Hiệp Sống Tin Mừng Lễ Nến & Chúa Nhật 4 Thường Niên A

print

Hiệp Sống Tin Mừng Lễ Nến & Chúa Nhật 4 Thường Niên A

 

TRỞ THÀNH ÁNH SÁNG CHIẾU SOI MUÔN DÂN.

PHÚC THAY AI CÓ TÂM HỒN NGHÈO KHÓ.

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 4 TN: LỄ DÂNG CHÚA GIÊ-SU TRONG ĐỀN THÁNH (LỄ NẾN)

Ml 3,1-4; Dt 2,14-18; Lc 2,22-40

TRỞ THÀNH ÁNH SÁNG CHIẾU SOI MUÔN DÂN

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Lc 2,22-40

22 Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Mô-sê, cha mẹ Chúa Giê-su liền đem Người lên Giê-ru-sa-lem để hiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. 24 Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.

25 Và đây ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Ít-ra-en. Thánh Thần cũng ở trong ông. 26 Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. 27 Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giê-su đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. 28 Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

29 “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: 30 vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà 31 Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, 32 là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Ít-ra-en dân Chúa”.

33 Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. 34 Si-mê-on chúc lành cho hai ông bà và nói với Ma-ri-a mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Ít-ra-en phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. 35 Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!” 36 Lúc ấy, cũng có bà tiên tri An-na, con ông Pha-nu-en, thuộc chi họ A-sê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. 38 Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giê-su cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Ít-ra-en.

39 Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Ga-li-lê-a, về thành mình là Na-da-rét. 40 Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

  1. Ý CHÍNH: Bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca, cụ già Si-me-on là người đầu tiên được xem thấy Chúa khi cha mẹ mang Người đến để gặp gỡ dân Người. Si-mê-on sẵn sàng nhắm mắt ra đi, vì ông đã được nhìn thấy ơn cứu độ bằng xương thịt như lời các ngôn sứ loan báo.

 

  1. CHÚ THÍCH:

– C 22-24: +thanh tẩy theo luật Mô-sê: Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai đầu lòng, Đức Ma-ri-a đã làm lễ thanh tẩy theo Luật Mô-sê qui định. + một đôi chim gáy hay bồ câu non: Bà đã dâng vào Đền Thờ một đôi chim gáy hay bồ câu non là lễ vật của người nghèo, thay vì lễ vật là một con chiên như người giàu. Hai ông bà dâng con vào Đền thờ để hài nhi Giê-su được thuộc trọn về Thiên Chúa (x. 1 Sm 1, 22). Ông bà đã không nghĩ đến một sự miễn trừ nào đối với vai trò làm cha mẹ Đấng Cứu Thế của mình. Giữ Luật Mô-sê là cách hai ông bà biểu lộ tình yêu của mình cho Thiên Chúa.

– C 25-28: + có một người tên là Si-mê-on : chúng ta không biết rõ lai lịch của cụ già Si-mê-on, nhưng cụm từ : “là người công chính” cho thấy cụ luôn sống trong niềm tin vào Thiên Chúa. + Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa: Đó là phần thưởng mà Chúa muốn dành cho người công chính. Chúa Thánh Thần luôn sống trong cụ và thúc đẩy cụ làm theo ý Ngài. + Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giê-su đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật”: Chúa Thánh Thần muốn đẩy cụ Si-mê-on vào Đền thờ đúng lúc hai ông bà Giu-se và Ma-ri-a đem Hài nhi Giê-su vào Đền thờ. Như vậy cuộc gặp gỡ này là do Chúa Thánh Thần sắp đặt và đạo diễn, nhưng với một điều kiện cụ Si-mê-on không cưỡng lại sự thúc đẩy của Thánh Thần.

– C 29-32 : “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán » : Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa. + là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa” : Hài Nhi bé nhỏ này là Ánh sáng cho muôn dân và là vinh quang cho dân Ít-ra-en của Đức Chúa. Sau một đời chờ đợi, ông Si-mê-on sung sướng thỏa mãn đến nỗi sẵn sàng chết cũng được, bởi vì cụ đã được thấy Đấng Cứu thế và biết rằng thời đại cứu thế đã bắt đầu. Đây là bài ca được Hội Thánh chọn đọc trong giờ kinh tối mỗi ngày. Ước gì chúng ta sống làm sao để đến buổi tối, trước khi lên giường ngủ, tâm hồn chúng ta luôn cảm thấy an bình thanh thản, đến nỗi có thể giã từ cõi thế mà ra đi ngay trong đêm cũng được.

-C 33-35 : + Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người : Ông Giu-se và bà Ma-ri-a kinh ngạc về những điều ông già Si-mê-on nói về Hài Nhi. Vì Hài Nhi Giê-su là một bí mật dưới mắt người trần. Chỉ mình hai ông bà Giu-se bà Ma-ri-a mới được Chúa cho biết qua lời Sứ thần. Thế mà hôm nay trong Đền Thờ lại có người biết rõ về vai trò và sứ mệnh của Hài Nhi như vậy, khiến hai ông bà phải kinh ngạc.

