Linh Đạo Cho Giáo Dân Ngày Nay: Phần Hai: Gia Ðình

print

Linh Đạo Cho Giáo Dân Ngày Nay

Spirituality Today

Rev. Jess S. Brena, SJ, Taiwan

PHẦN HAI: GIA ÐÌNH

Gia Ðình, Mảnh Ðất Màu Mỡ của Linh Ðạo Giáo Dân. 1

  1. Giờ đây Các Bạn là Vợ Chồng. 1
  2. Giáo Hội Gia Ðình Giáo Hội Tại Gia. 7
  3. Hôn Nhân có phải là sự lựa chọn tốt thứ hai không?. 10
  4. Qua Hôn Nhân tôi hiểu đượcTình Yêu Thiên Chúa. 12
  5. Linh Ðạo cho các Bà Mẹ. 15
  6. Con Chúng Tôi Ðã Dạy Chúng Tôi Cầu Nguyện. 19
  7. Tôi Cần Bạn Bè – Lời Thú Nhận của Một Người Chồng. 21
  8. Ơn Gọi Ít Ai Chọn. 24
  9. Lời Tự Thú của một Người Chồng. 28
  10. Ba Má Tôi Cãi Nhau Hằng Ngày. 30
  11. Con Tôi Bị Bệnh Tâm Thần. 34
  12. Một Kinh Nghiệm Yêu Thương. 35
  13. Xung Ðột trong lòng một Bà Mẹ Ching O Yun (Ðài Loan) 37
  14. Con Cái Bạn Như Những Chồi Non Của Khóm Ô Liu (Tv 128,3) 38
  15. Thiên Chúa Ở Giữa Bọn Trẻ Vô Danh (Tây Ban Nha) 39

 

Gia Ðình, Mảnh Ðất Màu Mỡ của Linh Ðạo Giáo Dân

Thật khó mà hình dung một Linh Ðạo Giáo Dân nào đó ở ngoài gia đình. Vì chính tại đây, đại đa số giáo dân đã được sinh ra để làm người và làm Kitô hữu. Ðây là môi trường chủ yếu mà Linh Ðạo của họ phải được nuôi dưỡng, nếu muốn được là Linh Ðạo đích thực. Ðó là lý do tại sao phần này được xếp trước nhất và được dành nhiều trang nhất trong trong các bài viết về Linh Ðạo cho giáo dân. Những kinh nghiệm sống Ðức Tin trong và xung quanh các mối quan hệ gia đình thật là phong phú và đáng được  quan tâm.

“… Cuộc sống vẫn trôi qua ở Trung Tâm Khảo Cứu của chúng tôi tại Kyoto. Nhưng vợ con tôi đã trở về Philippines, lũ trẻ phải đi học lại, và một lần nữa, tôi lại phải sống cuộc sống của một “thầy tu”: Thật hiu quạnh và buồn tẻ. Tôi có nhiều thời giờ hơn để suy niệm và cầu nguyện, nhưng tôi cũng chợt nhận ra rằng cuộc sống với gia đình – với tất cả những bực bội và đè nén nho nhỏ của nó – có thể đem lại cho ta nhiều cơ hội hơn để yêu thương, bỏ mình, thông cảm và chia sẻ, và do đó, để giúp ta nên thánh hơn khi sống một mình, cho dẫu có sống một mình thì có nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện và suy niệm. Khía cạnh này của Linh Ðạo giáo dân chỉ được tôi nhận thức mới đây thôi, sau khi vợ con tôi đã trở về quê nhà”…

(Giáo Sư Marcelino Fronda)

1.       Giờ đây Các Bạn là Vợ Chồng

Giáo Sư Rosalind Cherian (Ấn Ðộ)

“Tình yêu hôn nhân, đó là một thí nộp trọn vẹn con người mình cho người kia và đón nhận trọn vẹn con người của họ”.

Hồi tôi còn là một sinh viên 18 tuổi đang ngồi ghế đại học, trong một khóa tĩnh tâm nọ, tôi được nghe giảng về việc lựa chọn ơn gọi. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chỉ có ơn gọi đi tu mới là ơn gọi. Tôi nhớ lại khi lên chín tuổi, tôi đã xác tín ơn gọi là “tiếng Chúa mời gọi mỗi người bước vào một lối sống nào đó để thực hiện thánh ý của Người”. Vì thế, khi nghe người giảng nói về ơn gọi, tôi nghĩ rằng đã đến lúc mình phải nghiêm túc quyết định. Tôi chẳng có thiên đặc biệt về bên nào nên tôi thưa với Chúa Giêsu: “Xin hãy nhìn đến nữ tì Ngài, hãy thực hiện thánh ý Ngài nơi con”. Tôi không  nghĩ đó là một sự trao hiến bản thân quyết liệt. Tôi chỉ ủy thác cho Chúa Giêsu cái quyền quyết định ơn gọi của tôi thôi. Ðơn giản vậy thôi. Tôi là con gái của một gia đình Kitô giáo thủ cựu ở Kerala, một xứ sở mà cho đến hôm nay – việc hôn nhân của con cái vẫn còn do cha mẹ sắp xếp. Thế rồi sau kỳ tĩnh tâm đó, tôi trở về nhà và được má tôi cho biết có một chàng trai đã đến hỏi cưới tôi. Người ấy chính là chồng tôi hiện nay.

Tôi thành thật nhận thấy rằng việc Chúa chọn người đàn ông này, từ một nơi cách  xa hàng trăm dặm, đã ký thác tôi cho sự săn sóc và yêu thương của anh ta, – là bằng chứng tình yêu của Người. Tôi đã trở thành như hôm nay, vì anh ấy. Ở một xứ sở như xứ sở Karela của tôi (xứ sở của đàn ông thống trị) tôi là một bằng chứng sống động, rằng một người đàn bà vẫn có thể làm được một cái gì đó nếu chị được chồng nâng đỡ và cộng tác.

Hai mươi tám năm sống vợ chồng: Có biết bao điều phải điều hợp với nhau. Tôi vốn là người sống ở thị thành nhộn nhịp. Là con gái út, là cục cưng của gia đình và tôi đã lớn lên không hiểu biết gì về cuộc sống và những vấn đề của cuộc sống. Tất cả thời giờ của tôi được dùng để đeo đuổi nghệ thuật, thể thao và những tiêu khiển khác. Còn gia đình của anh ấy là một gia đình nông dân. Là con trai trưởng, anh ấy gánh vác trách nhiệm về cả gia đình, về cha mẹ già và về đàn em nhỏ trong một ngôi nhà rộng lớn nằm giữa một khu đất gần ba mẫu tây: Ðề tài duy nhất để nói chuyện là nông nghiệp! Tôi quyết tâm đón nhận cuộc sống ấy với cả lòng mình, nhưng anh ấy cảm thấy được nỗi cô độc bên trong của tôi, thật tôi chẳng khác nào một chú cá bị lấy ra khỏi nước. Anh đã thuận cho tôi theo các khóa nghiên cứu sinh, nhờ đó tôi đã trở thành một giảng viên đại học. Rồi anh đã hỗ trợ để tôi được bầu vào chức vụ cố vấn chính quyền địa phương. Anh có đủ quảng đại và tự tin để không ái ngại trước sự tiến thân của vợ mình. Chúng tôi vẫn

sống với ba má anh và mẹ chồng già nua của tôi đã ủng hộ tôi nhiều hơn hết để tôi trở thành người rao giảng Tin Mừng.

Tôi không dám nói rằng đời sống hôn nhân luôn luôn là một thảm hoa hồng. Cũng  có những thăng trầm, những lúc tôi thấy như anh ấy không thông cảm đủ. Và hẳn cũng có những lúc anh cũng cảm thấy như vậy. Nhưng vì cả hai chúng tôi đều đang mang nặng những trách nhiệm gia đình nên chẳng mấy khi có thời giờ để mà than thân trách phận. Chính trong thời gian ấy, tôi đã cho ra đời hai cậu con trai.

Nhìn lại tôi thấy quãng đời ấy chẳng có ý nghĩa gì mấy. Cuộc sống là một cái gì lặp đi lặp lại. Hôn nhân là gì? Vai trò một người vợ là gì? Ðó là những chuyện tôi không biết và cũng không bận tâm lắm. Trong những ngày tháng đó, Ðức Giêsu thật mơ hồ.  Những khó khăn ấy đã bắt đầu từ đâu? Tôi không rõ. Chỉ biết rằng khi tôi nhận ra tính chất nghiêm trọng của tình huống, thì tình huống đã nghiêm trọng thật sự rồi. Sự tự ái đã đẩy tôi vào cơn khủng hoảng nầy. Tâm hồn tôi bị dằn vặt vô cùng. Tuy nhiên, nếu nhìn bên ngoài thì cuộc sống vợ chồng của chúng tôi cơ hồ như không có sự cố gì. Ðó chỉ là vấn đề nội tâm của cá nhân. Trong khi chán chường như thế, tôi đã quay lại với Chúa Giêsu. Và một lần nữa, tôi đoan hứa với Ngài: “Xin hãy nhìn đến nữ tì của Chúa, hãy thực hiện Thánh ý Ngài nơi con”. Tuy nhiên lần này là một sự ký thác toàn tâm và dứt khoát. Giêsu đã trở thành một thực tại sống động trong đời tôi.

Tôi bắt đầu yêu quyển Thánh Kinh. Nó trở nên người bạn đường của tôi. Tôi không học thuộc lòng các câu Thánh Kinh, nhưng cố tìm ra sứ điệp cốt lõi hàm chứa trong đó. Những khuôn mặt như Abraham, Môsê, Ðavít, Gióp, Tobia, các ngôn sứ, cuối cùng là Ðức Giêsu – đã mở ra cho tôi thấy thế nào là ký thác hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa. Theo Ðức Giêsu có nghĩa là theo Ngài vào vùng phiêu lưu và tăm tối, là tín nhiệm Người hoàn toàn.

Tôi bắt đầu nhận ra ý nghĩa đời mình trong ánh sáng của cảm nghiệm mới mẻ nầy. Nhìn lại tôi thấy có sự dẫn dắt của Chúa quan phòng trong hết mọi giây phút của đời tôi. Cả những khi tôi đã bị lầm lạc hoặc đã nhượng bộ cho những lôi kéo của lòng tự mãn. Người vẫn đuổi bén gót tôi để hướng dẫn, bảo vệ và nhẫn nại đợi chờ tôi. Quá trình  tìm

kiếm nơi tâm đó đã đưa tôi tới chỗ nhận ra rằng mình đã trở thành một người vợ và một người mẹ bởi đó là Thánh ý của Ngài.

Hôn nhân Kitô giáo là gì? Tôi bắt đầu tự hỏi mình điều đó. Tất nhiên tôi nhận thấy rằng về vấn đề nầy, giáo huấn của Giáo Hội vẫn còn thiếu sót lắm. Một khi vấn đề này được cứu xét do các linh mục và tu sĩ, thì nó dễ nặng tính lý thuyết và thiếu đi sự xác thực.

Thế rồi với Chúa Giêsu làm nhà hướng đạo, tôi bắt đầu tiến sâu vào Thánh Kinh để khám phá sự thật. Thật tôi không bõ công: Từ sách Sáng Thế cho đến Thư các Tông Ðồ, tôi khám phá ra cả một quan niệm về hôn nhân thật tuyệt vời: “Ngài đã sáng tạo  nên người nam và người nữ và đã mời gọi họ làm Người”. Câu đó, hơn bất cứ cái gì khác, đã giúp tôi hiểu được vai trò của người phụ nữ. Sáng tạo Adam và Eva theo hình ảnh Thiên Chúa (hình ảnh của tình yêu hoàn hảo nơi Chúa Ba Ngôi) đã đặt nền tảng cho hôn nhân. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ và kết hợp với vợ mình, và cả hai trở thành một xác thịt.

Tôi cho đây là định nghĩa hoàn hảo nhất về hôn nhân, bởi vì nó chứng minh rõ ràng được cái bản chất cốt yếu của tình yêu vợ chồng. Nó là một khế ước tự bản chất, và sở dĩ sự ràng buộc vợ chồng không thể tháo gỡ được là vì sự trao nộp trọn vẹn con người mình cho người kia và đón nhận trọn vẹn con người kia. Ðể diễn tả tình yêu hôn nhận ấy, Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh kết hiệp giữa Ðức Giêsu và Giáo Hội. Trong hôn nhân, chúng ta tìm được hình ảnh về công trình Cứu Chuộc của Ðức Giêsu. Như Ðức Giêsu đã từ Chúa Cha mà đến và hiến thân trên thập giá cho nhân loại, cũng thế trong hôn nhân, người ta lìa bỏ cha mẹ để hiến thân cho bạn mình. Dưới ngòi bút của soạn giả Tin Mừng, mối quan hệ độc đáo giữa Maria và Giuse là hình ảnh của một mối quan hệ đã chín muồi sự cảm thông và đón nhận nhau.

Khi tôi nhận thức rõ hơn về Ðức Giêsu và khi tình yêu Người bắt đầu bao trùm cuộc sống tôi, trong mối quan hệ của tôi với chồng đã có một sự thay đổi rất lớn. Có thể nói rằng tôi như bắt đầu trở lại cuộc tình với anh ấy, sau mười lăm năm sống đời vợ chồng: Ðó là kết quả vượt ngoài mọi mong mỏi và khao khát thầm kín của tôi.

Ðiều tôi khám phá được đó là Tình Yêu đối với Ðức Giêsu đã biến đổi tôi thành một con người tốt hơn, có khả năng yêu thương nhiều hơn. Ðến đây, tôi sẽ phân giải ý nghĩa câu Thánh Kinh “Họ trở thành một xác thịt”. Ðó là một sự kết hợp của hai ngã vị vượt thời gian và không gian. Cách nhau trăm dặm có thể phân cách chúng tôi về những phương diện thể lý nhưng không thể tách rời chúng tôi được. Tôi có ở đâu, anh ấy cũng tác động được đến tư tưởng, lời nói, hành động của tôi. Vì tôi hiểu tâm tư của anh. Sự “nên một” này khó mà có được một sáng một chiều.

Ðó là một quá trình lớn lên, một quá trình trong đó có người nầy tưởng là đã biết trọn vẹn về người kia, nhưng mỗi ngày vẫn khám phá thêm một khía cạnh mới mẻ xưa nay  bị che dấu. Nhờ có tình yêu hôn nhân có được màu sắc phong phú và đa dạng. Tôi cho rằng ngay cả sự chết cũng không thể phá hủy tình trạng “nên một” nầy. Sự chết có thể đem một người đi, nhưng người ấy vẫn có thể tồn tại nơi kẻ còn ở lại và nơi con cái.

Tôi luôn có cảm tưởng rằng Giáo Hội chưa nhìn nhận đúng mức hôn nhân và gia đình. Gia đình là khuôn đúc ra thế hệ mới. Khoa tâm lý cho ta biết rằng sự đúc nắn nầy xẩy ra ngay từ những năm đầu tiên của đứa trẻ. Nếu đứa trẻ cần phải nhận được các giá trị của Ðức Giêsu trong những năm sớm sủa ấy thì người ta không thể làm điều nầy bằng cách giảng Thánh Kinh cho nó được. Ðứa trẻ thu nhận được các giá trị Kitô giáo bằng cách bắt chước. Vì thế, quyển Thánh Kinh sống động mà đứa trẻ hằng ngày trong gia đình đọc chính là cách sống của cha mẹ. Họ phải trở nên “Lời nhập thể”. Và đây  thật là một trách nhiệm vĩ đại. Sự dồn ép nầy vẫn còn đang gây nhiều phụ nữ lớn tuổi cho rằng họ không thể gần Thiên Chúa được vì những sinh hoạt tình dục – những sinh hoạt mà họ nói đến như một cái gì ô uế.

