Học tập Thông điệp Laudato Si’ : Bài 1-3

print

Học tập Thông điệp Laudato Si’: Bài 1-3

BÀI 1 – TỔNG QUAN VỀ THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

BÀI 2 – LỜI MỜI GỌI – HOÁN CẢI MÔI SINH.

BÀI 3 – LẮNG NGHE NHỮNG TIẾNG RÊN XIẾT CỦA THIÊN NHIÊN.

ĐỌC THÊM.

Ủy ban Công lý và Hòa bình: Giới thiệu chương trình học tập về Thông điệp Laudato si’

 

BÀI 1 – TỔNG QUAN VỀ THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M.

Liên kết mật thiết giữa những tiếng khóc than của người nghèo và những tiếng rên xiết của trái đất đã gây ra tiếng vang xa rộng nơi Thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhờ các cuộc khảo cứu khoa học và những kinh nghiệm huấn luyện ở Châu Mỹ La tinh mà Đức Thánh Cha đã dành sứ vụ của ngài ưu ái cho người nghèo, những con người đang mang trong mình những nỗi đau khổ về việc khan hiếm nước sạch, phá rừng, thực phẩm thiếu an toàn, ô nhiễm môi trường… Đức Thánh Cha đã nhận thấy rằng phải khẩn cấp thúc đẩy chăm sóc tạo thành mà bấy lâu nay các giáo huấn Giáo Hội về xã hội chưa làm đầy đủ đối với trái đất đang bị tàn phá nặng nề. Ngày nay chúng ta có thể sáng kiến cách thức khác để thực hiện tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại như chính mình. Nhớ lại hai lệnh truyền trong Tin Mừng Mát-thêu (23, 37-40) để cải thiện mối tương quan với Thiên Chúa, tạo thành và chính mình là cuộc hoán cải môi sinh đã được Đức Phanxicô kêu gọi các giáo phận, giáo xứ, gia đình cùng và các tổ chức khác cùng thực hiện: chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Đưa Laudato si’ vào đời sống, trước hết đòi hỏi thành tâm thừa nhận rằng chúng ta đã có nhiều lỗi lầm khi thực sự nghiêm túc xét thấy “chúng ta sẽ để lại cho thế hệ tương lai, con cháu của chúng ta, một thế giới như thế nào?” Laudato si’ là thông điệp hỗ tương, giúp chúng ta sống liên đới với những người khác và vạn vật không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai. Thông điệp Laudato si’ giúp người đọc trả lời câu hỏi câu hỏi căn bản nêu trên bằng cách nêu lên một số vấn đề mà chúng ta đang đối diện, liên kết với thần học Laudato si’ và vạch ra những phương hướng cho các tín hữu đi từ lý thuyết tới thực hành và dấn thân cách trung tín với tạo thành như một chương trình loan báo Tin Mừng.

Với tinh thần này, chúng ta không tìm cách phân tích Laudato si’ và không đưa Thông điệp này của Đức Phanxicô vào chiều hướng nghiên cứu mang tính học thuật, cũng không tìm hiểu khía cạnh chính trị-kinh tế xã hội, đúng hơn chúng ta cố gắng tìm kiếm lợi ích từ Thông điệp này bằng cách đọc và tìm ra những phương thế để sống tinh thần Laudato si’ trong đời sống hằng ngày.

Thật sự biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho nhân loại cơ hội để lấp đầy những vực thẳm ngày càng lan tỏa sâu rộng trong một thế giới con người đang sa ngã.

Với sự phát triển của thời đại kỷ thuật, chúng ta đang sống rất xa cách với thiên nhiên và thành thật thừa nhận rằng con người đang gặp nhiều “vấn đề” trầm trọng. Đức Phanxicô đã nhận thấy rõ ràng những mối nguy hại đó trong thế giới của chúng ta và ngài đã viết Thông điệp Laudato si’ để dạy dỗ và thúc đẩy nhân loại nỗ lực vươn tới mục đích sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao cho con người trông nom trái đất.

