Học Hỏi 5 Phút Mỗi Chúa Nhật Năm C (Tuần I-IV Mùa Vọng )

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO PHẬN

HỌC HỎI 5 PHÚT MỖI CHÚA NHẬT

(Tuần I-IV Mùa Vọng)

 

GIÁO HUẤN SỐ 1

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM MỤC VỤ 2025

 

Hỏi: Chủ đề mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025 là gì?

Thưa: Chủ đề mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025 là: “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”.

 

Giải thích:

Các Đức Giám mục thuộc 27 giáo phận, tham dự Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao giáo phận Phan Thiết, từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 9 năm 2024, đã gởi Thư mục vụ năm 2025 cho cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam, để đưa ra định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025, là năm “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”.

Đây là chủ đề thứ ba, trong lộ trình ba năm mà Đại hội của Hội đồng Giám mục năm 2022 đã xác định:

– Năm 2023 nhấn mạnh đến củng cố sự Hiệp thông trong Hội Thánh;

– Năm 2024 nhấn mạnh đến khía cạnh tham gia vào đời sống Hội Thánh;

– Và năm 2025 mời gọi mọi người “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”.

Thật vậy, loan báo Tin Mừng là lệnh truyền của Đấng Cứu thế trước khi Ngài về Trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh về Truyền Giáo đã khẳng định: “Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành là truyền giáo” (Ad gentes 2). Nghĩa là Hội Thánh sẽ không còn là Hội Thánh nữa, nếu không loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho mọi người.

Hội đồng giám mục Việt Nam đã nhắn nhủ mọi thành phần dân Chúa như sau: “Hai năm qua chúng ta đã cố gắng “củng cố sự hiệp thông” và “thúc đẩy tham gia vào đời sống Giáo hội”, nay chúng ta cùng hướng tới sứ vụ căn bản của người tín hữu. Đó là việc đến với người xa Chúa và những anh chị em chưa biết Chúa, để nói với họ về Ngài”.

GIÁO HUẤN SỐ 2

KHẨU HIỆU NĂM THÁNH 2025

 

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn khẩu hiệu cho Năm Thánh 2025 là gì?

Thưa: Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn khẩu hiệu cho Năm Thánh 2025 là: “Những người hành hương của hy vọng”.

Giải thích:

Năm Thánh 2025 của Giáo hội Công giáo đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức công bố vào Thứ Năm, ngày 9 tháng 5. Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Sắc chỉ có tựa đề Spes non confundit, hy vọng không làm thất vọng, trích từ Thư gửi tín hữu Roma (Rm 5,5). Trong đó, ngài tuyên bố Năm Thánh sẽ chính thức bắt đầu bằng việc mở Cửa Thánh Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào đêm Giáng sinh năm 2024.

Hy vọng là điều Đức Thánh Cha khẩn cầu như một ơn trong Năm Thánh 2025 cho một thế giới bị đánh dấu bởi sự ồn ào chát chúa của vũ khí, sự chết chóc, sự hủy diệt, sự hận thù đối với người khác, nạn đói kém, “nợ sinh thái”, tỷ lệ sinh thấp. Chính hy vọng là dầu xoa dịu mà Đức Thánh Cha muốn bôi trên những vết thương của một nhân loại “đã quên đi những bi kịch trong quá khứ”, đang phải chịu “một thử thách mới và khó khăn” khi chứng kiến “​”nhiều dân tộc bị áp bức bởi sự tàn bạo của bạo lực” hoặc trong bối cảnh tỷ lệ nghèo đói tăng theo cấp số nhân, mặc dù thực tế là các nguồn lực không thiếu và chúng chủ yếu được sử dụng cho chi phí quân sự.

Trong sắc chỉ này, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi có một ngày Lễ Phục Sinh chung cho tất cả các Kitô hữu Đông phương và Tây phương; thúc đẩy hoà bình trên thế giới; tôn trọng tù nhân và bỏ án tử hình; kêu gọi sinh con; làm gia tăng Niềm hy vọng cho bệnh nhân và nhiệt huyết cho người trẻ; mở rộng vòng tay với anh chị em di cư; dấn thân chăm sóc người già và người yếu thế; loại trừ nạn nghèo đói trên thế giới bằng “xoá nợ” và lập quỹ xoá đói toàn cầu.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta nhìn vào chứng tá của các vị tử đạo, thuộc các truyền thống Kitô giáo khác nhau; thúc đẩy mọi Kitô hữu đến với Bí tích Hoà giải; đề cao vai trò của những thừa tác viên Lòng thương xót và mời gọi mọi người lên đường hành hương với niềm hy vọng đến những Nơi Thánh, nhất là dừng lại cầu nguyện tại các Đền thánh Đức Mẹ.

Đức Thánh Cha quyết định rằng Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô sẽ được mở vào ngày 24/12/2024, từ đó bắt đầu Năm Thánh, và Năm Thánh sẽ kết thúc với việc đóng Cửa Thánh  tại Đền thờ Thánh Phêrô vào Lễ Hiển Linh, ngày 6/1/2026.

 

 

GIÁO HUẤN SỐ 3

NHỮNG THỰC HÀNH CỤ THỂ TRONG NĂM 2025

 

Hỏi: Trong Năm Thánh Hy vọng của Hội Thánh hoàn vũ, và năm “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” của Hội Thánh tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam đề nghị những thực hành cụ thể nào?

