Chúa Nhật 3 Thường Niên Năm B – 2021
Hồng Ân Của Việc Hoán Cải
Lm. Giuse Nguyễn
Khi tuyên thánh cho hai trẻ Francisco và Jacinta, những nhân chứng trong sự kiện Fatima năm 1917 tại Bồ Đào Nha, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Đức Mẹ đã tiên báo và cảnh cáo chúng ta về một lối sống loại trừ Thiên Chúa và thậm chí xúc phạm Thiên Chúa nơi các thụ tạo của Ngài. Một đời sống như vậy luôn được cảnh báo là có nguy cơ dẫn đến hư mất đời đời.”
Trong một đêm nọ, khi cha của Francisco hỏi cậu tại sao cậu khóc, thì cậu trả lời rằng: “Con đang nghĩ đến Chúa Giêsu, Ngài đang rất buồn bởi vì những tội lỗi đã gây ra tổn thương đến Ngài”. Những tội lỗi mà các trẻ đã lo lắng dường như phù hợp trong thời đại của chúng ta hơn cả thời của các trẻ này nữa.
Sau khi Đức Mẹ chỉ cho ba trẻ nhìn thấy hỏa ngục, Jacinta đã cảnh báo mẹ cô rằng: “Mẹ ơi, hãy tránh xa sự giàu có và xa hoa.” Cô cũng nói rằng: “Để được thanh sạch nơi thể xác thì nghĩa là không được gian dâm, và để được thanh sạch trong tư tưởng thì nghĩa là không được phạm tội; đừng trộm cắp hay nói dối, và phải luôn nói sự thật, cho dù điều đó rất khó.”
Bàn luận về những nỗi lo lắng của Jacinta đối với tội lỗi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Ngày nay cũng vậy, rất cần thiết để cầu nguyện và ăn năn sám hối hầu khám phá ra hồng ân của việc hoán cải”.
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 3 Thường niên B chính là “hồng ân của việc hoán cải” do lời mời gọi ăn năn sám hối.
Bài đọc thứ nhất trích sách Giôna 3, 1-5.10 là phần sau của câu chuyện Chúa gọi ông Giôna đi rao giảng sự sám hối cho thành Ninivê. Mặc dù không đồng ý và bị bắt buộc phải làm việc đó, Giôna chỉ rao giảng cách miễn cưỡng: “Còn 40 ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3, 4), nhưng : “Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (Gn 3, 5). Hồng ân của việc hoán cải thể hiện bằng việc: “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác trở lại, Người tiếc nuối về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa” (Ga 3, 10).
Lời rao giảng đầu tiên của Gioan Tẩy giả cũng chính là sứ điệp chung của Tin Mừng được Đức Giêsu công bố ngày hôm nay: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Và rồi cả cuộc đời của Đức Giêsu, bao việc Ngài làm, bao lời Ngài rao giảng, bao lời cầu nguyện, bao nhiêu dấu lạ… cũng chỉ để con người đón nhận hồng ân của sự sám hối.
Việc Ngài chọn gọi các môn đệ đầu tiên trong đoạn Tin mừng hôm nay cũng là để họ được chia sẻ sứ mạng với Ngài, sứ mạng rao giảng “hồng ân sám hối”. Để rồi các môn đệ cũng đã bắt chước Thầy mình, dùng cả cuộc đời rao giảng và làm chứng cho ơn cứu độ, tức là mời gọi người ta tin vào Đức Giêsu Kitô để được cứu độ.
Chính vì thế mà thánh Phaolô, một đứa con “sinh sau đẻ muộn” trong đức tin Kitô giáo sau khi trở lại đã kinh nghiệm và nói lên sự thật cho các tín hữu thành Côrintô được biết: “Bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7, 31), vì vậy đừng bám víu vào những giá trị ở đời này, mà phải lo ăn năn sám hối để được cứu độ.
“Hồng ân cứu độ” là món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban cho nhân loại chúng ta sau khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội. Hồng ân đó được thực hiện nơi Đức Giêsu qua lời rao giảng, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Hay nói cách khác cả cuộc đời của Ngài là làm sao để con người đón nhận sứ điệp : “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Đó chính là “niềm vui của Tin mừng” tức là lời loan báo về ơn cứu độ, và đó cũng chính là niềm vui của Thiên Chúa qua mặc khải của Đức Giêsu trong dụ ngôn nén bạc và con chiên lạc : “Vậy tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn” (Lc 15, 7). Thiên Chúa như người cha sẽ vui mừng khi con người là con cái của Ngài biết ăn năn sám hối.
