Học hỏi Phúc Âm: Chúa Nhật Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh
Lc 2,22-40
- Đọc sách Lê-vi 12,1-8. Sau khi đọc, bạn có bị sốc không? Đức Mẹ đã phải đợi bao lâu mới lên Đền Thờ để được thanh tẩy? Bạn nghĩ Đức Mẹ có cần thanh tẩy không?
- Đọc Lê-vi 12,8 và Luca 2,24. Đức Mẹ và thánh Giuse là người giàu hay nghèo?
- Con trai đầu lòng thì thuộc về Thiên Chúa (Xuất hành 13,12). Vậy cha mẹ phải làm gì để “giữ” được người con ấy? Đọc sách Xuất Hành 13,13 và sách Dân-số 3,46- 47.
- Đọc Lc 2,25-27. Nhờ đâu mà cụ Simêôn đến gặp và nhận ra Hài Nhi là Đức Kitô?
- Đọc Lc 2,29-32. Dựa theo lời chúc tụng này, hãy cho biết, đối với cụ Simêôn, Hài Nhi này là ai?
- Đọc Lc 2,36-38. Nhờ đâu mà cụ bà An-na nhận ra Hài Nhi Giêsu? Đối với cụ, Hài Nhi Giêsu là ai? Simêôn và Anna có những điểm gì chung?
- Tìm những câu trong Lc 2,22-40 cho thấy Đức Maria và thánh Giuse là những người đạo đức, muốn vâng phục Luật do ông Môsê truyền lại. Có bao nhiêu từ “Luật” trong bài Tin Mừng này?
- Đọc Lc 2,40.52. Hài nhi Giêsu lớn lên về những mặt nào? Bạn có tin rằng Đức Giêsu cũng lớn lên từ từ như chúng ta không?
- Đọc bài Tin Mừng này, bạn có thấy dấu hiệu của bóng tối trên Thánh Gia không?
Câu hỏi suy niệm: Bạn học được gì nơi cách sống của Thánh Gia qua bài Phúc Âm này? Cha mẹ dâng các con mình cho Thiên Chúa như thế nào?
CÂU TRẢ LỜI
- Theo luật ở sách Lê-vi 12,1-8, sau khi sinh con trai, người mẹ bị ô uế 40 ngày; nếu sinh con gái, người mẹ bị ô uế 80 ngày, vì người ta coi việc chảy máu khi sinh con là chuyện gây ô uế. Sau khi hết thời gian trên đây, người mẹ phải đem đến cho tư tế một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội. Vị tư tế sẽ tiến dâng những lễ vật trên đây lên Chúa, và cử hành lễ xá tội cho người mẹ. Người mẹ này bây giờ sẽ trở nên thanh sạch và được phép vào thánh điện. Như vậy Đức Mẹ cũng đã phải đợi 40 ngày trước khi lên Đền Thờ Giêrusalem để được thanh tẩy sau khi sinh Đức Giêsu.
Chúng ta ngày nay thấy luật trong sách Lêvi thật khó hiểu. Tại sao chảy máu khi sinh con lại làm người mẹ ô uế? Tại sao phải dâng lễ vật để thanh tẩy? Đối với người tin Đức Maria là Mẹ của Con Thiên Chúa, thì lại càng khó hiểu hơn. Làm sao Mẹ có thể bị ô uế vì sinh Đấng Cứu Độ? Dù sao Mẹ đã vâng phục Luật Mô-sê và đã giữ luật như mọi phụ nữ Do-thái thời đó.
- Khi đọc Lê-vi 12,8 và Luca 2,24, ta thấy Đức Mẹ và thánh Giuse là người nghèo. Thánh Gia đã dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non (Lv 12,8) thay vì dâng một con chiên kèm thêm một chim gáy hay một bồ câu non (Lv 12,6).