Tôi xem việc kết hợp tính dục là một trong những quà tặng lớn lao nhất của Thiên Chúa. Như tôi vốn tự hào về những khả năng tinh thần và thể lý khác của tôi, tôi cũng rất tự hào về dục tính của mình. Khi Thiên Chúa quyết định để cho người đàn ông và người đàn bà tham dự vào tiến trình sáng tạo của Người, Người đã ban cho họ khả  năng tính dục. Trong hôn nhân, tính dục không chỉ hướng đến mục đích truyền sinh. Tính dục là một trong những dãy liên hệ quan trọng nhất tạo ra kinh nghiệm hiệp nhất (nên một). Không được phân tích thuần túy về sinh lý, vì sinh lý chỉ là một mầu nhiệm thiêng liêng. Các kinh nghiệm có thể rất khác nhau nơi mỗi cuộc hôn nhân. Ðó là một kinh nghiệm rất riêng tư và không thể được khái quát hóa. Ðó không phải chỉ là sự kết hợp của hai thân xác, nhưng còn là sự kết hợp giữa hai ngã vị. Nó là sự biểu hiện cao nhất của tình yêu bởi vì nó tượng trưng cho sự trao hiến bản thân. Nó có thể xua tan đi những ám ảnh của ưu phiền và lo lắng, có thể làm tươi mát mối quan hệ đã trở nên sáo mòn. Sau một cuộc xích mích, nó có thể giúp cho hai bên được quan hệ thân mật hơn trước.

Tất cả những cảm nghiệm tính dục vừa kể trên chỉ có được khi hai người thừa nhận và tôn trọng sự bình đẳng về phẩm giá của nhau. Tiếc là trong nhiều cuộc hôn nhân, người đàn bà đã trở thành một thứ đồ dùng. Thậm chí có những trường hợp quan hệ tính dục gần như trở thành một sự cưỡng hiếp được hợp pháp hóa. Quan hệ tính dục của người đàn ông và của người đàn bà không giống nhau. Có những lúc đối với người đàn ông, tính dục có thể chỉ là một chức năng thể xác. Anh ta có thể tìm được sự thỏa mãn nơi tấm thân người đàn bà mà không cần phải bận tâm gì về con người của người đàn bà ấy. Nhưng đối với phụ nữ thì sự thỏa mãn tính dục là kết quả của một kinh nghiệm toàn diện về con người. Người phụ nữ chỉ tìm thấy sự thỏa mãn đó nơi con người mà chị có thể chấp nhận được trong tâm hồn. Sự khao khát tính dục dao động theo chu kỳ kinh nguyệt của chị. Chị cảm thấy hưng phấn chậm hơn và cần nhiều thời gian hơn để đạt đến tột đỉnh. Sự tương hợp trong tính dục có thể đóng một vai trò rất quan trọng giúp các hôn nhân tồn tại được qua bao thăng trầm của cuộc sống hằng ngày.

Cũng như tình yêu trong hôn nhân, tính dục trong hôn nhân có thể là một thực tại luôn thăng hoa mãi. Kinh nghiệm cao sâu nhất của tính dục là khám phá ra con người kia, nên kinh nghiệm ấy cứ tiếp tục tươi mát và mới mẻ mãi bao lâu ta còn dấn sâu và sâu hơn vào trong mối quan hệ của mình.

Thân xác con người là một bộ máy tế nhị. Nó vẫn sinh ra được những cảm kích mới lạ ngay cả sau nhiều năm vợ chồng sống kinh nghiệm tính dục với nhau. Hôn nhân có thể là một cuộc trăng mật dài suốt cuộc đời, và cứ thêm mỗi kinh nghiệm mới mẻ, người ta lại nhận được thỏa mãn nhiều hơn.

Sự trưởng thành của tôi trong đời sống đạo, đã đưa tôi tiến xa vào trong sự sung mãn của Chúa Cha vì giúp tôi trở nên (người) hơn. Ðức Giêsu đã ban cho tôi một trực giác giúp tôi hiểu người khác hơn. Trực giác ấy và sự trưởng thành nhân cách xuất phát từ đó được thấy nhiều nhất nơi quan hệ hôn nhân của tôi. Ðầu tiên chúng tôi là hai đứa trẻ ngây ngô chẳng hiểu gì về cuộc sống. Bây giờ chúng tôi đã là hai người lớn, đã chững chạc trong tình yêu của Thiên Chúa. Anh ấy cho phép tôi tham gia vào mọi lãnh vực của mình. Anh là một chủ vườn cao su và mỗi khi phải giải quyết các vấn đề nhân công, chúng tôi lại thảo luận với nhau. Khi tôi được mời tham dự các hội nghị chuyên đề giáo dục, anh cũng rất tích cực quan tâm. Chỗ dựa vững chắc nầy của đời tôi đã giúp  tôi có được sự quân bình trong tất cả các hoạt động xã hội của mình. Anh ấy hoàn toàn tin tưởng tôi và tôi cho đó là sức mạnh chủ yếu nhất của mình.

Khi chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ của mình trên Ðá Tảng của mọi thời đại, chúng tôi cảm nếm được một niềm an bình sâu thẳm chưa từng thấy trong kinh nghiệm của con người. Tôi không có ý nói rằng mọi sự đã trở thành êm xuôi tất cả. Trái lại cuộc sống vẫn còn đầy những bất ổn và sóng gió. Có điều không có sóng gió nào có thể tàn phá được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Giêsu là Chúa chúng tôi và chúng tôi chiến đấu trong trận chiến của Người chống lại quyền lực của sự dữ. Chúng tôi dạy dỗ đám con mà Người đã trao cho chúng tôi săn sóc để giúp chúng tìm ra và chu toàn Thánh ý Người.

Gia đình nào có Ðức Giêsu làm chủ, gia đình ấy là một thiên đàng dưới đất; xây dựng thiên đàng nầy là tiếng gọi là Tạo Hóa luôn mời gọi chúng ta.

2.       Giáo Hội Gia Ðình Giáo Hội Tại Gia

José và Immaculada (Tây Ban Nha)

“Khi José và tôi quyết định chia sẻ cuộc đời với nhau, cả hai chúng tôi đã dứt khoát nhận Ðức Kitô làm người chứng cho sự cam kết của mình và làm mối dây ràng buộc

chúng tôi”.

Cái nhìn của tôi về Giáo Hội cách đây 10 năm thật mơ hồ và lộn xộn. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình Kitô giáo: Phải, nhưng với một mớ nghi thức rỗng tuếch cùng với cái ý tưởng về một thiên đàng không-thể-nào-đạt-tới-được. Ðối với tôi, “Giáo hội” là một tòa nhà đồ sộ mà mỗi Chúa Nhật chúng tôi tập trung lại để xem lễ: “đó” là nơi mà người ta làm thủ tục cuới nhau, còn các linh mục thì cử hành những nghi thức rất rắc  rối. Mới đây, trong một cuộc tĩnh tâm cuối tuần, tôi được nghe một bài nói chuyện về “những cặp vợ chồng Tông Ðồ” và về “Giáo Hội của người giáo dân”. Chỉ khi đó tôi mới hiểu và nhận thức được rằng có một Giáo Hội khác nữa mà tôi đã không chú ý tới đủ: Giáo Hội “tại gia” hay Giáo Hội “gia đình”.

Bây giờ tôi cảm thấy chính mình là giáo hội – trong mọi mặt của đời sống gia đình với con cái mình: đó là khi tôi đặt mình được vào trong trình độ của chúng để thông cảm với chúng nhiều hơn và để chia sẻ những buồn phiền lo lắng của chúng, dù đó là những buồn lo vụn vặt thế nào mặc lòng. Khi tôi trao cho các con tôi tình yêu thương và sự âu yếm mà chúng cần có, tôi thấy mình là Giáo Hội. Dĩ nhiên, tôi cũng nhận được từ nơi chúng rất nhiều yêu thương và trìu mến tương tự. Tôi là Giáo Hội khi tôi tranh đấu  chống lại xu hướng riêng của mình là ưa xử sự như một bà chủ chuyên ban bố các mệnh lệnh và đòi hỏi sự tùng phục. Cũng vậy, khi tôi cần mẫn làm việc để cho chúng có một đời sống kinh tế xã hội và Tin Mừng tốt hơn, tôi thấy mình như là một Giáo Hội sống động tại gia.

Trong Giáo Hội “tại gia” nầy, tình yêu Thiên Chúa giữ một chỗ rất quan trọng. Tình yêu ấy mặc lấy xác thịt và hiện diện nơi mỗi người chúng tôi. Qua Macu – vợ tôi – và qua hai con trai chúng tôi, tôi cảm thấy thật dễ dàng cảm nghiệm điều đó. Tôi yêu mến và nói chuyện với Thiên Chúa một cách dễ dàng qua họ. Trong kinh nghiệm của mình, chúng tôi kể cho Người nghe những niềm vui cũng như những nỗi băn khoăn của mình. Người là nền tảng vững chắc của Giáo Hội “tại gia” nầy. Chúng tôi chạy đến với người để xin ơn kiến vững mỗi khi có những thử thách phải vượt qua.

Khi tôi đón nhận và yêu thương Macu – vợ tôi – đúng với sự thật của nàng, khi tôi cố gắng giúp đỡ nàng, khi tôi phát hiện ra rằng nàng là phản ảnh của hình ảnh Thiên Chúa, tôi cảm thấy mình là “Giáo Hội”.

Khi có người nghèo gõ cửa nhà tôi để xin ăn và tôi san sẻ của ăn cho họ, tôi lại xác tín mình đang là “Giáo Hội”. Khi tôi cố gắng giúp cho những người xung quanh được dễ chịu và hạnh phúc hơn đôi chút, tôi lại thấy mình là Giáo Hội của Ðức Kitô Phục Sinh.

Trong tư cách làm vợ, tôi đã có cảm thức mới thế nào là Giáo Hội. trước đây, tôi thấy Giáo Hội chỉ như một tổ chức hoặc một cơ chế trong đó có những điều răn được lập ra sẵn mà tôi phải tuân giữ, có những lễ mà tôi phải tham dự mỗi ngày Chúa Nhật; rồi tôi phải rước lễ trong mùa Phục Sinh, phải tham dự các tuần cửu nhật, phải đọc kinh trước bửa ăn…

Bây giờ tôi thấy Giáo Hội gần gũi hơn với cuộc sống của mình và tôi xác tính mình đang góp phần tích cực trong Giáo Hội.

Tôi không xem Giáo Hội chỉ là Hàng Giáo Phẩm. Tôi cũng không còn xem đó là một cơ chế cậy quyền và nhạt nhẽo nữa, đối với tôi. Giáo Hội đã trở thành một người bảo vệ và một cộng đoàn đang tự-thể-hiện-chính-mình. Có thể nói rằng khi tôi cảm nhận chúng tôi là Giáo Hội thì tôi cũng ý thức sâu sắc thế nào là được giải phóng và tự do: cùng với José và các con, tôi cảm thấy cần phải nỗ lực hơn nữa để chia sẻ cho những người chung quanh điều mình đã khám phá được: Chúng tôi là Giáo Hội của Ðức Kitô.

Tôi cũng là Giáo Hội khi gạt bỏ tự ái mà quyết định đối thoại sau khi cãi lộn gay gắt. Khi tôi quyết định yêu thật chứ không sống trong mộng mị, khi tôi chấm dứt cãi kiểu ừ  hử qua loa và thật sự lắng nghe vợ mình, tôi thấy mình là “Giáo Hội”.

Chúng tôi cảm nghiệm Giáo Hội khi giáo dục con cái, khi trở thành bạn của chúng tôi để chơi đùa với chúng tôi, chấp nhận chúng và thông cảm chúng nhiều hơn.

Chúng tôi là Giáo Hội khi chúng tôi luôn cởi mở với bất cứ ai cần đến chúng tôi và chúng tôi đặt mình phục vụ họ, và khi chúng tôi đón nhận tình thương và sự giúp đỡ của người khác. Chúng tôi là Giáo Hội “tại gia” khi chúng tôi cầu nguyện với nhau và tha thứ cho nhau. Thật không dễ dàng. Vì tất cả những điều vừa nói trên, Chúng tôi phải chiến đấu để vượt qua những yếu đuối của mình hầu xây dựng một giáo hội tại gia đích thực, thậm chí có khi gặp thất bại và sơ suất.

Macu kết luận: Với sức mạnh chỉ có được nhờ cầu nguyện và nhờ chấp nhận chính mình, chấp nhận những giới hạn và yếu đuối của mình, tôi đang xây dựng một Giáo Hội sao cho trở thành hình ảnh trung thực của Ðức Kitô. Khi tôi sửa soạn bữa ăn cho José với tất cả tình yêu – trong lúc anh trở về nhà bực mình với công việc của anh, tôi cảm thấy tôi là giáo hội cho anh, bởi vì Giáo Hội chính là biểu tượng và là lời nhắc nhở dây hôn nhân của chúng tôi, chính trong Giáo Hội đó, chúng tôi đã thề hứa giúp nhau hạnh phúc. Khi tôi tin cậy José, khi tôi trao hiến thân mình cho anh, khi tôi chia sẻ những buồn lo, những thất vọng, những thất bại và sự im lặng của anh… tôi cảm thấy chính mình là Giáo Hội.

3.       Hôn Nhân có phải là sự lựa chọn tốt thứ hai không?

John và Patricia Brewster (Hoa Kỳ)

“Không một khía cạnh nào trong đời sống hôn nhân của chúng ta lại không nằm trong tiếng gọi của Ðức Giêsu mời gọi chúng ta sống yêu thương nhau”.

Cách đây ít lâu, chúng tôi có dịp qua một buổi tối với một số thân hữu, trong đó có  cả Richard – một linh mục chuyên giúp tĩnh tâm. Ngài cũng là một kịch sĩ và là một nhà hài hước có tài, đến độ cho Ngài một vai nào, Ngài cũng có thể tự trình diễn ngay một màn thoại.

Tối hôm ấy, Richard có vẻ rộn rã khác thường: Ðột nhiên, Ngài vào vai một vị hướng dẫn tĩnh tâm hơi khó tính đang tiếp một đôi vợ chồng mới đến tu viện để xin tĩnh tâm. Chúng tôi còn nhớ một trong những câu thoại thật quái dị mà Ngài đã nói trong vai      đó: “Giáo dân có gia đình như các bạn mà tìm đến chỗ chúng tôi để học hỏi và thực hành tu đức thì thật là đáng làm gương”. Khi Ngài diễn xong màn thoại đó, chúng tôi đã cười đến chảy nước mắt. Một cách nào đó Ngài đã lột tả được rõ ràng những điều mà  tất cả chúng ta đều đã nghe hay thậm chí đã nghĩ từ lâu nay rằng hôn nhân là sự lựa chọn thứ hai mà đa số phải chấp nhận để… theo cách hôn nhân chỉ là một ơn gọi thấp hơn.

Không cần biết rằng “cao”, “thấp” nào phải là hạn từ của Nước Trời, nhiều đôi vợ chồng vẫn ung dung chấp nhận cách nghĩ ấy, Rất tiếc cách nghĩ ấy lại được củng cố bằng nhiều cách.

Nhiều sách hạnh các Thánh quen thuộc mà chúng ta đọc thời trẻ đã nhắc đi nhắc lại những câu chuyện đại lược rằng có một người đã có vợ hoặc chồng, nhưng rồi sau một kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa nào đó, đã bỏ đi một mình vào tu viện. Vô hình chung, những mẫu chuyện như thế đã tuyên truyền rằng hôn nhân là một trở ngại đúng hơn là một con đường để nên thánh. Dường như muốn làm cho cuộc sống của mình trở nên thánh thiện hơn, tốt nhất là hãy thi hành trong đời sống hằng ngày của mình những việc đạo và những việc tôn sùng của các dòng tu.