Với trách nhiệm của người chăm sóc trái đất, chúng ta cố gắng sống giáo huấn của Giáo Hội thông qua Thông điệp Laudato si’, bằng cách:

– Tiếp xúc thiên nhiên với sự tỉnh thức và ngạc nhiên. Đức Thánh Cha phản tỉnh cách thức này theo gương thánh Phanxicô Assisi, ngài “gọi các tạo vật là anh em hoặc chị em và nếu chúng ta tiếp xúc thiên nhiên, mà không mở lòng ngạc nhiên, nếu chúng ta không nói với thế giới chung quanh bằng ngôn ngữ huynh đệ và tốt lành, thì thái độ của chúng ta sẽ trở thành thái độ sở hữu chủ, của người tiêu thụ hay chỉ là của những người bóc lột tài nguyên, không có khả năng thiết đặt ranh giới cho chú tâm trực tiếp của mình. Nhưng nếu chúng ta cảm nghiệm được liên kết với tất cả những gì đang hiện hữu, thì sự điều độ và chăm sóc sẽ tự đến. Sự nghèo khó và đơn sơ của thánh Phanxicô không phải là sự khổ hạnh ở bên ngoài, nhưng là một điều gì triệt để: một sự từ chối biến thực tại trở thành đối tượng sử dụng và thống trị.” (số 11).

– Giảm thiểu chất thải, tái sử dụng những vật dụng còn có thể sử dụng và thu gom xử lý các loại rác thải. Đức Thánh Cha nhìn thấy nơi chúng ta sinh sống “bắt đầu trông ra như một đống rác rưởi” đang vùi lấp những cảnh quang vốn rất đẹp (số 22). Điều này phát sinh từ “văn hóa sa thải” những món đồ cũ xem ra vẫn còn sử dụng được. Trong cuộc sống, chúng ta luôn tìm kiếm những “cái mới” và thay vì trân quý những “cái cũ” đang có, thì chúng ta dễ dàng vứt bỏ chúng. Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc tái sử dụng như là phần quan trọng trong cuộc sống, cách thức này sẽ làm hạn chế các rác thải và sẽ giúp các thế hệ tương lai có một môi trường sinh sống tốt đẹp.

– Bảo tồn sự đa dạng của thiên nhiên. Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta “không chỉ suy nghĩ rằng các chủng loại được xem như tài nguyên hữu ích đang bị khai thác, mà còn nhìn thấy các chủng loại có những giá trị tự thân của chúng” (số 33). Ngài cho biết rằng “mỗi năm mất đi hàng nghìn loại cây cối và thú vật, mà chúng ta không còn khả năng nhận ra, cả con cái của chúng ta cũng chưa thấy được, hoàn toàn mất đi vĩnh viễn”. Đây là hậu quả trầm trọng không chỉ trong thế giới tự nhiên mà cho cả sức khỏe của con người nữa. Phá hoại các chủng loại sinh thái trong môi trường sống của con người, chúng ta đang đánh mất các tiềm năng miễn dịch có chức năng chữa trị tự nhiên cho những người đau bệnh cũng như sự cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Thiên Chúa tạo dựng trái đất với “bản giao hưởng” tự nhiên và bằng cách loại bỏ các chủng loại trong một thực thể, thì chúng ta đang làm hư mất “bản nhạc” vẹn toàn của tạo thành.

Nguồn: ubclhb.com (27.2.2022)

BÀI 2 – LỜI MỜI GỌI – HOÁN CẢI MÔI SINH

 Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M.

Chúng ta muốn trao lại cho các thế hệ tương lai, con em của chúng ta đang lớn lên, một trái đất như thế nào? Câu hỏi này bắt buộc chúng ta phải tự hỏi chính mình về ý nghĩa hiện hữu và những giá trị của hiện hữu dựa trên nền tảng đời sống xã hội: “Mục đích đời sống của chúng ta trong thế giới này là gì? Tại sao chúng ta có mặt trên trái đất này? Chúng ta làm việc và mọi nỗ lực của chúng ta để làm gì? Trái đất này cần chúng ta điều gì“

