Khuôn Mặt Đen Trong Hiệp Hành.

print

Khuôn Mặt Đen Trong Hiệp Hành.

(Suy niệm bài TM Thứ Tư Tuần Thánh, Mt 26, 14-25)

Dẫn Nhập

Trên con đường Hiệp Hành, người ta cần đến sự trao đổi, đối thoại, rồi đi chỗ cùng cộng tác. Tóm lại, khởi đầu từ một ý tưởng, một chương trình, một lý tưởng trong đầu, trong tim. Rồi đi đến sự trao đổi, qua ngôn từ, chữ viết…, và kết cục đi đến động tay động chân để hành động. Đó cũng là một cách hiểu về phương pháp Xem – Xét – Làm. Mọi người cùng nhất trí đi chung một hành trình.

Bài TM

Bài TM Thứ Tư Tuần Thánh, Mt 26, 14-25, cho thấy một khuôn mặt đen của Hiệp Hành, đó là Giuđa Iscariốt.

Giuđa hình như không ghét Chúa Giêsu, không giận Ngài. Không hẳn Giuđa quá ham tiền, vì 30 đồng bạc chẳng là bao, có thể chỉ là một tháng lương, nếu công nhật thợ làm vườn nho là một đồng.

Có thể Giuđa không đồng ý với chủ trương đi con đường hẹp, con đường khổ giá của Chúa. Có thể Giuđa không thích lý tưởng sống quên mình, hiến thân, phục vụ của Chúa.  Nhưng hình như Giuđa không nói trắng ra, không công khai phản đối.

Phêrô cũng không đồng ý với con đường của Chúa, nhưng Phêrô chân thành và đầy thân tình, đã lên tiếng cảnh giác Chúa. Có thể Phêrô nói rằng: “Thầy ơi, về vụ này, con rành đời hơn Thầy nhiều. Con xin tạm không là môn đệ, mà là sư phụ của Thầy trong vụ này. Thầy sống kiểu đó, người ta thấy rõ Thầy dại dột, hâm hâm, man man, hơi có vẻ tâm thần gì đó…”. Phêrô đã bộc lộ lập trường của mình, và kết quả là nhận được lời chỉ dạy mạnh mẽ để biết điều chỉnh hướng đi. “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8,33).

Như vậy con đường Hiệp Hành không hẳn luôn là con đường trơn tru êm ái; nhưng có khi gồ ghề, đầy ổ gà. Và lần này Phêrô đã sụp ổ gà; nhưng là loại ổ gà hồng phúc.

Sống Theo Ý Riêng

          Thế còn Giuđa, ông kín tiếng. Ông có chương trình riêng, và ông cứ im lặng và tiến hành. Các anh em tông đồ khác không biết lập trường và kế hoạch của Giuđa. Không có trao đổi, không có tranh luận, trình bày, bàn cãi… Ông cứ đường ông, ông đi, và đi tới cùng, dù được Chúa tế nhị gợi ý, nhắc nhở. Ông nhất định bỏ ra khỏi phòng tiệc ly để đi vào vùng đen tối của ý đồ. Ông quyết thực hiệc chương trình của mình tới tận chi tiết. Tiền thì ông đã nhận rồi, nhưng ông còn tận tình cùng vào cuộc, đến tận vườn Cây Dầu hôn Chúa để xác định đây là “con mồi” của các ông.

Ông có kiểu suy nghĩ riêng, có cách lý giải riêng. Có thể ông tin vào quyền năng và sức mạnh của Chúa nhiều hơn các môn đệ kia? Có thể ông tin rằng khi bí lối, Thầy sẽ có khả năng thoát thân; vậy ta hãy đẩy Thầy vào thế “triệt buộc”, và bắt buộc Thầy phải hành động.

          Nhưng con đường của Chúa chọn khác với Giuđa. Con đường của Thầy là con đường hẹp, con đường khổ giá, quên mình, hiến thân, cứu độ. Thầy đã quyết đi tìm, vâng theo và làm đẹp ý Cha đến cùng. Thầy quyết sống chữ Fiat trọn vẹn.

          Giuđa cứ sống và giải quyết vấn đề theo cách riêng của mình. Ngay cả cách giải quyết về vận mạng của mình, Giuđa tự giải quyết, ông tự treo cổ để kết thúc trọn vẹn cách sống theo ý riêng, không cần Hiệp Hành.

Một Ơn gọi đã bị vuột khỏi tầm tay.

Bao nhiêu hạt giống Lời Chúa như bị gieo vào thửa đất không thuận lợi.

Không Được Hưởng Niềm Vui Phục Sinh

          Giuđa, một con người không được hưởng niềm vui Phục Sinh.

          So sánh với Phêrô, chưa hẳn ai phản bội nặng nề hơn ai. Nhưng Phêrô chọn con đường Hiệp Hành, lắng nghe, phát biểu, tự kiểm, thống hối, thay đổi và được hưởng niềm vui Phục Sinh. Ngài đã được cảm thông, tha thứ và còn được tín nhiệm trao trọng trách lo cho đoàn chiên của Chúa.

          Giuđa vẫn kiểu sống “tự xử”. Nếu thế, dù có hối hận, nhưng ông không tìm được ánh sáng dẫn tới sám hối, khiêm tốn nhận rõ về mình và vụ việc. Ông đã không có cơ hội được hưởng niềm vui Phục Sinh như Phêrô.

          Hình như ông đã tìm cái chết trước khi CG lìa đời.

          Giả dụ nếu như Giuđa còn sống thêm ít ngày và nghe tin Chúa đã Phục Sinh, ông sẽ xử sự ra sao? Ông sẽ đủ can đảm và khiêm tốn để sám hối và đến gặp Thầy, và vui hưởng niềm vui Phục sinh chăng? Phải có lập trường Hiệp Hành, may ra mới có cơ may đó.

Kết:

Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa; xin cho con biết con; xin cho con biết anh chị em con và tâm tình đường lối của họ, để con có thể sống trong tinh thần Hiệp Hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Amen.

Lm Máthêu Hoàng Đình Ninh