Những giòng này được viết trùng vào ngày lễ kính Thánh Hét-vi-ga (Hedwig) nữ tu, theo lịch phụng vụ. Có mấy người nhớ rằng vị thánh này vốn là một phụ nữ đã có  chồng, là mẹ của bảy người con, suốt đời gắn bó với việc phục vụ người nghèo. Người ta chỉ chú ý đến quãng đời sau này của Ngài trong một cộng đoàn tu viện, khi chồng Ngài đã qua đời. Y như thể đối với Thánh Hétviga “ơn gọi” và linh đạo chỉ bắt đầu khi chồng Ngài qua đời.

Ngày nay, nhờ sức tác động của Thánh Thần nơi những phong trào canh tân trong Giáo Hội, chúng ta đã có nhận thức rõ hơn về lời mời gọi đặc biệt mà Ðức Giêsu mở ra cho các đôi vợ chồng. Càng ngày chúng ta càng hiểu hơn rằng nếu đã là vợ là chồng, thì chúng ta sẽ được Chúa mời gọi gặp gỡ Người trước tiên trong và xuyên qua cuộc sống với nhau mỗi ngày. Chính trong cuộc sống vợ chồng với tất cả những thực tại của nó, chúng ta tìm ra đường về quê Trời.

Trong Tin Mừng Mátthêu, Ðức Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại vì Danh Ta, thì có Ta ở giữa”. Mặc dù đó là lời hứa cho cả nhân loại, nhưng chúng ta xác tín rằng đây là lời mời gọi đặc biệt dành cho các đôi vợ chồng, vì lối sống của chúng ta là lối sống hiệp nhất vô cùng độc đáo.

Trong hôn nhân của mình, chúng ta được Ðức Giêsu mời gọi trở thành “hai người họp lại vì Danh Ngài”. Danh Ngài là vì nếu không phải là Tình Yêu. Khi có tình yêu giữa vợ chồng thì có sự hiện diện đích thực của Ðức Giêsu giữa vợ chồng ấy. Ðức Giêsu có mặt trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng ấy.

Ðức Giêsu có mặt trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng ấy. Trong hôn nhân, Ðức Giêsu mời gọi chúng ta trở thành những con người biết yêu theo nghĩa đầy đủ của Tin Mừng. Ngài mời gọi chúng ta chia sẻ đời sống vô cùng phong phú của Thiên Chúa Ba Ngôi xuyên qua vô số dịp trong đời sống hằng ngày mà ta được mời gọi thể hiện tình yêu đối với vợ hay chồng mình. Tình yêu này không nằm ngoài những chi tiết vụn vặt của đời thường. Nó đi vào trong máu thịt của con người. Chúng ta có thể diễn tả tình  yêu bằng vô vàn cách, bằng việc chân thành lắng nghe nhau, bằng việc đi chợ, nấu ăn, bằng việc chia sẻ cho nhau ý nghĩ và tình cảm, bằng việc cố gắng nhạy cảm hơn với các nhu cầu của vợ hay chồng mình, bằng việc đáp ứng họ, bằng việc đổ rác, bằng việc quan hệ tính dục, bằng việc dành thời giờ cho nhau, nói tóm lại, bằng việc yêu thương theo đủ cách. Không một khía cạnh nào trong đời sống hôn nhân của chúng ta mà không nằm trong tiếng gọi của Ðức Giêsu mời gọi chúng ta yêu thương nhau. Và chúng ta sửng sốt khám phá ra rằng ngay trong những cố gắng tầm thường và bé nhỏ của mình, chúng ta đã gặp được bàn tay kỳ diệu, có sức giải phóng, chữa trị và yêu thương của Thiên Chúa – Ðấng đang cư ngụ giữa chúng ta.

Trong tư cách là một đôi vợ chồng được gọi để trở nên bí tích cho người khác, chúng ta phải cống hiến cho Giáo Hội và cho thế giới ân huệ mà chúng ta đã nhận được từ thực tế đó.

4.       Qua Hôn Nhân tôi hiểu đượcTình Yêu Thiên Chúa

Ông bà Stephens Gomes (Bangladesh)

“Sau khi thành hôn, tôi bắt đầu hiểu được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa trong đời tôi”.

Khi thành hôn, tôi khám phá thấy mình đang bước vào một cuộc sống mới với bao nhiêu trách nhiệm và bổn phận. Tôi lại chưa từng dự một khóa chuẩn bị hôn nhân nào. Tôi càng hoảng hơn khi nghĩ đến cuộc sống mới của mình. Tôi đã cầu nguyện và thiếp đi trong bữa tối hôm thành hôn. Dần dần nỗi lo sợ của tôi biến mất. Rồi phải trải qua những khó khăn đủ loại của cuộc sống cứ đổ tới dồn dập. Tôi dần dần học được cách phó thác cho Thiên Chúa và cầu nguyện với Ngài.

Tôi thường giúp chồng mình trong những công việc tôn giáo và những phục vụ  người nghèo của anh. Nhờ đó tôi đâm ra quan tâm tới các việc tôn giáo và phục vụ người nghèo. Tôi gia nhập Hội Thánh Vinh Sơn và cứ từng nhóm chúng tôi đi thăm các gia đình nghèo, cầu nguyện cho họ khi đau ốm, ủy lạo bệnh nhân ở các bệnh viện, lạc quyên nơi người giàu rồi lại phân phát lại cho người nghèo. Vì thế, có thể nói được rằng sau khi bước vào đời sống hôn nhân, tôi đã dần dần cảm nghiệm được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa trong đời mình. Cuộc sống thật dễ thương dễ mến.

Chồng tôi và tôi vẫn cầu nguyện với nhau mỗi ngày, và việc nầy chúng tôi học được từ ba má chúng tôi. Chúng tôi luôn luôn giữ quan hệ tốt với hàng xóm và họ hàng. Chúng tôi hết sức quan tâm giúp đỡ con cái mình trong việc học tập của chúng.

Ðể chia sẻ gánh nặng tài chánh với chồng, tôi nhận một chân dạy học. Và về  chuyện này tôi cũng gặp phải khó khăn vì tôi không phải là một giáo viên đã qua các trường lớp đào tạo. Bà hiệu trưởng lại cần một giáo viên đã được đào tạo và bà buộc tôi phải thuộc mà học tập. Nhưng tôi không thể đi học được vì các con tôi còn quá nhỏ. vậy mà tôi chỉ nhờ tình yêu của Thiên Chúa, điều không thể ấy đã thành có thể, và tôi đã qua cuộc kiểm tra một cách mỹ mãn.

Ðược sự huấn luyện của các chuyên gia về đời sống gia đình – gồm hai linh mục và hai nữ tu – chồng tôi và tôi trở thành những nhà cố vấn cho các đôi vợ chồng trẻ. Chúng tôi giúp đỡ cha sở hướng dẫn những thanh niên muốn lập gia đình. Chúng tôi dạy họ biết thực tế của cuộc sống và chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho họ. Chúng tôi  cố giúp họ hiểu những nhu cầu thể chất, tinh thần cũng như những nhu cầu tâm linh  của họ, những trách nhiệm và quyền lợi của họ đối với nhau. Nói chung là chúng tôi giúp họ xây dựng những gia đình vui vẻ, đẹp đẽ và lý tưởng. Ngay tại trường mà tôi làm việc, tôi cũng tích cực giúp giải quyết những khó khăn mà các đồng nghiệp của tôi gặp phải trong cuộc sống của họ.

Trước khi lập gia đình, tôi ít quan tâm về tôn giáo. Tôi đi lễ ngày Chúa nhật, một đôi khi cũng cầu nguyện. Và tôi cho như vậy là đã làm đầy đủ các bổn phận tôn giáo. Nhưng kể từ ngày kết hôn, tôi bắt đầu cảm thấy một trách nhiệm mới trong cuộc sống mới của mình.

Các khó khăn đã lần lượt xuất hiện trong đời sống gia đình của tôi và tôi chẳng thể nào dàn xếp chúng được. Tôi đã không hề tiên liệu rằng những khó khăn ấy lại xẩy đến nhanh như thế. Tôi không có đủ can đảm và nghị lực để đương đầu với chúng. Sự bất lực hoàn toàn nầy đã dẫn tôi đến với Chúa. Dần dần tôi khám phá được Thiên Chúa và học cách phó thác cho Ngài.

Ðọc sách tôn giáo và hát những bài hát đạo cũng tạo hứng thú cho tôi rất nhiều.  Thời gian nầy tôi có quan hệ với một vài tu sĩ và cũng thấy được hứng khởi để sống một đời sống tốt đẹp.

Sau khi thành hôn, tôi bắt đầu hiểu được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa trong đời mình. Thiên Chúa thúc giục tôi làm một cái gì đó cho Người, và cơ hội mà Người tạo ra cho tôi chính là những công tác trong Hội Thánh Vinh Sơn. Hiệp hội này bắt đầu hoạt động ở Tổng Giáo Phận Tejgaro năm 1972 và tôi đã tham gia vì muốn phục vụ người nghèo. Cùng với các hội viên khác, chúng tôi ân cần thăm viếng các gia đình nghèo và tìm hiểu các nhu cầu của họ. “Thiên Chúa ở với người nghèo”, câu nói ấy của Thánh Vinh Sơn đã làm tôi hết sức xúc động. Bằng cách đó chúng tôi bắt đầu làm việc cho vị chủ tốt lành. Tôi thường đọc các sách đạo, và để tạo điều kiện ấy cho người khác, tôi làm luôn công việc bán những sách vở đó. Vì vậy tôi phải có mặt ở nhà thờ trong tất cả các thánh lễ của mỗi ngày Chúa Nhật.

Cũng từ đó mà nỗi khao khát về linh đạo đã bắt đầu dâng trào trong tôi. Tôi phấn đấu để tham dự các khóa hội thảo, các kỳ tĩnh tâm và các cuộc hội họp tôn giáo. Tôi tham gia phong trào Canh Tân Ðoàn Sủng vào năm 1983. Ðến nay, tôi đã tham dự năm kỳ tĩnh tâm trong khuôn khổ của phong trào này do Ngài Frize từ Ấn Ðộ sang hướng dẫn. Tôi đã ghi khó khăn lớn nhất của mình ra trên một mảnh giấy nhỏ và đã xin Ngài cầu nguyện theo đó. Cần phải thuyết phục được khó khăn nầy cho tôi. Thế mà chỉ dù một người thôi, tôi cũng chẳng có khả năng để tác động: Nhưng – thật lạ lùng, sau ít ngày, tất cả họ đã thay đổi, và như vậy có nghĩa là vấn đề của tôi đã được giải quyết bởi chính Ðức Giêsu. Tôi bắt đầu hiểu ra ý nghĩa đích thực của ca ngợi, cầu xin, yêu thương và tha thứ. Tôi nhận ra rằng Chúa đang hiện diện, rằng Người nghe tất cả và đáp ứng tất cả những ý nguyện của chúng ta.

Song song với những hoạt động tu đức đó, tôi quyết định sống một đời sống ngay lành. Tôi đã cầu xin Chúa giữa tôi trong một công việc nào đó tôi không bị cám dỗ dính líu đến những của đút lót phi pháp. Chúa nhân lành đã nhận lời cầu xin ấy và Người đặt tôi vào chỗ an toàn nhất cho đến bây giờ: tôi làm ở chi nhánh điện thoại và điện tín.

Ngoài bổn phận gia đình và các công tác trong Hội Thánh Vinh Sơn, tôi còn tham  gia Cộng Ðoàn căn bản nữa. Trong khuôn khổ Cộng Ðoàn này tôi đã cố gắng hết sức mình trong sự cách là một trưởng nhóm để thúc đẩy các cặp vợ chồng hiệp nhất với nhau hơn, khuyến khích họ dành nhiều sự săn sóc hơn nữa đối với con cái.

Thiên Chúa không ngừng ban nghị lực để tôi trình bày sự thật và công bằng. Có nhiều trường hợp bà con lối xóm mời tôi dàn xếp những xích mích của họ theo tinh thần Kitô giáo.

Tôi cố gắng thăng tiến đời sống đạo của tất cả mọi người trong gia đình tôi. Tôi tham dự các cuộc tĩnh tâm, hội thảo và những buổi cầu nguyện cùng với vợ và các con mình vì lợi ích chung của gia đình.

Tôi muốn lên Thiên Ðàng không chỉ một mình nhưng cùng với vợ con. Cũng vì thế mà vợ và các con tôi đã hỗ trợ tôi trong mọi hoạt động tôn giáo. Có ai đó đã nói rằng một anh chồng không được phép Thiên Ðàng một mình, nhưng phải vào đó với vợ con anh. Chỉ khi nào muốn xuống hỏa ngục thì mới xuống đó một mình.

Tôi cũng tận tâm phụ giúp cha sở. Và mỗi khi có khó khăn nào xẩy ra, tôi ký thác  cho Ðức Giêsu, rồi không nghĩ về nó nữa. Tôi cố gắng gìn giữ sự bình an trong tâm  hồn. Người giải quyết các vấn đề cho tôi chính là Chúa Giêsu. Tôi muốn kể lại một trong những trường hợp đó. Tôi có khả năng phải chuyển công tác từ Dhata đến Khulna. Và tôi nhìn thấy trước những khó khăn cho gia đình cũng như cho chính mình trong việc thuyên chuyển này. Vì thế tôi cầu xin Chúa thu xếp sao cho tình huống ấy đừng xẩy  ra.

Cha đã can thiệp vào sự suy nghĩ của tất cả các thượng cấp của tôi, và họ đã giữ tôi ở lại Dhata.

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ÐỘC NHẤT VÔ NHỊ

“Không phải vì ta tốt lành mà Chúa yêu ta, nhưng vì Người là Tình Yêu và Người muốn làm cho ta trở nên hình ảnh của Con Một Người. Tình yêu ấy không phải do ta kiếm được, mà do Người cho không! – Thiên Chúa yêu chúng ta một cách miễn phí và một cách tự do. Tình yêu Thiên Chúa là một quà tặng. Và tất cả những gì chúng ta cần làm là hãy đón nhận món quà đó!” (Marek Shwarnicki)

5.       Linh Ðạo cho các Bà Mẹ

Denise Anderson (Hoa Kỳ)

“Cứ mỗi lần thay tã cho con, tôi lại tự hỏi tại sao tôi đã chọn đời sống hôn nhân chứ không là độc thân! Tôi vẫn thường mơ ước sự cô tịch trong đời sống tu viện để có thể trong kết hiệp với Thiên Chúa ngày càng mật thiết hơn. Nhưng khi trải qua những năm tháng của đời mình tôi mới hiểu rằng chính nhờ kinh nghiệm của một người Mẹ, mà tôi đã cảm nhận được và trưởng thành hơn trong quan hệ với Thiên Chúa”.

Linh Ðạo của tôi cốt là trong và xuyên qua vai trò làm mẹ. Thiên Chúa dùng các con tôi để mạc khải cho tôi về chính Người. Qua các con mình, tôi nhận thấy tất cả những ý niệm về Thiên Chúa mà tôi đã học và đã đọc trước đây bây giờ mới trở thành hiện thực và sống động.

Biết bao lần tôi được nghe nói về Thiên Chúa là một Thiên Chúa thứ tha, một Thiên Chúa chữa trị, một Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện, một Thiên Chúa “vui thích ở giữa Dân Người”: Tất cả những định nghĩa ấy về Thiên Chúa vẫn còn là một cái gì trừu tượng, cho đến khi nhờ làm Mẹ, tôi mới khám phá Người và cảm nghiệm Người.

