Hữu tâm và vô tâm – Để gió cuốn đi

Hữu Tâm Và Vô Tâm

Thiếu đi tấm lòng, cuộc sống này sẽ trở nên cằn cỗi, vô vọng,
như cây xanh thiếu mặt trời, như con người thiếu dưỡng khí…

Rất nhiều lần cầm tờ báo lên, lòng cảm thấy quặn đau vì nhiều hành vi bạo lực đang diễn ra  không những với người xa lạ, mà ngay cả với những người thân yêu nhất như cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè…. Tại sao bạo lực lại bành trướng với tốc độ khó cưỡng?  Có lẽ nguyên nhân cũng muôn mặt như các hình thức bạo lực đang xảy ra, nhưng theo thiển ý, tựu trung đều phát xuất từ CÁI TÂM của con người.

Sự thờ ơ, vô cảm, vô tâm đang trở thành căn bệnh tàn phá xã hội loài người… chứ không riêng gì trên thành phố hay trên mảnh đất thân yêu này. Tin tức về nhóm IS và biết bao điều đau lòng, nhức mắt khác mà chúng ta nghe, thấy hằng ngày trên phương tiện truyền thông.  Có khi tôi chợt nghĩ: Có lợi gì không khi chúng ta nghe quá nhiều thông tin ?  nhất là đối với giới trẻ, óc phân định chưa vững vàng. Còn với trẻ con, những gì đập vào mắt, vào tai sẽ để lại dấu ấn lâu dài, ảnh hưởng đến nhân cách và lối sống của trẻ suốt đời.

Xã hội ngày càng phát triển và cuộc sống chúng ta không ngừng được cải thiện, nâng cao. Nhưng một sự thật đáng buồn: con tim chúng ta dường như bớt ấm, bớt nhạy và trở nên thờ ơ, vô cảm với những thứ xung quanh mình; từ thiên nhiên, động vật cho tới đồng loại với nhau. Đau lòng hơn là với cả những người mà đáng ra mình phải yêu thương, trân quý nhất!

Hai chữ vô tâm thường đi với vô cảm, vì vô tâm, thờ ơ là một thái độ tâm lý hay biểu hiện cảm xúc không yêu, không ghét với những vấn đề, công việc, con người… Nói đơn giản, vô tâm, thờ ơ có thể được gói gọn trong câu tôi không quan tâm”.

Nhà hoạt động xã hội David Meslin lại có một cách lý giải khác. Ông giải thích rằng, sự thờ ơ là kết quả tất yếu của một hệ thống xã hội phát triển. Sự phát triển quá nhanh, quá mức vô tình cản trở những hoạt động đòi hỏi sự tham gia, tương tác của nhiều người. Đó là lý do mà chúng ta cảm thấy “không quan tâm.”

Đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng từ căn bệnh vô tâm vô cảm nhất chính là người già, phụ nữ và trẻ em. Những người vô gia cư hoặc nghèo đói. Cách mà phần lớn chúng ta đối xử với họ là: “Họ đáng thương, nhưng việc chăm sóc họ là việc của nhà nước, của các cơ quan chức trách, không phải việc của tôi”

Câu chuyện cái bẫy chuột sau đây là một điển hình về sự vô tâm.

“Một gia đình nông dân nọ mua một cái bẫy chuột và lắp đặt trong nhà. Chuột thấy vậy nên rất lo lắng cho sự an nguy của mình. Mỗi ngày Chuột lại càng thêm căng thẳng, đến mức gặp ai nó cũng nhờ giúp đỡ.
Chuột tìm đến Gà Mái tìm một lời khuyên bổ ích, nhưng Gà Mái chẳng tỏ vẻ chú ý gì, và nói: “Chuyện bẫy chuột đó là chuyện của cậu, có liên quan gì đến tôi đâu! Tôi còn phải lo đẻ trứng nữa đây.”
Chuột lại tìm đến Lợn, Lợn của dửng dưng: “Rõ ràng cái bẫy chuột là muốn lấy mạng của cậu, đâu có phải là lấy mạng tôi đâu? Cậu nói với tôi làm gì! Tôi còn phải lo ăn để tăng kí đây.”
Chuột đem chuyện nói với Bò, Bò tức giận và bảo: “Bẫy chuột là để bẫy cậu, nó làm sao gây hại cho tôi được! Thôi đi chỗ khác đi, để tôi một mình, tôi đang cần điều trị bệnh mất ngủ đây.”
Chuột rất hoang mang, nên sức khỏe giảm sút. Nghe được tin này thì Rắn mừng thầm, nó vốn thích thịt chuột, và lên kế hoạch sẽ tấn công bất ngờ tại tận hang chuột trong nhà người nông dân, và tranh thủ xem mặt mũi cái bẫy chuột nó ra làm sao.
Nửa đêm hôm đó, người vợ nghe thấy có tiếng sập bẫy, liền vội vàng chạy ra xem. Nhưng hóa ra chiếc bẫy chuột sập vào đuôi của một con rắn. Rắn rất tức giận, và cắn vào chân bà chủ nhà.
Người vợ sau khi bị Rắn cắn thì sức khỏe giảm sút rất nhanh. Người chồng phải giết con gà mái để tẩm bổ cho vợ.
Nhưng bệnh tình của bà vẫn không khá lên mà ngày một nặng hơn. Rất nhiều bà con, bạn bè đến thăm. Người chồng đành phải giết lợn để thiết đãi khách, xem như một lời cảm tạ.
Cuối cùng người vợ vẫn không qua khỏi và mất. Người chồng chẳng còn cách nào khách phải bán con bò để an táng cho vợ.
Thế là cả Bò, Lợn, và Gà Mái đều bị chết, chỉ vì cái bẫy chuột …”
Nếu chú chuột được quan tâm một chút thì điều gì sẽ xảy ra trong câu chuyện này ? Bao nhiêu cái chết vì sự vô tâm – thờ ơ của …ai đó !

