Họp Liên Gia – Song Nguyền

print

Họp Liên Gia – Song Nguyền

https://www.tthngd.net/

Sửa Soạn Cho Buổi Họp Liên Gia

01/- NHẮC NHỞ

Gia chủ gọi điện thoại nhắc nhở từng Anh Chị trong Liên Gia của mình trước kỳ họp 2 hoặc 3 ngày để biết rõ. Anh Chị nào tới được tới đúng giờ, tới trễ hoặc không thể tới được vì bận chuyện bất tử.

02/- PHÚC ÂM

Gia chủ có thể chọn bất cứ một đoạn Phúc Âm nào thích hợp với chủ đề của Liên Gia hoặc hợp với tâm tình của Gia chủ trong kỳ họp này. Xinh đừng chọn Phúc Âm quá dài, mọi người không tập trung tư tưởng được. Tốt nhất nên copi thành nhiều bản để mỗi cặp đều có thể theo dõi. Và khi đọc Phúc Âm xin mời tất cả Quý Anh Chị cùng đứng.

03/- THÁNH CA

Gia chủ có thể chọn lựa bất cứ bài Thánh Ca nào thích hợp với Phúc Âm, Chủ đề.

04/- SÁCH THÁNH HAY TÀI LIỆU

Bất cứ một đoạn sách Thánh trong tủ sách Công Giáo hay nhưng tài liệu liên quan đến đời sống vợ chồng con cái đều có thể dùng trong Liên Gia, chỉ cần ngắn gọn. Khi đọc, xin mời mọi người ngồi chứ không đứng.

05/- PHẦN CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

Gia chủ nên mời trước một cặp trong Liên Gia để cầu nguyện mở đầu hoặc chính Gia chủ sẽ cầu nguyện mở đầu. Nên ngắn gọn trong vòng 1 hay 2 phút, nọi dung khiêm nhường nêu lên một điều về bản thân xin Ơn thay đổi nhờ buổi họp Liên Gia này. Luôn dùng từ “Con” chứ không dùng “Chúng Con”. Và nên cầu nguyện cho khoá học nào gần nhất trong tháng. (theo Lịch trình sinh hoạt có thông báo)

 06/- CHIA SẺ VỀ PHÚC ÂM

Gia chủ cẩn thận kẻo mọi người rất dễ dàng ngả về đường hướng dẫn giải Phúc Âm, hoặc trổ tài giảng giải Phúc Âm nhiều hơn là chia sẻ về đời sống của mình theo bài Phúc Âm. Mỗi người trong Liên Gia nên có gắng ngắn gọn khi phát biểu để thì giờ cho tất cả mọi người trong Liên Gia đều có thể chia sẻ được.

07/- CHỦ ĐỀ THẢO LUẬN

Tuỳ theo Gia chủ chọn lựa, đề tài thảo luận hay gợi ý có thể là “Gia đình hai bên và vợ chồng”. “Xã hội. học đường và con cái”, “Con cái đến tưởi vào Đại Học”, “Kỷ niệm ngày cưới”, “Nhắc lại thời mới quen nhau”, “Chia sẻ về đứa con đầu”, v…v…Phần thảo luận này rất dễ kéo dài thời gian ấn định, gia chủ nên để ý, nếu như thấy mọi người đều quan tâm và hưởng ứng rất nhiều nên đề nghị tăng thêm giờ để chia sẻ hoặc là sẽ cắt bớt để kỳ họp tới thảo luận tiếp, hoạc sẽ thảo luận trong lúc giả lao, sau khi chấm dứt giờ họp Liên Gia.

08/- ẤN ĐỊNH KỲ HỌP LẦN TỚI

Gia chủ – nhất là Liên Gia Trưởng – nên để ý kỳ họp tới sẽ họp ngày nào, nhà Anh Chị nào nhất là có mục đặc biệt nào không? Thí dụ họp kỳ tới sẽ là ngày kỷ niệm cưới của Anh Chị trong Liên Gia, hay cặp nào gặp khó khăn về bất cứ vấn đề nào cần nâng đỡ, chia sẻ.