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu chúng ta không đưa ra những câu hỏi căn bản này, thì không thể nói rằng chúng ta nên quan tâm các thế hệ con em tương lai.” Khi chúng ta lưu tâm tới một hành tinh mà chúng ta để lại cho các thế hệ con em tương lai có thể trú ngụ bình an, thì “đó cũng là bi kịch cho chính chúng ta, vì điều này cho thấy ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên trái đất này đang bị gặp khủng hoảng” (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung, số 160). Những câu hỏi này được nêu lên từ những quan sát nhận thấy: ngày nay trái đất, chị của chúng ta, đang bị ngược đãi và lạm dụng, đang quằn quại rên siết; và những tiếng than van rên siết của trái đất nối kết với những con người trong thế giới này đang bị bỏ rơi và loại trừ.

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta lắng nghe những tiếng than khóc bi thảm này, thúc đẩy mỗi người và mọi người (các cá nhân, gia đình, cộng đoàn, quốc gia và cộng đồng quốc tế) thực hiện một cuộc “hoán cải môi sinh” bằng cách đảm nhận trách nhiệm “chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.” Con người phá hoại sự đa dạng của sinh vật bằng việc làm thay đổi khí hậu, làm ô nhiễm nguồn nước của trái đất, ô nhiễm môi trường sinh sống của các loài sinh vật là tội, (số 8). Vì thế, Đức Thánh Cha đưa ra những câu hỏi này trong Thông điệp Laudato si’ nhằm gửi đến mọi người đang chung sống trên hành tinh này và mời gọi mỗi người thực hiện một cuộc “hoán cải môi sinh” thật sự. Nhờ đó, chúng ta nhận biết giá trị đích thực cuộc sống của mình trên hành tinh này và để lại cho các thế hệ con em tương lai một trái đất với đời sống ý nghĩa hơn.

Được gợi hứng từ gương sáng của thánh Phanxicô thành Assisi là mẫu mực về yêu mến và tôn trọng thiên nhiên vạn vật và là chứng tá trong việc hoán cải môi sinh, Đức Thánh Cha đã lấy lại lời ngợi khen Thiên Chúa của thánh Phanxicô: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa con” (Laudato si’ mi’ Signore) từ Bài Ca Các Tạo Vật của thánh nhân. Từ bài ca rất đẹp này, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại, ngôi nhà chung này phải được xem như là người chị của chúng ta, mà chúng ta được chia sẻ cuộc sống, và như người mẹ ôm lấy chúng ta. “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa con! Vì người chị của chúng con, người mẹ trái đất của chúng con, mẹ nâng đỡ chúng con và mang lại nhiều hoa trái, những bông hoa tươi đẹp, những cây cỏ xanh tươi” (Bài Ca Các Tạo Vật).

Tuy nhiên, người chị, người mẹ của chúng ta đang kêu gào thảm thiết vì sự hủy hoại do con người gây ra, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên của con người. Quan sát giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, Đức Thánh Cha nhận thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8, 22). Tất cả thảm hại xảy ra trên trái đất do thái độ của con người đối xử với trái đất như là những chủ nhân và sở hữu chủ trái đất và tự cho mình quyền khai thác trái đất cách tàn bạo. Thật sự, con người cũng chỉ là tro bụi (St 2,7). Thân xác của con người cũng được tạo nên từ đất, không khí trong vũ trụ này giúp con người thở và nước cho con người sống và được bồi dưỡng. Trong bối cảnh đó, Thông điệp Laudato si’ nhấn mạnh rằng “thánh Phanxicô là mẫu gương tuyệt vời cho việc yêu mến và tôn trọng những gì yếu đuối và cho một sinh thái được sống cách trọn vẹn đầy niềm vui đích thực. Ngài chính là vị thánh cho tất cả những ai tìm hiểu và làm việc trong lãnh vực sinh thái…, ngài chỉ cho thấy rõ mức độ ngài liên kết tất cả việc chăm sóc thiên nhiên, sự công bằng với kẻ nghèo, việc dấn thân cho xã hội và bình an nội tâm vào một điểm gắn kết chung với nhau” (số 10).

