Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp – Lm Piô Ngô Phúc Hậu

Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp

Anh Philíp mến!

Anh đang làm Tiểu Vương xứ Iturê, thì bất ngờ cuốn gói ra đi. Đi đâu? Không ai biết. Người ta hỏi tôi, thì tôi không mở miệng nói một lời. Tôi không muốn nói về Anh. Tôi chỉ muốn nghe về Anh. Nghe thật nhiều rồi nghĩ. Nghĩ một mình. Nghĩ mãi.

Tôi đi từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Tôi lắng nghe lời bình luận của những cụ già đức độ và đầy kinh nghiệm. Tôi ghi nhận những thông tin dài vô tận của những người đàn bà ủng hộ quá khích quyền tự do ngôn luận. Tôi phỏng vấn thượng tế Caipha. Tôi thăm dò ý kiến của tổng trấn Philatô. Tôi ngồi tâm sự với ngài Hêrôđê Antipát và cô em Hêrôđia của Anh.

Sau khi nghe thật nhiều và nghĩ thật lâu về Anh, bây giờ tôi mới dám nói với Anh và nói về Anh. Xin anh bình tĩnh và lẳng lặng lắng nghe.

  1. NÓI VỀ ANH

Bố Anh là vua Hêrôđê Cả được Hoàng đế La Mã cho nắm quyền hành chính trên toàn xứ Paléttin. Là một ông vua của một nước thuộc địa, thì bấy nhiêu quyền hành đã là một ân huệ lớn lao rồi. Buồn tủi, nhưng vẫn phải cắn răng mà chịu.

Bố Anh có bao nhiêu vợ và bao nhiêu con, thì tôi không biết. Nhưng người ta chỉ nhắc đến ba người: Anh là con cả; Hêrôđê Antipát là con thứ; cô Hêrôđia là con út. Có người bảo Anh là con thứ. Tôi không tin. Ba anh em có chung một cha, nhưng được sinh ra bởi ba bà mẹ khác nhau. Con của bà nào, thì bà ấy biết. Con của bố nào, thì chỉ bà mẹ mới biết. Bởi thế tình huynh đệ lạt như nước ốc.

Ba anh em lớn lên trong ba dinh thự khác nhau. Tôi chờ Anh làm rể cho một gia đình quyền quý, thì bỗng dưng Anh lại làm rể cho bố Anh và cô em Hêrôđia lại trở thành cô dâu của bố. Tôi không thắc mắc về mối tình tròng tréo này. Luật cho phép được kết hôn với người anh chị em con cùng cha khác mẹ. Điều tôi thắc mắc chính là Anh đang giương đông, thì bỗng kích tây: Đang yêu người dưng, thì bỗng dưng lại lấy cô em ruột. Bây giờ thì tôi hiểu rồi. Hêrôđia vừa đẹp, vừa chảnh. Hắn chủ động chinh phục Anh, để giành cái thế của người thừa kế ngai vàng.

Bố anh qua đời rồi, thì Anh không được hưởng quyền thừa kế. Hoàng đế La Mã ưu đãi người em hoạt đầu của Anh là Hêrôđê Antipát. Ông ta được nắm quyền hành chính trên hai tỉnh trù phú là Galilê và Pêrê. Còn Anh thì chỉ được cái “đầu thừa đuôi thẹo” là xứ Iturê, vừa thưa dân, vừa nghèo nàn.

Buồn tủi quá, Anh sang thủ đô Rôma để khiếu nại. Thất bại, Anh ở lại bên ấy. Chẳng biết là Anh chưa về, hay là Anh không dám về.

Thấy Anh không về, vợ Anh mừng quá, vội vã ôm đồ đi theo ông anh Hêrôđê Antipát, một người khôn khéo, biết “nịnh trên đá dưới”, biết “cố đấm ăn xôi”, mà xôi thì vừa dẻo vừa thơm. Thế là cô vợ Hêrôđia nay đã trở thành cô em dâu của Anh. Xalômê đứa con gái rượu của Anh từ nay không còn gọi Anh là bố nữa. Nó tùy hứng gọi Anh là bác, hoặc là cậu. Gia phong chỉ còn là trò tung hứng. Gia đình chỉ còn là “tình tang, tính tình”

  1. NÓI VỚI ANH

Hêrôđê Antipát đã cướp vợ của Anh. Huynh đệ tương tàn! Hêrôđia phản bội Anh: đánh chết tình anh em; chém chết tình vợ chồng, tội lỗi mênh mông… mênh mông!