09/- PHÂN CHIA CÔNG TÁC

Nếu có công tác chung của CT/TTHNGĐ, xin Gia chủ hay Liên Gia Trưởng phân chia để mọi Anh Chị đều có thể hợp tác tham gia, như Picnic của Chương Trình, Hội chợ Trung Thu của Giáo Xứ hay họp Song Nguyền thường xuyên v…

10/- KẾT THÚC

Gia chủ nên gọi con cái hay thân nhân trong gia đình cùng nhau cảm tạ và đọc kinh trước khi chấm dứt.

 

Những Đề Tài Gợi Ý Trong Các Buổi Họp Liên Gia 

 

GIỮA MÌNH VỚI MÌNH

– Tự Xét: Không nên nói về cái “Tôi”

– Cách làm cho mình bình an.

– Làm thế nào tự sửa mình để hợp với người khác.

– Hẵy khó với mình và dễ với người.

 

GIỮA NGƯỜI CHỒNG VÀ NGƯỜI VỢ

– Cái hay ban đầu: Ngày chưa cưới, ngày cưới, sau ngày cưới.

– Làm thế nào để kềm chế sự nóng giận.

– Làm thế nào để giúp nhau tránh sự nóng giận.

– Làm thế nào để giữ được niềm tin cho nhau.

– Làm thế nào để tạo lại niềm tin đã mất.

– Làm thế nào để giúp nhau giảm thiểu những đam mê gây xáo trộn gia đình.

– Cách phản ứng khi một trong hai người đang nóng giận.

– Cách giải thích khi một trong hai người bị ngộ nhận.

– Khác biệt về sự suy nghĩ giữa người Chồng và người Vợ.

– Khác biệt về cách diễn tả sự quan tâm đến nhau giữa người Chông và người Vợ.

– Khác biệt về cách đón nhận những quan tâm giữa người Chồng và người vợ.

– Khác biệt về cách dùng ngôn từ giữa người Chồng và người Vợ.

– Cách thức từ chối tình dục mà không làm tổn thương người phối ngẫu.

– Cách thức quản trị tài chánh trong gia đình.

– Cách cư sử với nhau trong đời sống thường nhật.

– Thế nào là ghen? và ghen như thế nào?.

– Làm sao để biết được ý của nhau.

– Làm sao giúp nhau nhân ra cái hay của nhau.

– Cách đối xử với bạn của người phối ngẫu.

 

GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI

– Cách thức nói truyện với con gái: Dưới 12 tuổi / trên 12 tuổi / và trên 18 tuổi.

– Cách thức nói truyện với con trai: Dưới 12 tuổi / trên 12 tuổi / và trên 18 tuổi.

– Cách gải thích đê con cái hiểu và thông cảm cha me.

– Cách theo dõi các hoạt động của con cái.

– Cách hướng dẫn con cái về tín lý.

– Cách hướng dẫn đê con cái trưởng thành trong đời sống.

– Cách phản ứng của cha mẹ khi bực mình vì con cái.

– Cách biểu lộ sự yêu thương với con cái.

– Cách thưởng phạt con cái.

– Cách thức khi con cái give-up, hay không đối thoại với cha mẹ.

 

GIỮA VỢ CHỒNG VÀ GIA ĐÌNH HAI BÊN

– Làm thế nào để Chồng hoặc Vợ hiểu gia đình bên kia.

– Cách hàn gắn khi có khủng hoảng giữa Dâu hoặc Rể với gia đình.

– Phương cách nào làm vui lòng gia đình hai bên.

 

 “Họp Liên Gia Một Mình” 

Trích sách” Hướng Dẫn Sinh Hoạt quyển 1.( cuốn tím). Chương 6, mục I,2 & 3 từ trang 159 đến trang 163.

(2) Liên Gia là căn bản. Muốn biết tinh thần một dân tộc cao hay thấp thì gặp dân chúng ở vùng quê chứ không chỉ gặp ít người ở thành thị, và muốn biết một trường học tốt hay xấu thì xem trên tường nhà vệ sinh sạch sẽ hay chằng chịt tiếng lóng dơ bẩn. Cũng vậy,  muốn xem một đoàn thể có ích lợi cho hội viên không, thì hãy giữ buổi họp của từng nhóm chứ không chỉ dự lễ ra mắt của ban chấp hành. Nhà có tiện nghi thì mỗi phòng cá nhân đều tiện nghi, chứ không chỉ trưng bày phòng khách sang trọng, bàn ghế thật đẹp nhưng phủ nilon kín mít, rồi ngồi trên nền nhà nói chuyện với nhau.