Trong bối cảnh hiện tại trái đất đang bị tàn phá, Đức Thánh Cha có cái nhìn lạc quan vào con người có khả năng cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta (số 13). Không phải tất cả bị đánh mất. Con người trong tình trạng những sự tồi tệ nhất, thì cũng có khả năng chỗi dậy, lựa chọn lại những điều tốt lành nhất và bắt đầu lại (số 205). Trong tiến trình hoán cải và hy vọng sẽ canh tân trong tương lai, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới sự vẹn toàn môi sinh như là trung tâm của Thông Điệp với một ý tưởng có khả năng nối kết với những mối tương quan căn bản của con người với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và với toàn thể tạo thành.

Trong mối tương quan này chúng ta được mời gọi thực hiện cuộc “hoán cải môi sinh” thật sự, nghĩa là thay đổi hoàn toàn về lối nhìn, sự tương tác và thái độ cư xử trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Điều này có nghĩa thay đổi các lựa chọn mà chúng ta thực hiện trong đời sống hằng ngày đối với môi trường; đối với các sinh vật, bao gồm cả con người. Một sự thay đổi toàn diện để cải thiện toàn thể tạo thành. Người nào có những hành vi “hoán cải môi sinh” thì người ấy là hình ảnh của Thiên Chúa mà con người đó tìm kiếm một đời sống hài hòa với thiên nhiên (bao gồm cả con người), một tôi tớ chứ không phải là một chủ nhân.

Những đề nghị cụ thể cho việc hoán cải môi sinh:

–     Thái độ biết ơn và nhận thức về quà tặng nhưng không.

Với đức tin cuả người Công Giáo, chúng ta bày tỏ thái độ biết ơn và nhận biết “thế giới là ân huệ tình yêu của Thiên Chúa” ban tặng cho nhân loại cách nhưng không và “chúng ta được kêu gọi noi gương lòng quảng đại của Ngài bằng cách từ bỏ chính mình và làm những công việc tốt lành, ngay cả khi không ai nhìn thấy” (số 220).

–     Nhận biết rằng tôi là một phần của tạo thành.

“Việc hoán cải môi sinh cũng đòi buộc một ý thức tràn đầy tình yêu, không tách rời với những thụ tạo khác, nhưng tạo ra một cộng đồng có giá trị bao trùm tất cả những hữu thể hiện hữu trong vũ trụ. Người tin không nhìn ngắm thế giới từ bên ngoài, nhưng từ trong nội tâm và nhận ra dây liên kết mà qua đó Chúa Cha nối kết chúng ta với tất cả hữu thể. Ngoài ra, việc hoán cải môi sinh gợi lên những khả năng đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho họ, sẽ giúp họ triển khai sức sáng tạo của mình và gia tăng sự thanh thoát để giải quyết các bi kịch của thế giới và chính họ “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Vì thế, tạo thành như là lời của tình yêu phát ra từ Thiên Chúa cho nhân loại, chúng ta là lời của tình yêu Thiên Chúa trao tặng cho những thụ tạo khác (số 220).

–     Nhận biết mọi thụ tạo đều phản ánh Thiên Chúa là Đấng tốt lành, yêu thương và nhân từ.

“Mỗi thụ tạo đều phản ánh một điều gì đó của Thiên Chúa và có một sứ điệp để dạy dỗ chúng ta hoặc là ý thức rằng Đức Kitô đã đón nhận thế giới vật chất này và hiện tại Người là Đấng Phục Sinh đang cư ngụ trong thâm sâu của từng hữu thể và đã ôm lấy chúng với lòng từ ái của Người, cũng như thấm nhập ánh sáng của Người vào trong chúng” (số 221).

–     Nhận biết sự hài hòa và trật tự trong tạo thành.

“Hoán cải môi sinh” đối với những người Công Giáo thì cũng biết rằng “Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới và đã đặt trong chúng một trật tự và một năng động mà con người không có quyền quên đi. Chúng ta đọc trong Tin Mừng rằng Chúa Giêsu nói về các con chim và nhận biết “không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,6). Vậy làm sao chúng ta lại có thể đối xử tệ với chúng và gây thảm hại cho chúng?” Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hoán cải thật sự, tạo mối tương quan mật thiết với các thụ tạo khác trong một tình huynh đệ chân thật với toàn thể tạo vật như Thánh Phanxicô đã nêu gương sáng rạng ngời (số 221).