Quả thật, niềm vui lớn nhất của những cha mẹ trong gia đình có đứa con hư đốn là khi nó biết từ bỏ con đường sai trái để quay trở về làm đứa con ngoan trong gia đình; dù cho cha mẹ đó mất hết sản tài sản cũng được, thậm chí mất mạng sống của mình cũng được. Niềm vui lớn nhất của thánh nữ Mônica là khi Augustinô biết từ bỏ con đường tội lỗi của mình mà quay về với Chúa, với Giáo hội, với gia đình. Và cũng chính lúc đó thánh nữ nhắm mắt lìa đời dù đang trên đường trở về quê nhà. Người mẹ đã cảm nhận được hồng ân sám hối của đứa con mình quá lớn lao, lớn đến mức bà không cần phải về nhà, vì đối với bà hạnh phúc chính là đây.
Niềm vui lớn nhất của các linh mục tại các giáo xứ không phải là việc rửa tội cho nhiều người, xây dựng được nhiều công trình, được nhiều người thương mến… mà là có nhiều người trở về với Chúa. Mỗi thánh lễ mà thấy có thêm những “gương mặt lạ”, thì quả thật “vui sao nước mắt lại trào”. Dù có mệt mỏi, có hao mòn sinh lực, và thậm chí có chết liền tại chỗ… nhưng miễn làm sao mọi người trong giáo xứ đều giữ vững đức tin của mình thì các linh mục cũng sẵn sàng chấp nhận.
Trong buổi triều yết chung ngày 25/06/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Sám hối đối với các ngôn sứ có nghĩa là thay đổi hướng đi và một lần nữa quay trở về với Thiên Chúa, tín thác rằng Người yêu thương chúng ta và tình yêu của Người mãi luôn trung tín”.
Tôi không đi lễ được vì lý do tôi bận rộn với công việc của tôi. Con đường đó có đúng hay không? Hãy suy nghĩ cho kỹ lại để kịp thời “thay đổi hướng đi và một lần nữa quay về với Thiên Chúa”.
Là người Công giáo mà tôi vẫn mê tín dị đoan, và đó là con đường tôi đang đi. Con đường đó có đúng hay không? Hãy suy nghĩ cho kỹ lại để xem ai sẽ cứu độ tôi, khi chết tôi sẽ về đâu để kịp thời “thay đổi hướng đi và một lần nữa quay về với Thiên Chúa”.
Nhiều người vẫn còn đắm chìm trong những đam mê, tội lỗi của mình, và đó là con đường họ đang đi, con đường này khiến họ không còn hiệp thông với Chúa, với Giáo hội nữa dù họ rất muốn, nhưng vì nó có một sức mạnh quá mãnh liệt khiến họ không từ bỏ được. Hãy suy nghĩ cho kỹ lại: rồi đây tôi sẽ được gì nếu giả dụ ngay hôm nay tôi phải chết để kịp thời “thay đổi hướng đi và một lần nữa quay về với Thiên Chúa”.
Chắc chắn không ai muốn sa hỏa ngục, muốn mất linh hồn, nghĩa là ai cũng muốn được cứu độ, nhưng không có động lực nào thúc đẩy chúng ta để dẫn đến sự sám hối thực lòng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng dẫn chúng ta: “Lòng sám hối thật chỉ xảy ra khi chúng ta nhận được món quà ân sủng, và một dấu chỉ rõ ràng của nó là khi chúng ta trở nên ý thức trước những nhu cầu của anh em chúng ta, và sẵn sàng lại gần với họ. Vì thế, chúng ta hãy bước theo lời mời gọi này của Thiên Chúa và chúng ta không từ bỏ sự bền chí, vì chỉ khi nào chúng ta mở tâm hồn cho lòng thương xót thì chúng ta mới tìm được sự sống và niềm vui thực sự.”
Nghĩa là khi chúng ta biết quan tâm đến người nghèo, biết chia sẻ với họ thì chúng ta mới thực sự sám hối ăn năn. Ngược lại nếu muốn sám hối ăn năn thực lòng thì hãy tập tành chia sẻ với người nghèo khổ. Chính vì thế lời mời gọi sám hối luôn luôn đi kèm với hành động biết chia sẻ. Do đó công cuộc bác ái từ thiện của Giáo hội không phải chỉ là phong trào để đánh bóng tên tuổi, mà nó chính là con đường dẫn đến sự sám hối.
Hồng ân của sự hoán cải là khi biết bỏ con đường tội lỗi để sống theo Tin Mừng của Đức Giêsu. Hoa trái của sự sám hối chính là đời sống bác ái yêu thương vì ta cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho ta nên ta muốn chia sẻ cho người khác.
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse cho chúng con biết sám hối thực lòng để sống một đời sống mới.