“Lấy Làm Lạ Vì Họ Không Tin”

print

“Lấy Làm Lạ Vì Họ Không Tin”

CN 14 TN B

Sau khi cho chúng ta chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu mạnh hơn cả cái chết, thánh Maccô đưa chúng ta đi theo Người về nơi quê quán là Nadarét. Tiếng đồn về Đức Giêsu đã vang khắp nơi, lôi kéo người bốn phương tìm đến với Người (Mc 3, 7-8), nay về thăm quê, chúng ta tưởng rằng Đức Giêsu sẽ được dân làng đón tiếp linh đình, kèn trống râm ran, như cảnh “trạng về làng vinh quy bái tổ”. Chuyện diễn ra không như chúng ta nghĩ.Tuy về quê quán của mình, nhưng Người cũng chờ đến ngày sabát mới vào hội đường rao giảng. Phản ứng đầu tiên của dân làng là “rất đỗi ngạc nhiên”. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?”. Thế ra họ cũng đã nghe biết về những phép lạ Người làm ở khắp nơi. Họ rất đỗi ngạc nhiên. Nhưng họ bỗng như bị xối nước lạnh lên đầu, khi họ nhìn thấy thân nhân của Người ngồi chung quanh họ trong cùng một hội đường. Thân nhân đã từng bị kích động vì dư luận, cho rằng Người đã mất trí và họ đã kéo nhau đi bắt Người về (Mc 3, 20-21.31-32), nhưng đã về tay không. Nhìn mặt Người thì vẫn là mặt bác thợ con bà Maria, từng làm thuê cho họ. Nhìn quanh, họ thấy anh em, chị em, bà con của Người, những người vẫn chen vai sát cánh với họ hàng ngày, trong cái làng quê nhỏ bé mà ai cũng biết mọi người, mọi nhà. “Và họ vấp ngã vì Người”. Đức Giêsu phải ngao ngán nói với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. Quả như câu tục ngữ xưa của Việt Nam: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Kết cục: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay lên trên một và bệnh nhân và chữa lành họ”. Lại như một câu tục ngữ Việt Nam: “Bụt nhà không thiêng”; “người phụ nữ” đã được Người tuyên dương: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”; ông trưởng hội đường đã được Người khích lệ: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” còn dân làng Nadaret thì Người cũng phải “lấy làm lạ vì họ không tin”. Thế là chuyến thăm quê cũ chẳng có gì phấn khởi.(x. Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).

Cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14-39) đều thuật lại câu chuyện Đức Giêsu không được tiếp đón tại quê nhà và Ngài đều nói đến ý tưởng: “Ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình” (Ga 4,44). Nhưng mỗi Tin Mừng thuật lại câu chuyện với các chi tiết khác nhau và đặt trong những bối cảnh văn chương khác nhau. Tin Mừng Máccô đặt trình thuật “Đức Giêsu bị rẻ rúng tại quê hương mình” (Mc 6,1-6) sau trình thuật “Đức Giêsu chữa lành người đàn bà bị băng huyết và cho con gái ông Giaia sống lại” (Mc 5,21-43).

 

Quê hương Nadaret của Chúa Giêsu chẳng là trái ngọt nhưng là trái đắng với vị chát chối từ, và chua cay thành kiến. Dẫu vậy Ngài không than van, không giận dữ hay oán trách quê nhà. Ngài vẫn hiện diện thật hiền lành và khiêm hạ để đón nhận thực tế. Quê hương là “chùm khế ngọt” của mỗi con người. Nhìn về quê hương Nadaret của Chúa Giêsu, thật khác lạ. Ngài trở về quê mà không được dân làng ủng hộ, trái lại họ đã xem thường Ngài và xúc phạm đến Ngài. Tại sao?

 

Bởi lẽ, họ tìm về nguồn gốc thì chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon”. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nadaret này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, mấy ai quan tâm đâu! Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, đi từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cày bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông ấy nói năng, làm được gì hay lạ đâu ? Ông ấy bỏ quê nhà đi một thời gian, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế nhỉ? Một quá khứ và hiện tại như vậy đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Dân làng Nadaret quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu. Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài, họ lấy lý lịch để thẩm định về Ngài. Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch”. Chính Nathanael cũng còn mang nặng quan niệm thành kiến đó: “Nadaret có cái gì tốt đâu?” (Ga 1,46). Những người Do thái cố chấp nhìn Đức Giêsu bằng lăng kính của thành kiến quê hương và họ đã đưa Ngài lên ngọn đồi và định xô xuống vực.