          Vì Liên Gia có tầm quan trọng đặc biệt trong Chương Trình, nên nếu muốn làm việc Tông Đồ Song Đôi thì việc đầu tiên là cần hăng say Họp Liên Gia và khích lệ người khác dự Họp như mình. Đôi khi các sinh hoạt khác vốn ích lợi tuy Liên Gia lỏng lẻo, nhưng đây là ngoại lệ.

(3)Liên gia biến thể. Như đã nói, việc chính yếu là sau khi dự Khóa mỗi song nguyền vốn tiếp tục phát triển về tình “thương yêu gần gũi bằng việc làm” với Chúa, với bạn đời, con, và với mọi người. Vì vậy có người ở quê nhà ra thăm nước ngoài, dự khóa rồi về lại vùng sông Cửu Long hoặc Hồng Hà, đã tích cực “họp liên gia một mình”, bằng cách say sưa thuật lại với người khác về những cảm nghiệm đã thay đổi đời mình, lại khoe văn bằng Thệ Hôn Một Đời,  coi đó như bảo vật.

Nói thêm về “họp liên gia một mình”  vì rất cần:

– Ai không ở gần các song nguyền khác thì cần năng đọc sách Nền Tảng và sách Hướng Dẫn.

– Hai tuần một lần, dành ra 30 đến 45 phút để “họp liên gia một mình” bằng cách đọc chậm rãi Các Mẫu Họp Liên Gia (chương 7) và làm theo những hướng dẫn trong đó,  tức là đọc Kinh Hôn Nhân Gia Đình, đọc một đoạn Kinh Thánh, suy nghĩ và cầu nguyện theo đoạn KT vừa đọc, đọc lại Mười Điều Tâm Niệm (chương 2), đưa ra một quyết định thay đổi đời sống từ lần này cho tới lần sau, than thở lời nguyện vắn tắt ba lần để kết thúc.

Vậy nếu có nội  tâm “thương yêu gần gũi”, có khiêm nhường “biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi” thì ở đâu có mình là có “họp liên gia”, và đó là lý do của những hình thức Liên Gia Biến Thể.

Biến thể thứ nhất là “Liên Gia Thân Thuộc”. Đây là trường hợp anh chị X đi Khóa, được Ơn thay đổi từ tình trạng muốn bỏ nhau trở lại đầm ấm “còn hơn ngày mới cưới”. Gia đình em trai và em gái tò mò, ghi danh “đi thử xem sao”, và cũng được ơn như vậy. Anh cả ở xa khoảng 3,000 cây, bảo trợ mẹ già từ Quê Nhà ra nước ngoài. Ba người em đều làm nghề sơn móng tay, nên cùng di chuyển tới thành phố của anh để vừa mở tiệm vừa báo hiếu mẹ. Ba gia đình này đã “họp liên gia thân thuộc”, làm cho mẹ và anh cả rất mừng. Vài năm sau, vì thấy bầu khí đại gia đình anh chị X đầm ấm, tỏa ra “tin cậy cởi mở”, nên cha xứ đã mời tổ chức khóa ngay tại địa phương. Vậy hy vọng từng người góp vốn họp Liên Gia dầu chỉ có một mình, nhất là khi có anh chị em trong gia đình cũng dự Khóa rồi.

Thứ hai là “Liên Gia Bạn Hữu”. Cũng như gia đình anh chị X ở trên, có người sau khi dự Khóa không muốn họp đông người, nhưng ưa thích kể lại những cảm nghiệm đã nhận được trong Khóa. Chị sốt sắng đọc Kinh Hôn Nhân Gia Đình, mỗi khi gặp khó khăn thì không đổ tội cho chồng như xưa, trái lại đã tâm sự với hai người bạn gái thân tín, nhờ vậy gia đình chị giữ được “thương yêu gần gũi” như khi dự Khóa.

Nói chung, Liên Gia Bạn Hữu là hình thức nối kết những ai có:

*Tình Xưa, thí dụ sống ở nước ngoài, nhờ đi Khóa mà biết trước đây cũng ở Biên Hòa hoặc Quy Nhơn, v.v… Vì vậy sau Khóa đã gắn bó “liên gia” với nhau.