Cuộc sống không phải chỉ có mình tôi, mà tôi sống với gia đình, với bao nhiêu người quanh mình. Những gì chúng ta làm, dù tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến tha nhân, đến những người sống xa, gần quanh chúng ta… Vì thế chúng ta cần tu luyện cái tâm trước hết.

Chữ Tâm, phải đây là cốt lõi chi phối mọi hành vi và phẩm chất cuộc sống của chúng ta. Nên nếu:

“- Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngả đảo điên.
– Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.
– Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù.
– Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.
– Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá …

Cho nên , ta không những đem tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu thương, mà còn:

– Ðặt trên tay để giúp đỡ người khác.
– Ðặt trên mắt để nhìn thấy nổi khổ của tha nhân.
– Ðặt trên trán để mau mắn chạy đến với người cùng khổ.
– Ðặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh.
– Ðặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác.
– Ðặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em chị em.

Thân xác không tim thì thân xác chết, làm người không có tâm thì cuộc sống chỉ có hận thù và là mối nguy hiểm cho mọi người.”  (Bài sưu tầm)

“Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa
vì những hành động và lời nói của người xấu
mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt“.
Martin Luther King

Tâm của con người rất quan trọng, vì nó nói lên nhân cách của một con người: Mạnh Tử đã cho chúng ta lời nhận định về triết lý nhân sinh như sau:

“Trọn hết cái tâm của mình thì biết cái tính của mình. Biết được cái tính của mình thì biết đến Trời vậy. Giữ được cái tâm của mình, nuôi được tính của mình là để phụng sự Trời vậy.

Nếu “cái Tâm” của chúng ta không được hun đúc tu luyện, làm cho trong sáng và nhạy bén theo thời gian, thì con người chúng ta dần trở nên tối tăm, khô cằn, què quặt. Thật ra, giữ được cái tâm, nuôi được cái tính là chuyện không dễ dàng chút nào giữa cảnh đời muôn mặt đổi thay, nhất là giữa các thế lực của “bóng tối” là dục vọng nằm sâu bên trong mỗi người. “Cái tâm” của chúng ta có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không có nhận thức đúng đắn về mình.

Truyện cổ Ấn Độ kể rằng, có một chú chuột nhắt bị trầm uất thê thảm vì lúc nào cũng phập phồng lo sợ các chú mèo. Một pháp sư thấy vậy nên thương tình biến nó thành mèo. Thế nhưng chú mèo đó lại sợ chó. Pháp sư lại hóa phép cho nó thành chó. Sau khi đã thành chó, nó đâm ra sợ con báo. Thế là pháp sư phải biến nó thành một con báo. Bấy giờ nó lại sợ đám thợ săn. Tới như vậy rồi thì vị pháp sư cũng đành bó tay. Ông suy nghĩ và biến nó trở lại thành chú chuột nhắt như trước kia, và nói: “Tao có biến mày thành giống gì đi nữa thì cũng vô ích thôi, bởi vì cái tâm của mày vẫn là cái tâm con chuột”.

Cuộc sống của chúng ta cũng không khác gì. Thay đổi hình thức hay tính cách bên ngoài cũng chẳng đi đến đâu. Điều quan trọng là trở nên chính mình như mình đã được sinh ra với “tính bản thiện” . “Nhân chi sơ, tính bản thiện”.