Hoán cải môi sinh là một thể thức cụ thể của việc nhìn vào tạo thành đang thúc đẩy sự thay đổi tâm hồn. Như thế, “hoán cải môi sinh” trong ý nghĩa của Công Giáo là cách thức mới mẻ nhìn vào tạo thành; lối sống mới của đời sống chúng ta trong sự hài hòa sâu sắc với những người xunh quanh chúng ta, với mọi loài thụ tạo mà chúng ta đang chung sống và với Thiên Chúa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lựa chọn để có ít hơn trong cuộc sống nhưng sống nhiều hơn trong đời sống để bảo đảm cho tất cả, bao gồm các thế hệ con em tương lai, đều bình đẳng lợi ích từ những nguồn của trái đất.

Đức Thánh Cha trình bày thánh Phanxicô thành Assisi như là gương sáng mẫu mực trong việc hoán cải này, ngài có “mối tương quan lành mạnh với tạo thành là một chiều kích trong cuộc hoán cải trọn vẹn của con người. Điều này cũng đưa tới nhận thức những sai lầm, tội lỗi, tật xấu hoặc chễnh mãng và dẫn tới sự sám hối trọn tâm hồn và ước muốn thay đổi… Để thực hiện sự giao hòa đó, chúng ta phải biết xem xét lại đời sống của chúng ta và nhận ra những đường lối chúng ta đã làm tổn thương tạo thành của Thiên Chúa bằng các hành vi và những sai lầm của chúng ta. Chúng ta cần có kinh nghiệm về hoán cải hoặc sự thay đổi tâm hồn” (số 218).

Nguồn: ubclhb.com (02.03.2022)

BÀI 3 – LẮNG NGHE NHỮNG TIẾNG RÊN XIẾT CỦA THIÊN NHIÊN

 Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M.

Những điều đang xảy ra trong Ngôi Nhà Chung của chúng ta

Môi trường là tài sản chung của mọi người, nó thuộc về tất cả chúng ta và cho chúng ta. Toàn thể nhân loại chung sống trong một ngôi nhà chung, chia sẻ với nhau những lợi ích từ ngôi nhà này, môi trường sinh sống. Các nghiên cứu khoa học cho thấy “phần lớn địa cầu đang nóng lên trong những thập niên gần đây đều do sự tập trung lớn các khí thải (thán khí, mê-tan, ô-xít nitrogen và nhiều loại khí khác) chủ yếu do hoạt động của con người gây ra.” (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung, số 23).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết sự biến đổi khí hậu là “một trong những thành đố nghiêm trọng đối diện với nhân loại ngày nay.” Năm lần Đức Thánh Cha sử dụng cụm từ “văn hóa vứt bỏ” là một trong những nguyên nhân lớn gây ra khủng hoảng sinh thái. Chúng ta phải chịu đựng ô nhiễm và chất thải, khan hiếm nước, giảm sút sự đa dạng sinh học, giảm thiểu chất lượng đời sống và suy sụp xã hội, chủ nghĩa tiêu thụ cực đoan và sự bất bình đẳng toàn cầu, cũng như sự phản ứng yếu kém của quốc tế.

“Món nợ môi sinh” (số 51) đang thật sự phơi bày ra, đặc biệt ở bắc và nam bán cầu, liên quan tới “việc sử dụng bất cân đối các nguồn tài nguyên thiên nhiên.” Cần có sự quan tâm rất đặc biệt tới các “nhu cầu đặc biệt của người nghèo, người yếu đuối và những người bị tổn thương.” (số 52).

Tương tự vị tiền nhiệm của ngài, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta thực hiện “cuộc hoán cải môi sinh toàn cầu” thật sư: “chúng ta chỉ cần nhìn thực tại cách chân thật để thấy ngôi nhà chung của chúng ta đang bị hủy hoại. Hy vọng mời gọi chúng ta nhận ra, vẫn còn lối thoát, vẫn luôn có khả năng xác nhận hướng đi mới mẽ, vẫn có khả năng làm một điều gì đó để giải quyết vấn đề của chúng ta.” (số 61).