- Theo lời ĐỨC CHÚA phán với ông Môse, mọi con trai đầu lòng thì thuộc về Thiên Chúa (Xh 13,12). Để “giữ” con, cha mẹ phải “chuộc lại” (Xh 13,13). Theo sách Dân số 3,46-47, để chuộc con trai phải nộp 5 se-ken bạc, vào khoảng 57 gam (1 se-ken theo đơn vị đo lường của thánh điện thì nặng khoảng 11,4 g)
- Dựa trên Lc 2,25-27, ta thấy để cụ Si-mê-ôn gặp được và nhận ra Hài Nhi Giêsu, cần có nhiều yếu tố. Trước hết cụ là người công chính và sùng đạo, luôn mong chờ Đấng Kitô sẽ đến, Ngài là “niềm an ủi của Ítraen” (câu 25). Hơn nữa, cụ là người có Thánh Thần ngự trị và có tương quan thân thiết với Thánh Thần. Chính Thánh Thần đã mách bảo cho cụ biết cụ sẽ thấy Đức Kitô trước khi nhắm mắt lìa đời (câu 26). Rồi chính Thánh Thần đã thúc đẩy để cụ lên Đền Thờ vào đúng lúc cha mẹ đem Hài Nhi Giêsu tới (câu 27). Chắc chắn, Thánh Thần đã linh báo để cụ nhận ra Hài Nhi này là Đức Kitô, Đấng mà dân Do-thái và cụ đã mong đợi từ bao đời, dù bề ngoài Hài Nhi chỉ là con của một gia đình nghèo. Cụ mãn nguyện ôm Hài Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa (các câu 28-32).
- Dựa vào Lc 2,29-32, ta thấy đối với cụ Simêôn, Hài Nhi này là ơn cứu độ cho muôn dân. Ngài là ánh sáng mặc khải cho dân ngoại, và là vinh quang của dân Ít-ra-en. Vậy Hài Nhi không phải chỉ là Đấng Cứu độ cho dân Do-thái mà còn cho mọi dân tộc khác.
- Cụ bà Anna là một nữ ngôn sứ đã 84 tuổi, sống lâu năm trong cảnh góa bụa. Cụ luôn chờ ngày Đấng Mêsia đến, bằng cách ở lại trong Đền Thờ, ăn chay, cầu nguyện. Chính vào lúc này, cụ lên Đền Thờ và giới thiệu Hài Nhi là Đấng Cứu Chuộc cho mọi người chung quanh. Như vậy Cụ Si-mê-ôn và cụ bà Anna đều là những người có đời sống đạo đức (Lc 2,25.36-37), gần gũi với Đền Thờ, và có tâm hồn chờ đợi Đấng Cứu Chuộc (Lc 2,25.38). Cả hai được Chúa soi sáng để nhận ra Hài Nhi Giêsu.
- Dựa vào Lc 2,22-24.27.39, ta thấy Đức Mẹ và thánh Giuse là những người vâng phục Luật Môsê cũng là Luật Chúa. Cả hai muốn Luật giữ một cách nghiêm túc khi vượt chặng đường xa, đem con lên Giêrusalem “để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22). Tuy Luật Môsê đòi “con trai đầu lòng phải được dành riêng cho Thiên Chúa” (Lc 2,23), nhưng lại không đòi cha mẹ phải đem con trai của mình lên Đền Thờ để dâng. Việc tiến dâng Hài Nhi ở đây cho thấy cha mẹ của Ngài rất sốt sắng trong việc giữ Luật, và làm hơn cả những gì Luật đòi hỏi. Để ý 5 từ Luật trong bài Tin Mừng này (Lc 2,22.23.24.27.39).
- Hài Nhi lớn lên từ từ về ba mặt: thân xác vững mạnh, trí tuệ khôn ngoan, và được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Con Thiên Chúa làm người đã lớn lên từ từ và lớn lên về mọi mặt như chúng ta.
- Dấu hiệu của bóng tối trên Thánh Gia nằm trong lời tiên tri của Simêon ở các câu 34-35. Cụ Simêôn nói bóng gió đến việc Hài Nhi sẽ thành nguyên nhân gây chia rẽ trong Ítraen (“làm nhiều người Ít raen ngã xuống và đứng lên”), và những chống đối mà Hài Nhi sẽ phải chịu (Lc 2,34). Như thế cụ báo trước tương lai trắc trở của Hài Nhi này. Ngoài ra cụ còn nói tiên tri về nỗi khổ đau của Mẹ Maria (Lc2,35).