Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Mùa Chay năm C

print

Lc 9,28b-36

28 Hôm ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. 32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. 33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” 36Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

CÂU HỎI:

1. So sánh Mc 9,2-3 với Lc 9,28-29. Có gì khác biệt không? Đâu là nét đặc biệt của Luca?

2. So sánh Lc 3,21-22 với Lc 9,28-35. Có gì giống nhau và khác nhau không?

3. So sánh tiếng nói từ trời ở Lc 3,22 với tiếng từ đám mây ở Lc 9,35, có gì khác nhau không?

4. Trong các sách Tin Mừng Nhất lãm, Đức Giêsu được hiển dung sau những biến cố nào? Đọc Mt 17,1-9; Mc 9,2-10; Lc 9, 28-36 và những đoạn đi trước ba đoạn này.

5. Mục đích chủ yếu của việc Đức Giêsu được Chúa Cha hiển dung là gì?

6. Hai vị Môsê và Êlia nói về cuộc xuất hành của Đức Giêsu mà Người sẽ hoàn tất ở Giêrusalem (câu 31). Cuộc xuất hành (exodos) ở đây nghĩa là gì? Đọc Lc 24,26.46.

7. Trong bài Tin Mừng này có mấy từ vinh quang, mây. Tại sao ba môn đệ lại hoảng sợ?

8. Tại sao Giáo hội luôn cho đọc bài Tin Mừng về việc Chúa Hiển dung vào tuần II mùa Chay? Chúa Giêsu được hiển dung, có nâng đỡ chúng ta trong mùa Chay không?

9. Chúa Cha phán: “Các ngươi hãy lắng nghe Người” (Lc 9,35). Câu này có giống chút nào với câu Đức Maria nói với gia nhân ở tiệc cưới Cana không : “Các anh hãy làm tất cả những gì Người bảo”.

CÂU HỎI SUY NIỆM.

Nhiều người đi thẩm mỹ để có được khuôn mặt đẹp. Trong mùa Chay, chúng ta cần làm gì để có được khuôn mặt bừng sáng như Chúa Giêsu?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Có hai khác biệt giữa Mc 9,2-3 với Lc 9,28- 29. Theo Máccô, biến cố Hiển Dung xảy ra “sáu ngày” sau khi Đức Giêsu tiên báo cái chết và sự phục sinh của Ngài, nghĩa là vào ngày thứ bảy (xem Xh 24,16). Còn theo Luca, biến cố này xảy ra “khoảng tám ngày sau”. Nhìn chung biến cố Hiển Dung xảy ra khoảng một tuần sau khi Đức Giêsu tiên báo cuộc Khổ nạn. Điểm khác biệt quan trọng hơn, đó là chỉ Luca mới nói rõ mục đích của Đức Giêsu khi lên núi là để cầu nguyện. Và Ngài đã được bừng sáng khi đang cầu nguyện.

2. Lc 3,21-22 và Lc 9,28-35 có những điểm giống nhau: đang khi Đức Giêsu cầu nguyện thì xảy ra biến cố, và có tiếng của Chúa Cha. Tuy nhiên cũng có những điểm khác nhau: lúc Đức Giêsu chịu phép rửa thì chưa có mặt các môn đệ; lúc Đức Giêsu hiển dung thì không nói đến sự hiện diện của Thánh Thần, nhưng lại có mặt hai ông Môsê và Êlia; khi chịu phép rửa, tiếng Chúa Cha từ trời nói trực tiếp với Đức Giêsu (Lc 3,22), còn khi hiển dung, tiếng Chúa Cha từ đám mây nói với các môn đệ (Lc 9,35).

3. Trong Mc 3,22, Chúa Cha từ trời long trọng tuyên bố cho Đức Giêsu biết Ngài thật là Con yêu dấu của Cha, được Cha yêu dấu và hài lòng. Còn trong Lc 9,35, Chúa Cha từ đám mây giới thiệu Đức Giêsu cho các môn đệ và khuyên họ hãy vâng lời Người.

4. Trong các sách Tin Mừng Nhất lãm, Đức Giêsu được hiển dung sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin (Mc 9, 27-30; Mt 16,13-20; Lc 9,18-21), sau khi Ngài tiên báo cuộc Khổ nạn lần thứ nhất (Mc 8,31-33; Mt 16,21-23; Lc 9,22), và dạy về những đòi hỏi của ơn gọi làm môn đệ (Mc 8,34 – 9,1; Mt 16,24-28; Lc 9,23-27).

5. Ba môn đệ thân tín đã có những kinh nghiệm độc nhất vô nhị trên núi. Họ đã được thấy vinh quang của Đức Giêsu, và của hai ông Môsê và Êlia (Lc 9, 31-32). Kinh nghiệm được thấy tận mắt khuôn mặt và y phục của Đức Giêsu bừng sáng khi Ngài đang cầu nguyện (câu 29), kinh nghiệm thấy Ngài trò chuyện với hai nhân vật quan trọng là Môsê và Êlia (câu 30), cùng với kinh nghiệm được nghe tận tai lời nhắn nhủ của Chúa Cha từ đám mây (câu 35). Tất cả những kinh nghiệm đó chủ yếu nhằm nâng đỡ đức tin của ba môn đệ, trước khi họ chứng kiến cuộc khổ nạn nhục nhã và cái chết kinh hoàng của Đức Giêsu trên thập giá.

6. Trong Lc 9,31, hai ông Môsê và Êlia nói đến cuộc xuất hành mà Đức Giêsu sắp hoàn tất tại Giêrusalem. Cuộc xuất hành ở đây (exodos) để chỉ cái chết, sự phục sinh và lên trời của Đức Giêsu. Đức Giêsu sẽ chết ở Giêrusalem, sẽ được phục sinh và hiện ra ở đó, rồi cuối cùng lên trời từ đó (Lc 24,51). Cuộc xuất hành cũng là cuộc Vượt qua của Đức Giêsu, vượt qua đau khổ mà vào vinh quang (Lc 24,26), vượt qua cõi chết để vào cõi sống (Lc 24,46).

7. Trong bài Tin Mừng này có hai từ vinh quang (các câu 31 và 32) và ba từ đám mây (các câu 34 và 35). Ba môn đệ hoảng sợ khi thấy mình ở trong đám mây (Lc 9,34). Đối với người Do Thái, đám mây là dấu hiệu cho sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Xh 24,15-18), và Thiên Chúa phán ra từ đám mây (Lc 9,35). Các môn đệ hoảng sợ vì họ tin rằng “không ai thấy Thiên Chúa mà còn sống được” (Xh 33,20).

8. Trong tuần 1 mùa Chay, Giáo hội luôn cho chúng ta đọc bài Tin Mừng về Chúa chịu cám dỗ và đã chiến thắng. Tuần 2 mùa Chay luôn là bài về Chúa Hiển dung. Mầu nhiệm Chúa Hiển dung nâng đỡ đức tin chúng ta, để khi chúng ta nhìn thấy khuôn mặt dị dạng của Đức Giêsu trên thập giá, chúng ta vẫn tin Ngài là Người Con yêu quý của Thiên Chúa.

9. Cả hai câu cho thấy Chúa Cha và Mẹ Maria đều mời gọi chúng ta vâng phục Đức Giêsu