Chúng ta hãy suy nghĩ xem:

–  Những hình ảnh hoặc thứ loại đồ dùng nào xuất hiện trong tâm trí tôi khi tôi đọc thấy hoặc nghe nói tới “văn hóa vứt bỏ”?

–  Tôi đã từng tham gia vào dạng thức “văn hóa vứt bỏ” như thế nào?

–  Những thách đố môi sinh liệu tôi có nhìn thấy trong cộng đồng mình hay không?

–  Những hành động của tôi cũng như của những người trong cộng đồng tôi đang sinh sống tác động mạnh hơn vào thế giới như thế nào?

“Ngày nay chúng ta phải nhìn nhận rằng sự tiếp cận môi sinh đích thực luôn luôn trở thành sự tiếp cận xã hội; nó phải hợp thành một thể thống nhất về lẽ công bình trong các bàn thảo về môi trường, để lắng nghe tiếng than của trái đất, cũng như của người nghèo.” (số 49).

Chúng ta có thể đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể:

Các tín hữu Kitô giáo nói riêng và cộng đồng nhân loại nói chung đều được kêu gọi chữa lành, giao hòa, tái thiết lập và sáng tạo sự hiểu biết lẫn nhau qua các cuộc đối thoại mà chúng được diễn tả qua sự liên đới của chúng ta với những người nghèo, những người bị bỏ rơi và với trái đất đang bị khai thác. Chúng ta được mời gọi, như lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thật lòng “hoán cải môi sinh”. Sự đáp trả của chúng ta với những tiếng kêu gào thảm thiết của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu phải là ngôn sứ, đó là tin vui cho những người nghèo và hành tinh.

Sự biến đổi khí hậu phải là ưu tư hàng đầu đối với Giáo hội Công giáo nếu Giáo hội thực sự tin rằng sứ vụ của Giáo hội là để nuôi dưỡng đời sống của thế giới. Hãy lắng nghe những tiếng rên xiết của thiên nhiên, cũng chính là những tiếng kêu gào thảm thiết của người nghèo.

Đã đến lúc chúng ta phải trả “món nợ môi sinh”, để chúng ta có thể trả món nợ cho những người nghèo, sức khỏe và sinh kế của họ.

Nguồn: ubclhb.com (14.03.2022)

 

ĐỌC THÊM

Ủy ban Công lý và Hòa bình: Giới thiệu chương trình học tập về Thông điệp Laudato si’

ỦY BAN CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH HỌC TẬP THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

Ban Truyền thông Ủy ban Công lý và Hòa bình

Đáp ứng sự thúc đẩy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc bảo vệ trái đất và người nghèo, HĐGM VN thiết lập một chương trình học tập về Thông điệp Laudato si’. Chương trình này đem đến cho các tín hữu Công Giáo Việt Nam và những người khác sự nhận thức (học) chính đáng về Laudato si’ và việc hoạt động (tập) thiết thực về Thông điệp này.

MỤC ĐÍCH

Nhận thức: Hiểu biết đúng về Thông điệp Laudato si’ và gây ý thức về tinh thần Laudato si’ cho mọi đối tượng thông qua giáo dục và truyền thông (các bài trình bày và học tập: từ bài 1-8).

Hoạt động: Giúp cho mọi tín hữu và có thể cả anh chị em lương dân thực hiện Công Lý và Hòa Bình theo tinh thần Laudato si’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (các bài trình bày và học tập: từ bài 9-12).

LƯỢC ĐỒ HỌC TẬP

  1. Tổng Quan Thông Điệp Laudato si’

– Thông điệp cảnh tỉnh nhân loại quan tâm chăm sóc “ngôi nhà chung” (trái đất).

– Thánh Phanxicô thành Assisi, nguồn gợi hứng và nền tảng nội dung của Thông điệp.

– Những thách đố cho sự sống của thế hệ mai sau trong “ngôi nhà chung” của nhân loại.

– Những sứ điệp thúc đẩy hành động thiết thực.