Một lần kia, tôi phải phụ trách một lớp hòa giải cho các phụ huynh, tôi cố gắng nhớ lại một kinh nghiệm hòa giải đã xảy ra trong gia đình tôi, để cho thấy rằng các bậc cha mẹ phải làm công việc hòa giải hằng ngày. Tôi ôn lại một trường hợp đã xẩy ra hai năm trước đó, lúc đó tôi đã thực sự giận dữ với đứa con trai bốn tuổi của mình. Sau khi sự cố xẩy ra khoảng mươi phút, thằng bé đi vào trong phòng chỗ tôi đang ủi quần áo, và bắt đầu hỏi huyên thuyên những câu hỏi ngớ ngẩn. Tôi nhận ra ngay thằng bé đang có ý định gì. Nó bối rối hoang mang trước sự cố bất ngờ mới xẩy ra trong quan hệ với mẹ nó, và nó muốn làm hòa. Ðó là cách làm hòa mà một đứa bé bốn tuổi đã nghĩ ra. Tôi chồm tới ôm chầm lấy nó và thoắt cái đã thấy nó đùa nghịch vui vẻ với mấy cái xe tải của mình. Chuyện ấy đã xẩy ra được hai năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in lúc ấy mình đang làm gì, thằng bé mặc quần áo gì, nhớ cái xe tải của nó, và nhất là nhớ sắc mặt  của nó khi nói chuyện với tôi và cái cảm xúc đã làm cho tôi phải chồm tới ôm lấy nó. Nhưng dù cố nhớ mấy đi nữa, tôi cũng chịu thua không thể nhớ được nó đã làm gì khiến tôi giận dữ. Nếu tôi có thể sẵn sàng thứ tha, vui vẻ hòa giải và quên mất điều lầm lỗi  như thế, thì Thiên Chúa – một người cha tốt lành hơn tôi gấp bội – còn sẵn sàng hơn biết bao nhiêu! Bây giờ mỗi khi tôi cảm thấy cần phải giao hòa với Thiên Chúa, tôi càng tin tưởng và vui vẻ hơn để bước tới với Người, vì nhớ lại kỷ niệm này với David, đứa con trai bốn tuổi của tôi.

Một trong những lúc vui nhất của người làm cha mẹ là thấy những đứa trẻ của mình tỏ ra tinh khôn, hay dù chỉ tỏ ra ngoan ngoãn, yên lặng làm bài của mình. Những lúc như thế, John – chồng tôi – sẽ nhìn và nháy mắt với tôi. Anh muốn kín đáo nói rằng: “Em hãy xem con mình kìa, chúng ta không may mắn đó sao?”. Cha mẹ nào cũng vui thích về con cái mình. Biết bao lần rồi, chúng ta đọc đi đọc lại câu thánh vịnh nói rằng: “Thiên Chúa vui thích ở với Dân Người”. Câu ấy có nghĩa gì? Bây giờ tôi đã rõ. Nó có nghĩa rằng Thiên Chúa thích thú với chúng ta khi chúng ta làm công việc mà Người ủy thác, làm mẹ hay bất cứ việc gì khác. Nhưng quan trọng hơn, Người khoan khoái với chúng ta. Ban đầu tôi hơi ngại khi nghĩ như thế. Nhưng rồi, khi làm cha mẹ, tôi đã hiểu điều đó hơn nữa. Với ý nghĩ đó, một hôm khi ngồi ngắm một trong những đứa con nhỏ của tôi, tôi đã ngạc nhiên không hiểu vì sao mình yêu nó mãnh liệt như thế. Ðó là một đứa bé ngoan ngoãn, an phận và không bao giờ vòi vĩnh. càng suy nghĩ về cái động lực của  tình yêu ấy, tôi càng nhận rõ hơn rằng chính bởi vì nó chấp nhận cho tôi yêu nó. Nó ngoan ngoãn đón nhận tình yêu và chính sự đón nhận ấy là cách nó trao tặng tôi. Chúng ta đã sẵn sàng thế nào trong việc đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Người   đã nhắc đi nhắc lại là muốn hiến cho chúng ta? Chúng ta có thật sự chấp nhận trọn vẹn tình yêu và sự săn sóc của Người không? Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chúng ta trong Tin Mừng Gioan 17,11: “Lạy Cha, xin cho chúng được nên một như Cha và Con là một”. Chúng ta không thể tin tưởng và vui mừng về điều đó hay sao? Con cái của  chúng ta tỏ ra chấp nhận được ta yêu một cách rất dễ dãi, chúng càng đón nhận thì chúng ta càng muốn trao ban tình yêu cho chúng nhiều hơn.

Người ta đã nhận thức và trình bày rất nhiều về hoạt động chữa trị của Thiên Chúa. Thú thật là tôi đã chẳng bao giờ quan tâm tới khía cạnh này, cho đến ngày tôi ở trong bệnh viện nhi đồng để săn sóc đứa con trai mười tháng tuổi của mình đang đau quằn quại sau một cuộc xét nghiệm cột sống. Cái cảm nghiệm về sự bất lực của mình lúc đó thật mênh mông.

Nhưng đột nhiên tôi hiểu ra rằng dù không thể cất đi cơn đau nơi thân thể con mình, tôi vẫn có thể ở gần bên nó và giúp nó biết rằng nó đang được yêu và sự sống rất có giá trị. Tôi hy vọng và cầu xin sao cho tình yêu ấy có thể chữa trị con mình ở một bình diện sâu hơn cơn đau thể xác. Ðiều tôi muốn nói ở đây không phải là những chữa trị về thể lý, nhưng về một cái gì xa hơn. Khi bị đau ốm phần xác hay phải đau khổ tinh thần, tôi luôn biết rằng tình yêu của Thiên Chúa đối với mình còn vượt xa bình diện đau khổ ấy để đi tới một bình diện sâu hơn – đó là: tôi đang được yêu và sự sống mà chúng ta đã lãnh nhận để làm con với Người thật đáng giá.

Hai đứa nhỏ nhất của chúng tôi là một cặp sinh đôi. Vào một dịp sinh nhật của  chúng tôi, đến tối, anh của chúng tiến lại thỏ thẻ với tôi rằng nó không được vui vì không có quà như các em. Nhìn cách nó đến với mình như vậy, tôi cảm thấy dạt dào yêu nó và mẹ con tôi đã có một cuộc trao đổi thú vị về tình cảm và sự chia sẻ. Sau đó tôi mới  nhận ra rằng nếu như cậu bé ấy đến với tôi với thái độ bực dọc vùng vằng thì phản ứng của mình sẽ là nổi xung lên, trách mắng nó ích kỷ. Cuộc sống đúng là như thế. Bây giờ mỗi khi bị xáo trộn hay bị đè nén bởi những tình cảm tiêu cực trong cuộc sống làm mẹ, những khó chịu thông thường và những khó chịu vì sự ràng buộc của bổn phận, mỗi khi tức giận vì bị đối xử vô ơn, mỗi khi phải nghe con cái cãi vã, những mệt mỏi và buồn nản v.v… tôi lại nhớ tới cách David đã chia sẻ cảm nghĩ của nó cho tôi. Có lẽ Thiên Chúa sẽ hài lòng mỗi khi chúng ta biết dãi bày tâm sự với Người một cách trưởng thành. Như tôi đã sẵn lòng đón nhận nỗi niềm của David tối hôm ấy, tôi tin rằng Thiên Chúa cũng vui lòng đón nhận những nỗi niềm của tôi, dù những nỗi niềm của tôi có “tệ” đến thế nào chăng nữa.

Các bà mẹ làm việc ở sở làm của tôi, qua chuyện trò, luôn nhất trí rằng người ta không bao giờ thật sự hiểu biết tấm lòng của mẹ mình khi chưa làm mẹ. Ðiều này  dường như cũng đúng đối với Ðức Maria.

Hồi còn bé, tôi cảm thấy khó liên hệ với Ðức Maria vì Ngài luôn được giới thiệu một cách quá hoàn hảo. Nhưng một lần nọ, trong lúc đọc Thánh Kinh, tôi chợt bắt gặp đoạn kể lại Ðức maria đang ôm lấy thi thể Giêsu con mình, sau cuộc hành trình thập giá. Cả thế giới cũng dường như chết lắng đi trong giây phút ấy: tôi nhớ lại một lần trong bệnh viện, tôi đã ôm Jeff trong lòng mình như thế. Lúc đó một tương quan đức tin hoàn toàn mới mẻ để mở ra nơi lòng tôi và các con càng lớn, mối tương quan ấy càng đậm đà hơn. Mỗi khi băn khoăn về con cái mình, tôi thường liên tưởng đến Ðức Maria đang “băn khoăn”. Thật là một an ủi vô ngần khi biết rằng Ðức Mẹ cũng đang băn khoăn với mình về con cái, vì chúng ta cũng là con cái của Mẹ. Mẹ san sẻ vai trò làm mẹ của chúng ta, còn hơn thế nữa, Mẹ nên một với chúng ta trong vai trò làm mẹ.

Những đoạn Kinh Thánh về Ðức Maria bỗng trở nên sâu sắc hơn. Tâm trạng của Mẹ thế nào khi tìm được Ðức Giêsu trong đền thờ? không khó chịu sao khi phải bắt đầu để tùy ý con. Như bất cứ bà mẹ nào trong trường hợp đó? Khi giục Ðức Giêsu bắt đầu sứ vụ ở Cana, phải chăng Mẹ chứng tỏ là đã nhận ra sự thật của Con mình? Chúng ta biết khi nào phải nhìn nhận và động viên con cái không? Chúng ta hãy theo gót Mẹ qua các chặng đường thánh giá. Tâm trạng Mẹ thế nào khi gặp Con? tại sao Mẹ đã bước đi? Mẹ có hiểu hết tất cả những gì diễn ra không? Mẹ đã cầu xin ơn phó thác thế nào? Khi nhìn thấy các con mình lớn lên, và đã phát triển nhân cách và cá tính, tôi lại nhớ đến lời Cha Evely nói về Ðức Maria trong tác phẩm “Người đó chính là bạn”: “bà hiểu rằng Bà không hiểu gì hết và thế là đủ rồi”. Có những lúc trong thân phận làm Mẹ, chúng ta cũng  không hiểu gì hết, nhưng chúng ta phải tín thác và tin tưởng nơi con cái mình và nơi Thiên Chúa.

Các cha linh hướng thường nói nhiều về những đức tính mà các linh hồn trưởng thành cần phải đạt được. Bạn muốn biết là những đức tính gì không? Chỉ cần nhìn lũ trẻ con. Ai hơn chúng về lòng tín thác, về sự trong sạch tâm hồn, siêu thoát, trung thành,  vô tư, khiêm tốn, tự do, trắc ẩn, yêu thương?

Những mẫu gương trung thành và yêu mến trong sách vở rất làm tôi cảm kích, nhưng khi nhìn David và ba nó nhìn nó quấn quýt anh ấy, tín thác anh ấy, ăn mặc giống anh ấy, tôi mới thấy được hết vẻ đẹp sống động của lòng trung thành và yêu mến. Rất nhiều lần tôi ngắm nhìn lũ trẻ như kiểu mẫu về các đức tính đó.

Nhưng tôi cũng thấy một số nét đơn sơ và cởi mở đã dần dần che mờ đi khi chúng bước vào đời và tìm cách hội nhập vào xã hội. Tôi nói “bị che mờ đi” bởi vì nó vẫn còn đó. Có lẽ phát triển trong đời sống tâm linh chính là học cách mở ra lại và tiếp tục vun trồng một số đức tính tự nhiên của trẻ con.

Mạc khải của Thiên Chúa còn tiếp tục mãi. Vấn đề còn lại là người ta có biết đọc ra hay không. Ðây chính là một số trường hợp xẩy ra trong đời tôi. Nó có thể rất cảm kích mà cũng có thể làm ta kinh sợ như đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa. Khi nhìn Susie phát triển trong sự nhiệm mầu đẹp đẽ của mình. Thiên Chúa nơi người khác có thể đưa ta tới một nền linh đạo rất sâu sắc, thú vị và sống động. Dù vẫn cần phải giữ sự cố tịch và yên tĩnh, nhưng việc cầu nguyện từ nay đã hòa lẫn với cuộc sống hằng ngày. Thay vì đến nhà thờ người ta mới cầu nguyện được, gia đình cũng là một cung thánh, một bàn thờ mà lễ phẩm là tất cả những giây phút của cuộc sống – những giây phút ấy đã được thánh hiến nhờ con người và những sinh hoạt trong gia đình.

6.       Con Chúng Tôi Ðã Dạy Chúng Tôi Cầu Nguyện

Vô Danh (Pháp)

“Vào một thánh lễ sáng Chúa nhật, bé Dan với phong cách trang nghiêm đĩnh đạc, không còn quấy rầy nữa, ngược lại đã tham dự sốt sắng suốt buổi lễ”.

Chạng vạng tối hôm ấy, hai chúng tôi cùng cầu nguyện với nhau theo một một đoạn thánh kinh. Ðó là một trong những lúc chúng tôi cảm thấy Chúa đang đụng vào mình

một cách hết sức đặc biệt và tâm tình đáp trả của chúng tôi cũng trào lên thật dễ dàng. Thành thật mà nói, cả hai chúng tôi đều “cảm” nhận rằng đó là một buổi cầu nguyện rất sốt sắng. Cầu nguyện xong, chúng tôi rời khỏi phòng ngủ, và bỗng nhiên nghe tiếng  “ba, ba” vọng lên từ phòng dưới chỗ thằng cu mới biết đi chập chững của chúng tôi  đang nằm. Ðó là tiếng bập bẹ đầu tiên của nó và thằng bé lặp đi lặp lại mãi như một bài kinh cầu trầm bổng nhịp nhàng. Chắc chắn là thằng bé đã nghe thấy tiếng của John và nó cố hết sức bắt liên lạc với anh nó. Ðứng lại ở hành lang, chúng tôi mỉm cười sung sướng, nghe trong lòng rộn rã niềm vui về đứa con bé bỏng của mình.

Bất thần, chúng tôi nhìn nhau và phá lên cười sung sướng. Chẳng hẹn mà hò. Chúng tôi cùng bất chợt nhận ra rằng những cố gắng xem ra “kha khá” của chúng tôi trong việc cầu nguyện cũng vang tới Cha trên trời giống hệt như những tiếng “ba, ba” đơn sơ ấy.

Tuyệt diệu làm sao món quà mà chúng tôi vừa nhận được trong khoảnh khắc ấy! Kỷ niệm về buổi tối đó vẫn thường giúp chúng tôi ý thức sâu đậm hơn rằng chúng tôi nên cầu nguyện theo cách của trẻ thơ. Cầu nguyện theo cách đó sẽ giúp ta dẹp mọi khuynh hướng muốn xếp hạng sự cầu nguyện hoặc chỉ cầu toàn, cho rằng cầu nguyện phải tới mức biến những khốn khổ và trói buộc thành cảm nghiệm lâng lâng, siêu thoát. Khi cố gắng lắng nghe và đáp trả bằng cả tâm hồn trong những giây phút thinh lặng mà ý thức được rằng với tình phụ tử Thiên Chúa đang bước đến với chúng ta, những đứa con  được Người yêu thương với một tình yêu vô hạn, đó đã là một hồng ân rồi.

Một đứa trẻ khóc gào lên giữa lúc chúng ta đang tất bật công việc nhà có thể là một dịp tốt để chúng ta học cách nói chuyện với Thiên Chúa.

Trẻ con cũng đã dạy tôi biết cách làm thế nào để hiệp thông với Chúa tốt hơn trong kinh nguyện. Nhiều khi tôi ở trên lầu, thằng Jeff của tôi đứng ở dưới chân cầu thang gọi lên ơi ới “mẹ, mẹ” đến nỗi không bao giờ nghe thấy tiếng trả lời của tôi. Một lần như thế, sau khoảng một phút, tôi đã bật cười và tự hỏi đã bao nhiêu lần sự việc cũng diễn ra  như vậy giữa mình với Chúa. Ðã bao nhiêu lần tôi quá lo gọi Người đến nỗi không còn một khoảng trống để nghe Người trả lời.