+ Si-mê-on chúc lành cho hai ông bà và nói với Ma-ri-a mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Ít-ra-en phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối : Ông già Si-mê-on đã nói tiên tri: Đức Giê-su là một “dấu hiệu bị chống đối” và sau này sẽ bị loại trừ, một “dấu hiệu mà người đời có thể phủ nhận”. Qua đó cho thấy : Thiên Chúa không muốn áp đặt người ta phải tin mà chỉ biểu lộ dấu hiệu tình yêu. Và Người chấp nhận tình yêu của Người có thể bị người đời chối bỏ. + Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!” : Từ sau khi Xin Vâng, Mẹ đã bắt đầu bước vào con đường đau khổ với Con Mẹ. Mẹ luôn đồng hành với Chúa Giê-su qua từng biến cố mà đỉnh điểm là cuộc Khổ Nạn của Người. Mẹ đã can đảm đứng dưới cây thập giá của Chúa và chịu đau khổ như bị một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn mình. Mẹ luôn để tâm suy niệm các biến cố trong cuộc đời Chúa Giê-su, đúng như lời ông Si-mê-on đã nói và nhằm “Để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.

-C 36-38 : + Lúc ấy, cũng có bà tiên tri An-na, con ông Pha-nu-en, thuộc chi họ A-sê, đã cao niên : Trong sự kiện dâng Hài nhi Giê-su trong Đền thờ, ngoài ông già Si-mê-on diễm phúc được gặp Hài Nhi Giê-su, còn có thêm một người nữa, đó là nữ tiên tri An-na. Kinh thánh không cho ta biết nhiều về bà An-na, Lu-ca cũng không xác định bà có được Thiên Chúa sai đi hay giao sứ mệnh nào không, nhưng việc bà ở trong Đền thờ nói về Thiên Chúa cho mọi người mà Lu-ca đã gọi bà là Nữ Tiên Tri.  Lu-ca cho biết bà là con ông Pha-nu-en, thuộc chi tộc A-sê. + Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa :  Bà An-na là một góa phụ nghĩa đã mất đi người thân yêu nhất của mình, để từ đó rơi vào cảnh cô đơn, không có chỗ cậy dựa, bà chỉ còn chạy đến nương tựa vào Thiên Chúa. Bà được 84 tuổi nghĩa là đã già với hai đặc điểm như sách Khôn Ngoan viết: “Người đầu bạc thì khôn ngoan và tuổi già là một cuộc đời thanh sạch” (Kn 4,9). Cuộc đời của bà đã gắn liền với Đền thờ và năng cầu nguyện kết hiệp với Thiên Chúa. + Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giê-su cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Ít-ra-en: Chắc hẳn bà An-na cũng được Chúa Thánh thần thúc đẩy như cụ Si-mê-on để vào Đền thờ đúng vào lúc Hài Nhi Giê-su được cha mẹ bồng ẵm vào Đền thờ. Bà An-na đã thực hiện vai trò truyền giáo của mình một cách thiết thực bằng chính cuộc sống đạo hạnh, nghèo nàn, đơn sơ trong chay tịnh và cầu nguyện để trông chờ Đấng Cứu Thế mau đến.

-C 39-40 : + Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Ga-li-lê-a, về thành mình là Na-da-rét : Ông Giu-se trở về với công việc của người thợ mộc để kiếm tiền nuôi sống gia đình, chứ không xin Thiên Chúa làm phép lạ để có tiền nuôi dưỡng Hài Nhi Giê-su. Đức Ma-ri-a trở về với công việc nội trợ để chăm sóc cho ông Giu-se và Hài Nhi Giê-su suốt thời gian 30 năm ẩn dật. + Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người : Lu-ca cho ta biết nét tổng quát về quãng thời gian Đức Giê-su ở làng Na-da-ret. Như vậy, với sự dưỡng dục của đức Ma-ri-a và thánh Giu-se; qua học tập và lao động, Đức Giê-su đã từ từ lớn lên, trưởng thành một cách quân bình. Để rồi, nhân loại được thừa hưởng một Đức Giê-su Thiên Sai biết sống và chết cho người khác. Các thành viên của Thánh Gia đều có đời sống thánh thiện và âm thầm chu toàn theo thánh ý Thiên Chúa.

  1. HỎI ĐÁP :

HỎI: NGUỒN GỐC CỦA LỄ NẾN NHƯ THẾ NÀO?

ĐÁP:

– Giáo hội Đông phương hiểu Thánh lễ này thể hiện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và dân Người. Được Ðức Ma-ri-a và thánh Giu-se đem vào Ðền Thánh, Chúa Giê-su đã gặp gỡ dân người mà hai cụ già Si-mê-on và An-na là đại diện. Chúa Giê-su là trung tâm, chính Người lôi kéo con người đến Ðền Thánh, nhà Cha của Người.

– Giáo hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Ma-ri-a: Thanh tẩy theo luật Do thái. Khi sát nhập vào Phụng vụ Rô-ma, Đức Giáo Hoàng Sec-gi-ô I (678-701) đã  thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ đây, lễ này được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giê-su là Ánh Sáng của muôn dân.

Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giê-su. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giê-su, hơn là Đức Mẹ dâng Chúa Giê-su trong Đền thờ.

II. SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Ít-ra-en dân Chúa”.
  2. CÂU CHUYỆN:

1) SỨC MẠNH CỦA ÁNH SÁNG :

Trong một buổi thuyết trình, vị linh mục được mời nói chuyện, đã bắt đầu bằng cách tắt hết các bóng điện, khiến cho tăm tối phủ kín khắp phòng. Rồi ngài đánh một que diêm và thắp lên một ngọn nến. Ánh sáng của ngọn nến tuy yếu ớt, nhưng cũng đủ để họ nhìn thấy được khuôn mặt của người bên cạnh. Và nếu người nào cũng thắp lên một ngọn nến như thế, thì hẳn căn phòng sẽ rực rỡ, sẽ chan hòa ánh sáng.

Thay vì ngồi phê bình và chỉ trích, thở dài và bi quan, chúng ta hãy góp phần nhỏ bé của chúng ta vào công cuộc đẩy lui ảnh hưởng của đêm tối, của tội ác.

Nếu hoạt động của đêm tối là âm mưu, là thù oán, là tham vọng bất chính, thì hoạt động của ánh sáng phải là nhân hậu, phải là tha thứ, phải là khiêm cung.

Nếu một con én không làm nổi mùa xuân thì ít nữa nó cũng góp phần báo tin mùa xuân đang đến.

Chúng ta cũng vậy, thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà rủa xả bóng đêm.

2) ÁNH SÁNG CỦA ĐOM ĐÓM:

Báo nguyệt san Missi xuất bản tại Paris nước Pháp, vào đầu tháng một năm 1950, đã kể lại lịch sử con “Đom Đóm” như thế này: đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 749 kể từ ngày lập nước Roma, là đêm Chúa cứu thế Giáng Sinh. Ngôi sao lạ chiếu sáng cả một góc trời. Thế mà hang lừa, nơi Đức Mẹ sinh Chúa cứu thế lại tối đen như mực. Trời đông đã lạnh như buốt, mà gió heo may còn lùa hơi lạnh vào thân. Thánh Giuse phải bịt kín cửa hang lại, nên Đức Mẹ không thấy đường lấy áo mặc cho Chúa Hài Đồng. Nhưng kìa một con sâu nằm dưới rơm rạ, cảm thấy nỗi lúng túng của Đức Mẹ, liền bò ra khe cửa, giơ tay hứng lấy một luồng sáng của ngôi sao lạ. Con sâu cẩn thận, giấu ánh sáng trong lòng bàn tay, rồi bò trở vào. Nó bò lên gấu áo Đức Mẹ, rồi bò lên cao nữa, cho đến khi ngang tầm mắt Đức Mẹ, nó liền mở tay ra, tức khắc một luồng sáng bất ngờ tỏa xuống mặt Hài Nhi. Đức Mẹ sung sướng được nhìn con lần đầu tiên. Bà vội vã lấy áo mặc cho con. Xong xuôi rồi, Đức Mẹ nâng con sâu lên, rồi âu yếm nói: “Cảm ơn sâu đã vô cùng tế nhị, cảm thông nỗi khốn khổ của ta, và đã không ngại hy sinh giúp đỡ ta. Này đây, ánh sáng sâu đang giữ, Ta đã xin con Ta cho sâu được giữ nó mãi mãi. Mỗi khi màn đêm bao trùm vạn vật, sâu hãy bay lên giữa vòm trời, tỏa ánh sáng xanh xanh huyền diệu cho môi tạo vật. Và từ nay, thiên hạ sẽ không gọi ngươi là con sâu nữa, mà gọi ngươi là con Đom Đóm vì ngươi luôn mang theo ánh sáng trong mình ngươi.

  1. SUY NIỆM:

1) Thế giới hôm nay có nhiều kẻ theo ma quỷ để thù ghét Chúa và Hội Thánh. Họ hăng say tuyên truyền cho tội ác và tìm mọi cách để thu hút, lôi cuốn đám đông đi theo họ chống lại Hội Thánh Công Giáo. Đặc biệt chống lại các vị chủ chăn là Giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ. Vậy các tín hữu chúng ta nên làm gì để bảo vệ Hội Thánh?

Hãy luôn nhớ chúng ta là con cái ánh sáng. Sự sáng của chúng ta phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy việc lành chúng ta làm mà ngợi khen Cha chúng ta trên trời.

Đừng chán nản nhụt chí, nhưng hãy làm hết khả năng của mình và cầu xin ơn Chúa giúp.

2) Đức Giê-su chính là ánh sáng thế gian. Hôm nay trước cửa Đền thờ, ông già Si-mê-on đã nói tiên tri về Hài nhi Giê-su như sau: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Ít-ra-en dân Chúa”.

Rồi trong cuộc sống công khai, chính Đức Giê-su cũng đã từng công bố: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không còn ngồi trong đêm tối, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự  sống”.

Hay như Tin Mừng Gio-an đã xác quyết: “Nơi Ngài có sự sống. Và sự sống là ánh sáng cho muôn dân. Ánh sáng đã chiếu soi trong u tối”.

