
– Do thù ghét Đức Giê-su tột cùng, nên các đầu mục dân Do thái đã xúi dân chúng làm áp lực để đòi Tổng Trấn Phi-la-tô kết án tử hình thập giá cho Đức Giê-su khi họ đồng thanh la to : “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá !” (Ga 19,6). Qua đòi hỏi này, không những họ muốn giết Đức Giê-su vì tội lộng ngôn phạm thượng, như họ đã trả lời quan Phi-la-tô : “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19,7). Hơn nữa khi đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá giữa hai tên cướp (x. Ga 19,18) các đầu mục Do thái cũng muốn nhục mạ Người, xếp Người ngang hàng với bọn đầu trộm đuôi cướp.
2) Đức Giê-su : người Tôi Tớ Đau Khổ của Đức Chúa :
– Trong ‘bài ca thứ ba” của I-sai-a (50,4-11), có ghi lại những khó khăn, đau khổ, bị chống đối mà người Tôi Tớ của Đức Chúa phải chịu như sau : “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng “ (Is 50,6-7).
– Đức Giêsu đã thi hành sứ mạng của người tôi tớ đau khổ của Đức Chúa : Người là mục tử tốt lành, là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11,29), được trao sứ mạng đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo (x. Lc 4,18). Người cũng là người phục vụ (x. Lc 22,27), sẵn sàng hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x. Mc 10,43), Người đã bị đối xử như một tội phạm (x. Lc 22,37), bị chết treo trên thập giá (x. Mc 14,24), nhưng đã sống lại vinh quang như lời Thánh Kinh (x..Ga 20, 9). Bên cạnh đó, danh hiệu người “Tôi Tớ” sau này đã được các Tông đồ ứng dụng để diễn tả về mầu nhiệm tử nạn của Chúa Giêsu (x. Cv 3,13), Đấng là ánh sáng muôn dân (x. Cv 3,25), là Con Chiên bị sát tế (x. Cv 8,32), các vết thương của Người có sức chữa lành tội nhân (x. 1 Pr 2,21-25).
3) Nơi Đức Giê-su : Thập giá đau khổ trở thành Thánh giá vinh quang :
Đức Giê-su không mãi chịu chết treo trên thập giá, nhưng đã được môn đệ mai táng trong mồ và đến ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại. Từ nay Người đã biến khổ hình Thập Giá phải chịu trở thành Thánh Giá cứu độ vinh quang. Người đã tiêu diệt tử thần và trả lại sư sống đời đời cho nhân loại. Vì thế, cái chết thập giá của Chúa Giê-su không phải là sự thất bại, nhưng là sự chiến thắng của quyền năng Thiên Chúa trên ma quỷ tội lỗi và sự chết; Là sự chiến thắng của Tình Thương tha thứ trên sự thù hận chiến tranh.
4) Cùng Chúa trải qua đau khổ Thập Giá để vào vinh quang Phục Sinh :
– Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta : Đừng sợ hãi, đừng tránh né đau khổ thập giá nhưng hãy đón nhận và tôn vinh thập giá của Chúa Giê-su. Vì chính nhờ Người đã chịu chết trên thập giá mà loài người chúng ta được ơn giao hoà và trở nên con Thiên Chúa, đồng thời được hưởng ơn cứu độ là hạnh phúc Nước Trời đời đời.
– Vì thế, chúng ta hãy năng quỳ dưới chân thánh giá của Chúa Giê-su để suy niệm, lắng nghe lời dạy yêu thương và tha thứ của Người, và xin ơn luôn phó thác và vững lòng cậy trông vào tình thương cứu độ của Người.
– Ngày nay một số bạn trẻ Công giáo do không có kiến thức giáo lý, và yếu đức tin nên đã có thái độ coi thường cây Thánh giá của Chúa, coi Thánh Giá chỉ như món đồ trang sức để làm đẹp cho mình; Về phần chúng ta : hãy biết trân trọng Thánh Giá Chúa. Quan tâm đặt Thánh Giá Chúa trên bàn thờ tại nhà thờ hay tư gia để dâng lễ và cầu nguyện. Mỗi lần làm dấu Thánh Giá trước khi cầu nguyện, dùng bữa… là chúng ta hãnh diện tuyên xưng đức tin vào ba mầu nhiệm chính : Một là Một Chúa Ba Ngôi; Hai là Ngôi Hai xuống thế làm người và ba là Ngôi Hai cứu chuộc loài người.
– Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy vui vẻ đón nhận những khó khăn trở ngại, các bệnh tật và sự thất bại… như những thập giá Chúa để xảy ra, để biến chúng trở thành Thánh Giá bằng cách cầu nguyện như Chúa Giê-su khi xưa : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Hãy quyết tâm chu toàn các việc bổn phận trong gia đình và ngoài xã hội… Chấp nhận đi con đường hẹp để vào Nước Trời như lời Chúa phán : “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”. (Mt 7,13-14).
5) LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin ban cho mỗi tín hữu chúng con biết yêu mến Thánh giá Chúa bằng thái độ vui vẻ chấp nhận các rủi ro trái ý gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.
Xin cho chúng con biết bỏ đi cái tôi kiêu ngạo ích kỷ và tội lỗi, sẵn sàng vác thập giá mình hằng ngày, bằng sự chu toàn bổn phận phục vụ Chúa, đang hiện thân nơi những người nghèo đói, bệnh tật và đau khổ bất hạnh…, để chia sẻ tình thương cứu độ của Chúa cho họ.- Amen.
LM ĐAN VINH – HHTM