Ðức Giêsu đã đề cao thái độ của trẻ thơ và thậm chí Người dạy rằng trở thành như trẻ thơ là một điều kiện tiên quyết để được vào Nước trời. Nơi trẻ thơ có một cái gì đó thật ngây thơ, tín thác và chân thành. Câu chuyện sau đây, xẩy ra ở Ðài Loan, cho thấy một đứa bé thôi nôi đã có thể biến cho cả cộng đoàn một cảm nghiệm sâu sắc về việc gọi Thiên Chúa là Cha.

“Thường thường trong Thánh Lễ, thằng Ðan, đứa con mới một tuổi của chúng tôi, luôn miệng bi bô, nhưng không ai bị chia trí về những điều nó làm để chứng tỏ sự hiện diện của mình. Tôi cảm thấy thích thú lạ lùng vì nghĩ rằng thằng Dan bé bỏng đang ca ngợi Chúa bằng cái cách thế mà chỉ một đứa trẻ mới có thể làm được”.

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi

Uy danh Ngài chiếu rọi trên toàn cõi địa cầu Lời tán tụng Ngài vút lên các tầng trời cao

Từ miệng lưỡi trẻ thơ và những đứa trẻ con còn bú. (Tv 8,1-2)

Thế nhưng, vào một Thánh lễ sáng Chúa nhật nọ, bé Dan với phong cách trang nghiêm đĩnh đạc. Không còn quấy rầy nữa, ngược lại đã tham dự sốt sắng suốt buổi lễ. Và điều đã xẩy ra là:

Bắt đầu phần hiệp lễ, vị linh mục cất tiếng mời gọi:

“Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng…” liền tức thì, bé Dan cũng la to hết sức “Ba”… Tất cả chúng tôi đều cười vang, vị linh mục nói: “Mỗi người chúng ta hãy bắt chước bé Dan thưa”: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Cả đời tôi, chưa bao giờ tôi đọc kinh Lạy Cha với niềm vui tràn trào như thế! Tôi rất sung sướng khi bé Dan gọi mình là “ba” thế nào thì cũng tin rằng Chúa sẽ vui mừng như thế hay thậm chí còn hơn nữa khi chúng ta thưa với Ngài: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng…”

Xin cám ơn bé Dan vì “bài giảng” của bé. Bài giảng thật là ngắn ngủi nhưng hàm súc biết bao.

“Người ta đem các trẻ em đến với Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng. Các môn đệ trông thấy liền can ngăn họ, nhưng Chúa Giêsu gọi các trẻ em đến với Người và nói: “Hãy để các trẻ em đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những người giống như chúng”. (Lc 18,15-16)

7.       Tôi Cần Bạn Bè – Lời Thú Nhận của Một Người Chồng

Basfimeo de las Heras (Tây Ban Nha)

“Basfimeo, một người chồng với 28 năm sống đời gia đình, đã tìm thấy nơi Jacin, vợ mình, một người bạn tốt nhất sau Ðức Kitô. Anh cũng tìm thấy những người bạn tốt khác nữa, trong nhóm “Ðôi bạn gặp gỡ”, Basfi thích thú được làm bạn với họ trong tư cách một Kitô hữu.”

Tôi sẽ kể với các bạn câu chuyện này, anh ta viết, như tôi đã có dịp, cùng với vợ tôi, chia sẻ lại một “Chiều Họp Mặt của nhóm” “Ðôi bạn gặp gỡ”. Câu chuyện phản ảnh một phần rất quan trọng trong toàn bộ cuộc sống của tôi và làm nổi rõ linh đạo giáo dân của tôi.

Chúng ta kết bạn “qua đường” chẳng chút khó khăn gì: tại một trận bóng đá, trong một quán cà phê, xung quanh bàn ăn ở nhà hàng nào đó…, nhưng rồi chúng ta phải tìm cho ra một người có khả năng trở thành “tri kỷ”. Người ấy tôi đã gặp thấy, là một người cởi mở và thành thật, lắng nghe tôi mà không hỏi gì về tôi, khuyến khích tôi, đặt tôi vào đúng đường, và đã có lần bảo tôi: “Basfi, hãy tin em”. Cả những khi tôi không thể gặp nàng, tôi cũng biết là nàng dang tay nâng đỡ tôi. Tôi cảm thấy bị buộc phải đáp trả nàng một cách cân xứng. Tôi có thể khoe với các bạn rằng thật may mắn đã tìm thấy một con người như thế, một người bạn như thế nơi chính Jacita, vợ tôi.

Từ lâu lắm rồi, ngay thuở thiếu thời, tôi đã có một nhu cầu mãnh liệt là kết bạn với người khác. Tôi đã có nhiều bạn hữu, dù một số đã làm tôi thất vọng. Tôi là một cậu bé cởi mở và sôi nổi, dễ dàng thân thiết với các bạn đồng lứa cũng như cả với gia đình của các bạn ấy.

Cuộc hôn nhân thứ nhất của tôi là với một thiếu nữ Salamanca. Sức khỏe cô ấy rất kém. Chúng tôi không thể có nhiều sinh hoạt ngoài xã hội. Hồi ấy, tôi chỉ biết có gia  đình và sở làm. Hai năm sau, cô ấy qua đời, để lại cho tôi một bé gái. Lúc ấy, tôi cũng không sống tại tỉnh nhà của mình.

Mất vợ, tôi vừa mất gia đình, và khốn khó hơn nữa, mất bạn. Dĩ nhiên tôi cũng có một số bạn bè đó chứ nhưng không phải loại bạn bè để lấp đầy khoảng trống trong trái tim tôi. Tôi phải kham lấy nỗi cô đơn khủng khiếp, tôi quên cả Ðức Giêsu, người bạn tốt nhất trong đời tôi.

Mãi tới một hôm, Thiên Chúa đã trông đến cảnh (đắm tàu) của tôi. Người dun dủi cho tôi gặp Jacinta là chính vợ tôi bây giờ. Cuộc gặp gỡ đã làm cho chúng tôi trở thành bạn của nhau. Tình bạn ấy đã phát triển nhanh chóng và vững chắc. Tôi sốt ruột muốn biết có thật Jacinta là con người mà bấy lâu nay mình mong mỏi không. Cuộc tìm hiểu diễn tiến theo những chiều hướng tích cực. Sau nhiều thư từ qua lại, chúng tôi lại càng muốn hiểu nhau hơn, và rồi chúng tôi đã yêu nhau, chúng tôi tôn trọng nhau và chúng tôi chấp nhận nhau như chính sự thật của mỗi người. Chúng tôi quyết định tiến tới với nhau, và với Jacinta, tôi đã có được một người bạn, một bạn đồng hành trung thành  nhất của mình.

Có một thời chúng tôi đã đóng khung tình bạn và tình yêu lại với nhau. Chúng tôi hơi quá cục bộ, chúng tôi đã không cố gắng đặt quan hệ với những người khác hay những gia đình khác (vì cả chúng tôi đang phải sống tại một thành phố hoàn toàn xa lạ với mình).

Xảy tới một ngày, tại một giáo xứ gần đó, chúng tôi được giới thiệu vào một cộng đoàn các bạn Kitô giáo gọi là Phong Trào Gia Ðình Kitô Hữu (CFM). Ðây quả là một món quà quý giá Thiên Chúa dành cho chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy được đón tiếp nồng hậu. Tình bạn giữa chúng tôi với họ lớn lên một cách rất tự nhiên, không đòi hỏi chút cố gắng nào. Họ rất mẫn cảm và kính trọng chúng tôi. Một sự tín nhiệm nhau lập tức nẩy sinh.

Chúng tôi đã tìm được những người bạn mà mình có thể nhờ cậy; họ có thể tới với mình mà không cần phải hẹn trước. Chúng tôi đã gặp thấy Ðức Giêsu nơi họ và xuyên qua họ, cho tới nay.

Nhờ kỹ thuật học được ở CFM mà chúng tôi đã sớm có thêm nhiều bạn mới (các đôi vợ chồng, các linh mục, các nam nữ tu sĩ). Suốt bốn năm trong phong trào, tôi vẫn nuôi lòng kính trọng thâm sâu đối với những người bạn ấy, gần giống như niềm kính trọng  mà chúng tôi dành cho cha mẹ mình. Không có vấn đề lèo lái hay điều khiển ở đây. Tất cả chúng tôi chỉ cố gắng khuyến khích nhau sống các giá trị Kitô giáo như đón nhận, tín nhiệm và yêu thương nhau. Xây dựng trên nền tảng đó thì các bạn đừng sợ rằng mình sẽ đánh mất bạn. Cũng chính những giá trị đó là nền tảng tôi đã dựa vào để xây dựng “tình bạn” với Jacinta.

Hiện nay, chúng tôi hoàn toàn thỏa mãn về quan hệ giữa chúng tôi. Nhưng không phải lúc nào cũng thế. Chúng tôi đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đã có thời gian chỉ quan hệ với nhau bằng cách đành lòng chịu đựng, chúng tôi đã tẩy chay, không chấp nhận nhau, ý thức hai bên thuộc về nhau đã đổ vỡ. Lúc đó, ảnh hưởng của Ðức Giêsu, người bạn duy nhất đúng nghĩa, thật vô cùng quan trọng.

Mẫu gương và giáo huấn của người đã cho chúng tôi thấy rõ yêu nhau và kết hợp  với nhau vẫn là điều nằm trong tầm tay chúng tôi. Hiện nay, tôi thích chia sẻ với bạn bè về mối quan hệ của chúng tôi với Người Bạn ấy, cũng là bạn của họ, tên là Giêsu Nadarét. Những khi tôi phải đau khổ, phải vác thập giá, tôi thường quăng nó đi cho rồi: tôi không muốn biến bất cứ điều gì về người bạn mang tên Giêsu của tôi, tôi dựng những rào chắn giữa Người và tôi, tôi từ chối đối thoại, tôi thích nại vào những đau khổ của mình đang chịu để đay nghiến Người. Cách cư xử của tôi với Người quả là thô bạo. Thậm chí tôi còn đi xa đến nỗi ngờ vực rằng có Người làm Bạn xem chừng chẳng ích chi.

Thật sự tôi cảm thấy một mâu thuẫn bên trong mình. Trong khi khước từ tình bạn của Người, tôi lại thấy mình không còn tự do nữa, tôi cần có Người làm bạn. Thật là khó cho tôi tin rằng Ðức Kitô, người bạn mẫu mực, có thể chịu trách nhiệm về những gì  đang xẩy ra cho tôi, là một người bạn và là một người anh, hẳn Người không muốn tôi đau khổ. Vì thế tôi đã nhận ra mình cần phải nói chuyện với Người, và cần phải làm  điều ấy với thái độ khiêm tốn, chấp nhận, cảm thông và nhất là thương yêu. Nhưng vì  đó không phải là điều dễ, nên tôi đã nghe tiếng Chúa nhắn nhủ rằng tôi không nên tự cắt đứt mình với các bạn, bởi vì Người cũng đã mời gọi các bạn nâng đỡ tôi mỗi khi tôi vấp ngã.

Ðó là kinh nghiệm, là một phần của đời tôi. Tôi luôn cần đến một người nào đó để giữ gìn mình, một người nào đó có lòng tin mạnh mẽ hơn tôi và có thể động viên tôi tìm ra đường dẫn về sự thật.

8.       Ơn Gọi Ít Ai Chọn

Patricia Brunk (Hoa Kỳ)

“Không còn là vợ nữa, mà đã là góa phụ…”.

Cái chết bất ngờ không chút tiên liệu của chồng tôi khi tôi 40 tuổi, đã buộc tôi ra khỏi cái thế giới quen thuộc bình thường, khiến tôi phải sống những ngày mà không gian như hóa thành xa lạ và thời gian như khựng lại. Mọi quan hệ trong đời tôi đã thay đổi vĩnh viễn. Tôi, không còn là vợ nữa mà đã là góa phụ, không còn là một nửa trong “cặp” cha với mẹ mà đã trở thành người cha hay người mẹ đơn chiếc. Nhớ hồi còn trẻ, tôi đã bị giằng co giữa hai ơn gọi: là nữ tu trong một tu viện Xitô cải cách, hay sẽ cuới Al là người mình thương yêu hết mực? Rồi trong một cuộc tĩnh tâm, sự chọn lựa trở thành rõ ràng. Nhưng bây giờ, không có sự lựa chọn nào cả. Dù muốn hay không, tôi đã trở thành một góa phụ. Ơn gọi nầy có mấy ai chọn đâu. Bốn tháng sau cái chết của anh ấy, tôi đã ghi những giòng sau đây trong nhật ký của mình:

“Con là ai, lạy Chúa? Con đã được ấp ủ trong vòng tay Al. Con tha thiết muốn biết anh. Muời bảy năm anh đã mở tung những khả năng mà trước đây con chỉ có trong tiềm thể, làm cho con được phong phú hơn trước. Con trở thành “con” nhiều hơn, nhờ đã lấy anh. Con cũng còn một căn cước thêm nữa là làm một phần của cái “chúng tôi”. Nhưng phần của con cũng đã trở thành anh ấy. Vì thế khi chết đi, anh mang cả phần đó theo anh. Con như đã bị chết với Al, vì thế con không chỉ than khóc anh mà còn là than khóc chính mình nữa. Một Patricia nữa phải được sinh ra nơi con, của con và cho con, một tạo vật mới. “Chúa hãy giúp con làm mới lại mọi sự”. Chúa biết vì sao con đau đớn quá đỗi. Chết là đau đớn, sinh nở là đau đớn và được sinh ra cũng là đau đớn, con bây giờ đang nhận lấy cả ba. Con không biết cái tôi mới của mình như thế nào và phải làm sao để thể hiện nó. Con chỉ còn biết nhờ Ngài, Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được sinh ra trong Thánh Thần Ngài. Con cần Ngài đỡ, để con sinh hạ tạo vật mới của Ngài, cần Ngài hướng dẫn điều khiển và nâng đỡ con đi qua những năm tháng định hình, còn ở phía trước. Con sẽ là người như thế nào để có thể mang lấy quá khứ mà tiến về phía trước?”

Góa bụa chắc chắn là khó nghèo thật sự về tinh thần. Người vợ hay chồng ở lại dường như không còn cả bản ngã, và nếu đã có con cái, thì sẽ không có chút khả năng để làm cha làm mẹ. Tôi đành phải ký thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa, thậm chí để tìm ra chân tướng của mình.

Trong năm đầu tiên sau cái chết của Al, tôi vẫn cứ trăn trở về anh. Rồi trong nhà nguyện, vào một dịp tĩnh tâm nọ, tôi đã nói chuyện với Al và tự hỏi anh là ai trong cuộc sống hiện tại của mình. Dường như tôi nghe thấy tiếng trả lời của anh: “Hãy yêu, hãy tin vào tình yêu của anh”. Lúc đó, tôi chợt nhận ra rằng tôi đang bám vào khuôn khổ hôn nhân như một cách để quan hệ với thế giới và với Thiên Chúa. Ðành rằng tôi vẫn còn quan hệ với Al, nhưng mối tương quan ấy đã thay đổi và tôi đang được mời gọi giã từ nền linh đạo của bí tích hôn nhân. Nếu như Al còn hiện diện thì tôi nào cần đến các dấu hiệu. thế nhưng tôi cần một lối sống mang bí tích và vì thế đời góa bụa đã trở thành lời Chúa gọi tôi trong một nền linh đạo tập trung vào Bí Tích Thánh Thể nhiều hơn. Bấy giờ vai trò của Al là hướng tôi tiến lại Người yêu của mình bằng một tương quan trực tiếp và chặt chẽ hơn, đồng thời anh dạy tôi biết mở rộng tình yêu của mình cho đồng loại. Có thể nói, sự gẫy đổ và hụt hẫng của tôi cũng phải được san sẻ cho nhiều người. Nhận thức đó đến nay vẫn còn để lại trong tôi niềm an bình và khuây khỏa. Dù không phải lúc nào cũng đã sống trọn vẹn tinh thần đó, nhưng kể từ lúc tôi nhận thức được điều đó, không bao giờ tôi thiếu cơ hội và hoàn cảnh để trao tặng và yêu thương.