Thưa: Một là: Hành hương cầu nguyện. Hai là: Loan báo Tin Mừng từ gia đình. Ba là: Sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số để loan báo Tin Mừng. Bốn là: Khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn anh chị em di dân. Năm là: Chia sẻ ơn gọi thừa sai.

 

Giải thích:

Trong thư Mục vụ năm 2025, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề nghị những thực hành trong Năm Thánh của Giáo hội hoàn vũ và năm “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” của Hội Thánh tại Việt Nam, cụ thể như sau:

  1. Hành hương cầu nguyện.Các Giám mục nhấn mạnh đến Bí tích Hòa giải trong những cuộc hành hương, như điểm khởi đầu của con đường hoán cải đích thực, và mời gọi các linh mục “sẵn sàng và mau mắn cử hành bí tích Hòa giải để Dân Chúa tìm thấy niềm hy vọng nơi Lòng Thương xót của Chúa”.
  2. Loan báo Tin Mừng từ gia đình. Các Giám mục mời gọi mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy nhiệt thành sống và làm chứng cho Tin Mừng bằng cách yêu thương quan tâm và liên đới với nhau hơn trong gia đình, đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho người trẻ; sống thân thiện, bác ái với anh chị em thuộc các tín ngưỡng, tôn giáo khác; và giữa các gia đình và cộng đoàn, cần nỗ lực giao hòa, tha thứ, tha “nợ” cho nhau.
  3. Cổ võ việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cách sáng tạo và hữu hiệu để loan báo Tin Mừng. Các Giám mục nhắc nhở các tín hữu cần sử dụng phương tiện này “cách thận trọng và khôn ngoan, luôn lưu ý bảo vệ giá trị sự thật và sự thiện trong tinh thần bác ái, phát huy tối đa những thuận lợi của phương tiện kỹ thuật số để học hỏi và loan truyền chân lý đức tin và Lời Chúa”.
  4. Khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn anh chị em di dân. Các Giám mục mời gọi các giáo xứ chuẩn bị cho các anh chị em rời quê hương hành trang đức tin, đức cậy, đức mến, và lòng nhiệt thành truyền giáo tại môi trường họ đến. Và các giáo xứ có nhiều người di dân đến sinh sống cần có những nâng đỡ cụ thể, giúp họ hội nhập và sống tinh thần truyền giáo.
  5. Chia sẻ ơn gọi thừa sai.Các Giám mục mong muốn “giữa các cộng đoàn Hội Thánh địa phương, trong nước cũng như ở nước ngoài, cần có sự chia sẻ ơn gọi thừa sai”. Các ngài ước mong các linh mục, chủng sinh, tu sĩ sẵn sàng dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng như nhiều dòng tu đã thực hiện.

 

GIÁO HUẤN SỐ 4

MỖI TÍN HỮU CẦN LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Hỏi: Mỗi tín hữu cần làm gì để loan báo Tin Mừng?

Thưa: Mỗi tín hữu cần nhiệt thành sống niềm hy vọng, cụ thể bằng đời sống yêu thương, quan tâm và liên đới với nhau hơn, nỗ lực giao hoà và tha thứ – tha nợ cho nhau, kiến tạo bầu khí hài hoà bình an và sống thân thiện bác ái với hết mọi người.

Giải thích:

Chứng tá cho niềm hy vọng Kitô giáo là một điều cần thiết. Năm Thánh trở thành cơ hội, con đường để đặt sự Phục Sinh của Chúa Kitô ở trung tâm. Chúng ta không thể quên rằng đời sống của Giáo hội luôn luôn là việc loan báo Chúa Kitô chết và phục sinh.

Thật vậy, ý nghĩa sâu xa nhất của Năm Thánh luôn luôn là kinh nghiệm về sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa, và điều này sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi đứng trước việc loan báo niềm hy vọng. Trong Năm Thánh, chúng ta không chỉ có niềm hy vọng nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Niềm hy vọng trở thành một điều chắc chắn, một kinh nghiệm cụ thể mà qua đó mỗi người chúng ta có thể chạm tới lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Giáo hội không thể quên bản chất của mình và trách nhiệm đã nhận được từ Chúa Kitô là loan báo Tin Mừng cho mọi người trong thế giới ngày nay. Con đường hiệp hành trở thành phương pháp để loan báo Tin Mừng ngày nay và các Năm Thánh trở thành một khả năng và một phương thức để loan báo Tin Mừng về niềm hy vọng.

Mỗi cá nhân có thể góp phần vào việc loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống tràn đầy niềm hy vọng của mình, cụ thể qua những hành vi yêu thương mỗi ngày, đối với mọi người, trong mọi hoàn cảnh, như Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Trên đường hy vọng suốt 2000 năm nay, tình thương Chúa như một lượn sóng, đã lôi cuốn bao người lữ hành. Họ đã yêu Chúa với một mối tình sống động, thể hiện qua tư tưởng, lời nói, việc làm, với một tâm hồn mạnh hơn mọi cám dỗ, mạnh hơn mọi đau khổ, hơn cả sự chết, họ đã là lời Chúa ở trần gian. Đời họ là một cuộc cách mạng, đổi mới cục diện của Hội thánh” (PX. Nguyễn Văn Thuận, Những người lữ hành đường hy vọng). Lời này giúp chúng ta thêm hăng hái bước đi trên nẻo đường hy vọng để cùng nhau loan báo Tin Mừng.

print