Giữ vững và phát sáng cái chân tâm của mình giữa cuộc sống “ba chìm bảy nổi” này đó mới là làm nên chính mình Biết tận dụng mọi cảnh đời mà chúng ta đã, đang và sẽ trải qua như những chất liệu để xây dựng bản thân mình, để trở nên chính mình. Đó mới là con đường chúng ta phải đi, cái đích chúng ta nhắm đến!

Không phải những thay đổi bên ngoài làm cho chúng ta đạt tới phẩm chất làm người, mà là những thay đổi bên trong từ chính thâm tâm của mình, một cái tâm được khơi trong gạn đục để trở nên sáng và nên cao quý giữa cuộc đời tục lụy này. Để làm được như thế, mỗi ngày chúng ta cần đối diện với chính mình. Điều này đòi hỏi chúng ta biết nhận định về bản thân và làm sáng tỏ cái tâm thiện của mình, cái tâm nhạy bén với nỗi đau của đồng loại và với cả muôn thú, cỏ cây nữa.

Có lẽ trong con người, điều quý giá nhất chính là Lòng nhân. Lòng nhân ái là sự thể hiện của “tính bản thiện” nơi mỗi người.  Lòng nhân chính là gốc rễ của các hành vi khác. Hãy để những gì chúng ta làm đều phát xuất từ lòng trắc ẩn, từ lòng yêu thương người khác, từ cái tâm. Cái tâm trong mỗi người cần được nuôi dưỡng, phát huy, giữ cho sáng, và cần phải được xem lại  thường xuyên để giữ độ nhạy bén, trong sáng trước cám dỗ và bụi bặm của bên ngoài xã hội. Những thế lực đen tối, xu hướng quay về những điều dễ dãi, lòng tham và dục vọng… đang chực sẵn trong lòng mỗi người.

Chỉ những ai biết cống hiến chân tình và vị tha, biết từ bỏ và cho đi mới trải nghiệm niềm vui sâu xa của cuộc sống và sự sung mãn thật sự. Theo Lưu Dung:

Xã hội này thật có nhiều điều, nhiều nơi để cống hiến. Ngoài những vật hữu hình, chúng ta còn cung cấp cho mọi người sự cổ vũ, khích lệ tinh thần khiến cho thế giới này đâu đâu cũng tràn đầy niềm vui.”

Hiện nay, đời sống vật chất ở thành thị hay thôn quê, ít nhiều đều được cải thiện, nhưng đời sống tinh thần lắm khi lại bị tụt hậu. Bao nhiêu người nhận xét về sự băng hoại trong thực tế về mặt đạo đức và giá trị tinh thần.  Một tác giả vô danh đã đề nghị chúng ta “nên suy nghĩ lại” vì:

Chúng ta ngày càng có nhiều cao ốc hơn, và nhiều xa lộ rộng hơn, nhưng lòng khoan dung lại thấp đi và tinh thần hẹp hòi hơn…
Chúng ta nói năng nhiều hơn, nhưng yêu mến ít và lòng thù ghét quá nhiều…
Chúng ta có của cải tăng nhiều lần, nhưng giá trị mình giảm lại…
Chúng ta có thu nhập cao hơn, nhưng luân lý đạo đức kém đi…
Chúng ta đã lên mặt trăng và trở về trái đất, nhưng lại cảm thấy khó khăn khi băng qua đường để thăm người hàng xóm

Niềm vui thanh nhã và sâu lắng chính là những lúc quên mình và sống cho người khác.  Chúng ta rất cần giúp nhau mở lòng, mở hầu bao, mở cửa nhà mình để chia sẻ, và để làm sao cho :

“Hương thơm trong nhà nho nhỏ của mình lan toả đến nhà bên cạnh và đến nhiều người càng tốt;
Ngọn đèn trước thềm nhà chiếu sáng đường đi cho người về khuya…”

Sống cho người khác lại làm cho cuộc sống chúng ta trở nên sung mãn hơn, nhẹ nhàng hơn, ý nghĩa và phong phú hơn.

“Chính lúc hiến thân là lúc nhận lãnh.
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”
                                                                                                Francis Assisi

Chúng ta cần chia, cần cho, cần cống hiến những gì mình có, và rồi chúng ta sẽ nhận lại niềm vui tinh thần. Người ta thường nói rằng: Khi xức nước hoa cho người khác, chúng ta cũng được thơm lây. Thật ra, đây không phải là điều chúng ta tìm kiếm, không phải vì lợi lộc cho chính mình, nhưng thực tế  đã cho thấy, người đầu tiên nhận hoa trái của sự tốt lành, quảng đại chính lại là bản thân người đã cho đi vì thường khi “Từ nụ cười của người khác, ta nhìn thấy nụ cười của chính ta.” (Lưu Dung)

Trong Đạo Đức Kinh, Thầy Khổng Tử đã nhắc nhở chúng ta:  “Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì chúng không sống cho riêng mình, mà sống cho vạn vật nên mới trường cửu.”  Các thánh hiền xưa cũng đã răn dạy chúng ta luôn để ý đến cái ích lợi cho người khác. Cụ Nguyễn Công Trứ  đã thao thức và căn dặn hậu thế:

Làm quan cốt để giúp đời,
       phải đâu riêng hưởng một đời ấm no.”