3) Nếu Đức Giê-su đã là ánh sáng, thì Mẹ Ma-ri-a cũng chính là chiếc đèn, bởi vì Mẹ mang trong mình ánh sáng và từ đó tỏa lan khắp nơi. Hôm nay nơi đền thờ Giê-ru-sa-lem, Mẹ đã bồng ẵm trong vòng tay của mình Hài nhi Giê-su là ánh sáng muôn dân. Không phải Mẹ chỉ bồng ẵm Chúa trên đôi tay của mình, mà hơn thế nữa, tâm hồn Mẹ hoàn toàn được ánh sáng Chúa chiếu soi và biến đổi. Mẹ chính là tấm gương phản ảnh mọi nhân đức của Chúa Giê-su cho nhân loại chúng ta. Mẹ chính là người môn đệ đầu tiên đã qua đau khổ và thập giá để tiến đến vinh quang. Mẹ hoàn toàn tin tưởng và phó thác để trung thành theo thánh ý của Chúa.

4) Còn chúng ta thì sao?

– Chúng ta cũng phải trở nên ánh sáng như Đức Giê-su, chúng ta cũng phải trở nên cây đèn cháy sáng như Đức Mẹ. Thực vậy, thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu như sau: “Trước kia anh em là tối tăm, nhưng hiện nay anh em là ánh sáng trong Đức Kitô.”

Đây cũng chính là điều Đức Giê-su muốn mỗi người tín hữu thực hiện khi phán: “Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi, không thể giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới gậm giường, nhưng sẽ đặt trên giá, để nó chiếu sáng cho mọi người trong nhà”.

– Là người Kitô hữu, chúng ta phải mang Đức Ki-tô, mang ánh sáng tin yêu của Người trong tâm hồn, rồi từ đó chiếu tỏa ánh sáng ấy cho những người chung quanh.

Là người tín hữu, chúng ta phải trở thành ngọn đèn cháy sáng, để những người đang còn ngồi trong tối tăm lầm lạc, nhờ chúng ta, sẽ tìm thấy nẻo chính đường ngay.

Muốn được như thế, thì tâm hồn và cuộc đời chúng ta phải thanh sạch giống như pha lê, để ánh sáng của Chúa có thể chiếu qua chúng ta đến với tha nhân.

– Thế nhưng có kẻ lại nghĩ rằng: “Ánh sáng của tôi quá yếu, làm sao ánh sáng ấy có thể chọc thủng được màn đêm tối tăm?”

Đừng nói mình không làm gì được. Trái lại, chúng ta hãy ý thức góp phần nhỏ bé của mình trong hoàn cảnh cụ thể mình đang sống và động viên nhiều người cùng làm như mình, thì chúng ta sẽ có thể đẩy lui được ảnh hưởng của các tội ác xấu xa.

Nếu hoạt động của đêm tối của ma quỷ và các thế lực thù địch là thù oán, tham vọng bất chính, là âm mưu… thì hoạt động của ánh sáng nơi chúng ta phải là lòng nhân hậu, khoan dung tha thứ, khiêm hạ phục vụ vô vụ lợi.

Tóm lại:  “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.

  1. THẢO LUẬN: Trong những ngày này, mỗi người chúng ta sẽ làm gì để gia đình mình được an vui hạnh phúc, khu xóm mình đang sống được sạch đẹp và môi trường làm việc ngày một công bình nhân ái hơn?
  2. LỜI CẦU:

Lạy Cha, xin cho con biết tuân giữ Luật Cha noi gương Thánh Gia. Luật cha chính là luật yêu thương. Con nhận ra rằng con chỉ chu toàn được Luật của Cha khi con thật sự thể hiện lòng mến Cha bằng việc yêu thương tha nhân. Vì thế, xin Cha cho con biết yêu thương từ trong cách suy nghĩ, đến nói năng và hành động, để chiếu tỏa ánh sáng tin yêu của Cha trước mặt người đời, hầu cho họ nhìn thấy việc lành chúng con làm mà nhận biết tin thờ Cha và sau này được tham phần vào ơn cứu độ với chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN A

Xp 2,3.3,12-13; 1 Cr 1,26-31; Mt 5,1-12a

PHÚC THAY AI CÓ TÂM HỒN NGHÈO KHÓ

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Mt 5,1-12a

(1) Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng: (3) “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. (4) “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. (5) “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên Chúa ủi an”. (6) “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. (7) “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. (8) “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (9) “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (10) “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”. (11) “Phúc cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

  1. Ý CHÍNH: TÁM MỐI PHÚC THẬT.