Ít lâu sau ngày ba chúng nó qua đời, tôi đã nói với các con trai tôi (5 trong số đó ở lứa tuổi 6-15) rằng “Mẹ không biết cách nào để vừa làm cha vừa làm mẹ. Mẹ chỉ biết làm một người mẹ thôi, và ngay cả trong vai trò làm mẹ nầy, mẹ không dám chắc rằng mình chu toàn tốt đẹp”. Sau đó, tôi trở thành thành viên của một tổ chức dành cho các bậc làm cha làm mẹ góa bụa. Kinh nghiệm ở đây, ban đầu rất tiêu cực, nhưng về sau  đã trở nên một hồng ân. Trong loại câu lạc bộ đặc biệt nầy, người ta thường coi nhau như những đồ vật vô ngã, sử dụng xong rồi vất bỏ. Dường như nhìn lên các khuôn mặt ai ta đều thấy hiện lên một nỗi sợ hãi vô vọng. Sau khi tôi gia nhập vào hàng ngũ ấy trong tư cách của một bà mẹ góa, tôi thấy mình rất nghiêm khắc mỗi khi phê phán về các hành động của họ: một số người uống rượu nhiều quá, những kẻ khác thì có nhiều quan hệ tính dục mà không hề thân tình sâu sa, không hề chấp nhận một sự cam kết nào. Nhờ sự nhạy cảm của một con người đang thọ tang, cuối cùng tôi đã chia tay với tổ chức đó, nhưng chỉ sau khi nhận được ơn thay đổi thái độ phê bình nghiệt ngã của mình thành cảm thông sâu xa. Thiên Chúa đã giúp tôi đưa nỗi cô đơn, trống rỗng của mình vào nội tâm để cảm thông sâu sắc với nỗi đau thực tế nơi những người đàn ông và đàn bà nầy phải cảm nghiệm một cuộc đời trống rỗng và đang tìm đủ cách để được chấp nhận và khẳng định. Bây giờ, đã mấy năm qua rồi, tôi vẫn lưu giữ những con người ấy trong trái tim mình với một niềm thương yêu sâu thẳm.

Một người góa bụa thường bị cám dỗ trở thành “người cha siêu đẳng” hay “người mẹ siêu đẳng”. Mỗi khi bị áp đảo bởi thứ cám dỗ này, tôi đều phải đứng trước những giới hạn của con người mình và nhìn nhận sự khốn nạn của mình một lần nữa. Trong những lúc như thế tôi càng cảm nhận được sâu sắc hơn về giá trị của Bí Tích Hòa Giải. Trung thực nhìn nhận những hạn chế của mình, nhưng đồng thời cũng phải trung thực nhận ra những sức mạnh của mình nữa. Ðó là sự nhìn nhận thân phận tội lỗi, những tính tốt, thân phận thụ tạo, những giới hạn của mình, và nhìn nhận rằng mình cần đến tha nhân và Thiên Chúa.

Một đàng cho đến nay đã xử lý mọi việc rất khá như một bà mẹ già, nhưng đàng khác cũng không thiếu những lúc tôi phải khổ sở nhận ra rằng mình chưa giải đáp được hết các vấn đề và nhiều khi có những quyết định sai lầm trong tư cách của người làm cha làm mẹ. Khi nhìn những đứa con của mình vật vã khóc than, tôi đã phải học bài học

khiêm tốn là nhiều khi tôi chẳng làm được gì ngoài sự hiện diện và một mình tình yêu của tôi thôi không đủ để chữa lành tất cả các vết thương của con cái. Chấp nhận như thế có thể đem lại sự giải phóng và làm cho nghiệp vụ cha mẹ của ta được bớt căng thẳng.

Nỗi cô đơn của cuộc sống góa bụa thật sâu sắc. Nhưng nó cũng là một cơ hội tốt. Có những khi tôi đã dùng nó để thúc đẩy mình cầu nguyện hoặc để đến với những người cô đơn khác trong đủ mọi ngành nghề. Nhưng cũng có nhiều khi tôi phải thấm  thía nỗi cô đơn và bị thách đố phải chấp nhận sự thật của mình lúc đó, là một người cô đơn. Có cố gắng để thay đổi thân phận của mình cũng uổng phí thôi. Trong những lúc khốn cùng như thế, tôi có thể gặp Ðức Giêsu bị bỏ rơi trên thánh giá. Không phải chỉ là kéo mình lại cho gần Người hơn, nhưng đó là một khoảnh khắc đặc biệt để được hiểu biết bằng chính kinh nghiệm thật.

Hồi chồng tôi còn sống, tôi cảm nghiệm Thiên Chúa thường là qua trung gian của anh ấy và quan hệ yêu đương của chúng tôi, dù tôi đã có đời sống cầu nguyện riêng tư. Tuy nhiên, từ khi anh ấy mất, kinh nghiệm về Thiên Chúa dường như trực tiếp hơn cá nhân với cá nhân nhiều hơn. Tôi không có ý kết luận rằng không có gì đứng giữa Thiên Chúa và tôi, hoặc tôi không thấy Người mạc khải với người khác nữa. Dù sao thì cũng có một sự khác biệt về phẩm chất trong cách tôi quan hệ với Người với cái mới đó đã đi vào đời sống của tôi làm cho tôi có một quan hệ khác và mới mẻ hơn đối với tha nhân.

Tình cảm của người góa bụa, đàn ông hay đàn bà, không giống với tình cảm của  các đôi bạn hay của tu sĩ, của linh mục, của người độc thân, người li dị. Qua quá trình làm công tác đó cho người đồng cảnh ngộ, tôi nhận thấy có nhiều người góa bụa tự coi mình như những kẻ đứng bên lề Giáo Hội. Có thể Giáo Hội nói chung không đánh giá góa bụa là một ơn gọi ngang tầm với các ơn gọi khác. Nhưng mỗi bậc sống khác đều có những khía cạnh được người góa bụa chia sẻ, và vì thế người góa bụa có thể phục vụ bằng nhiều cách khác nhau, sau khi hiểu biết những nhu cầu riêng của mỗi thành phần trong dân Chúa. “Vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại”. Tôi nghiệm  ra rằng người góa bụa có thể đóng góp nhiều cho Dân Chúa, giáo dân cũng như tu sĩ.

Chúa đã cho chúng tôi, những người đói khát, được no đầy ơn phúc, để chúng tôi chia sẻ. Danh Người là Thánh!

Chỗ Ðứng Ðúng Ðắn của Người Góa Bụa trong Giáo Hội Dolores Cabera

Một “Hình ảnh thích hợp về Giáo Hội Chúa Kitô”.

Những người góa bụa vẫn có chỗ đứng trong Giáo Hội. Họ đã được cộng đoàn Giáo Hội sơ khai yêu thương, quan tâm, kính trọng và cảm phục. Thánh Phaolô và các Tông Ðồ khác đã hiểu rõ vai trò của người góa bụa với những vấn đề riêng biệt của họ và đã dành sự quan tâm đặc biệt tới đời sống đạo của họ cũng như việc cấp dưỡng vật chất cho họ. Cuộc sống góa bụa của một nền tảng thần học rất vững chắc. Về nhiều phương diện, người góa bụa là một hình ảnh và là một biểu tượng của Giáo Hội Chúa Kitô, một Giáo Hội có lang quân ở trên trời và tự nuôi dưỡng mình bằng những tâm tư ý nghĩ dành hết cho Người mình yêu.

Trong khi chờ đợi, Giáo Hội ấy vẫn tiếp bước như khách lữ hành, sự hiện diện tuy vô hình nhưng rất thực của Bạn mình và không bao giờ quên rằng Người Bạn ấy luôn đồng hành với mình mỗi ngày. Giáo Hội ấy hân hoan tiến tới nơi gặp gỡ cuối cùng với Bạn mình.

9.       Lời Tự Thú của một Người Chồng

Victor Stanley Basnayake (Malaysia)

“Vợ chồng tôi như chó với mèo”.

Góp gió thành bão. Chuyện nhỏ mà nhiều sẽ trở thành to, lời cay mà nhiều đủ nát tâm hồn. Tôi đã cầu xin Chúa giúp tôi chấm dứt cái tình trạng nầy. Một hôm, chúng tôi có nguy cơ lại “lấn chiếm”, tôi tự bảo mình phải giữ sự yên lặng rồi sau đó tôi ôm lấy nàng và nói: “Anh yêu em”. Hành động đó đã có tác dụng: bằng nhiều cách nàng tỏ ra hơi tiếc, và tôi cũng thế. Thiên Chúa từ bi đã ban sự thuận hòa một cách dễ dãi làm  sao: Chỉ với ba tiếng: “Anh yêu em” ngắn ngủi.

Ðã từ lâu rồi tôi cố gặp gỡ Ðức Kitô nơi người khác, nhưng hầu hết là tôi nổi đóa với họ. Mỗi khi nói về người khác, dường như tôi chỉ thấy các khuyết điểm của họ, hầu như tôi không thể chịu được. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều để thoát khỏi tình trạng đó. Rồi lần kia, tôi bỗng nẩy ra ý nghĩ: “Vì sao Ðức Giêsu lại chọn một cái chuồng bò để sinh ra nhỉ?”. Những câu trả lời thông thường đại loại “vì Ðức Giêsu khiêm nhường” đã không làm tôi thỏa mãn. Rồi tôi đã được soi sáng để thấy rằng: vì đó là chỗ cư ngụ của Người, mọi người là đền thờ của Thiên Chúa. Thế mà tôi đã cả gan nói xấu đền thờ Thiên Chúa: Ðiều quan trọng là tôn thờ Chúa Giêsu, chứ đừng bận tâm về tình trạng của chuồng bò. Ba nhà đạo sĩ đã chẳng làm thế đó sao: Bây giờ tôi đã dễ dàng yêu mọi người vì biết rằng Chúa Giêsu sống trong họ. Xin ngợi khen Ngài.

“Nếu hạt giống mà không thối đi, thì nó không thể sinh bông trái”. Tôi bắt đầu hiểu rằng mình là hạt giống và tự hỏi một hạt giống đã phát triển và sinh bông trái bằng cách nào. Trước hết nó được gieo xuống, rồi phải chấp nhận nứt ra, phải hấp thụ nước và nắng ấm. Khi ấy và chỉ khi ấy nó mới có thể lớn lên thành cây và tiếp tục cần đến nước và ánh sáng để sinh quả. Tôi cũng thế. Tôi phải nứt ra cái vỏ tội lỗi của mình, mở lòng đón nhận ân sủng và tình yêu Thiên Chúa, chỉ khi ấy tôi mới có thể lớn lên và được biến đổi để sinh nhiều hoa quả. Chúa đã dạy tôi như thế.

Vốn là một người làm vườn, tôi đã có dịp quan sát một số cây lớn bị làm chết nghẹt. Ðó là những cây đại thụ tưởng chừng như bộ rễ của chúng không quan trọng. Nhưng bỗng nhiên bộ rễ lớn phình ra và rốt cuộc đã rút sự sống ra khỏi những cây này để cuối cùng chúng chết tiệt. Tôi cũng vậy. Nếu tôi dung dưỡng những thói xấu nơi mình, chẳng bao lâu sự sống của tôi sẽ bị nghẹt và tôi sẽ chết. Thường xuyên giải phóng mình ra khỏi những tôi nhẹ, nhờ các bí tích, để giữ mình trong tình trạng an toàn thật quan trọng biết bao: Tôi cố gắng đi xưng tội ít nhất một lần mỗi tháng để nhổ hết những tội nầy.

Có lần tôi chạy đến tòa giải tội để xưng một tội thiếu thành thật mà mình đã phạm, nhưng tôi đã trình bày một cách rất chung chung. Nghĩa là tôi đã không cởi mở trong việc xưng tội mình. Ðiều nầy làm tôi bất an mãi cho tới khi tôi dứt khoát xưng tội một cách đơn sơ cởi mở. Cần phải đơn sơ như một đứa trẻ để nói: “Con đã làm chuyện đó, con xin lỗi”. Ôi tình yêu Thiên Chúa thật tràn trào trên chúng ta. Người ta cảm thấy rất  tự do, rất sung sướng, và tâm hồn họ không còn dính bén tội đó nữa. Xin tạ ơn Chúa.

Mỗi khi muốn rót đầy một chai nước, tôi thấy không phải là một chuyện dễ, vì không khí bên trong chai sẽ tạo ra một sức đề kháng. Tôi cũng thế: Tôi muốn mình đầy tràn tình yêu và ân sủng Chúa nhưng tình yêu đối với các của cải thế gian và sự dễ dãi đối với chính mình… đã đề kháng lại. Càng sớm dốc sạch các thứ hão huyền nầy và những thú vui mau qua tôi càng sớm mở lòng ra được để đong đầy tình yêu và ân sủng Chúa. Hạnh phúc thật sự không nằm nơi của cải vật chất, nhưng nơi tình yêu của Thiên Chúa. Nếu tôi chiếm được Người là tôi đã chiếm được tất cả.

Tôi thường nói “đây là vợ của tôi”, “con cái” “của tôi” tài sản “của tôi”. Của tôi, của tôi: tôi tự hỏi: Có thật đó là của mình? Và tôi nhận ra ngay rằng mình không hề là chủ. Tôi không có quyền trên họ. Vậy chứ tôi sở hữu cái gì? Chỉ có các bổn phận. Mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa. Tôi chỉ là một người quản lý các tài sản của Người và vì thế tôi có những trách nhiệm, những bổn phận đối với các phần việc của mình… vợ con, và các của cải của tôi sẽ được điều đó khi chu toàn các bổn phận của mình. Người ta không chiếm hữu được gì vĩnh viễn dưới gầm trời này, chỉ có Thiên Chúa mới trường cửu. Hãy chiếm hữu Ngài:

Tại sao tôi vấp ngã? Vì:

  1. Tôi xao nhãng cầu nguyện.
  2. Tôi lấy hoạt động để thay cho cầu nguyện.
  3. Tôi xem Ðức Kitô như một cái gì phụ thuộc.
  4. Tôi hưởng thụ quá nhiều tiện nghi thế gian.
  5. Tôi vẫn chưa làm chứng cùng với người khác.

Nếu như mọi thứ nơi tôi đều hoàn hảo thì chắc tôi là một người máy.

 

10.     Ba Má Tôi Cãi Nhau Hằng Ngày

Vô Danh (Ðài Loan)

“Nhờ tin vào Thiên Chúa, tôi đã dần dần hiểu được ý nghĩa cuộc đời, dù phải nếm qua nhiều thử thách và đau khổ”.

Tôi lớn lên trong một gia đình bất hạnh, vì má tôi không bao giờ bỏ qua cho ba tôi về bất cứ hành tung lớn nhỏ nào của ông. Nhà ở của chúng tôi biến thành một bãi chiến trường của ba má tôi và tôi đã không nhận ra được mấy tình yêu từ họ.

Bởi ngày nào hai ông bà cũng lo nhiếc mắng nhau nên các công việc nhà bị bỏ mặc. Vì thế ngay từ khi lên tám tuổi, tôi đã phải oằn vai gánh vác mọi công chuyện trong nhà. Nhận thấy ba tôi có chút tình cảm thiên về tôi là má tôi liền trút lên tôi sự quạu cọ của bà. Không bao giờ tôi được bà khen về sự đảm đang của mình, cũng chẳng bao giờ bà chia sẻ cho tôi một món ăn ngon. Ðiều khắc nghiệt nhất là má tôi không cho phép tôi dùng xà bông để giặt quần áo cho ba tôi. Và vì thế áo quần của ba tôi chóng bẩn và cũ. Ông đã tặng tôi hai bạt tai vì cho rằng tôi đã cẩu thả đối với quần áo của ông. Còn má tôi thì thích thú trước nỗi oan nghiệt của tôi. Ông bà đường đường chính chính là ba má tôi thì tôi phải nghe ông bà chứ? Ấy thế mà hễ tôi nghe lời ba tôi là cầm chắc sẽ bị má tôi đánh đòn. Nỗi tủi cực của mình thật chất ngất, nhưng tôi không biết làm sao giải tỏa vơi được. Vì lớn lên mà không hề được dinh dưỡng thích đáng, tôi mắc phải chứng sưng hạch cổ. Tôi phải chịu ba cuộc giải phẫu, và trong lần mổ cuối cùng tôi suýt mất mạng. Rồi chứng sưng ruột đã dẫn đến hậu quả là màng dạ dày bị thủng. Tôi nằm bệnh viện suốt hai tháng. Thân thể tôi in đầy những vết thẹo không xóa được.

