CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM C
HY VỌNG KHÔNG LÀM THẤT VỌNG
Lm. Giuse Nguyễn
Trong bài giáo lý được chuẩn bị cho buổi Tiếp kiến chung ngày 2/4/2025, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu “hãy học từ ông Dakêu để không mất hy vọng, ngay cả khi chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi hoặc không có khả năng thay đổi. Chúng ta hãy vun trồng ước muốn được nhìn thấy Chúa Giêsu, và trên hết hãy để lòng thương xót của Thiên Chúa tìm gặp chúng ta, Đấng luôn đến tìm kiếm chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi chúng ta lạc lối”.
Bài học đó cũng được áp dụng cho người phụ nữ ngoại tình trong bài Tin mừng hôm nay vì nhờ Chúa Giêsu mà bà đã tìm lại được niềm hy vọng cho cuộc đời mình.
Thực tế trong đời sống ngày hôm nay đôi khi làm chúng ta thất vọng vì có quá nhiều cái xấu, đáng lo ngại hơn khi những cái xấu xảy ra nơi những bạn trẻ, thậm chí những bạn tuổi vị thành niên.
Tuy nhiên phụng vụ lời Chúa hôm nay đã khơi lên cho chúng ta một niềm hy vọng để trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng không được đánh mất niềm hy vọng.
Bài Đọc I: Is 43, 16-21 : Dân Do Thái bị lưu đày ở Babylon, Isaia nhắc lại cho họ biết chính Thiên Chúa đã giải thoát cha ông họ bên Ai Cập bằng những dấu lạ điềm thiêng, thì cũng chính Ngài sẽ giải phóng dân một lần nữa, Ngài nói: “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”. (Is 43, 19b)
Đáp ca: Tv 125 : Đây là thánh vịnh ca tụng việc Thiên Chúa đã giải thoát dân khỏi cảnh lưu đày: “Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi như người đang mơ…”. Vì vậy họ đã thốt lên: “Chúa đã đối xử nhân từ với chúng tôi, nên chúng tôi mừng vui bao hân hoan”.
Bài Đọc II: Pl 3, 8-14 : Thánh Phaolô nói đến sự công chính, nhưng không phải sự công chính do lề luật mang lại, mà sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Ngài chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân Ngài: “Quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” (Pl 3, 13b). Nếu chỉ nhìn về quá khứ thì Ngài là một con người thật tệ hại vì đã bách hại Đức Giêsu Kitô, nhưng trong hiện tại Ngài là một con người rao giảng về Đức Giêsu Kitô không biết mệt mỏi.
Tin Mừng: Ga 8, 1-11 : Người Do Thái xác tín rằng: con người chỉ trở nên công chính khi tuân giữ trọn vẹn luật Môsê. Điều đó tự bản chất là tốt, nhưng cái làm cho họ trở nên xấu, thậm chí độc ác nữa là họ vênh vang, tự đắc về thành tích giữ luật của mình, và nhất là họ tự biến mình thành chó săn, thành quan tòa để rình mò, kết án người khác, trong khi bản thân của họ đã giữ tốt 100 % chưa? Câu chuyện người đàn bà ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay là minh chứng cho sự kiêu ngạo và độc ác của họ. Mặc dù đó là điều họ vẫn thường xuyên làm khi khoe khoang bản thân mình và dò xét người khác, nhưng câu chuyện hôm nay chỉ là cái cớ để họ kết án Đức Giêsu mà thôi. Họ đem đến cho Chúa một người phụ nữ mà họ nói là “bị bắt gặp quả tang đang phạm tội ngoại tình”. Rình mò người khác, nhất là trong những chuyện kín đáo, thì rất nhục nhã, xấu xa! Vậy mà họ tự hào, cười một cách hớn hở, nham nhở, man rợ, lôi xồng xộc người phụ nữ đó đến trước mặt Chúa để hỏi Ngài phải làm gì. Họ đã chặn đầu Chúa trước rồi: “Thưa Thầy, trong sách luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này, còn Thầy, Thầy nghĩ sao” (Ga 8, 5). Từng lời, từng chữ của họ như cây đinh đóng vô đầu người ta, nhức nhói lắm! Đằng nào cũng chết. Nếu Chúa đồng ý ném đá thì họ sẽ đưa Chúa tới tổng trấn Philatô, vì thời đó quyền này thuộc về tổng trấn, và chỉ một mình ông mà thôi. Còn nếu Chúa không đồng ý thì họ sẽ đưa Ngài ra trước thượng hội đồng Do Thái giáo, vì Ngài không tuân giữ luật Môsê. Thực sự ra cái bẫy họ giăng chưa chắc và còn nhiều sơ hở. Việc ném đá người ngoại tình nằm trong sách Đệ Nhị Luật chương 22, câu 22 : “Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình sẽ bị ném đá cho đến chết cùng với người đàn ông phạm tội với bà ta”. Nhưng ở đây người đàn ông đó đâu? chẳng lẽ là một trong số bọn họ sao? Và Đức Giêsu cũng có thể nói với họ: quyền cho ném đá người ta là quyền của tổng trấn. Tuy nhiên Đức Giêsu cứ thinh lặng và “cúi xuống lấy ngón tay viết trên cát”. Tại sao Ngài thinh lặng? Thưa Ngài muốn cho những ai muốn kết án người khác phải quay trở về với cõi lòng mình để xem xét lại chính bản thân mình, nhưng họ đã không chịu làm nên Ngài buộc lòng phải nói lên sự thật và cũng là chân lý: “Ai trong các ngươi sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Ngài nói như vậy vừa không phạm luật Môsê, vừa không phạm luật của tổng trấn. Nhưng hơn thế nữa, Ngài còn cho thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền kết án.
Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống lòng nhân từ và sự yêu thương, thông cảm cho người khác. Dĩ nhiên Đức Giêsu không đồng lõa với tội, mà Ngài biết mở ra cho tội nhân một con đường sống. Ngài đã nói: “Chị hãy về, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa cũng nghiêm khắc, nhưng sự nghiêm khắc của Ngài không phải để giết chết, mà để cho người ta sống tốt hơn.
Niềm hy vọng của chúng ta được đặt nơi Chúa Giêsu, Đấng giàu lòng thương xót. Vì vậy khi cuộc đời không còn tươi sáng, khi đường đời không còn lối thoát, khi mọi người đã quay lưng, ngoảnh mặt làm ngơ với chúng ta, hãy đến với Chúa Giêsu! Ngài nhìn chúng ta bằng cái nhìn nghiêm khắc, nhưng rất mực yêu thương để sau đó mở ra cho chúng ta con đường sống, con đường của niềm hy vọng.
Hãy cùng dìu dắt nhau, nhất là dẫn các em thiếu nhi, các bạn trẻ đến với Chúa Giêsu bằng mọi cách để bớt đi những ung nhọt trong cuộc đời, vì chỉ một mình Chúa Giêsu mới thực sự mang lại hạnh phúc cho con người.
Hãy nhẹ nhàng hướng dẫn những người xa Chúa, xa Giáo hội tìm đến với Giáo hội qua các cộng đoàn thực sự bác ái yêu thương; nhất là đến với Chúa qua Bí tích Giải tội.
Chúa luôn luôn cho chúng ta cơ hội, thì chúng ta cũng hãy luôn luôn tạo cơ hội để người khác được yêu thương.
Lạy Mẹ Maria, trong thân phận người nữ, chắc chắn Mẹ thấu hiểu nổi đau của người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay. Xin Mẹ thương nâng đỡ những người phụ nữ bị xúc phạm, và thương cả từng người chúng con nữa.