Mát-thêu gom nhiều điều Chúa Giê-su nói trong nhiều hoàn cảnh khác nhau làm thành “Bài Giảng Trên Núi” hay là “Hiến Chương Nước Trời”. Tin Mừng hôm nay là phần đầu của Bài Giảng Trên Núi, trong đó nêu ra 8 điều kiện mà ai muốn gia nhập vào Nước Trời của Chúa Giê-su phải có, được gọi là Tám Mối Phúc. Chẳng hạn: Tinh thần nghèo khó, nhân đức hiền lành, tâm hồn sám hối, luôn khao khát sống công chính, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, biết ăn ở hòa thuận, bị bách hại vì đức Tin. Ai sống theo 8 tinh thần này thì thật diễm phúc, vì sẽ được làm thành viên của Nước Trời là Hội Thánh hôm nay và Thiên Đàng mai sau.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 1-3: + Đoàn lũ đông đảo: Gồm các tông đồ, các môn đệ và dân chúng đến từ Ga-li-lê-a, miền Thập Tỉnh, miền Giu-đê và thủ đô Giê-ru-sa-lem. Lại có cả dân ngoại từ các thành Ty-rô và Si-đon (x. Lc 6,17; Mt 4,25). Như vậy đoàn lũ đông đảo nói lên tính phổ quát của sứ điệp Chúa Giê-su. + Người đi lên núi: Núi ở đây thực ra chỉ là một ngọn đồi ở gần Ca-phác-na-um. Nhưng Tin Mừng Mát-thêu dùng tiếng núi để gợi lại việc Thiên Chúa ký kết Giao Ước cũ và ban Lề Luật cho Ít-ra-en trên núi Si-nai. + Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên: Ngồi là tư thế của vị Thầy khi giáo huấn các môn đồ (x. Mt 13,1). + Phúc thay: Đây là kiểu nói thường được sử dụng trong Cựu Ước (x. Tv 1,1-2; Cn 3,3). Ở đây Đức Giê-su dùng lối nói này để khai mạc Nước Trời, trong đó những người nghèo đói, hèn mọn, sầu khổ… sẽ được hạnh phúc thật, miễn là họ tiếp nhận sứ điệp của Người. Mát-thêu dùng kiểu nói: Phúc thay ai…, đang khi Lu-ca thì viết: Phúc cho anh em… (6,20-26).+ Tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ: Nghèo khó là thái độ khiêm tốn, vô tư như trẻ em và là điều kiện để được gia nhập vào Nước Trời (x. Mt 18,1-11). Nghèo khó cũng đồng nghĩa với tinh thần siêu thoát, sẵn sàng từ bỏ của cải để đi theo làm môn đệ Chúa và sẽ được Nước Trời làm phần gia nghiệp (x. Mt 6,19-21).

– C 4-5: + Hiền lành: Trong Kinh Thánh, sự hiền lành luôn đi đôi với nghèo khó, khiêm nhường, nhỏ bé, yếu đuối, bị oan ức và bị thiếu thốn. + Đất Hứa làm gia nghiệp: Đất Hứa là một kiểu nói ám chỉ Nước Trời (x. Tv 37,11). + sầu khổ: là than khóc, buồn sầu vì đã phạm tội mất lòng Chúa và phải xa lìa Thiên Chúa. Buồn sầu thường do tội lỗi gây ra (x. 1 Cr 5,2). Đây cũng là tâm tình của người đang mong chờ ơn cứu độ của dân Ít-ra-en như lời Si-mê-on ca tụng Chúa (x. Lc 2,25). + Được Thiên Chúa ủi an: Sự đau buồn này sẽ được Thiên Chúa bù đắp an ủi và còn được xét xử khoan dung trong giờ phán xét sau này.

– C 6-8: + Khát khao nên người công chính: Công chính là cách ăn ở hợp với thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 3,15). Khát khao nên người công chính nghĩa là ước mong sống công bình ngay chính, tuân giữ Luật Chúa truyền dạy (1,19; 5,20). + Nước Trời là của họ: Hạnh phúc Nước trời sẽ là phần thưởng dành cho những ai muốn sống cuộc đời hoàn thiện. + Xót thương người: nghĩa là tỏ lòng nhân hậu đối với các tội nhân noi gương Thiên Chúa: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6) và như người Sa-ma-ri-a nhân hậu đã sẵn lòng giúp đỡ cho kẻ gặp nạn (x. Lc 10,33-37). + Sẽ được Thiên Chúa xót thương: Thương xót và tha thứ cho kẻ khác thì sẽ được Thiên Chúa xót thương tha tội nợ cho mình (x. Mt 6,14-15). Ông chủ trong dụ ngôn “hai con nợ” đã mắng kẻ không biết thương xót: “Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi vì ngươi đã van xin Ta. Thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao ?” (Mt 18,32-33). + Lòng trong sạch: Trong sạch là ngay thẳng trong lương tâm. Người có lòng trong sạch là người hết lòng phục vụ Chúa và tha nhân, không màng tư lợi, không đạo đức giả. Sự trong sạch ở đây không những hiểu về đức trinh khiết, mà còn về nhiều phương diện khác nữa. + Được nhìn thấy Thiên Chúa: Là được gặp mặt Người ở đời sau (x. Dt 12,14).

– C 9-10: + Xây dựng hòa bình: Sứ mệnh của các môn đệ là phải làm cho mọi dân nước trên thế giới trở thành một gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Người tín hữu cần sẵn sàng làm hòa với kẻ đang có điều chi bất bình với mình, để lễ dâng lên xứng đáng được Chúa chấp nhận (x. Mt 5,23-24). + Được gọi là con Thiên Chúa: Vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai sống yêu thương thì mới được ở trong Thiên Chúa và nên con cái Thiên Chúa. Họ sẽ được Chúa yêu thương và tâm hồn họ sẽ được bình an (x. 2 Cr 13,11). + Bị bách hại: Bị bách hại là một đặc điểm của Chúa Giê-su, Đấng đã trải qua cuộc khổ nạn để vào trong vinh quang phục sinh. Đây là một điều khó hiểu, điên rồ đối với người Do thái và khó chấp nhận ngay cả với các môn đệ (x. Mt 16,22). + Vì sống công chính: Nghĩa là sống phù hợp với giới răn của Chúa Giê-su (x. Mt 10,24-25). Thánh Phê-rô cũng nói: “Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc !” (1 Pr 3,14).