Đức Giêsu “ngạc nhiên vì sự không tin của họ”. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật. Dân làng Nadaret “vấp ngã vì Người”, họ không chấp nhận, họ không thể tin vào Đức Giêsu. Ngài mạc khải cho họ về nguồn gốc thiên sai của mình qua những lời giảng dạy khôn ngoan và các phép lạ, nhưng họ lại chỉ bám lấy thành kiến cố hữu. Chính thái độ bám ghì lấy, không dám buông bỏ những hiểu biết giới hạn nên họ không thể nhận biết Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ. Đức Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại đó vì họ không tin.

Dân làng Nadaret không tin vì thành kiến. Họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong những định kiến hẹp hòi. Vì thế, họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ mà Đức Giêsu mở ra cho họ. Có ai ngờ Đấng Cứu Thế lại là người đơn sơ, khiêm hạ như thế. Đức Giêsu không sống như một siêu nhân, Ngài sống bình dị như mọi người trong mọi thực tại hằng ngày của cuộc sống gia đình.

Những người đồng hương của Đức Giêsu thật “dại”, thay vì “một người làm quan cả họ được nhờ” nhưng họ lại đánh mất cơ hội khi quan niệm “bụt nhà không thiêng”. Thành kiến kiểu “nhìn mặt là biết số nhà” khiến người ta không ít lần rơi vào sai lầm khi nhìn đến tha nhân.

Thành kiến là ý kiến có sẵn từ lâu trong đầu óc, không thay đổi được.Thành kiến có thể là của cá nhân hay của tập thể. Nếu là của tập thể thì nó tích tụ từ lâu đời qua nhiều thế hệ và hầu như không thể thay đổi được. Thành kiến là những nếp suy nghĩ, quan điểm, niềm tin chủ quan sẵn có, thường là tiêu cực đối với một người, một nhóm người dựa trên lối sống, nghề nghiệp, quan điểm chính trị, màu da, sắc tộc, quốc tịch, tôn giáo, giới tính…Thành kiến thường được định hình trong con người theo thời gian, từ trải nghiệm của bản thân, do được tuyên truyền, do thế hệ trước truyền lại, do môi trường sống.Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của con người, không ai thoát khỏi.

Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự yên trí, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm làm sẵn, có sẵn trong đầu óc, nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lạc, thì có thể đưa đến những hậu quả sai lầm hoặc nguy hại. Ai đeo kính đen nhìn cái gì cũng tối tăm; lưỡi đắng ăn gì cũng đắng; lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. Thật dễ để nhận ra hay để nói về sai lầm của người khác.

Thành kiến làm cho người ta mù quáng, không nhận định khách quan nên khó có thể đối thoại, cởi mở với người khác, không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi tha nhân.

Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng sự kiện dân làng Nagiarét ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường, và kết thúc bằng sự ngạc nhiên của Chúa khi Ngài thấy họ không tin. Làm sao họ không ngạc nhiên được khi lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm tỏ rõ Ngài là Đấng đầy quyền năng và khôn ngoan? Thế nhưng, sự ngạc nhiên ấy không đủ để thay đổi thành kiến của họ về Ngài. Họ không thể chấp nhận một bác thợ bình thường, là người đồng hương họ quen biết, lại là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Và càng không thể chấp nhận được một con người như Ngài lại cả dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô. Hạnh phúc được tin vào Đức Kitô, đáng lẽ họ nhận được lại bị mất vì một thành kiến.

ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh “không bao giờ đóng kín nơi chính mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 45).

Đức Maria được ca tụng là có phúc vì đã tin (Lc 1,45). Chúng ta cũng thật có phúc vì đã tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người và là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Đức tin là ân huệ quý giá nhất trong cuộc đời, nhờ đó, mọi việc, dù nhỏ bé, âm thầm đến đâu, vẫn có ý nghĩa và có thể đem lại niềm vui, bình an cho cuộc đời.

Mỗi ngày mới, chúng ta hãy bày tỏ lòng tri ân Chúa đã thương ban cho mình ơn đức tin qua đời sống chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ.

Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy hạnh phúc khi đi theo Chúa, khi làm môn đệ Ngài. Xin Chúa giúp con sống tốt tư thế môn đệ ấy. Xin giúp con luôn quảng đại và khiêm tốn trong lời nói, trong những nhận định về nhau và nhất là xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi anh chị me con.Amen.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An