Tội lỗi của đôi vợ chồng ngoại tình này khiến toàn dân bất bình. Nhưng không ai dám chỉ trích. Thượng tế làm thinh. Công nghị làm ngơ. Nỗi sợ bao trùm. Sợ “vạ mồm”.

Giữa một rừng người sợ run như cầy sấy, giữa một biển người câm như hến, thì có một người không biết sợ là Gioan Tẩy Giả. Ông vào trong triều đình, chỉ thẳng vào mặt ông vua, tuyên bố như sấm như sét: “Ông không được phép cướp vợ của người anh của ông như thế”. Hêrôđê giận tím mặt. Nhưng lại sợ tái mặt. Âu cũng chỉ vì uy tín của Gioan Tẩy Giả lớn quá. Toàn dân kính trọng ông và yêu quý ông như một ngôn sứ. Đành “hoãn binh chi kế”.

Hêrôđê sợ vợ hơn sợ dân, nên đã miễn cưỡng tống Gioan vào nhà tù. Còn Hêrôđia thì quyết tâm lấy đầu của Gioan để trừ hậu họa. Nhưng hiện tại chưa cho phép. Nàng đành nhẫn nại chờ thời cơ. Và… thời cơ ấy đã đến.

Hêrôđê mừng sinh nhật. Bá quan văn võ, thân hào nhân sĩ, người Rôma, người Do Thái… trùng trùng điệp điệp. Văn công cung đình,nghệ sĩ thượng thặng đua nhau trổ tài. Khi khách tiệc đã ngà ngà say, khi ca-vũ-nhạc-kịch đã bắt đầu xuống triền dốc bên kia, thì Hêrôđia tung lên sân khấu ngôi sao rực sáng là Xalômê. Màn múa điêu luyện làm say mê hàng ngàn thực khách. Hàng ngàn cái miệng quên nhai. Hàng ngàn cặp mắt quên chớp. Hàng ngàn quả tim muốn ngưng đập. Hêrôđê nổi hứng lên, gọi Xalômê tới, lớn tiếng tuyên bố cho cả hội trường cùng nghe: “Con muốn cha thưởng cái gì, thì cha cũng cho. Con xin một nửa nước, cha cũng cho”. Cả hội trường nín thở để nghe nguyện vọng của Xalômê. Được mẹ mớm ý, con bé nâng cái mâm ngang mày, ỏn ẻn thân thưa: “Xin bố thưởng cho con cái thủ cấp của Gioan Tẩy Giả, đặt trên cái mâm này”.

Cả hội trường im phăng phắc, hối tiếc vì một sự đã rồi. Chỉ có một người sung sướng quá chừng. Đó là Hêrôđia, người vợ phản bội của Anh.

Gioan Tẩy Giả, một sứ ngôn cao cả đã chết như thế đó. Oan khiên quá chừng! Nhục nhã vô cùng! Ở trên đời này chưa có một người đàn ông nào phải chết nhục như thế. Chết oan do âm mưu của một người đàn bà tinh quái. Cái đầu đã bị chém lén trong tù, lại còn bị đặt trên mâm mà dâng cho con mẹ đàn bà trắc nết. Nó vày vò cái đầu y như con mèo o con chuột. Nó lấy kìm kéo lưỡi ra mà đâm cho nát…  Ôi công lý của loài người! Ôi trò đùa của lịch sử! Lịch sử của loài người ơi, hãy gục đầu xuống mà khóc, hãy sấp mình xuống mà nhận tội! Tội bất công hôm qua, tội bất công hôm nay, tội bất công ngày mai. Trùng trùng, điệp điệp!

Anh Philíp ơi!

Gia đình không còn thân thương của Anh là thế. Quê hương không còn yêu dấu của Anh là vậy. Ở bên ấy, Anh có biết không?