– C 11-12a: + Vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa: Lời Chúa giải thích mối phúc thứ tám để động viên các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đang bị bách hại. + Anh em hãy vui mừng hớn hở: Thánh Phê-rô cũng dạy: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ. Nếu bị xỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1 Pr 4,13-14). + Vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao: Chính khi chịu đau khổ bách hại và liên kết với cuộc tử nạn của Chúa, các tín hữu sẽ được nên giống Chúa và sau này còn được vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc với Người.

  1. CÂU HỎI:

1) Tám Mối Phúc Thật là bản tóm lược những điều kiện phải có để được vào Nước Trời do Chúa Giê-su thiết lập. Trong Tám Mối Phúc này, mối phúc nào quan trọng nhất và là nền tảng của các mối phúc khác ? 2) So sánh ý nghĩa câu: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó” trong Tin Mừng Mát-thêu với câu “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” trong Tin Mừng Lu-ca giống và khác nhau thế nào ? 3) Tại sao Chúa Giê-su lại chúc phúc và đề cao người nghèo, đang khi lẽ ra Người phải giúp đỡ người nghèo vượt qua sự nghèo đói bất hạnh ấy để cuộc sống của họ được ấm no hạnh phúc hơn ? 4) Ý nghĩa của các mối phúc khác như thế nào: hiền lành, sầu khổ, khát khao nên người công chính, biết xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì danh Thầy ?

  1. SỐNG LỜI CHÚA:
  2. LỜI CHÚA: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).
  3. CÂU CHUYỆN:

1) AI LÀ NGƯỜI THẬT SỰ HẠNH PHÚC ?

Có một phú ông có rất nhiều tài sản. Một hôm, ông đột nhiên lâm trọng bệnh và gia đình đã mời nhiều bác sĩ tài danh từ khắp nơi trong nước nhưng tất cả bọn họ đều bó tay. Khi ông nhà giàu nằm thoi thóp chờ chết, một vị chân tu từ phương xa đi ngang qua đến thăm và nói với gia đình: “Hãy đi tìm xem có ai thật sự hạnh phúc thì xin cái quần lót của người đó về cho ông cụ mặc thì sẽ khỏi bệnh”.

Nghe vậy, mọi người trong gia đình liền chia nhau đi khắp bốn phương để tìm một người hạnh phúc. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm kiếm khắp nơi, họ vẫn không thể tìm ra người thật sự hạnh phúc. Cuối cùng mọi người đành phải bỏ cuộc trở về nhà. Tuy nhiên, một người con trai của phú ông rất có hiếu, quyết tâm tìm mọi cách để cho cha mình bình phục, nên anh ta đến những nơi xa, tìm cho ra người thật sự hạnh phúc.

Một hôm, anh ta đi ngang qua một cánh đồng cỏ có nhiều chiên đang ăn cỏ và anh nghe thấy có tiếng hát của ai đó. Anh tìm đến nơi phát ra tiếng hát thì thấy một gã mục đồng đang nằm dưới gốc cây đa và miệng đang nghêu ngao hát xướng rất vui vẻ. Anh con trai của phú ông rất mừng khi nhìn thấy người này và tiến lại gần hỏi thăm thì được biết anh luôn cảm thấy hạnh phúc với việc chăn chiên của mình. Con trai của phú ông liền xin anh ta chiếc quần đùi anh đang mặc, nhưng bị anh từ chối. Cuối cùng anh con trai phú ông đã phải dùng sức mạnh cưỡng đoạt. Nhưng anh rất ngạc nhiên khi thấy gã chăn chiên thực sự quá nghèo đến nỗi: Ngoài chiếc quần rách đang mặc, anh ta không có cả một chiếc quần đùi nào khác!!!

2) GƯƠNG KHÓ NGHÈO CỦA THÁNH PHAN-XI-CÔ

Phan-xi-cô thành At-si (Phanxicô Assise) là con một quý tộc giàu có danh giá ở thành Át-si. Một hôm đi nhà thờ dự lễ và tình cờ nghe một vị linh mục giảng về Tám mối Phúc Thật, Phan-xi-cô rất tâm đắc với câu nói của Chúa Giê-su: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Từ hôm ấy, Phan-xi-cô thường suy nghĩ phải sống thế nào để thực thi ý Chúa, và trở thành một người nghèo thực sự ? Rồi một ngày nọ, anh quyết định sống siêu thoát từ bỏ và hoàn toàn tin cậy vào Chúa quan phòng. Anh bán tất cả gia sản của cha, rồi đem phân phát cho những người nghèo khổ bệnh tật. Hành động của Phan-xi-cô đến tai người cha khiến ông nổi cơn lôi đình. Ông đã đến thu lại tất cả những gì còn sót lại của Phan-xi-cô và không nhận Phan-xi-cô làm con nữa. Hôm ấy anh đã cởi bỏ các thứ quần áo giầy dép quí giá đang mang trên người và ra đi với hai bàn tay không. Anh viết trong nhật ký: “Bây giờ tuy không còn có cha ở trần gian, nhưng tôi vẫn luôn có người Cha Trên Trời hằng thương yêu tôi”. Từ hôm đó anh được hoàn toàn tự do đi theo lý tưởng đã lựa chọn, là từ bỏ mọi sự, trở nên nghèo khó vì Nước Trời”. Ban ngày anh mặc quần áo vải thô, chân không giày dép đi qua các con đường phố xá và làng mạc để khất thực. Tối đến, anh lại thức khuya để đọc Thánh Kinh, cầu nguyện và dùng dây da tự đánh vào người để hãm mình phạt xác. Anh đã được Chúa Giê-su cho in năm dấu thánh trên hai bàn tay bàn chân và cạnh sườn để nên giống Chúa chịu đóng đinh. Anh đã thực hành theo Lời Chúa dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Lối tu luyện khổ hạnh của anh đã được Giáo Hội công nhận và dòng “Anh em hèn mọn” do anh sáng lập đã được nhiều người xin gia nhập, trở thành một dòng tu lớn trong Giáo Hội. Sau khi qua đời, anh đã được Giáo Hội phong hiển thánh. Đó là thánh Phan-xi-cô Át-si, hoặc Phan-xi-cô khó khăn hay Phan-xi-cô Năm Dấu.