*Con Nhỏ, trường hợp này dễ hiểu vì cùng có con thơ thì dễ thông cảm với nhau, gửi con lẫn nhau, mua sắm đồ dùm cho nhau.

*Tính tình giống nhau, điều này dễ  hiểu vì “bird of the same feather flock together – chim cùng giống ưa sống cùng nhau”.

– Nêu lên những trường hợp trên đây để chứng tỏ rằng hình thức bên ngoài của Liên Gia tuy cần nhưng điều chính yếu là phát triển thương yêu gần gũi bằng việc làm”, là khiêm nhường cụ thể qua việc Xin lỗi và Cảm ơn, nhất là giữa vợ chồng.

Thứ ba là “Liên Gia Sở Thích”. Loại Liên Gia này thành hình ở những nơi có nhiều cặp đã dự Khóa. Điển hình là:

*Liên Gia Cờ Tướng. Tuy phần lớn là các vị cao niên nhưng không thiếu bạn trẻ ham cờ tướng, và những | song nguyên cờ tướng” đã Họp Liên Gia hàng tuần, vì tuần nào cũng gặp nhau, đọc Kinh Thánh, chia sẻ vui buồn, “trần truồng mà không hổ ngươi”, cáo mình chứ không cáo bạn đời, sau đó ngả bàn cờ tướng. Các chị thì trổ tài nấu ăn, làm bánh, vv..

*Liên Gia Nhạc Sống. Loại Liên Gia này rất sôi nổi vì các anh chị tập Thánh Ca và những trình diện cho các Lễ, các buổi họp, và các buổi văn nghệ trong Chương Trình cũng như bên ngoài.

*Liên Gia Đi Câu, đá banh, quần vợt, v,v… Có “nhiều hàng dẫn tới Roma”, nên hình thức nào cũng được. nhưng nên thận trọng kẻo thái quá có hại, như nóng quá hoặc lạnh quá đều chết. Giữ đạo càng cần quân bình vì tình yêu thì vô tận, nhưng cách biểu lộ tình yêu thì cần “trung dung chỉ đạo”.

Thứ tư là Liên Gia Chuyên Nghiệp. Các anh chị cùng sử dụng Internet, cùng dạy học, cùng làm nghề điện tử, hoặc cùng buôn bán, vv., cần quy tụ lại thành những Liên Gia riêng biệt. Có bao nhiêu khác biệt là có bấy nhiêu hình thức liên gia. Liên Gia sống hay chết trước tiên là tuỳ mình.

Nêu lại câu truyện đã trưng ở các sách tâm lý, đó là một đứa trẻ 12 tuổi muốn làm mất mặt một cụ già có uy tín. Nó bắt con chim, nắm gọn trong tay, len vào giữa đám đông đang nghe cụ, rồi thách thức: “Tay con có con chim. Cụ hãy nói xem con chim sống hay chết?” Nó nghĩ thầm “Nếu cụ bảo nó chết thì mình xòe tay cho nó bay lên. Còn nếu cụ bảo nó sống thì mình bóp cho chết. Như vậy đàng nào cụ cũng chết”. Nó lải nhải mãi nên cụ bảo: “Con chim nằm trong tay con, nên nó sống hay chết là tuỳ con”. Cũng vậy, Liên Gia sống hay chết là tuỳ mỗi người chứ không chỉ tuỳ Cha Linh Nguyền, Ban Điều Hành, Trường Nội Dung, Ban Vấn Nguyền, hay bất cứ động lực nào bên ngoài.

Sáng kiến, thích ứng, tìm hiểu để phát triển, có lương tâm trưởng thành để nhận ra khác biệt giữa mục đích là “thương yêu gần gũi” và phương tiện là họp Liên Gia, v v.., đó là những điều căn bản của sinh hoạt Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình. Nếu họp liên gia máy móc, buổi trước thế nào thì buổi sau in hệt như thế, hình thức cứng nhắc, vô hồn, thì người dự sẽ chán nản, bỏ họp không phải vì lười mà vì cách tổ chức không ích lợi cụ thể. Không cải tiến thì lỗi thời, nhưng thay đổi mà không có sự liên tục với việc đã qua thì dễ rơi vào phá đổ hơn là xây dựng.

Nguyễn Văn Từ & Liên, Đà Nẵng,

Ngoại Vụ/tq/VN.