Suốt quãng đời tăm tối nầy tôi không biết Chúa, và tôi thường tự hỏi sao trời bất  công đã để tôi sinh vào một gia đình khốn nạn như vậy, bắt tôi phải chịu ngần ấy thử thách và buồn phiền.

Tôi đã thật sự nghĩ rằng cuộc đời là vô nghĩa. Như Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người với mục đích mà chỉ mình Người biết. Tôi chỉ có thể hiểu được mầu nhiệm của Chúa bằng con mắt Ðức Tin.

Tôi đến gặp một linh mục xin học Anh Văn đàm thoại. Nhưng linh mục ấy một mực bảo rằng nên học đôi chút về tôn giáo trước khi nghe các băng tiếng Anh. Dù không hài lòng lắm với kiểu sắp xếp đó, nhưng tôi đã miễn cưỡng chấp nhận. Rồi lần kia vị linh mục hỏi thăm về mảnh băng trên cổ tôi. Tôi nói với ông rằng đây là vết thương chưa lành sau cuộc giải phẫu hạch cổ lần thứ ba của mình. Sau đó ông giới thiệu tôi với một bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện Công Giáo. Nhưng tôi nhắc ông nhớ rằng vị bác sĩ điều trị cho tôi đã khuyến cáo tôi đừng giải phẫu thêm lần nữa. Thế nhưng, linh mục vẫn cố ép tôi đến gặp vị bác sĩ mà ông giới thiệu.

Tại bệnh viện Công Giáo ấy, tôi đã trải qua một tuần lễ xét nghiệm, có một nữ tu săn sóc và khích lệ tôi. Sự săn sóc ấy đã động viên tôi mãnh liệt bởi vì từ bé tôi nào có nhận được tình thương của ba má. Dù tôi chưa tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, Chúa vẫn dùng chị nữ tu này để lay động trái tim chai cứng của tôi.

Khi trở về nhà, bệnh viện cho tôi biết rằng mình phải trở lại để được giải phẫu. Tôi báo cho vị linh mục biết và ông đã đề nghị tôi cầu nguyện. Nhưng tôi nào biết cầu nguyện bao giờ đâu. Ông nói rằng tôi nên cầu nguyện theo cách mà tôi đã quen trong Phật Giáo. Tôi quyết định đi tới nhà thờ, quỳ xuống, khép mắt lại và thành khẩn cầu xin cho cuộc giải phẫu được tốt đẹp. Bất thần, tôi nhìn thấy một chiếc bóng trắng trong tâm trí mình và có tiếng nói: “Con đừng đi giải phẫu vì sẽ không thành công”. Tôi xúc động mạnh, nhưng khi mở mắt ra thì chiếc bóng trắng ấy không còn nữa. Sẵn đang lo sợ về cuộc giải phẫu. Giờ đây tôi lại càng hoang mang hơn bao giờ hết vì kinh nghiệm cầu nguyện này.

Ngày hôm sau, tôi trở lại bệnh viện trong một tâm trạng rất dao động. Vừa gặp tôi, vị bác sĩ bảo tôi trở về nhà mà không nói không rằng gì thêm. Tôi bực mình vì đã phải đi ba tiếng đồng hồ mới tới được bệnh viện để rồi được trả về nhà. Tôi đang định “cự” lại bác sĩ thì tiếng nói ấy lại vang lên một lần nữa trong tôi. Thế là tôi đồng ý quay về nhà và quyết định đình chỉ việc nghe băng Anh văn đàm thoại. Thay vào đó, tôi tập trung vào việc học giáo lý và hạt giống mà Chúa đã gieo vào tâm hồn tôi bắt đều nẩy mầm.

Sau khi lập gia đình, tôi không thể thụ thai được vì bị tắc ống dẫn trứng. Tôi hoàn toàn trông cậy vào Chúa xin Người cho tôi một đứa con.

Tôi thành khẩn cầu xin trong ba tháng trời, và nhờ tác dụng của thuốc mà tôi đang dùng để điều trị hạch cổ của mình, ống dẫn trứng lại được khai thông và tôi đã sinh được một cháu gái. Nhưng tôi vẫn ao ước một đứa con trai, thế là tôi lại cầu xin với Chúa nữa. Thiên Chúa đã nhận lời, ban cho tôi một cháu trai. Tôi cảm tạ Chúa bằng  cả tâm hồn mình. Tôi tin vào sức mạnh của cầu nguyện. Không lâu sau đó, bác sĩ phát hiện thấy một mầm bướu nhỏ và cứng đang lớn dần trong cổ tôi. Kết quả xét nghiệm cho biết rằng tôi đang bị ung thư hạch cổ. Cho tới những ngày đó thì ung thư có nghĩa là cầm chắc cái chết. May thay, y học đã có một liệu pháp mới giúp kiểm soát được bệnh ung thư của tôi. Ôi, tạ ơn ơn Chúa: Ngài đã không bỏ tôi. Tôi còn bị suyễn và bị thấp khớp nữa, nhưng bằng cách thực hành Yoga, tôi đã chữa được những chứng bệnh này.

Nhờ tin vào Thiên Chúa, tôi đã dần dần hiểu được ý nghĩa cuộc đời, dù phải nếm  qua nhiều thử thách và khổ đau.

“Ðể được sống đời đời, bạn phải vác thập giá của mình ở đời nầy và bước theo Chúa Giêsu”, những lời ấy đã đánh động tôi mãnh liệt.

Hơn hai mươi năm nay, tôi vẫn đi thăm viếng bệnh nhân trong các bệnh viện để quảng bá Tin Mừng về Tình Yêu Thiên Chúa. Tôi chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho họ để khuyến khích họ can đảm đối diện với thực tế và trông cậy vào quyền năng Thiên Chúa.

Tôi cũng vận dụng khả năng riêng của mình để lập một nhóm nhỏ nhằm rao giảng Tin Mừng cho các em ngoài Kitô giáo và kết quả rất khích lệ. Từ khi tôi dốc tâm làm  việc cho Chúa, Người đã ban nhiều ân phúc cho gia đình tôi. Chồng và các con tôi hoàn toàn ủng hộ tôi trong công việc mà tôi đang xúc tiến. Mặc dù bị ràng buộc vào việc Chúa, tôi không bê trễ việc gia đình. Tôi muốn dùng những gì mà Chúa đã ban cho mình như sự khôn ngoan, tài hùng biện, sức khỏe tốt trong hiện tại để làm khí cụ cho loài người gieo hạt giống tình yêu vào trái tim con người.

Ở đây cũng nên đề cập đến trường hợp má tôi trở lại đạo. Ba tôi, sau một cuộc sống cô đơn cùng cực, cuối cùng đã mắc bệnh tê liệt, phải vào bệnh viện, nhưng má tôi không cho bất cứ ai trong các con được săn sóc ông. Tuy nhiên vì ba tôi đặc biệt yêu tôi, tôi đã túc trực ngày đêm bên giường bệnh của ông. Tôi mệt lả đến nỗi máu trào ra nơi mũi, nhức tôi không thể về thăm má tôi vì bà ấy đã đuổi tôi. Tôi không phiền trách vì tôi chỉ muốn chu toàn bổn phận của một đứa con gái. Má tôi sống với một trong số cái em gái tôi, được yêu thương hết mực. Khi bà 68 tuổi, bà bị đau đường tiểu và phải vào bệnh viện mà không có một ai săn sóc. Bà hỏi tôi: “Con oán má lắm phải không?”. Tôi trả lời: “Dầu sao má cũng là người đã cưu mang con chín tháng muời ngày. Việc con săn sóc má bây giờ là bổn phận của con”.

Suốt thời gian bà nằm trên giường bệnh, tôi đã trình bày giáo lý cho bà. Dù tin rằng có Chúa, nhưng bà không chấp nhận đạo Công Giáo vì đạo ấy không cho phép thờ tổ tiên… Tôi cầu xin Chúa giữ gìn bà mỗi khi bà kiệt lực. Trong một lúc hồi tỉnh lại, bà đã ngỏ ý gia nhập Giáo Hội, tôi bảo đảm với bà rằng Giáo Hội Công Giáo cho phép cúng vái tổ tiên (*). Bà cảm thấy rất yên tâm và lắng nghe Giáo Lý thêm bốn ngày nữa. Sau khi lãnh nhận phép rửa, bà đã thản nhiên đi vào chốn yên nghỉ đời đời:

(*) Người Công Giáo không tôn thờ tổ tiên, nhưng tôn kính và cầu nguyện cho tổ  tiên.

11.     Con Tôi Bị Bệnh Tâm Thần

Anne Webb (Singapore)

“Veronica Anne, đứa con bị bệnh tâm thần của tôi, là một kho tàng quí đến nỗi thật tôi không tài nào diễn tả được sự quí giá đó bằng lời nói. Ba đứa con gái của tôi và tôi đã hết sức trông cậy vào Chúa quan phòng và vẫn mãi mãi trông cậy như thế. Hơn thế nữa, nhờ Veronica Anne mà tôi đã lớn lên trong tình yêu đối với Ðấng Tạo Thành để có thể thưa với Ngài: “Fiat Abba – lạy Cha, xin cho ý Cha được nên trọn”.

Theo chỗ chồng tôi biết, đáng ra Averonica Anne phải là một đứa con đầu lòng của chúng tôi. Nếu cơn chuyển bụng của tôi kéo dài thêm vài tiếng đồng hồ thì có lẽ Veronica Anne đã chết trong thai. Con bé bị chứng hoàng đản và cách thể duy nhất để cứu sống nó là phải truyền máu lấy từ cơ thể tôi, mà tôi thì đuối sức vì cuộc sinh nở. Ðó là vào giai đoạn Nhật chiếm đóng nên phương tiện y khoa không dễ dàng. Sau ba ngày liên tục được truyền máu, vẫn không thấy dấu hiệu gì hy vọng. Con bé sắp chết, và bác sĩ là một tín hữu rất sùng đạo đã xin cho Veronica Anne được rửa tội khẩn cấp. Dì tôi là người thực hiện phép rửa đó. Một mẩu ảnh hay làm phép lạ được đính trên áo nó và  con bé trở nên khá hơn, dần dần mạnh hẳn, nhưng phải chịu tai biến não.

Khi bác sĩ cho biết rằng con tôi sẽ bị chậm phát triển tâm thần, phản ứng đầu tiên của tôi là nổi giận. Nhưng khi nhớ lại rằng con mình đang sống, tôi đã thách đố Chúa và Ðức Mẹ rằng “Tại sao chỉ làm phép lạ một nửa? Tại sao con bé không được cứu chữa trọn vẹn?” Chỉ về sau này khi cuộc hôn nhân của tôi bị vỡ, tôi mới hiểu được lý do của phép lạ nầy. Ðó là vào năm Veronica lên năm tuổi, tôi ở tuổi hai mươi hai và đã có hai đứa con khác nữa. Bác sĩ thuyết phục tôi gửi Veronica Anne vào một tu viện để con bé có thể được huấn luyện riêng. Không bao giờ tôi quên được ánh mắt con tôi trong giây phút chia tay, để nó lại trong tu viện. Tôi quay lưng đi mà không dám ngoái lại nhìn, sợ mình sẽ ôm nó vào lòng và sẽ mang nó về nhà mất. Từ đó, tôi chỉ gặp con mỗi tháng một lần theo quy định. Veronica được hướng dẫn riêng, con bé học khâu vá, học đọc và viết, nó được giúp đỡ để có được nền tảng chắc chắn về Ðức Tin.

Người ta sớm phát hiện ra Veronica Anne bị điếc nặng, nhưng khuyết tật phụ thêm nầy của con bé đã trở thành điều may mắn bất ngờ, bởi vì Trung Tâm của nó được chuyển thành một cơ sở do chính phủ bảo trợ, và vì đó là một trường dành cho người điếc nên chỉ các trẻ em điếc mới được tiếp tục lưu tại đây. Thế là Veronica Anne được ở lại và tôi tạ ơn Chúa biết bao về cái khuyết tật nầy, bởi vì làm sao tôi có thể đưa con bé về nhà khi tôi phải làm việc để nuôi hai đứa em nó và chính tôi nữa. Ðể kiếm tiên, tôi đã nhận công việc gấp đôi vào những ngày trong tuần, làm việc cả những ngày Chúa nhật và các ngày lễ nghỉ.

Veronica Anne đặc biệt yêu mến Ðức Mẹ. Khi tôi nghỉ hưu vào tháng 10 năm 1985, tôi đã đưa con gái tôi về sống với mình và phải nhận rằng thật là một kinh nghiệm kinh khủng phải chôn chân một chỗ trong một căn hộ ba phòng. Nhưng chính nhờ sống với đứa con gái bị bệnh tâm thần ấy mà đức tin của tôi đã không bị lung lạc. Làm một bà  mẹ góa của một đứa con bị bệnh tâm thần thật là vất vả. Tôi chỉ cần làm thủ tục li dị và tái hôn là có thể được ổn định. Nhưng tôi không thể, vì tôi biết rằng Thiên Chúa đã ban cho tôi đứa con đặc biệt của Thiên đàng nầy, một kho tàng quí hơn hết mọi châu báu trần gian.

Trong một lần mới đây, tôi đã nhận được những ân huệ rất kỳ diệu. Tôi đã trở thành một người bạn đường gắn bó hơn với Ðức Giêsu. Và kết quả tất nhiên sẽ là: tôi cảm thông hơn với cuộc sống khổ nạn của Người, nhờ vậy tôi có thể tham gia tích cực hơn vào cuộc khổ nạn đó. Giữa khổ nạn và Phục Sinh là cái chết Thập Giá. Bạn không chỉ chịu đau khổ với Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu mà thôi, bạn còn phải chết với Người nữa. Bí quyết để tôi đứng được trong những tháng năm qua chính là Thánh Lễ. Thường tôi cố gắng hết sức để có thể dành một giờ trước hoặc sau Thánh Lễ. Không có thánh lễ hằng ngày thì chẳng thể nào tôi được như hiện nay.

12.     Một Kinh Nghiệm Yêu Thương

Andrés và Luisa Calvo (Tây Ban Nha)

“Giây phút nầy em là người đàn bà hạnh phúc nhất trần gian”.

Hồi tôi sinh cháu thứ ba, chúng tôi có một kinh nghiệm tình yêu sâu sắc, xin chia sẻ với các bạn. Ðây là cách chúng tôi kinh nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng tôi.

Bốn tiếng đồng hồ đã trôi qua, từ lúc tôi sinh cháu bé, nhưng André, chồng tôi, vẫn chưa gặp tôi được vì đã hết giờ thăm nuôi. Tôi chắc rằng anh ấy đang luẩn quẩn đâu đây thôi. Tôi nhích lại gần cửa sổ và thấy Andrés đang đứng tựa một gốc cây dưới  vườn. Trông anh có vẻ thất vọng và buồn bã lắm. Chẳng thể nào tôi diễn tả được cảm xúc của mình lúc ấy. Bất chợt tôi nẩy ra ý nghĩ: Hãy viết cho anh ấy một lá thư tình để anh rõ được niềm cảm thông và tình yêu mãnh liệt nhất của mình.