  1. Lời Mời Gọi: Hoán Cải Môi Sinh

– Trái đất – ngôi nhà chung.

– Mối tương quan giữa các thụ tạo với con người: mẹ-con, chị-em.

– Thái độ của con người với các thụ tạo khác: ngược đãi và tàn phá.

– Con người được kêu gọi: hoán cải môi sinh.

  1. Lắng Nghe Những Tiếng Rên Xiết Của Thiên Nhiên (x. Chương 1)

– Các khía cạnh khác nhau trong sự khủng hoảng môi sinh ngày nay.

– Những sự biến đổi khí hậu.

– Vấn đề nước sạch.

– Bảo vệ các sinh vật.

– Món nợ môi sinh.

  1. Trách Nhiệm Của Nhân Loại Với Tạo Thành (x. Chương 2)

– Tin mừng của tạo thành.

– Mối tương quan mật thiết của con người với tạo thành.

– Môi trường thiên nhiên là gia sản của nhân loại.

– Trách nhiệm của mỗi người với môi sinh.

  1. Nguyên Nhân Khủng Hoảng Môi Sinh (x. Chương 3)

– Tình trạng khủng môi sinh hiện nay do con người gây ra.

– Liên quan công nghệ kỹ thuật và nơi sinh sống của nhân loại trong chương trình tạo thành của Thiên Chúa.

– Phục hồi các giá trị và những mục đích lớn lao bị phá vỡ bởi sự hoang tưởng cuồng nhiệt của con người.

  1. Nền Môi Sinh Học Trọn Vẹn (x. Chương 4)

– Tìm hiểu về mối tương quan giữa các sinh vật sống và môi trường nơi chúng ta sinh sống.

– Cần sự hiểu biết đa dạng về các mối tương quan mật thiết trong một không gian (miền, vùng, làng) con người đang sinh sống trong đó.

– Liên đới và lựa chọn ưu tiên cho những người nghèo khổ nhất; nhìn nhận phẩm giá vô hạn của những người nghèo khổ trong ánh sáng đức tin sâu xa nhất.

– Trách nhiệm liên đới với các thế hệ tương lai: “trái đất mà chúng ta lãnh nhận, cũng thuộc về những người sẽ tới.”

  1. Các Hướng Dẫn Bảo Vệ Môi Sinh (x. Chương 5)

Những phương thức chúng ta có thể tiếp cận và hành động cụ thể trong việc bảo vệ môi sinh:

– Sự phụ thuộc lẫn nhau buộc chúng ta phải nghĩ tới “một thế giới duy nhất, một chương trình chung với nhau.”

– Quốc gia và các địa phương cần có chính sách hành động cụ thể về việc bảo vệ môi sinh.

– Những giải pháp kịp thời cho những cộng đồng đang bị ô nhiễm môi sinh.

– Các nền chính trị và kinh tế cần liên kết với nhau để phục vụ sự sống của con người.

– Tôn giáo và khoa học cần hỗ trợ lẫn nhau.

  1. Linh Đạo và Giáo Dục Môi Sinh (x. Chương 6)

– Nhân loại cần thay đổi để gìn giữ sự vẹn toàn vốn có của “ngôi nhà chung”.

– Giáo dục môi sinh mời gọi chúng ta có sự nhạy cảm mới với môi sinh và sự hoán cải mới về môi sinh.

– Đời sống Kitô hữu mời gọi chúng ta sống lối sống ngôn sứ và chiêm niệm.

– Yêu thương và thiết lập một nền văn minh tình yêu sẽ giúp chúng ta đáp trả đầy đủ những nhu cầu: con người sống cần đến nhau và có trách nhiệm với nhau và với thế giới.

  1. Phục Hồi Và Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Của Tạo Thành

Ý thức: thúc đẩy phục hồi và bảo vệ sự vẹn toàn của tạo thành.