Những người sống cho người khác đều đáng kính, và nhất là đáng tin. Sách Luận Ngữ đã nhắc nhở: “Người nào coi trọng sự hy sinh cho thiên hạ, thì có thể giao thiên hạ cho người đó được. Người nào đem thân mình vui v phục vụ thiên hạ, thì có thể gởi thiên hạ cho người đó được.”  

Tinh thần vì người khác, vì ích chung luôn được các tôn giáo chú trọng. Trong bất cứ xã hội nào, các nhà hiền triết và thánh hiền cũng như hàng lê thứ đều giáo dục thế hệ trẻ biết sống và thực thi tinh thần “mình vì mọi người”. Tuy thế, dường như trong xã hội ngày nay, điểm son của tính vị tha và hướng tha bị phai mờ vì chủ trương lợi nhuận của kinh tế thị trường. Cá nhân chủ nghĩa đã và đang ảnh hưởng lên cách sống, cách ứng xử của nhiều người, nhất là giới trẻ.  Ước mong những người lớn tìm cách chuyển tải và duy trì những giá trị truyền thống cao cả này cho thế hệ mai sau.

Tuổi trẻ chưa có bạc vàng hay của cải gì, nhưng có tấm lòng. Lòng tốt luôn có phản hồi, vì những gì đã gieo, chúng ta sẽ gặt lại. Hoa quả đầu tiên là sự kính trọng, niềm vui sâu xa và an bình nội tâm của kẻ không chỉ sống cho riêng mình. Nhân gian thường nói:

Người ta kính trọng bạn
không phải vì những gì bạn đã nhận được,
sự kính trọng là phần thưởng
dành cho những gì bạn đã cho đi.”

Dòng đời luôn chảy theo hướngCho là nhận – và nhận là để cho đi như: “Tất cả dòng sông rồi sẽ đi về biển, từ biển bao la sẽ rót vào những dòng sông mênh mông tràn đầy, mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống.” (Hương Bình)

Chính khi chúng ta tạo cho người khác cơ hội thì đừng cho rằng đó chỉ là đem lại lợi ích cho người khác, mà kỳ thực cũng là đem lại một cơ hội cho bản thân ta. Về phương diện này,  Anthony de Mello có kể câu chuyện rằng:

“Một nông gia trồng bắp có thói quen đem giống bắp tốt nhất của mình biếu không cho bà con lối xóm, nhưng năm nào ông cũng giật giải nhất ở hội chợ nông sản của toàn tiểu bang.
Khi có người hỏi nguyên do, ông giải thích: “Thật ra cũng vì lợi ích của mình thôi. Gió thường thổi phấn hoa bay tứ tán từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Vì vậy, nếu hàng xóm trồng giống xấu, thì hiện tượng thụ phấn hỗn hợp sẽ làm giảm phẩm chất thứ bắp của tôi. Do đó, tôi cũng phải liệu cho họ trồng giống bắp hảo hạng như tôi”.

Những gì chúng ta tặng cho tha nhân là tặng cho chính mình vậy! Thường thì không mấy ai nghĩ đến những gì sẽ xảy ra khi mình chia sẻ, hay làm gì cho người khác. Chúng ta làm theo sự mách bảo của con tim, theo những gì mình cảm thấy cần làm, vì nhu cầu của người anh em đồng loại. Nhưng chuyện đời thường cho chúng ta thấy: những gì mình gieo vãi, mình sẽ gặt được, và được gấp bội.  Chính lúc không chờ, nhiều chuyện bất ngờ có lợi cho chúng ta xảy đến.

Những người có lòng cảm thương, con tim nhạy bén trước nỗi đau của người khác thường có những phản xạ rất chính xác. Trực giác sẽ mách bảo cho chúng ta những gì cần làm. Chúng ta cần tỉnh thức và lắng nghe tiếng lòng mình. Đó là những lời mách bảo đầy tình và ý nghĩa. Xin đừng bỏ qua.

 “Chúng ta không thể chỉ sống cho bản thân.
Có hàng ngàn sợi dây buộc ta với đồng loại.”
                                                                           Herman Melville

 

Nữ tu M. Thécla Trần Thị Giồng
Trích nguồn: https://dongducba.net

print