Trong thư, tôi đã giải bầy tất cả những gì muốn chia sẻ với anh. Tôi mở cửa sổ và ném bức thư về phía anh, với tất cả tình yêu trong lòng mình. Tôi thấy anh đưa tay ra đón lấy bức thư và ngay lập tức mở nó ra. Vừa đọc anh vừa chốc chốc hướng về cửa sổ phòng tôi. Tôi tưởng như có thể thấy rõ những giòng nước mắt trào ra nơi khóe mắt anh, thấy rõ niềm vui và những cảm xúc nơi anh. Thỉnh thoảng anh lại vòng hai tay như tỏ ý muốn ôm lấy tôi. Trước khi rời bệnh viện, anh còn gửi những nụ hôn gió về phía cửa sổ phòng tôi. Ðây là bức thư mà tôi đã viết cho anh:

“Anh yêu! Ðã bốn tiếng đồng hồ trôi qua từ khi em sinh xong. Em cảm thấy rất đau đớn chỉ vì không có anh bên mình. Tình yêu của anh chắc chắn sẽ tăng thêm sức chịu đựng cho em. Em sung sướng báo tin cho anh rằng cuộc hồi sức rất tốt đẹp và cơn đau không còn nữa. Em mừng nhất là vì cảm thấy Thiên Chúa đã ưu ái thỏa mãn khát vọng của em bằng đứa bé gái mới sinh đó, một món quà của Người. Thêm vào đó niềm vui càng dâng cao khi em trông thấy anh lúc nãy. Em cũng hạnh phúc vô cùng khi nhìn thấy nỗi đau khổ phờ phạc trên nét mặt của anh. Anh là cả tình yêu và trìu mến của em. Giây phút nầy em cảm thấy mình là người đàn bà hạnh phúc nhất trên đời. Mãi mãi anh là chỗ tựa của em, là nghị lực của em, là bàn tay vững chắc lèo lái con thuyền cuộc đời của chúng ta. Trên con thuyền nầy, năm người trong gia đình chúng ta đều được yên tâm. Mẹ con em tât cả đều yêu kính anh, tất cả đều cần có anh mới sống được mỗi ngày cái giấc mơ cuộc đời, giấc mơ mà Chúa đã thêu dệt lên về gia đình chúng ta, mái nhà chúng ta. Hết lòng cảm ơn anh, Andrés. Em yêu anh vô cùng”.

Và đây là những chia sẻ của Andrés:

“Tim tôi như vỡ ra vì sung sướng khi đọc những giòng chữ của Luisa. Tôi dâng niềm tri ân lên Cha trên trời và hướng nhìn lên phía cửa sổ ấy lần cuối, lòng tôi tràn ngập sung sướng, tôi gửi một nụ hôn nồng nàn nhất cho người vợ dũng cảm của tôi. Rồi tôi trở về săn sóc hai đứa con khác. Chúng đang ngóng trông tôi, chúng đón tôi bằng những câu hỏi huyên thuyên, khi tôi vừa bước chân vào nhà. Cả ba cha con tôi cùng nhau tạ ơn Chúa, vì Người đã đến hiện diện nơi đứa trẻ bé bỏng của chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện cho mẹ và cho em bé, ước mong hai người sẽ sớm về nhà để chúng tôi có thể ôm lấy và hôn dồn dập những nụ hôn yêu thương”.

13.     Xung Ðột trong lòng một Bà Mẹ Ching O Yun (Ðài Loan)

“Con cái không thuộc về bạn, nhưng là của Thiên Chúa”.

Tôi là một bà mẹ của năm đứa con, hai đã có gia đình và đứa trai út đang học trung học. Vì các cháu đều đã trưởng thành nên tôi rảnh rang hơn và có thể tìm một công việc làm. Hiện nay tôi đang làm việc cho một trường học.

Bằng kinh nghiệm của mình, tôi thấy rằng hễ mình sống theo lời Chúa, thì rất nhiều khó khăn trở thành có thể chịu đựng được. Chẳng hạn trường hợp liên quan đến việc cưới vợ của con trai tôi. Tôi đã dựa vào lời Chúa để vượt qua được tính vị kỷ của mình và làm sáng tỏ vấn đề.

Lúc con trai tôi sắp sửa kết hôn, tôi hiểu rằng nó sẽ xa gia đình vì con dâu tôi là một người nhập cư ở Mỹ và con trai tôi cũng đã lo thủ tục để trở thành một công dân Mỹ.  Ðây đáng phải gọi là một dịp vui mừng, nhưng tôi thì đau khổ và dằn vặt quá đỗi vì tôi rất sợ mất con. Tôi biết rằng mình không có lý do gì chính đáng để ngăn cản nó hay yêu cầu nó ở lại. Tâm hồn tôi bấn loạn và tôi quên bẵng cả lời Chúa. Gia đình không được êm ả. Mọi người đều bảo rằng tôi trái tính. Các đồng nghiệp thì nghĩ chắc là tôi bị bệnh gì đây. Tôi đã sống khá lâu trong sự khó chịu nầy mà không có cách gì để giải quyết. Tuy nhiên tôi đã cầu nguyện và đã tìm được sự hướng dẫn của Thiên Chúa.

Số là một lần khi tôi dở cuốn sách cũ và bắt gặp câu trích dẫn: “Con cái không thuộc về bạn, nhưng là của Chúa”. Tôi nghe lòng nhẹ tênh và đã đọc đi đọc lại lời trích dẫn ấy mấy lần. Một câu kinh thánh khác chợt hiện lên trong óc tôi: “Anh phải bỏ cha mẹ và kết hợp với vợ mình” (Ep 5,31).

Tôi đã tìm lại được sáng suốt sau khi suy nghĩ về các Thông điệp ấy. Tôi hiểu rằng mình chỉ là một kẻ thay mặt Chúa trên trời để săn sóc con cái. Chúng không thuộc về tôi, cũng không phải là tài sản của tôi. Giờ đây, chúng đã trưởng thành, chúng cần tự lập.

Khi ngày cưới đến gần, tôi đã phụ giúp các việc sửa soạn. Ngoài những quà tặng cho các con, tôi còn có một món quà quí giá hơn cho chúng, món quà đã trở thành  trọng tâm của cuộc đời tôi: “Các con hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn hết sức, và yêu thương tha nhân như chính mình”.

Khi các con tôi còn nhỏ, tôi đã cố gắng khắc sâu vào lòng chúng ý tưởng lấy Chúa làm trung tâm cuộc sống, và vào những lúc thích hợp, tôi đã trao chúng những món quà quí giá đó.

Tôi cũng đã chia sẻ với con dâu tương lai rằng hôn nhân không phải là một thảm  hoa hồng và có những ràng buộc sẽ trở thành gây cấn trong tương lai. Tôi đã nuôi năm đứa con lớn thành người và đã đương đầu với nhiều khó khăn, Tuy nhiên tôi đã trông cậy vào Thiên Chúa và đã “đứng” được qua bao sóng gió. Cả hai chúng nó đều đồng ý lấy Chúa làm trung tâm cuộc đời.

Mùa đông năm ngoái, chúng đã làm đám cưới, và chúng đã định cư ở Mỹ ngay sau tuần trăng mật. Các đồng nghiệp của tôi tỏ ra ái ngại cho tôi và xì xào rằng tại sao tôi chịu mất con trai của mình dễ dàng đến thế. Nhưng tôi phân giải với họ rằng con trai tôi không phải là tài sản riêng của tôi.

Dịp lễ giáng sinh, các con tôi đã gửi về cho tôi một số hình ảnh đẹp giới thiệu nhà mới của chúng. Liếc thoáng qua các tấm ảnh, tôi không thấy một tranh ảnh Thánh nào. Tôi liền viết thư cho chúng và nhắc nhở: “Ngôi nhà các con sẽ xinh hơn biết mấy, nếu có Chúa hiện diện. Ðược thế, ngôi nhà sẽ không còn thiếu gì”. Chúng hiểu điều tôi muốn nói trong thư hồi âm, chúng cam đoan với tôi rằng chúng không hề quên Chúa. Mặc dù những tấm ảnh đó không cho thấy một tranh ảnh nào, chúng vẫn cầu nguyện với nhau mỗi tối và bất cứ lúc nào có thể, mỗi ngày chúng đều đi lễ sáng. Tôi cảm thấy sung sướng và rất hài lòng.

Chia sẻ nầy chỉ là một kinh nghiệm bé nhỏ của tôi. Tôi có thể mạnh dạn nói rằng Lời Chúa như ngọn hải đăng soi dẫn đường đời chúng ta qua đêm tối.

14.     Con Cái Bạn Như Những Chồi Non Của Khóm Ô Liu (Tv 128,3)

Beda Chen (Ðài Loan)

“Chúng tôi xác tín rằng mặc dù theo đuổi học hành là điều quan trọng, nhưng còn một điều quan trọng hơn trong đời sống: đó là tìm kiếm Thánh ý Chúa và chu toàn thánh ý Người”.

Có rất nhiều điều để tạ ơn Chúa mỗi ngày. Chúng tôi có năm con, bốn trai một gái đều đã lớn. Chúng không chỉ bảnh bao xinh đẹp mà còn là những tín hữu nhiệt thành nữa. Chúng siêng năng cầu nguyện, dự lễ Chúa Nhật và tham gia các hoạt động giáo xứ. Chúng rất kính trọng người già và không bao giờ làm chúng tôi phải buồn phiền, lo lắng, Hai đứa lớn, Franchs và Fang Zhong, đã tốt nghiệp đại học Zheng Ta và hiện  nay

đang theo khóa huấn luyện quân sự. Eng Hua, con trai thứ ba của chúng tôi, đang học điện cơ ở Ðại Học Zhong Yuan. Còn Fang Fang, con gái đang học ngành công tác xã hội ở Ðại Học Tung Hai. Fang Zheng, con trai út của chúng tôi, rất dễ thương và hầu như lúc nào trên môi cũng điểm nụ cười. Nó học hành rất giỏi, lại còn say mê các môn giải trí lành mạnh khác nữa như nghe nhạc, đi bơi, chơi quần vợt, thiên văn. Ðôi khi nó đánh thức tôi dậy lúc nửa đêm để chỉ cho tôi sao chổi halley. Nó cũng siêng năng phụ giúp các việc trong nhà. Ba má tôi rất nhiệt thành trong đức tin của ông bà. Ông bà dự Thánh Lễ hằng ngày và lần chuỗi Mân Côi. Thời gian Fang Zheng chuẩn bị thi vào Ðại Học, cả gia đình hỗ trợ nó bằng lời cầu nguyện và bằng sự khích lệ. Riêng vợ tôi đã làm tuần chín ngày để cầu nguyện cho Fang Zheng. Tôi đã dành thời giờ đi chơi với nó để giúp nó vơi bớt căng thẳng về kỳ thi. Gia đình chúng tôi cũng thường gặp nhau để cầu nguyện xin cho Thánh ý Chúa được thể hiện, tất cả chúng tôi đều tin tưởng nơi Fang Zheng. Nó cũng rất tự hào rằng mình sẽ vượt qua kỳ thi cách tốt đẹp. Nhưng, rồi khi công bố kết quả nó biết mình bị trượt, chúng tôi hết thảy đều sững sờ. Tuy nhiên, không ai thắc mắc bực bội gì, cũng không ai trách cứ và đổ tội cho Fang Zheng. Tất cả đều đón nhận Ý Chúa và tiếp tục tín thác vào Người.

Hiện nay Fang Zheng đang ôn bài chuẩn bị thi lại. Nó vẫn giữ nét cuời trên môi và vui vẻ đón nhận thách đố nầy. Chúng tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện và khuyến khích để  hỗ trợ nó.

Cuộc sống gia đình tôi vẫn bình thường vì chúng tôi xác tín rằng mặc dù theo đuổi học vấn là rất quan trọng, nhưng còn một điều quan trọng hơn trong đời sống: đó là tìm kiếm thánh ý Chúa và chu toàn Thánh ý Người.

15.     Thiên Chúa Ở Giữa Bọn Trẻ Vô Danh (Tây Ban Nha)

“Thánh Têrêxa Avila nói rằng Thiên Chúa lui tới dễ dàng giữa những xoong chảo trong nhà. Ðối với một bà mẹ của một gia đình đông con (bảy đứa con) thì Thiên Chúa còn phải lui tới dễ dàng hơn nữa giữa các con cái trong nhà, giữa những khó khăn và những biến cố xẩy đến cho gia đình”.

Làm sao khám phá ra Người? Ðây là cách Người tỏ mình ra rất thật cho tôi vào một buổi tối nọ tại phòng ngủ của mấy đứa con lớn nhà tôi.

Ðó là một tối mùa đông ở thành phố Salamanca. Trời lạnh, cả gia đình ai nấy đã vào giường. Vào nửa đêm, tôi bỗng nghe thấy những tiếng thì thầm trong phòng bọn trẻ. Hai thằng con trai (20 và 21 tuổi) đang cố gắng một cách vô vọng để an ủi cô em gái (18 tuổi) đang nức nở than thở, “Bạn bè không hiểu em và và làm cho em chán nản, tuyệt vọng. Em ghét chúng nó, dù thật sự em không chắc mình có ghét chúng không”. Tôi bước vào và cố gắng an ủi con gái, nhưng cũng hoàn toàn vô ích. Tất cả chúng tôi dường như bất lực… cho đến đứa con trai út chúng tôi lại, và với một giọng nói ôn tồn, nó đặt thẳng vấn đề với đứa con gái đang khốn khổ của tôi: “Chị Janet, em muốn biết chị đã có bao giờ cầu nguyện cho những người bạn ấy chưa? Em chỉ có thể nói rằng câu chuyện rất hữu ích. Em biết có nhiều người quí mến em nhưng cũng không thiếu những người ác cảm với em, thậm chí không muốn chào em. Em đặc biệt cầu nguyện cho hạng người đó và xin Chúa thứ tha nếu em đã xúc phạm đến họ cách nầy hay cách khác, hoặc giả xin Người giúp họ nhận ra sự thật về em và về các sự việc em làm. Nếu vậy, Em mong chị hãy cầu nguyện và cầu nguyện tha thiết cho những người bạn đã làm chị buồn. Chị đồng ý chứ? Em nói nghiêm túc đấy”.

Nghe thế, tôi hết sức xúc động. Tôi cảm nhận được Chúa đang hiện diện thật sự giữa chúng tôi, ngay chính chỗ đó, trong đêm lạnh giá đó, trong đám trẻ dễ mến nầy, những đứa mà người lớn như chúng tôi hay đánh giá là khô khan và nguội lạnh với tôn giáo. Chính khi mình không ngờ gì cả, chúng lại cho mình một bài học thú vị như vậy. Thiên Chúa đang thực sự lui tới giữa chúng tôi.

Tôi sung sướng được làm mẹ của những đứa con như thế và cảm thấy hạnh phúc  tột cùng khi thấy rằng việc dạy dỗ và làm gương của mình đã không vô ích. Janet hoàn toàn tỉnh ngộ. Bây giờ nó đã cảm thấy an bình và chúng tôi trở về giường ngủ.

Trong không khí tĩnh mịch của đêm đông lạnh giá, tôi cứ thầm nghĩ “Xin tạ ơn Chúa nhân lành, vì người đang thực sự ở giữa chúng con”.

Ðược xây dựng trên nền tảng là Bí Tích Hôn Nhân, gia đình Kitô Hữu là nơi ưu tiên để đào tạo con người để khơi dậy, phát triển và chia sẻ đức tin. Ước gì gia đình  Kitô Hữu trở nên một “giáo hội tại nhà” thật sự, trong đó các thành viên cũng cầu nguyện với nhau, thi hành mệnh lệnh yêu thương một cách mẫu mực, và hoan hỉ đón tiếp, tôn trọng và bảo vệ sự sống. (Tông huấn về gia đình, số 6 của Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 1987)