Thực hiện: hướng dẫn và hành động bằng việc chăm sóc và giữ gìn môi trường sinh thái luôn luôn

xanh – sạch – đẹp, cụ thể:

(1) Phát quang và thu dọn đường làng đường xóm luôn sạch sẽ;

(2) Rác thải: thu gom, phân loại và xử lý đúng quy cách;

(3) Cây xanh: bảo vệ và trồng thêm cây xanh;

(4) Năng lượng: tiết kiệm điện, nước và nhiên liệu;

(5) Tiếng động và khói bụi: hạn chế tiếng ồn, không đốt rác thải và không hút thuốc lá nơi công cộng.

(6) Chất độc hại: không hoặc hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu và diệt côn trùng.

(7) Công nhân vệ sinh công cộng: hỗ trợ hoặc động viên họ hàng tháng, những dịp lễ và tết.

  1. Thực Hiện 3R

Trình bày chi tiết các giá trị và hướng dẫn cách thức thực hiện cụ thể, cần có sự đánh giá (có thể “đo lường” được) sau khi thực hiện.

(1) Reduce: giảm thiểu tối đa lượng chất thải và repair – sửa chữa những đồ vật hư hỏng để dùng tiếp.

(2) Reuse: tái sử dụng những đồ vật hoặc sản phẩm còn khả dụng.

(3) Recycle: thu gom và bán hoặc cho các loại rác thải hay vật liệu thải có thể tái chế.

  1. Dự Án Hỗ Trợ Người Nghèo

Xây dựng một chương trình hỗ trợ lâu dài cho những người nghèo.

Chương trình này sẽ giúp các Giáo Hội địa phương và các ân nhân của Giáo Hội có cơ hội cải thiện phẩm chất đời sống của những người nghèo khổ, những người cô thân yếu thế, già yếu bệnh tật và di dân.

– Giáo dục: thực hiện các chương trình khuyến học vi mô và vĩ mô.

– Y tế: chăm sóc và cải thiện sức khỏe con người bằng cách truyền đạt kiến thức sức khỏe phổ thông cho dân chúng, khám bệnh và phát thuốc.

– Ăn uống: hỗ trợ lương thực, thực phẩm và quần áo, cung cấp nước sạch để uống và sinh hoạt; tổ chức các bữa ăn cho những người nghèo đói.

– Nơi ở: sửa chữa hoặc làm nhà mới cho những người nghèo khổ và/hoặc già yếu neo đơn.

– Nhân quyền: bảo vệ quyền lợi của những người nghèo và cô thân yếu thế; liên đới, hiệp thông và thăm viếng đồng cảm với người nghèo lúc họ đang bị mất quyền lợi chính đáng.

(Cần thiết làm thêm phần hướng dẫn đánh giá (có thể “đo lường” được) vào mỗi cuối năm hoạt động).

  1. Những Ngày Đặc Biệt và Mạng Lưới Nhân Sự

(1) Những Ngày Đặc Biệt

Trong năm, chúng ta có thể chọn ra một số ngày đặc biệt để hưởng ứng chung với Giáo Hội hoàn vũ và Thế giới trong các cuộc cử hành đặc biệt vào những ngày này:

– “Giờ Trái đất” (Thứ Bảy cuối cùng của Tháng Ba hàng năm);

– “Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo thành” (1/9);

– “Ngày vì Người nghèo” (Chúa Nhật 33 Thường niên – tháng 11)

Soạn thảo một chương trình cụ thể hướng dẫn về khía cạnh nhận thức sự kiện và về chiều kích hành động cụ thể, chẳng hạn: cử hành giờ cầu nguyện đồng nhất trong toàn Giáo Hội Việt Nam hay Giáo Tỉnh hoặc ít nhất trong toàn từng Giáo phận.

(2) Mạng Lưới Nhân Sự

(Đây là sức mạnh nổi bật, rất hữu hiệu và giúp duy trì việc thực hiện tinh thần Laudato si’; tránh tình trạng hưởng ứng theo phong trào hoặc mang tính thời sự) 

– Thiết lập một “mạng lưới” Laudato si’ trong Giáo Hội Việt Nam, từ cấp độ giáo xứ: mỗi giáo xứ có một đặc trách linh hoạt viên Laudato si’.

– Soạn thảo cơ cấu và quy chế hoạt động.

Nguồn: ubclhb.com (23.02.2022)