  1. SUY NIỆM:

1) GIÀU CÓ CÓ MANG LẠI HẠNH PHÚC KHÔNG?

Gần đây một cuộc khảo sát ở Hong Kong do một viện Đại Học thực hiện đối với 2 000 người giúp việc Philippines và khoảng 300 người chủ của các osin này, và đã kết luận như sau:

  1. a) 99% người được hỏi thì hơn 92% người giúp việc Philippines cảm thấy “hạnh phúc” hơn là các ông bà chủ mà họ đang phục vụ làm công cho. Tuy nhiên, khi điều tra viên hỏi nếu được hoán đổi vị trí để người giúp việc trở thành ông bà chủ và ngược lại, thì 100% các chị giúp việc đều đồng ý đổi ngôi ngay. Dù họ ý thức rất rõ là các ông bà chủ của họ cũng không hạnh phúc, khi hàng ngày phải đối phó với bao nhiêu vấn đề khó khăn do áp lực công việc, nhu cầu tiền bạc, thời gian dành riêng cho mình. Nhất là lúc nào cũng phải cảnh giác đấu tranh để sinh tồn….
  2. b) Ngược lại, khi hỏi các ông bà chủ giàu có bị bất hạnh trong cuộc sống có sẵn sàng hoán đổi vị trí với các người osin không, thì 100% những người này cũng nói không, dù họ vừa công nhận người giúp việc được “hạnh phúc” hơn họ nhiều.
  3. c) Tuy nhiên, thứ hạnh phúc do đồng tiền mang lại cũng chỉ có giới hạn mà thôi, như có người đã nói: “Tiền bạc có thể mua được chiếc giường, nhưng không mua được giấc ngủ; có thể mua sách vở nhưng không mua được trí tuệ; có thế mua thức ăn nhưng không mua được sự ngon miệng; có thể mua được nữ trang nhưng không mua được sắc đẹp; có thể mua căn nhà nhưng không mua được mái ấm gia đình; có thể mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe; có thể mua sự lộng lẫy sang trọng nhưng không mua được hạnh phúc và bình an; có thể mua cây thập giá nhưng không mua được Ðấng Cứu Chuộc; có thể mua của lễ nhưng không mua được thiên đàng.” Vậy làm thế nào để có được hạnh phúc thực sự đời này và đời sau?

2) PHƯƠNG THẾ ĐỂ ĐẠT HẠNH PHÚC: TÁM MỐI PHÚC THẬT:

Đây là các điều kiện mà ai muốn được hạnh phúc thực sự đời này và đời sau phải có:

+ Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó: Đó là những người nghèo của cải vật chất, nghèo địa vị chức quyền, ý thức thân phận tội lỗi bất lực của mình… Nhờ đó họ sẽ khiêm tốn xin Chúa ban ơn trợ giúp, sẽ phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng, sẽ cư xử khiêm hạ và trở thành người phục vụ rửa chân cho tha nhân noi gương Đức Giê-su.

+ Phúc thay ai hiền lành: Người hiền lành là người có lòng nhân từ đối với tha nhân, không lấy oán báo oán, biết nhẫn nhịn chịu đựng và sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của kẻ khác.

+ Phúc thay ai sầu khổ: Khi bị đau khổ, người này biết nhìn lên Chúa Giê-su chịu treo trên thập giá để thấy được giá trị thanh luyện của đau khổ, sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ về tinh thần và thể xác để đền tội mình và đền tội tha nhân.

+ Phúc thay ai khao khát nên người công chính: là con người hướng thượng, muốn nên hoàn thiện giống như Chúa Cha trên Trời như Đức Giê-su dạy: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

+ Phúc thay ai xót thương người: Đây là người biết mở rộng lòng để chia sẻ, cảm thông nỗi đau của người khác: “Vui với người vui, khóc với người khóc”. Sẵn sàng quảng đại cho đi những gì mình có cho người khác cùng hưởng. Họ sẽ được Chúa đền đáp như lời Chúa Giê-su: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì sẽ được Thiên Chúa đong trả lại bằng chính cái đấu ấy”.

+ Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Người có tâm hồn trong sạch là người ngay thẳng, thật thà, không giả dối, nhưng luôn làm mọi việc cách trong sáng. Chính nhờ giữ đức trong sạch nơi thân xác và sự trong sáng nơi tâm hồn, mà người ấy sẽ được nhìn xem Thiên Chúa trong Nước Trời đời sau.

+ Phúc thay ai xây dựng hòa bình: Xây dựng hòa bình là người đi đến đâu cũng gieo sự an vui hòa thuận đến đó. Nhờ họ mà gia đình, xã hội và thế giới luôn được an bình. Họ giải tỏa những điều hiểu lầm, tháo gỡ những bất hòa tranh chấp, luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương và chan chứa tình người. Nhờ đó, họ xứng đáng mang danh là con Thiên Chúa.

+ Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Khi chấp nhận sự sỉ nhục và đau khổ vì đức tin, chúng ta sẽ được nên giống Chúa Giê-su. Vì những ai cùng chịu khổ nạn với Chúa Giê-su, thì sẽ được tham phần vào sự phục sinh vinh quang với Người.

3) PHẢI SỐNG TÁM MỐI PHÚC THẬT THẾ NÀO ? :

– Tất cả Tám Mối Phúc đều có hai vế song đối nhau: Vế thứ nhất là nhân, đối với vế thứ hai là quả; Vế thứ nhất là gieo, đối với vế thứ hai là gặt; Vế thứ nhất là “mình vì mọi người”, đối với vế thứ hai là “người khác vì mình”; Vế thứ nhất là đau khổ, đối với vế thứ hai là hạnh phúc.

– Các câu trong vế thứ nhất phải hiểu ngầm là vì Chúa và vì tha nhân như: sống nghèo vì tha nhân, cư xử hiền lành và chịu bách hại “vì lẽ công chính” hay vì người khác… Nếu không nhằm vì Nước Thiên Chúa và vì hạnh phúc của tha nhân, thì các sự nghèo khó, hiền lành, đau khổ, chịu bách hại gặp phải… sẽ chỉ là nỗi bất hạnh chúng ta đáng phải chịu, chứ không phải là nguyên nhân mang lại hạnh phúc cho chúng ta.

Sống nghèo để tiết kiệm mua nhà thì chỉ là hành động bình thường của con người. Sống nghèo do thói xấu hà tiện do mê tiền nên không dám chi xài ngay cả trong những việc chính đáng thì không phải nhân đức khó nghèo. Còn tâm hồn nghèo khó trong Tám Mối Phúc là tự nguyện sống nghèo để nhường cơm xẻ áo cho người nghèo khổ, là chấp nhận bỏ mình để giúp tha nhân… thì cái nghèo đó mới được Chúa chúc phúc như lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

4) CỤ THỂ CHÚNG TA PHẢI SỐNG KHÓ NGHÈO RA SAO?

– Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta có tâm hồn nghèo khó, nghĩa là chấp nhận bản thân mình bị thiệt thòi, chấp nhận mất thêm thời giờ, sức lực, tiền bạc để giúp đỡ tha nhân được sống đầy đủ hạnh phúc hơn. Một người có tinh thần phục vụ, dám hy sinh cho người khác, chắc chắn sẽ được người khác đáp lại bằng sự kính trọng, yêu mến, tín nhiệm trao giữ các trọng trách xã hội. Bấy giờ tâm hồn họ sẽ được bình an, vui tươi và luôn có Chúa là hạnh phúc của mình.

– Kinh nghiệm cho thấy, những kẻ ích kỷ chỉ nghỉ tới mình mà không biết nghĩ đến người khác chính là những kẻ bất hạnh nhất. Còn những người vị tha, biết nghĩ đến người khác mà không nghĩ đến mình, thì sẽ được hạnh phúc trong tâm hồn, được đẹp lòng Chúa và vừa lòng người chung quanh.

– Mỗi người chúng ta cần tập thành thói quen sống vị tha: vì Chúa, vì người khác, nghĩa là luôn tìm mọi cách để giúp tha nhân được hạnh phúc. Sống như thế không những chính mình sẽ được hạnh phúc hôm nay mà còn được hưởng hạnh phúc với Chúa trên Nước Trời đời sau.

  1. THẢO LUẬN:

1) Khi gặp một sự rủi ro trái ý, một thất bại ê chề, một điều không vui do người khác gây ra, bạn thường phản ứng thế nào? 2) Để có được hạnh phúc thật của Chúa, bạn nên làm gì để biến rủi ro thành may lành, biến đau khổ thành niềm vui trong Chúa

  1. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Người Mã Lai đã có câu châm ngôn so sánh các bậc vĩ nhân với những kẻ tiểu nhân như sau: “Cây lúa nào càng nặng trĩu hạt thì càng rạp sâu xuống sát mặt đất. Ngược lại: cây lúa nào càng nghểnh đầu lên cao thì lại càng có ít hạt”. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống khiêm hạ và nghèo khó. Cho chúng con biết “Nói ít làm nhiều”, luôn từ tốn, khiêm nhu và hòa nhã với mọi người. Nhờ đó, chúng con sẽ nên giống Chúa hơn, sẽ có Nước Trời làm phần gia nghiệp đời này và đời sau.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH –  HHTM