Gioan Tẩy Giả, một sứ ngôn cao cả đã đi vào dĩ vãng. Nỗi oan khiên và ô nhục của ông, không còn ai nhớ nữa. Trên quê hươngthống khổ của chúng ta, lại xuất hiện một ngôn sứ mới. Đó là Đức Giêsu người làng Nadarét. Ngài rảo khắp đất nước. Ngài đi, đi mãi. Đi từ Bắc chí Nam. Đi từ thành thị đến nông thôn. Đi từ bên này sang bên kia sông Giođan. Ngài rao giảng một thứ giáo lý mới, mà Ngài gọi là Tin Mừng.

Tin Mừng của Ngài chỉ là TÌNH YÊU.

Tình yêu giữa trời và đất. Đất trời xa vời vợi bây giờ chỉ còn là gang tấc. Trời là cha, ta là con.

Tình yêu giữa người với người. Yêu người, vì người là anh em. Yêu người, vì người là con của Trời. Yêu Trời, thì phải yêu người. Yêu người thì đã là yêu Trời.

Trên bản đồ địa lý, thì có đường ranh. Trên bản đồ nhân sinh, thì đường ranh là kẻ thù.

Quần chúng đi theo Ngài nườm nượp: từ anh thu thuế đến chị “bán hoa”; từ ông hành khất đến bà tàn tật… Họ theo Ngài, vì Ngài là TÌNH YÊU. Tình yêu trong ánh mắt. Tình yêu trong giọng nói. Tình yêu sôi sục trong con tim. Tình yêu cuồn cuộn trong mạch máu. Tình yêu không biên giới. Tình yêu không đường phân ranh.

Thế rồi… một ngày thứ sáu nọ, Ngài bị đóng đinh trên khổ giá. Oan khiên vô cùng! Đau đớn đến tận cùng! Vậy mà vẫn cứ một niềm yêu thương, vẫn cứ một lòng tha thứ. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài nói với Trời: “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Ôi, tình yêu không biên giới! Ôi, bản đồ nhân sinh không có đường phân ranh!

Anh Philíp thân mến! Có lẽ Anh muốn hỏi tôi: “Bởi đâu nên nông nỗi ấy?” Để thay cho câu trả lời, tôi mời Anh lẳng lặng nghe tiếp.

Đức Giêsu được mai táng trong mộ đá vào lúc xế chiều thứ Sáu. Hừng đông Chúa nhật, thì ngôi mộ trống phộc. Hỏi tại sao mất xác, thì bọn lính canh trả lời: “Đệ tử Giêsu ăn trộm xác giấu đi”. Nhưng trong chỗ riêng tư, thì mọi anh lính gác đều thú thật với tôi rằng: “Ông Giêsu sống lại thật. Chúng tôi phải nói dối, vì đó là lệnh của thượng tế Caipha”. Rõ ràng là giới lãnh đạo cao cấp của đạo đã cố tình chống lại chân lý để bảo vệ cái ghế và cái nồi. Gian dối đã thua. Chân lý đã thắng.

Đức Giêsu đã chết và đã sống lại để cho ta thấy rằng không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người chết vì người yêu. Ngài cũng muốn lấy cái chết rồi sống lại ấy để dạy ta rằng hạt lúa mì phải chết đi mới mọc lên thành cây lúa mì, trổ sinh nhiều bông và hạt lúa mì.

Tin Mừng của Ngài đang bành trướng khắp xứ Paléttin. Thượng tế và Công nghị đàn áp nó. Vô ích! Ông em của Anh là Hêrôđê Antipát đã lấy đầu của Giacôbê, đã bỏ tù Phêrô… Nhưng vô hiệu. Tin Mừng cứ bùng lên như triều dâng. Tin Mừng cũng sẽ truyền sang Rôma. Nó sẽ bị đàn áp ở đấy. Anh sẽ thấy nó lại bùng vỡ như ở đây.

Tin Mừng là TÌNH YÊU. Tình yêu không biên giới. Tình yêu không có làn ranh. Tình yêu không bị đè dẹp. Đó là điều mà Đức Giêsu đã đem đến cho Anh. Xin Anh lắng nghe, xin Anh ngẫm nghĩ, để Anh vùng đứng lên giữa đống đổ nát của đời Anh. Thân mến trong Tin Mừng của Đức Giêsu Phục Sinh.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn

print